Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Hiền Lương - Khát vọng thống nhất non sông


(VOV) - Cầu Hiền Lương và đôi bờ sông Bến Hải sẽ mãi là biểu tượng khát vọng bất diệt về một tương lai hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Hiệp định Geneva năm 1954 đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc. Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải ở tỉnh Quảng Trị chảy qua là ranh giới. Cuộc phân li tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài 21 năm với cuộc trường chinh vĩ đại thống nhất non sông của nhân dân Việt Nam.
Trong suốt khoảng thời gian dài dằng dặc đó, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã trở thành biểu tượng của sự cách trở, chờ đợi - ngóng trông, của sự ly tán và nỗi đau mất mát…
Cũng chính vì điều đó, cầu Hiền Lương là khát vọng thống nhất non sông, Bắc Nam liền một dải. Để xóa nhòa cái ranh giới nằm giữa cây cầu dài chưa đầy 200m đó, để đi tới chiến thắng cuối cùng, thu non sông về một mối, nhân dân Quảng Trị ở đôi bờ sông Bến Hải, bến Hiền Lương và quân dân Việt Nam đã bền bỉ, anh dũng, kiên trung viết nên những trang sử hào hùng ở nơi đây.
Cầu Hiền Lương là một chiến trường chính trị, ngoại giao, và cũng là chiến trường bom đạn. Đôi bờ Hiền Lương trở thành nhân chứng lịch sử, mang nỗi đau chia cắt, chứng kiến những tang tóc đau thương và mãi là khát vọng bất diệt về một tương lai hòa bình, độc lập, thống nhất.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã thống nhất, non sông liền một dải, nhưng bến Hiền Lương vẫn còn đó, là chứng tích để ghi khắc một quá khứ bi thương mà hào hùng, oanh liệt trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Toàn cảnh cầu Hiền Lương năm 1961, nhìn từ bờ Bắc (ảnh tư liệu, tác giả chụp lại trong “Nhà trưng bày Vĩ  tuyến 17 và khát vọng thống nhất”).
Đôi bờ sông Bến Hải đoạn bến Hiền Lương.
Từ cầu Hiền Lương nhìn về bờ Nam. Cây cầu lịch sử này được thực dân Pháp xây dựng năm 1952, và bị bom Mỹ đánh sập năm 1967. Năm 2002 cầu được phục chế lại và khánh thành ngày 18/5/2003.
Tượng đài “Khát vọng thống nhất non sông” ở bờ Nam với hình ảnh người thiếu phụ cùng con đang ngóng chồng và những người thân yêu ở bờ Bắc qua dòng sông chia cắt.
Tháp canh của phía Việt Nam Cộng hòa ở bờ Nam.
Cầu Hiền Lương và đầu cầu phía Bắc nhìn từ bờ Nam.
Song song với cầu Hiền Lương lịch sử, một cây cầu Hiền Lương mới đã được xây dựng vào năm 1996.
Chiếc cổng ở đầu cầu phía Bắc.
Dàn loa phóng thanh ở bờ Bắc dùng để phát thanh, tuyên truyền và biểu diễn văn nghệ cho nhân dân ở bờ Nam những năm chống Mỹ.
Nhà trưng bày những hình ảnh và hiện vật lịch sử liên quan tới cầu Hiền Lương, sông Bến Hải suốt trong những năm từ 1954-1975.
Chiếc loa có công suất 500W, đường kính rộng 1,7m hiện được đặt trước sân nhà trưng bày.
Hình ảnh người vá cờ Hiền Lương. Lá cờ này có kích thước 9x12m, là một trong những lá cờ treo ở bờ Bắc sông Bến Hải trong giai đoạn 1957-1962.
Ngôi sao bằng đồng trên đỉnh cột cờ giới tuyến ở bờ Bắc sông Bến Hải trong giai đoạn 1955-1956.
Hình ảnh quân giải phóng và du kích Bắc Quảng Trị.
Toàn cảnh cầu Hiền Lương ngày nay nhìn từ cột cờ giới tuyến.
Tranh gốm ở chân cột cờ giới tuyến khắc ghi lại lịch sử và khát vọng Hiền Lương.
Cột cờ giới tuyến ở bờ Bắc.
Đá chủ quyền Trường Sa đặt dưới chân cột cờ.
CTV Hà Thành/VOV online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét