Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Yên Tử – nẻo về tâm (phần 1)

Ninh Hạ


Ngàn vạn dặm tìm về Yên tử


Từ Hà nội theo hướng đông bắc, qua Hòn Gai, Uông Bí – phố quán bụi đen than mỏ – lần theo đường Mỏ Vàng Danh, qua chín suối mười đèo – chín khúc quanh của suối Giải Oan chảy băng qua đường đi, mười dốc đường đi qua khe núi hẹp, mùa hạ suối nước không sâu, chảy róc rách theo lối đi – theo tiếng suối, tiếng chim, tiếng xào xạc của cây rừng sẽ đến chùa Lân không xa chân núi Yên tử.

Từ nền cũ của ngôi chùa xưa, nay là Thiền viện Trúc Lâm quy mô hoành tráng, trên lưng núi cao lồng lộng, nhìn về hướng đông nam là Hà nội với khoảng cách là 115 cây số. Sau khi lễ Phật, bái Tăng Tổ, lần theo bực cấp dốc dài xuống núi, tôi khởi đầu hành trình chiêm bái vùng địa linh đất tổ.

Chùa Long Động, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
Nơi này hơn bảy trăm năm trước, nhà vua lỗi lạc Trần Nhân Tông sau 14 năm tại vị từ 1279 đến 1293 và năm năm làm Thái Thượng Hoàng đã truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông và đến tu hành 8 năm, đắc đạo, hoằng pháp và thị tịch.

Nơi cội nguồn của thiền phái hồn tộc Việt. Nơi ba nhánh thiền tông Việt nam, Tì ni đa Lưu chi (Vinitaruci), Vô Ngôn Thông, Thảo Ðường hợp chung thành một dòng: Thiền Trúc Lâm Yên Tử mà Sơ Tổ là Trúc Lâm Ðầu Ðà, Ðiều Ngự Giác Hoàng. Từ đó, Yên Tử Việt Nam với Trần Nhân Tông, núi Linh Thứu Ấn Ðộ với Ðại Ca Diếp và núi Tung Sơn Trung Quốc với Tổ Bồ đề Ðạt Ma là ba núi thiêng mạch nguồn Thiền tông Phật Giáo.

Từ chân núi cho đến đỉnh cao, khách hành hương vất vả theo bước thiền hành của chư tổ. Thăm chùa cũ am xưa, nhớ về những thánh nhân, tăng tổ, vua quan, dân dã đã ở đây, ghé qua đây hay đang yên nghỉ trong lòng những mộ tháp bao năm hưng phế.

Lại nghĩ về hai triều Lý, Trần. Ðặc biệt hai nhà vua lừng lẫy Lý Thái Tổ và Trần Nhân Tông. Một người từ bỏ chốn thiền môn thanh đạm, bước vào triều đình xây nghiệp lớn và tại vị cho đến cuối đời. Một người từ ngôi cao hiển hách, quyền uy bậc nhất, đánh bại xâm lược Nguyên, Mông, giữ nước oai dũng lạ thường, rũ bỏ quyền lực và phú quý cung đình bước vào chốn thiền môn sơn cao núi thẳm, quyết chí tu trì độ chúng sinh.

Chùa cũ, am xưa.

Lên Yên Tử, khách hành hương hay vãn cảnh ngày nay có thể lựa chọn lộ trình tùy theo sức khỏe, lòng tin Phật và vọng Tổ. Nói như vậy vì tôi vốn có sức khỏe, cũng đã đi nhiều nơi thăm nhiều chỗ. Thế nhưng trên ngọn Yên tử này, trèo chưa tới đỉnh cũng đã đuối mệt muốn bỏ cuộc. Nằm sải trên tảng đá lớn cheo leo, chợt nghe tiếng xôn xao nói cười từ trên dốc đỉnh. Nghe tưởng rất gần mà xa vì không gian rất gần mà lối đi thì xa. Một lúc khá lâu, qua khúc quanh một tốp người đi xuống, trẻ già có đủ.

Một cụ bà gầy nhom cười toe, miệng móm chẳng còn mấy cái răng. “Gắng lên em. Niệm Phật là tới liền hà!”. Chắc cụ đã thấy nét mặt và đoán ra tâm trạng của tôi. “Qua (tôi) đây 74 tuổi rồi mà còn leo tới được. Qua từ Châu đốc theo bà con ra đây lạy Tổ, lạy Phật. Tháng trước qua lên lễ chùa Bà Ðen ở Tây ninh. Còn sức đi được ngày nào thì đi”. Móm mém cười, thở mệt, bà chống gậy lần mò xuống núi. Nhìn cụ bà tôi như được tiếp hơi, đường dốc núi thẳng dựng chắn ngang trước mặt chẳng còn đáng ngại.

Từ năm 2002, khách thăm Yên Tử có thể đi cáp treo rút ngắn một phần đoạn đường dốc để đến chùa Hoa Yên, rồi từ đây leo bộ lên cao. Cáp treo có hai ga, ga Dưới và ga Trên có kiến trúc lớn và đẹp. Ga dưới có quán ăn chay, mặn và nơi bán quà lưu niệm, phòng hướng dẫn du khách. Khâu tổ chức khá chu đáo, trật tự, không có cảnh níu kéo nài nỉ bán mua, chụp hình lưu niệm như hầu hết các nơi du lịch trên đất Bắc. Ở ngoài nhìn vào nhà ga cứ tưởng là một ngôi chùa mới: mái cong, ngói đỏ, hoành phi, câu đối, cờ phướn màu mè…

Tuy nhiên, nếu men theo lối đi dọc sườn núi, tuy vất vả nhọc nhằn, có đoạn khá hiểm nguy nhưng lại thú vị biết bao, xúc động biết bao. Chiêm ngưỡng chùa am, lăng mộ, ngắm nhìn phong cảnh, rừng tiên, núi Phật. Núi cao ngất lẫn mây, rừng trùng điệp xanh, trúc tre, tùng bách, sứ đại cổ niên, dốc núi đá cuội tròn trơn, cheo leo, quanh co, thẳng dựng… Nơi nơi như còn vương dấu tích và huyền thoại của các Tổ sư Trúc Lâm.

Hàng trăm Chùa am bảo tháp của Yên Tử qua chiến tranh và phá hoại trộm của chỉ còn lại mươi chùa rải dọc sườn núi. Chùa Lân, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Thiền Ðịnh, chùa Một Mái, chùa Bảo Ðài, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu. Tận cùng trên đỉnh non cao là chùa Ðồng. Chùa Vân Tiêu cũ nay cũng không còn, chỉ còn lại mấy mộ tháp.

Chùa Lân–Thiền viện Trúc Lâm

Chùa nằm trên đường dẫn tới núi Yên Tử. Chùa Lân còn có tên Long Ðộng Tự nơi vua Nhân Tông dừng bước trước khi lên núi. Qua ngưỡng cổng chùa này, ngài lên núi thiền định tu hành suốt tám năm và không rời khỏi núi trong năm năm đầu.

Xưa đây là ngôi chùa lớn. Năm 1299, vua cho xây cất rộng thêm để đủ chỗ làm nơi giảng kinh, truyền đạo. Trong chiến tranh kháng Pháp chùa bị cháy rụi, trở thành hoang phế. Khoảng năm 1976, sư cô Thích Nữ Ðàm Châu dựng lại ngôi chùa tạm đơn sơ để có nơi hương khói cúng vọng Phật, Tổ.

Cũng sau 1975, trong nam, Hòa thượng Thích Thanh Từ xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm tại Ðà Lạt. Ðây là một ngôi chùa lớn đẹp, quy mô, đầy đủ tiện nghi nhất Việt Nam, nơi đào tạo các tăng ni theo thiền phái Trúc Lâm và cũng là một thắng cảnh nổi tiếng hiện nay của Ðà Lạt, thu hút du khách và Phật tử mọi quốc tịch đến viếng thăm, nghe kinh hay tu học.

Từ miền bắc, Ban Bảo Vệ Di Tích Yên Tử ở Quảng Ninh đã cho người vào tiếp xúc và mời thầy Thanh Từ ra Yên Tử hợp tác để xây dựng lại các ngôi chùa tổ lâu năm mục đổ.

Quan điểm hai bên có khác biệt lúc đầu. Phía chính quyền chỉ cho phép xây dựng lại chùa Lân cũng như tu bổ chùa cũ. Họ nghĩ đến nguồn thu nhập khai thác du lịch. Thầy Thanh Từ thì tâm nguyện muốn xây một thiền viện quy mô tại đó. Theo thầy, chùa chỉ là hình thức, thiền viện mới là nơi cần có để tăng ni tu theo đường lối Sơ Tổ Trúc Lâm, nơi lưu trữ kinh tạng được dịch, giảng và giải để quảng bá cho người tìm hiểu hay tu học.

“Nếu ngày nay chúng ta có chùa có tháp mà không có đường lối tu thì cái trông đợi của Phật tử không thể nào thỏa mãn. Cho nên chúng tôi mới xin lập thiền viện Trúc Lâm Yên Tử dưới chân núi”. Qua mấy năm ra vào thương lượng, tâm nguyện và điều mong mỏi của thầy Thanh Từ và Phật tử trong nam đã thành. Chính quyền chấp nhận đề nghị. Ngày 15 tháng 8, 2002 Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm được chính thức khởi công xây dựng lại và được khánh thành ngày 14/12/2002.

Ðứng trước cơ ngơi to lớn khó ai có thể tưởng tượng chùa được hoàn tất chỉ trong vòng bốn tháng. Qua cổng chùa tên đề “Danh Sơn Yên Tử, Thiền Phái Trúc Lâm”, ở cuối đường dốc cao là một tu viện sừng sững uy nghi, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, nghệ thuật kiến trúc, đường nét điêu khắc và hoa văn theo phong cách cổ truyền.

Qua cổng tam quan là hai lầu chuông trống hai bên. Phật đường đơn giản, thoáng đãng, trang nghiêm. Theo gương sơ Tổ xưa dùng chữ nôm thay Hán, nay ở đây các hoành phi và câu đối đều bằng chữ quốc ngữ. Nhà khách với dãy bình nước lọc lớn đặt theo lối đi cho thập phương. Nội viện sau Phật đường cách biệt, tĩnh lặng cho tăng ni tu học. Vườn hoa, cây kiểng, mộ tháp hài hòa. Chùa tựa lưng núi, chung quanh núi rừng trùng điệp.

Dưới chân chùa có cả bãi đậu xe rộng mênh mông, bao quanh bởi những cây bằng lăng hoa tím, nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ văn minh. Trong thiết kế, kiến trúc sư Phạm Hùng Sơn và các thầy đã có cái nhìn trước cho cả tương lai. Có thể nói đây là ngôi chùa lớn và hiện đại nhất của miền Bắc do tâm đạo và công của, nhất là trình độ mỹ thuật và kỹ thuật của Phật tử trong và ngoài nước đóng góp dưới sự chỉ đạo của thiền sư Thích Thanh Từ.

Chùa Giải Oan

Hãy ghé thăm chùa Giải Oan trước khi lần theo dòng suối cạn, trên con đường im mát giữa hai hàng cỗ tùng và thanh trúc mà tuổi đã quá bảy trăm năm để đến Kim Tháp và Hoa Yên cổ tự.

Cũng như các chùa khác, các chùa ở đây không lớn. Chùa Giải Oan ở ngay chân núi có tàng cổ thụ xanh mát. Đây là nơi có mộ tháp của vua Trần Anh Tông, người kế vị vua cha Trần Nhân Tông. Hai bên là bảo tháp của Tổ thứ hai Pháp Loa, và Tổ thứ ba Huyền Quang. Ðây có lẽ là tháp thờ.

Theo sử sách, Tổ Pháp Loa lúc chết để lại phó chúc nhục thể nhập tháp tại Thanh Mai Sơn, Côn Sơn. Tổ Huyền Quang cuối đời cũng qua tu tại Côn Sơn và viên tịch ở đó.

Nhân gian cho rằng chùa có tên Giải Oan để thờ các cung phi trầm mình xuống suối tuẫn tiết khi vua Trân Nhân Tông dứt khoát thoát tục lụy từ bỏ hoàng cung. Chuyện cũng khó tin vì suối thì cạn khó mà làm chết người. Sử chép, có nhiều cung phi đi theo khóc than khẩn cầu Thượng Hoàng thay đổi ý định, trở về hoàng cung. Ðến chân núi, ngài cho lệnh họ quay về, sống đời tự do. Ai muốn thì được cấp phát đất để trồng trọt sinh nhai quanh miền lân cận. Nếu có thì giờ chắc cũng dễ kiểm chứng điều này tại địa phương.

Có một điều có thể lý giải được. Là một vi vua bao lần xông pha trận mạc, mấy lần đánh đuổi Nguyên, Mông, Chiêm, Mán... chiến tranh dù là giữ nước hay chiếm nước, cũng làm cho vô số người mạng vong. Chết vì chiến tranh hẳn là những cái chết oan khiên chẳng ai chờ, chẳng ai muốn. Trước khi vào núi để tìm đường giác ngộ những người sống, có chăng vua Trần đã giải oan khiên cho nhũng linh hồn vong mạng, triệu thỉnh những oan hồn vất vưởng bụi bờ về chùa để nghe kinh, siêu sinh hóa kiếp.

Khu Tháp Tổ và chùa Hoa Yên

Thật xúc động khi rạp mình đảnh lễ trước bảo tháp của Ðiều Ngự Giác Hoàng. “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, tức là chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Từ Bồ Ðề Ðạt Ma cho đến Trúc Lâm Ðầu Ðà, chỉ một điểm tới, một nẻo về. Dưới chân núi kia, ngập lặn trong tham sân si cũng chỉ vì tâm mờ bụi phủ: được mất, hơn thua, tị hiềm, thù hận.

Lắng nghe:

“cư trần lạc đạo”
Nguồn: toquoc.gov.vn
Tuần này mà ngẫm
Ta lại xá ta.
Ðắc ý trong lòng
Cười riêng ha hả!
Công danh chẳng trọng,
phú quý chẳng màng;
Tần Hán xưa kia
Xem đà hèn hạ.
Yên bề phận khó,
kiếm chốn nương thân;
Khuất tịch non cao,
Náu mình sơn dã...”


(Ðắc Thú Lâm Tuyền Thành Ðạo Ca–Trần Nhân Tông).

Tiếng cười Thiền Tổ vang vọng núi rừng, dội vào lòng người. Bỗng nhiên phiền muộn cũng cuốn bay theo gió núi mây ngàn.

Ngôi tháp thiền tổ sáu tầng cao, đơn sơ, tường gạch bao quanh, khói hương nghi ngút. Quanh tường là những cây sứ lâu năm cành vươn qua bờ tường gạch mái ngói, bông trắng thơm nhẹ. Quanh quẩn bên ngoài Lăng Quy Ðức này rất nhiều tháp mộ to nhỏ khác nhau được giữ gìn sạch sẽ. Mộ tháp của chư tăng và hoàng tộc. Ðây là công đức xây dựng của Tổ Huệ Quang, người kế thừa Tổ Huyền Quang.

Trước kia muốn lên đây phải vượt qua đoạn đường vách núi cao. Từ ngày có cáp treo, ga Trên nằm ngay dưới chân khu Kim tháp, đoạn đường này không dốc lắm được xây bậc xi măng nên khách thăm cũng đỡ nhọc nhằn, giữ sức để đi đến nơi về đến chốn. Ðỉnh không xa mà đường còn vời vợi.

Ðường đi mỗi lúc mỗi khó. Bám theo hàng chục bậc cấp thì đến chùa Hoa Yên ở lưng chừng núi, một ngôi chùa to nhất Yên Tử nổi tiếng của Việt Nam và là một thắng cảnh được ca tụng trong thi văn. Trước đây chùa có tên Vân Yên, vua Lê Thánh Tôn đổi là Hoa Yên. Tên đó giữ cho đến bây giờ. Ðây cũng là nơi theo ý chỉ của Ðiều Ngự, Tổ thứ ba Huyền Quang trụ trì nhiều năm rồi giao cho sư đệ An Tâm, về Côn Sơn tiếp tục đường tu. Ngài là một nhà sư đa văn bác học, một văn nhân thi sĩ biệt tài.

Trước khi vào chùa, khách vãn cảnh có thể ngồi thư giãn bên cạnh gốc sứ đại già trên bảy trăm năm. Thân cây to lớn sần sùi, cành sứ lâu năm quấn lấy nhau rất lạ. Gốc cây quằn ngang vì không chịu nổi gánh nặng của ngọn cành được chống đỡ bằng khối xi măng hình non bộ. Không biết cây còn trụ được bao lâu.

Ðứng trên sân chùa nhìn núi rừng bát ngát những đêm trăng rằm hay những sáng rạng đông mùa hạ hoặc lúc mặt trời sắp lặn mỗi chiều… cảnh trí khó mà tả được.

Nguyễn Trãi đã đến đây và làm thơ:

Yên Sơn sơn thượng tối cao phong,
Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng.
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại...

(Ngọn núi cao nhất ở trên núi Yên tử
Vừa đầu trống canh năm mặt trời đã đỏ rực
Trong vũ trụ, phóng mắt trông suốt ngoài biển xanh...)


Nguyễn Quảng Tuân dịch.

Thiền sư Huyền Quang đã có bài phú nôm nổi tiếng vịnh chùa. Ðọc mấy đoạn ngắn để thấy được thi vị và thiền vị danh lam.

Buông miền trần tục
Náu tới Hoa Yên
Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy
Gió tiên đưa đòi bước thần tiên
Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới
Giày thong thả dạo khắp sơn xuyên....
.... Ðất tựa vàng lên
Cảnh bằng ngọc đúc
Mây năm thức che phủ đền Nghiêu
Non nghìn tầng quanh co đường thục...
... Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng
Vượn bồng con kề cửa nghe kinh
Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ
Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh...


(Phật giáo Việt Nam sơ lược – Nguyễn Lang)

Ðiện Phật cổ kính, tượng Phật chạm trổ công phu, bàn thờ, hoành phi và các tượng sơn son thiếp vàng. So với những chùa tôi đã đi qua trên miền Bắc, cách bố trí thờ phượng ở đây tương đối sạch, thoáng rộng, không luộm thuộm, bụi tro. Sau điện Phật là nhà thờ Tổ. Khách hành hương lại có dịp bái lạy tượng tam tổ trên bệ thờ bằng gạch cao chạm mái.

Theo sách sử truyền lại, sư Huyền Quang tinh thông đạo lý nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên không dưới ngàn người. Ðứng trên sân chùa giữa trưa hè nóng bỏng tôi thầm nghĩ đường núi gian nan, chùa tuy khá lớn nhưng với số lượng người như vậy làm sao chứa đủ?

Tạm biệt Hoa Yên tiếp tục lộ trình đến chùa Một Mái và Chùa Bảo Sái. Ðoạn đường chỉ gần một cây số mà quá đỗi cheo leo.

(còn tiếp…)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét