Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Về chợ Tía ăn bún riêu cua sạch với sung muối



Bún riêu cua Hà Nội thường bị pha trộn với đậu phụ nên gạch cua ăn hơi bã bã. Muốn ăn bún riêu cua “xịn”, bạn có thể qua Thường Tín để thưởng thức.

Khu vực Văn Tự - Thường Tín – Hà Nội gần ga chợ Tía, một ga xe lửa nhỏ trên tuyến đường Bắc Nam, nên người ta thường gọi chung cả khu vực xung quanh đó là khu ga Tía.
Bát bún riêu cua ở khu vực này đúng theo kiểu ngày xưa. Nghĩa là không cầu kỳ màu mè xanh đỏ, không cố làm ra vẻ nhiều gạch cua váng lên mặt nước. Bát bún cua ở đây “thật thà” lăn tăn từng miếng gạch hơi vụn.

Nồi nước riêu cua không cố "thể hiện" nhiều gạch cua váng bánh mà
những miếng gạch "thật thà" hơi vụn được nước đẩy lên theo nhịp sôi.
Khu vực này cũng có chợ quê chung cho gần 10 xã: Văn Tự, Tô Hiệu, Bộ Đầu, Nghiêm Xuyên… Món ăn chơi truyền thống ưa thích của người dân nơi đây mỗi lần đến chợ là bún riêu cua.

Ăn bún co chân theo kiểu nông dân.
Người dân nơi đây ăn bún riêu cua rất đặc biệt. Nồi riêu cua chỉ được phép nấu bằng  nguyên liệu: cua giã (xay) nhỏ, cà chua, giấm bỗng, muối, mắm, hành tươi, và chút mì chính.
Ăn bún riêu mà không dám ăn rau sống thì đúng là bị mất đến hơn một nửa sự sung sướng khi thưởng thức. Đến đây, bạn sẽ không phải lo lắng bất cứ điều gì khi ăn rau sống. Những người bán bún sẽ tự đi lấy rau sống sạch ở các làng xung quanh: rau kinh giới, rau tía tô, hoa chuối (hoặc cây chuối non) thái mỏng… Họ tự xin nhau và thường ít khi phải mua các loại rau này, có mua cũng là cái giá vô cùng “hữu nghị”.
Chưa ở đâu ăn bún riêu cua lại kèm sung muối như ở chợ Tía. Sung muối có hai loại: muối chua hoặc muối sổi. Xung quanh khu vực chợ Tía, làng nào cũng có nhiều cây sung nếp ở những bờ ao hoặc ở vườn nhà ai đó vì dân cả vùng này đều thích ăn sung muối, đặc biệt là ăn cùng bún riêu cua.

Sung vừa muối sổi được 1 hôm.

Bát sung muối dành cho khách ăn bún.
Sung nếp còn ở độ non thì muối sổi, đến độ bánh tẻ thì muối chua. Sung dùng để muối sổi được cắt ra, trộn với mắm, bột canh, ớt, dấm, đường, mì chính, một ít nước sôi. Sung muối kiểu này hôm trước sang hôm sau là có thể ăn được, rất lạ miệng.
Sung nếp bánh tẻ dùng để muối chua. Sung rửa sạch, để nguyên quả, ngâm nước muối cho hết nhựa thì được trần qua nước sôi. Sau đó là pha nước muối đổ vào vại, tiếp đến cho các loại gia vị gừng, tỏi, riềng, ớt thái nhỏ vào khuấy đều, để một lúc rồi cuối cùng mới cho sung vào. Dùng vỉ tre để chặn lên những quả sung rồi lấy một cái nén đậy lại. Sung này khi mang ra ăn với bún riêu thường phải cắt làm đôi, làm ba.
Ăn bún riêu cua ở đây không bị ngán vì không quá nhiều váng mỡ, lại có rau sống sạch, sung muối lạ miệng, một vài miếng chả viên thơm. Khu vực chợ Tía cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng trên dưới 20 cây số.

Ăn bún riêu thỏa thích với rau sống, sung muối mà không lo sợ rau bẩn.

Độc đáo bún riêu cua biển Đà Nẵng

Huyền Anh, nguồn ảnh aFamily.vn

Ghé Đà Nẵng chơi, du khách không chỉ được thưởng thức mỳ Quảng, cà phê vỉa hè mà còn để có dịp ăn thử món bún riêu cua bể tuyệt ngon nơi đây.

Món ăn này là sự hòa trộn giữa những nét tinh tế của món riêu cua miền Bắc và hương vị biển Đà Nẵng.

 Tô bún riêu cua bể mang hương vị biển Đà Nẵng.

Điểm đặc biệt nhất của món ăn này chính là gạch cua. Thứ gạch có màu vàng vàng và khi ăn thì bùi, thơm. Người ta để gạch đông thành những miếng to hệt như bao diêm chứ không phải là món gạch cua tơi và nát như ngoài Bắc. Mỗi khi thực khách có chút thắc mắc, cô bán hàng lại khẽ đùa đó là gạch cua biển.
 
Riêu cua được làm từ gạch cua đồng, thịt cua biển, thịt nạc, trứng gà…

Nhưng hóa ra, riêu cua được làm từ thịt ghẹ hoặc thịt cua biển, tôm khô, thịt nạc heo, trứng gà và đương nhiên cũng không thể thiếu gạch cua đồng. Đó phải chăng là lý do vì sao riêu cua lại rắn, khi ăn có vẻ hơi xạp xạp nhưng lại bùi và thơm.

Khi khách gọi “ cho một tô bún riêu”, cô bán hàng sẽ nhanh chóng phục vụ. Trước hết là công đoạn chần bún trong nồi nước nóng rồi cho vào bát. Cần phải chần bún qua nước sôi để bún bớt chua và bớt dính. Cho bún vào bát xong, cô cho vào đó ít mỳ chính, ít giá chần chín, thêm ba đến bốn miếng gạch cua, một ít đậu phụ rán vàng. Nếu khách gọi bát bún riêu giò thì cô sẽ cho thêm vào bát những miếng giò thái mỏng.
Xong đâu đó cô bỏ thêm một nhúm hành hoa thái nhỏ vào trước khi chan nước dùng vào bát. Bát bún nào của cô cũng có thêm lát dứa và cà chua cho nhiều màu sắc.
Bát bún riêu không thể thiếu những lát giò thái mỏng.

Bát bún được bưng ra cho khách dùng sẽ tùy theo khẩu vị mà cho thêm chanh hay giấm, thêm ớt chưng hay ớt tươi. Ngoài ra, mỗi bàn còn có thêm hũ mắm nêm của xứ Quảng- giống như mắm tôm miền Bắc vậy.
Ngoài ớt chưng, giấm tỏi còn có thêm mắm nêm của người miền Trung.

Vị của bát bún riêu Đà Nẵng cũng khác nhiều bát bún riêu miền Bắc. Có sự khác nhau này là bởi người Đà Nẵng đã có những biến tấu nhất định trong khi nấu. Nồi nước dùng có rất nhiều cà chua, nếu ở miền Bắc vị chua được tạo ra bởi me hay sấu thì ở đây được thay thế bằng dứa. Dứa vừa tạo ra vị chua nhưng vừa tạo được mùi thơm cho bát bún riêu. Bên cạnh đó, nước dùng bún được nấu ngọt hơn. Vậy nên không ít du khách miền Bắc mới ăn sẽ thấy hơi lợ lợ và không quen.
Nồi nước dùng nổi bật bởi riêu cua bể, cà chua và dưa thái lát.

Ngoài ra, trên bàn cũng không thể thiếu đi rổ rau sống. Chỉ một ít rau xà lách, ít hoa chuối hay thân chuối thái nhỏ công thêm ít rau húng, rau tía tô nhưng cũng món ăn hấp dẫn hơn.
Bún riêu ở Đà Nẵng được bán ở trong những quán sang trọng và cả trên vỉa hè. Nhưng dù là ở đâu thì hương vị của bát bún riêu vẫn ít có sự thay đổi. Bước vào quán là thấy nồi nước dùng nóng hổi, là thấy bát riêu cua đặc biệt, và thấy cả những gương mặt đổ mồ hôi khi vừa thưởng thức xong một bát bún.

Ghé qua Đà Nẵng đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món bún riêu cua bể này bạn nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét