Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Về “thủ phủ khoai sọ”

Dịp này, lên huyện vùng cao biên giới Kỳ Sơn-Nghệ An, hầu hết khách miền xuôi đều mua về một ít khoai sọ để ăn hoặc làm quà. Bởi hiện nay đang là thời điểm chính của vụ thu hoạch, khoai sọ đang ở thời điểm ngon và nhiều tinh bột nhất.

Dọc Quốc lộ 7A chạy qua Thị trấn Mường Xén, thứ khoai của núi rừng này được bày bán khá nhiều với mức giá trên dưới 10.000 đồng/kg. Nếu có dịp đi qua những tuyến đường vào các bản làng, chúng ta thường gặp những người phụ nữ dân tộc Mông, Khơ mú gùi những bế khoai sọ nặng trĩu từ rẫy về nhà hoặc ra bán tại khu vực Mường Xén.
 
Ở Kỳ Sơn, khoai sọ được trồng tập trung tại các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Đoọc Mạy, Na Ngoi và Tây Sơn. Đây là những vùng đồi núi cao, là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông. Nói như vậy để biết được rằng, cây khoai sọ ở đây ưa độ cao, khí hậu mát và tất nhiên điều kiện thổ nhưỡng phải thích hợp.
Cuối năm, trời rét căm căm, chúng tôi vẫn quyết tâm “cưỡi” xe máy vượt khoảng 15km đường đèo vào xã Tây Sơn, một trong những “thủ phủ” của cây khoai sọ ở Kỳ Sơn. Trên đường đi phải xuyên qua những làn sương mù dày đặc, những đỉnh núi và thung lũng phủ đầy mây trắng. Chợt nghĩ, phải chăng cây khoai sọ ở đây còn thích được ấp ủ trong những làn sương, làn mây?
 
Niềm vui được mùa khoai sọ của bà con bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn)
Đã gần trưa, đất trời và núi rừng Tây Sơn vẫn nhuốm một màu trắng của sương mây. Khi đặt vấn đề tìm hiểu về việc, trồng, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ, chúng tôi được nghe ông Vừ Chống Dì, Bí thư Đảng ủy xã thuyết giảng về loài cây này: “Ở đây hầu hết các gia đình đều trồng khoai sọ để làm lương thực, chủ yếu là tự cung tự cấp.
 
Thứ cây này khó tính lắm, trồng nó phải chọn vùng đất tốt, thường phải xẻ phát những chỗ rừng già hoặc phủ rơm hay phân xanh lên đất rẫy chờ phân hủy mới trồng được. Như thế củ khoai sọ mới to và nhiều bột, ăn mới ngon. Nếu bón phân, bất kể là phân chuồng hay phân hóa học thì củ của nó có thể sẽ to nhưng lúc ăn chỉ thấy toàn xơ, chất bột rất ít. Như thế, sẽ phí công 8 tháng trời vun trồng, chăm bón và thu hoạch”.
 
Chợt nghĩ, giống cây này thật lạ, tại sao được tiếp nhận nguồn dinh dưỡng từ phân chuồng và phân hóa học là đánh mất ngay bản chất của mình, trong khi đó hầu hết các loại cây nông nghiệp khác lại cho năng suất cao?
 
Phải chăng bao đời nay cây khoai sọ đã gắn bó mật thiết với rừng già, với mạch đất và khí trời nên không cần tới một nguồn dinh dưỡng nào khác? Rồi chợt liên tưởng đến sự chất phác, hồn hậu và ngay thẳng của những con người quanh năm gắn bó với núi đèo và sương mây.
 
Khi chúng tôi hỏi về tổng diện tích khoai sọ trên địa bàn toàn xã, ông Vừ Chống Dì cho biết: “Nói thật là không thể thống kê chính xác về diện tích, vì nhà nào cũng trồng, nhà trồng ít, nhà trồng nhiều, nhà trồng gần, nhà trồng xa. Chỉ biết rằng 6/6 bản đều trồng cây khoai sọ, trong đó trồng nhiều nhất là bản Huồi Giảng 1 và bản Lữ Thành”.
 
Được một cán bộ văn phòng dẫn đường, chúng tôi vượt mấy cánh rừng và leo mấy con dốc để tìm đến rẫy khoai sọ của một gia đình ở bản Huồi Giảng 1.
 
Chủ rẫy là chị Mùa Y Xìa, đôi tay người phụ nữ Mông này đang thoăn thoắt dùng thuổng đào bật gốc từng bụi khoai sọ, sau đó nhặt từng củ khoai tròn lẳn cho vào bế. Rẫy khoai sọ này khoảng hơn 500 m2, nằm ở một góc của một rẫy lúa bạt ngàn đã thu hoạch xong, giờ chỉ trơ lại rơm rạ.
 
Chị Xìa cho biết: “Rẫy nhà ta chủ yếu trồng cây lúa, mỗi mùa thu hoạch xong thường dồn rơm rạ lại một góc để chờ mùa sau trồng khoai sọ cho tốt. Ta trồng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu gia đình thôi chứ không có nhiều để đem ra Mường Xén bán”.
 
Gần trưa, khi sương mù bắt đầu tan, bà con từ nương rẫy về bản, chúng tôi tìm đến nhà ông Vừ Chông Thông - Trưởng bản Huồi Giảng 1. Ông Thông vui vẻ tiếp khách với nồi khoai sọ vừa luộc xong, cầm lên tay nóng ran, làn hơi nước bốc lên mang theo một mùi thơm quyến rũ với khách miền xuôi.
 
Trong cái buốt lạnh của núi rừng, lại gặp lúc vừa băng qua một chặng đường mệt nhọc, chúng tôi như ấm và khỏe hẳn khi được ăn khoai sọ luộc đang nóng hổi, rồi thưởng thức vị ngọt bùi của tinh bột ngũ cốc hòa quyện với hương đất, hương rừng như gần, như xa.
  
Ông Thông xởi lởi: “Khi mới biết nhìn, ta đã thấy củ khoai sọ nơi góc nhà. Sau này ta hỏi bố mẹ, ông bà, họ cũng nói vậy. Từ bao đời nay, khoai sọ luôn gắn bó và có mặt trong các ngôi nhà của người Mông. Nó là một loại lương thực để hỗ trợ mỗi khi thóc lúa trong nhà đã cạn.
 
Vào mùa giáp hạt, khoai sọ trở thành nguồn lương thực chính của mỗi gia đình. Mấy năm gần đây, bà con nhận được gạo cứu trợ trong thời kỳ giáp hạt của Nhà nước nhưng vẫn không ai bỏ cây khoai sọ”.
 
Nghe tin có khách dưới xuôi lên, bà Thông làm món canh khoai sọ để đãi khách. Củ khoai sọ được gọt vỏ, rửa sạch rồi xắt nhỏ nấu với rau cải Mông và một ít xương lợn. Lúc này vừa thưởng thức khoai sọ luộc, nhưng khứu giác và vị giác không thể bỏ qua được mùi vị quá hấp dẫn của canh khoai sọ do bàn tay người phụ nữ dân tộc Mông chế biến. Ở đó có vị bùi của khoai sọ, vị béo của thịt, vị ngọt và thanh của cây cải. Các loại mùi vị này quyện lẫn vào nhau làm nên hương vị đặc trưng của thứ canh khoai sọ.
 
Thưởng thức xong món canh khoai sọ hầm xương tại nhà ông Vừ Chông Thông, chúng tôi tiếp tục lên đường tìm đến bản Lữ Thành. Đoạn đường từ trung tâm xã đến bản Lữ Thành là con đường đất gập ghềnh men theo những sườn đồi, phía dưới là vực sâu thăm thẳm, phía trên là đỉnh núi cao ngất, nếu không có kinh nghiệm chạy xe máy đường rừng chắc hẳn không ai tránh được cảm giác rợn ngợp, thậm chí là phải chùn bước.
 
Vào thăm nhà ông Mùa Xái Cở, chúng tôi kể lại hành trình vào “thủ phủ khoai sọ”. Ông Cở liền nói: “Vậy là nhà báo đã ăn khoai sọ luộc và canh khoai sọ hầm xương, giờ ta đãi anh món khoai sọ hông”. Nói rồi, Mùa Xái Cở bảo vợ gác lại việc giã lúa để hông khoai sọ đãi khách.
 
Người phụ nữ dân tộc Mông này vào góc nhà chọn những củ khoai sọ nhỏ, rửa sạch cho vào hông rồi bắc lên bếp lửa đã đượm. Chiếc hông của người vùng cao được làm từ thân một cây gỗ được đục rỗng. Thấy khách chăm chú để ý cái hông gỗ, ông Cở giải thích: “Để giữ được hương vị của nếp và khoai sọ, người trên này luôn dùng hông gỗ chứ không bao giờ dùng hông nhôm như dưới xuôi”.
 
Trò chuyện một lúc, mùi thơm đã tỏa ra từ chiếc hông trên bếp. Bà Cở nhấc chiếc hông khỏi bếp rồi rải khoai sọ ra một chiếc rổ lớn. Ông Cở liền nói: “Bắt đầu thôi, khoai sọ hông phải ăn khi nóng mới thú”.
 
Cầm củ khoai sọ vừa được hông xong, xuýt xoa rồi bóc vỏ, hương thơm và mùi vị cơ bản giống với thứ khoai này khi được chế biến bằng cách luộc. Nhưng thưởng thức xong, thực khách dễ dàng nhận biết khoai được chế biến bằng cách hông thưởng dẻo và lưu giữ được vị thơm lâu hơn.
 
Mặt trời đã sắp xuống tận dãy núi trước bản Lữ Thành, chúng tôi chào chủ nhà để ra về, ông Mùa Xái Cở ôn tồn: “Sắp tối rồi, không về được đâu, sương mù giăng kín các ngả đường rồi, nguy hiểm lắm. Đêm nay ngủ lại đây thôi, tối nay ta làm món khoai sọ rán”. Chủ đã nói vậy thì khách không thể chối từ.
 
Một lát sau, vợ chồng chủ nhà cùng chọn những củ khoai to đem rửa và gọt sạch vỏ rồi xắt thành từng miếng mỏng. Chiếc chảo lớn và khá nhiều mỡ được bắc lên bếp. Khi mỡ sôi, bà Cở cho từng miếng khoai sọ xắt nhỏ vào chảo và cần mẫn ngồi chờ lật từng miếng một. Từ bếp tỏa ra mùi béo ngậy.
 
Bữa cơm được dọn ra, ngoài các loại thức ăn khác, trên mâm có một đĩa lớn khoai sọ rán (chiên) giòn. Mùa Xái Cở vừa lấy ra chai rượu vừa nói: “Cái thứ này là phải nhắm với rượu mới thú”.
 
Quả thật, được nhắm rượu với khoai sọ rán giòn trong đêm Đông sương giá nơi vùng cao biên giới thật không có gì bằng, vì chất béo của khoai và mỡ cùng vị nóng của men rượu sẽ xua tan cái buốt lạnh của đất trời.
 
Ông Cở nói thêm: “Món này được người Mông dùng khá phổ biến trong mùa Đông, vì nó giữ nhiệt cho cơ thể”. Bữa cơm đó kéo dài đến tận khuya, khi cả chủ và khách đã chếnh choáng vì men rượu.
 
Sáng hôm sau, dù sương mù chưa tan nhưng chúng tôi vẫn quyết định xuống núi để ra Mường Xén. Tại đây, được gặp lại ông Moong Văn Nghệ (74 tuổi, dân tộc Khơ mú), nguyên Phó trưởng Ban Dân tộc- Miền núi tỉnh. Khi biết chúng tôi vừa ra từ “thủ phủ khoai sọ” và được thưởng thức các cách chế biến loại khoai này, ông Moong Văn Nghệ liền nói: “Từ lâu khoai sọ còn được dùng làm các vị thuốc quan trọng trong Đông y nữa đó”.
 
Nửa tin nửa ngờ, lên mạng Internet tra cứu, quả thật một số tài liệu khẳng định khoai có thể hỗ trợ điều trị một số trường hợp như đau dạ dày, bổ tỳ, suy nhược cơ thể, tăng cường thể lực, viêm thận, kiết lỵ, đau nhức gân cốt... Và rồi chợt nghĩ, phải chăng những con người nơi vùng cao biên giới này có sức khỏe dẻo dai, có đôi chân mạnh để trèo đèo, lội suối một phần do suốt đời gắn bó với khoai sọ, một loại lương thực đồng thời cũng là một vị thuốc quý?
 
Trao đổi với ông Lê Công Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, chúng tôi được biết, toàn huyện năm nay trồng từ 80-90 ha khoai sọ với tổng sản lượng khoảng 800 - 900 tấn.
 
Khoai sọ được trồng ở Kỳ Sơn từ lâu đời, vừa rồi được đưa ra triển lãm ở Hà Nội và thu hút nhiều sự chú ý. Đến nay vẫn chỉ duy trì ở mức độ nhỏ lẻ, là một trong những nguồn thu đáng kể của bà con trong những năm gần đây. Nhưng huyện không có chủ trương mở rộng diện tích gieo trồng vì giống khoai sọ tương đối “khó tính” nếu mở rộng diện tích sẽ ảnh hưởng đến vốn rừng.
 
Theo Công Kiên (Nghệ An Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét