Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Trải nghiệm đặc khu rừng Sác


Di tích căn cứ Rừng Sác nằm ở huyện Cần Giờ cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40 km về hướng Đông Nam. Để vào tham quan nơi đây có 2 cách, đi bộ hoặc ca nô. Phần lớn du khách chọn ca nô để có những trải nghiệm thú vị.

Sau chừng 5 đến 7 phút lướt trên con lạch ngoằn ngoèo, ca nô sẽ cập bến. Dưới tán cây Rừng Sác, một không gian nhỏ tái hiện gần giống như chiến khu năm xưa một phần cuộc sống và chiến đấu của bộ đội đặc công Trung đoàn 10 thời Mỹ ngụy. Những lán nhỏ mái lá rải rác khắp nơi là Hội trường, trạm xá, Sở chỉ huy, nhà hậu cần, nhà chế tạo vũ khí tự tạo, những căn hầm trú ẩn… được nối với nhau bằng những con đường giữa rừng dựng từ tre nứa, thân mắm, đước...


Một ngày làm đặc công rừng Sác- chuyến du lịch trải nghiệm thú vị

Nằm ở trung tâm khu căn cứ là Đài tưởng niệm liệt sĩ rừng Sác. Một tượng đài uy nghi, biểu tượng cho uy danh và lòng quả cảm của các chiến sỹ đặc công rừng Sác sừng sững giữa rừng đước xanh, khói hương lan tỏa. Đây cũng chính là bức thông điệp cho muôn đời sau về sức sống, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng con người và cả dân tộc Việt Nam. Trong 9 năm sống và chiến đấu tại đây, có 860 anh hùng, liệt sĩ đã làm nên những chiến tích anh hùng và đã ngã xuống ở mảnh đất này nhưng chỉ một phần ba trong số họ có mộ chí. Những người lính rừng Sác đa phần còn rất trẻ, khi hy sinh tuổi mới đôi mươi.

Rừng Sác được ví là nơi “rừng sâu nước độc” bởi bạt ngàn là rừng và xen lẫn, bao quanh là hàng chục con sông lớn, nhỏ...
Ấn tượng hơn cả là những bức tượng “sống” về các chiến sĩ đặc công rừng Sác được tạo dựng ở đây. Góc này là cảnh họ đang trình bày phương án và hạ quyết tâm tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè. Nơi kia một nhóm mình trần, quần xà lỏn đang chuẩn bị vũ khí chiến đấu. Dưới lạch, một chiến sỹ quần nhau với cá sấu. Ở bìa rừng, chỉ huy đang giao nhiệm vụ và tiễn đưa các chiến sĩ ra trận. Bên bể nước mưa hứng từ ngọn cây, o du kích nhỏ đang chưng cất nước ngọt từ nước mặn theo kiểu nấu rượu… Đến đây, được tận mắt nhìn thấy khung cảnh sinh hoạt, chiến đấu của những người lính Cụ Hồ trong lòng mỗi người trào dâng những tình cảm trân trọng, khâm phục xen lẫn sự biết ơn.
Bể nước dã chiến


Một điều thật tình cờ và may mắn khi chúng tôi có cơ duyên được gặp Đại tá Lê Bá Uớc, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 Rừng Sác - đơn vị hai lần Anh hùng tại chính nơi ông cùng đồng đội đã sống và chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách vang động cả thế giới. Người anh hùng đặc công Rừng Sác đã kể lại những câu chuyện về các trận đánh "xuất quỷ nhập thần" làm địch khiếp vía trên sông Nhà Bè như những huyền thoại. Thú vị hơn ông còn đọc và ngâm những vần thơ mộc mạc và đầy lạc quan của mình.
Đường vào rừng Sác ngày nay


Biệt khu Rừng Sác là một căn cứ cách mạng quan trọng của quân ta. Thời chống Pháp, rừng Sác là một căn cứ nổi tiếng, nơi giao liên và tiếp nhận binh vận và vũ khí. Thời chiến tranh chống Mỹ, một tổ chức quân sự của ta được thành lập gọi là "Đặc khu Rừng Sác" tại đây với mật danh T10, sau đổi thành Đoàn 10.
Nhiệm vụ của lực lượng Đặc khu Rừng Sác tập trung “kiểm soát” sông Lòng Tàu. Đây là tuyến đường chiến lược để các tàu của địch từ biển Đông vận chuyện hàng hóa, vũ khí đạn dược về nội thành và là vành đai bảo vệ cửa ngõ Đông Nam Sài Gòn. Trong hơn 9 năm (từ 1966 đến 1975), Đoàn 10 đã đánh 595 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 lính Mỹ, Ngụy; đánh chìm và đốt cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, bắn rơi 29 máy bay trực thăng, thiêu huỷ hàng trăm triệu lít xăng dầu. Trong đó có rất nhiều chiến vang dội: làm nổ tung tổng kho Long Bình, thành Tuy Hạ, thiêu rụi kho xăng Nhà Bè suốt 10 ngày… khiến Mỹ, Ngụy khiếp sợ.

Xưởng quân giới Trung đoàn 10. Vũ khí chiến đấu chủ yếu được chế từ phế liệu chiến tranh của Mỹ
Để "đập tan thế cầm cự của Việt Cộng" bên hông Sài Gòn, Mỹ đã trút xuống Rừng Sác 2 triệu tấn bom đạn và hơn 4 triệu lít chất diệt cỏ khiến cánh rừng ở đây nhiều nơi trơ trụi khiến cuộc chiến sinh tử lại càng cam go hơn bội phần. Bị bao vây, lương thực cạn kiện, các chiến sĩ phải ăn đọt chà là, đọt ráng, lá kìm, rau bui, dừa nước... để sống. Nhưng, họ vẫn bám rừng, tiếp tục lập thêm những chiến công vang dội. Lúc bấy giờ, Nha cảnh sát Sài Gòn đã từng treo thưởng hàng chục cây vàng cho ai bắt được đặc công rừng Sác.

Quân giới Đoàn 10 đã cưa bom, đạn lép, lấy được hơn 3 tấn thuốc nổ, sản xuất nhiều loại vũ khí có hiệu quả, góp công lớn đánh chìm hàng trăm tầu chiến, phá hủy nhiều kho tang địch trên sông Lòng Tầu, cảng Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ
Rừng Sác - địa danh đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Gần 40 năm sau chiến tranh, chiến khu rừng Sác đã được tạo dựng thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục dục về truyền thống chiến đấu dũng cảm của quân dân Nam bộ.

Thêm một vài hình ảnh về chiến khu rừng Sác:
Chiến sĩ Rừng Sác diệt cá sấu. Cá sấu rừng Sác rất hung dữ, thường xuyên ăn thịt người.  Chuyện kể rằng, trong một lần hành quân, chiến sĩ Hoàng Dương bị cá sấu lao vào cắn vào vai. Trong giây phút nguy nan, anh đã bình tĩnh rút con dao đeo bên người đâm vào mắt cá sấu khiến nó phải buông mồi, Nhiều chiến sĩ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng đã thoát than nhờ lòng dũng cảm, mưu trí đánh lại cá sấu.

Pháo hỏa tiễn Đoàn 10 tập kích vào Sài Gòn. Pháo do Liên Xô chế tạo được cải tiến bằng lối đánh pháo – đặc công luôn luôn là mối đe dọa của kẻ thù. Chiến sĩ Trung đoàn 10 đánh trong mọi tình huống.


Chỉ huy Đoàn 10 đang nghe các chỉ huy phân đội báo cáo tình hình thực địa và Hạ quyết tâm tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè (3/12/1973) - một trung tâm cung cấp xăng dầu: 50% dân dụng,  50% cho quân lực VNCH của kẻ địch. Trong trận đánh này, các chiến sĩ mũi 5 Đoàn 10 đã thiêu hủy 140 triệu lít xăng, 14 bồn Buntagap, 1 tầu dầu  12.000 tấn và nhiều cơ sở vật chất khác của Mỹ ngụy.

Du khách trải nghiệm trong rừng Sác

Du khách tham quan rừng Sác

Giao nhiệm vụ và tiễn đồng đội ra trận

Bích Ngọc (VOV)

Cánh rừng đước của Vàm Sát trải rộng cả một vùng rộng lớn, khiến cho khách tham quan cảm giác như lạc vào một miền nào xa xôi lắm. Nhưng thực tế, mảnh đất này lại nằm không xa trung tâm Sài Gòn và được ví như "lá phổi xanh" của thành phố.
Nằm trên đảo Cần Giờ thuộc địa bàn của TP HCM, cánh rừng này chỉ cách trung tâm khoảng 50 km. Qua bến phà Bình Khánh (điểm trung chuyển giữa huyện Nhà bè với Cần Giờ), đi thêm một giờ xe buýt đến cầu Dần Xây là đã nhìn thấy những cánh rừng đước bạt ngàn, trải dài ra tận biển.
ve vam sat tan huong khong khi trong lanh
Từ trên tháp Tang Bồng có thể nhìn thấy vùng rộng lớn xung quanh bạt ngàn màu xanh của cây đước. Ảnh: Hải Duyên.
Cánh rừng nằm trong vùng đất được khai hoang từ khi sát nhập về TP HCM. Mọi thứ ở đây vẫn còn rất nguyên sinh: hàng đước, hàng dừa nước cùng nhiều loại sinh vật phong phú. Không khí thì rất trong lành, yên tĩnh. Người ta có thể nghe được những âm thanh của thiên nhiên, muông thú. Hàng triệu cây xanh trong rừng đan xen vào nhau như những cỗ máy miệt mài làm việc, sản xuất nguồn oxy quý giá, cung cấp cho cả thành phố. Chính vì thế mà chỉ cần đặt bước chân vào rừng, người ta lập tức có cảm giác như được thoát khỏi không gian chật hẹp, ngột ngạt đầy tiếng xe cộ của phố phường Sài Gòn. UNESCO từng công nhận vùng đất này là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Vàm Sát hiện được coi là điểm đến du lịch hấp dẫn cho người dân thành phố và khách thập phương. Không chỉ tận hưởng không khí trong lành mà du khách còn có nhiều trải nghiệm thú vị với các trò: câu cua, câu cá, chèo thuyền ba lá, đi cầu khỉ... cũng như thưởng thức các món ăn đặc sản.
Những chú nai hiền lành, vam sat du lich
Những chú nai hiền lành. Ảnh: Hải Duyên.
Điểm bắt đầu tham quan Vàm Sát đặt tại chân cầu Dần Xây. Từ đây, khách tham quan sẽ lên ca-nô để tham gia hành trình khám phá khu rừng sinh thái.
Gió mát trên sông thổi phần phật sẽ nhanh chóng làm dịu lòng du khách sau chặng đường dài từ thành phố đến rừng. Những cây đước nối tiếp với bộ rễ sum xuê đan xen vào nhau như ôm chặt lòng đất mẹ, cũng là hình ảnh thú vị khi chiếc ca-nô len lỏi vào trong vài con rạch nhỏ. Dưới tán lá đước, thỉnh thoảng, nhiều chú cá thòi lòi lại nhảy vọt trên mặt nước rồi nhanh như cắt, lao trở lại mắt nước. Không ít người dân thành thị đã "rú" lên khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng dân dã thế này. Chưa hết, luồn lách giữa các lùm cây, người phụ nữ miền Nam mặc áo bà ba, chèo thuyền ba lá, dáng mảnh mai cũng tô điểm thêm chất thơ cho vùng sống nước.
Sau hơn 20 phút ngồi ca-nô, du khách dừng chân ở Đầm Dơi. Con đường nhỏ lát bằng những khúc gỗ trên lớp bùn nhèn nhẹt đưa mọi người vào bên trong. Tại đây "dọn" sẵn cho họ là trò chơi câu cua. Những con cua to ham mồi bị cắn câu được nhấc lên khỏi mặt nước làm ai nấy cũng đều háo hức và reo mừng.
Tạm biệt Đầm Dơi, du khách được đưa đến điểm tham quan chính của khu du lịch Vàm Sát.Nằm giữa khu rừng đầm lầy, nhưng ở đây vẫn có bể bơi và nhiều trò chơi thú vị. Điểm nổi bật nhất là chiếc tháp Tang Bồng được làm bằng sắt cao 15 mét. Từ đỉnh cao nhất của tháp có thể phóng tầm nhìn quan sát cả một vùng rộng lớn xung quanh và nhìn bao quát cả huyện Cần Giờ.
Khu vực riêng dành cho các con vật như khỉ, nai lại là điểm thu hút trẻ con nhất. Muốn chiêm ngưỡng những điệu nhảy điêu luyện của loài khỉ, du khách chỉ cần "tặng" thức ăn cho các chú là những trái chuối. Sau khi no nê, chúng nhảy thoăn thoắt trên những chiếc cầu khỉ vắt vẻo giữa dòng kênh. Cũng chỉ bằng một vài trái chuối, du khách cũng có thể "dụ dỗ" các chú nai đến gần và thoải mái chụp ảnh lưu niệm.
Những chú khỉ tinh nghịch ở Vàm Sát
Những chú khỉ tinh nghịch ở Vàm Sát. Ảnh: Hải Duyên.
Rồi Vườn chim, Đảo khỉ... cũng là các địa điểm hứa hẹn nhiều hấp dẫn cho những ai thích đắm mình trong không gian xanh của khí trời, của sông nước, cây cỏ.
Và còn cả tình cảm của người dân địa phương. Suốt chuyến đi, người dân nơi đây luôn chào đón du khách một cách hiền lành, niềm nở. Chỉ mới gặp nhau, nói chuyện vài câu đã có thể mời khách ở lại nhà dùng cơm. "Những năm gần đây, chúng tôi mới được biết đến đường bộ rải nhựa, chứ trước kia chỉ đi lại bằng thuyền, bằng ghe. Ít ai đến với vùng đất này làm. Thấy du khách đến tham quan, bà con ở đây quý lắm", một cụ già thật lòng bày tỏ.
Với Vàm Sát, Cần Giờ hứa hẹn là điểm du lịch gần khu vực nội thành mới, thu hút không kém những địa danh nổi tiếng như Vũng Tàu, Long Hải... Con đường từ thành phố dẫn đến khu du lịch trước đây là đường đất lầy lội, hoặc chỉ có thể đi lại bằng đường thủy, thì nay đã được cải tạo thành một con đường nhựa lớn với nhiều làn xe chạy. Dọc bên trục đường chính, nhiều khách sạn, resort, khu du lịch đang mọc lên, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho du khách.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét