Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Kỳ bí ngôi làng "hình cá chép" độc nhất Việt Nam


Làng Hành Thiện từ lâu đã nổi tiếng khắp nước với việc học hành khoa cử, không chỉ có vậy mà nơi đây còn lưu truyền những câu chuyện kỳ bí và hấp dẫn cho hậu thế.
"Tung mình ra biển Đông" từ hơn 500 năm trước
Lật giở theo những trang sách "Hành Thiện xã chí" thì được biết làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định vốn có tên gọi là "Hành Cung Trang" được thành lập vào khoảng năm 1500. Đến năm 1823, vua Minh Mạng cho đổi tên thành Hành Thiện với ý nghĩa "nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện" và ban cho làng 4 chữ "Mỹ Tục Khả Phong".
Điều đáng khâm phục là ngay từ khi lập làng các cư dân nơi đây đã có ý thức quy hoạch một không gian sống hết sức khoa học, quy củ.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Làng Hành Thiện có hình một chú cá chép đang tung mình lao ra biển Đông
Bao quanh làng là hai nhánh của một con sông nhỏ rộng khoảng 7m, được gọi là sông Con (để phân biệt với sông Cái – sông Ninh Cơ là một nhánh của sông Hồng). Theo các bậc cao niên trong làng, có hai giả thiết về việc hình thành lên con sông này.
Giả thiết thứ nhất cho rằng chúng được tạo thành một cách tự nhiên, những cư dân đến ở chỉ là người khai khẩn, chỉnh trang lại như địa thế ngày nay. Giả thiết thứ hai được nhiều người tán thành hơn, đó là chính những cư dân đầu tiên đã "quy hoạch" ngôi làng và tiến hành đào lên hai con sông theo ý đồ trước đó, nhằm mục đích phù hợp với phong thủy và ngăn giặc cướp.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Điều làm nên sự kì ảo của hai nhánh con sông này chính là việc nó đã tạo hình dáng con cá chép của ngôi làng. Nhìn từ trên cao, hai nhánh con sông như những đường viền ngăn cách ngôi làng với vùng đất bên cạnh, khiến cho khu đất bên trong hiện lên hình dáng "lý ngư", những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá, tại phần đầu cá còn có một chiếc giếng khơi, nước trong vắt nên được gọi là giếng Mắt cá.
Quả thực nếu nhìn trên bản đồ ta sẽ thấy làng Hành Thiện xuất hiện rõ nét với hình ảnh của một chú cá chép khổng lồ, đầu hướng về Nam, đuôi vòng phía Bắc đang trong tư thế vẫy vùng như muốn tung mình lao ra biển Đông.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Những cây cầu được xây dựng tại vị trí tương ứng với vây cá
Nếu coi làng Hành Thiện như một chú cá chép thì vùng đất từ giữa bụng cá trở lên đến mang cá được quy hoạch làm nơi sinh sống của dân cư trong làng. Trong khu vực này hình thành lên 14 dong (xóm), mỗi dong cắt ngang theo thân cá như chia khúc, gồm một con đường chạy dọc ở giữa và các ngôi nhà được xây dựng hai bên. Phần đầu cá được quy định làm nơi họp chợ của cả làng, tại đuôi cá là khu nghĩa trang và chùa miếu để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Nhìn tổng thể mặt địa lý làng Hành Thiện ta không thể không khâm phục óc tưởng tượng của các cư dân cách đây hơn 510 năm, theo như tài liệu để lại, trước đây toàn bộ đường đi trong làng đều được lát đá xanh, "mưa gió bùn đất không bén gót chân", bên cạnh đường xóm là rãnh thoát nước được xây bằng gạch mộc, chính vì thế làng không bao giờ phải chịu cảnh ngập lụt bởi tất cả nước mưa, nước sinh hoạt đều theo các rãnh này chảy ra hai nhánh con sông quanh làng và từ đó thoát ra sông Ninh Cơ.
Ngày nay về cơ bản làng vẫn giữ nguyên hình dạng như thửa sơ khai, có chăng chỉ thay đổi về kiến trúc. Nhìn những dãy nhà thẳng tắp, đường đi phong quang, sạch sẽ, hai bên bờ sông là hàng liễu xanh mát mắt uốn lượn bao bọc lấy ngôi làng mới thấy hết được cái nhìn sâu xa của người xưa.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Hàng liễu xanh mát mắt bao bọc quanh làng
Vùng đất địa linh nhân kiệt
Theo như câu chuyện dân gian được lưu truyền rộng rãi trong làng thì một trong những giai thoại nổi tiếng nhất của cụ Tả Ao là chữa "thế đất" cho làng Hành Thiện. Khi tới đây, cụ đã nhận thấy đất làng có hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ hiềm con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh.
Dân làng nghe cụ nói bèn hậu đãi trà rượu và khẩn khoản xin cụ đặt lại hướng làng. Cụ Tả Ao thấy dân làng tử tế liền chỉ cho làng đào một cái giếng lớn làm mắt cho con cá chép, từ đấy dân làng bắt đầu đại phát khoa danh.
Tính xác thực của câu chuyện trên còn chưa được kiểm chứng, nhưng sự "đại phát khoa danh" của làng thì không thể bàn cãi. Có thể những số liệu dưới đây khiến nhiều người nghi ngờ nhưng quả thật đó chính là những gì ngôi làng này đã và đang đóng góp cho đất nước.
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng (Hội trưởng Hội khuyến học làng) thì thời phong kiến, Hành Thiện có 419 người đỗ đạt, trong đó có đến 7 người đỗ đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Làng có 4 người làm quan thượng thư, 4 người là quan tuần phủ, 4 người là tổng đốc, 69 người làm tri phủ, tri huyện...
Từ sau Cách mạng Tháng tám đến nay, Hành Thiện có 45 người là giáo sư, phó giáo sư; 166 người là tiến sĩ, thạc sĩ; 1.493 người tốt nghiệp đại học. Cố Tổng Bí thư - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu) cũng được sinh ra ở vùng đất địa linh nhân kiệt này.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Nhà bia và đình làng, nơi ghi danh những người đỗ đạt
Chuyện là mấy năm trước, để tiện việc đi lại cho bà con trong làng, xã đã quyết định xây thêm một chiếc cầu ngay vị trí mõm cá, nhiều vị bô lão đã lên tiếng phản đối vì cho rằng chiếc cầu đó như chiếc lưỡi câu, cá chép mà bị mắc lưỡi câu thì không thể "vượt vũ môn".
Vào năm 2005 chiếc cầu đã bị dỡ bỏ do xuống cấp và cũng để hợp lòng dân, ngay lập tức năm đó làng có 75 con em trong làng đỗ đại học trong số gần 100 em dự thi.
Tuy vậy theo GS Đặng Vũ Khiêu thì nguyên nhân chính của việc học hành đỗ đạt là do truyền thống ham học hỏi cộng với sự cần cù chăm chỉ của người dân sống nơi đây.
Chùa Thần Quang - Ngôi cổ tự "kỵ sư"
Được xây dựng vào thời nhà Lý, chùa Thần Quang (hay còn gọi là chùa Keo - Hành Thiện, để phân biệt với chùa Keo Thái Bình) được biết đến như ngôi chùa cố kính nhất miền Bắc. Năm 1061, thiền sư Dương Không Lộ (Quốc sư triều Lý) dựng chùa Thần Quang bên hữu ngạn sông Hồng. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần đến nền chùa, đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Gác chuông chùa Thần Quang
Dân làng Keo phải dời bỏ quê cha đất tổ, một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng (về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình); một phần xuống vùng Xuân Trường, và dựng lại chùa Keo - Hành Thiện.
Vào thời Pháp thuộc, ngôi chùa đã được chính quyền Pháp liệt vào hàng "Cổ tự Đông Dương". Năm 1962 chùa đã được Nhà nước xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa".Ngoài các giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ và tư duy triết học, thì một trong những điều làm cho ngôi chùa trở lên nổi tiếng chính là việc tại đây không hề có bóng dáng của một vị sư sãi, mặc cho ngôi chùa đã tồn tại gần 1000 năm.
Những năm trước, để quản lý ngôi cổ tự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần cử các bậc cao tăng về làm trụ trì, nhưng chỉ được ít lâu sau những vị này đều lần lượt khăn gói ra đi chỉ với một lý do "thấy trong người khó ở". Vào các dịp lễ hội tại đây vẫn có các vị tăng, ni đảm nhận việc làm lễ nhưng chỉ sau khi kết thúc là tất cả lại cất bước lên đường.
Kỳ bí ngôi làng `hình cá chép` độc nhất Việt Nam
Quang cảnh thâm nghiêm trong chùa Thần Quang
Chính vì thế thay cho các vị sư, tại chùa có chức danh "thủ nhang" - là những người đảm nhận việc trông coi và hương khói cho chùa trong cả năm.
Để giải mã cho điều này trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện đậm màu sắc "liêu trai". Truyền rằng, khi Thiền sư Không Lộ dựng nên chùa, dân làng nơi đây không mấy mặn mà với khói nhang nên Đức Thánh tổ giận dữ mới rời chùa đi nơi khác.Trong một đêm, Đức Thánh đan không biết bao nhiêu rọ tre, rồi tất cả tượng Phật ngài đều cho cả vào đấy.
Ngài ngả nón làm thuyền vượt sông Hồng sang đất Thái Bình, mang theo tất cả tượng Phật về nơi đất mới. Cũng nội trong đêm ấy, khi dân làng Duy Nhất (huyện Vũ Thư, Thái Bình) tỉnh giấc đã thấy ngôi chùa sừng sững mọc lên. Đức Thánh tổ rời bỏ chùa cũ cùng với lời nguyền: sẽ không có sư nào đến ở đất Hành Thiện.
Tuy vậy, theo sách "Hành Thiện quê ta" của tác giả Đỗ Quang Huyên còn có một lý do khác khiến cho nơi đây trở thành mảnh đất "kỵ sư". Theo tác giả, đất Hành Thiện từ xa xưa vố là nơi có nhiều danh nho, sĩ tử. Các bậc nho sĩ ngày xưa không chỉ am tường Tứ thư – Ngũ Kinh mà còn thông hiểu cả đạo Phật, chính vì thế các vị sư thường không đủ "tự tin" để giảng đạo tại đây, lâu dần thành lệ khiến cho chùa Keo - Hành Thiện trở lên "vắng bóng áo thâm".
Thực hư những câu chuyện trên thế nào đến nay vẫn chưa được làm rõ, chỉ có điều ngôi chùa mang trong mình đầy những bí ẩn huyền hoặc đến nay vẫn lặng lẽ ẩn mình thâm nghiêm dưới những bóng đa rợp mát xung quanh để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân.
NGUYỄN CƯỜNG

Chuyện chưa kể về ngôi làng địa linh mang hình “cá chép hóa rồng”

Bản đồ làng Hành Thiện (nổi tiếng là vùng đất địa linh sinh nhân kiệt) mang hình một con cá chép: Đầu hướng Nam, đuôi hướng Bắc, bụng hướng Tây, lưng hướng Đông...


Tìm về làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) nằm bên bờ sông Ninh Cơ trong ngày hè nóng nực, chúng tôi ngỡ ngàng trước phong cảnh cổ kính, non nước hữu tình nơi đây. Những ngôi nhà hai tầng san sát vẫn giữ nét hoài cổ nằm hai bên bờ kênh được kè đá sạch sẽ soi bóng những rặng liễu thướt tha. Vùng đất nổi tiếng là địa linh sinh nhân kiệt mang một vẻ đẹp yên bình, trù phú.
Xuất phát từ quan điểm học là để tu nhân tích đức, học để có chữ tiếp cận gần với Thánh hiền, chứ học không vì mục đích phát triển con đường quan lộc, như Giáo sư Vũ Khiêu - người con của làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) từng nói: “… Cuộc sinh nhai ai cũng mong giàu. Nhưng giàu bạc không bằng giàu chữ”. Do đó, người dân ở vùng đất này từ đời này đến đời khác rất coi trọng việc học hành".
Chuyện chưa kể về ngôi làng địa linh mang hình “cá chép hóa rồng” - 1
Nét đẹp cổ kính của chùa Keo làng Hành Thiện.
Đất Hành Thiện có hình thái khá độc đáo, giống hình con cá chép, phía tây bụng cá (lối trước), phía đông sống cá (lối sau), sông nhỏ, sông lớn chảy quanh như hình con cá đang vẫy vùng trong dòng nước. Làng Hành Thiện hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm ngôi nhà cổ có giá trị mỹ thuật và lịch sử, cùng nhiều miếu thờ, văn chỉ, võ chỉ đã được khôi phục lại, trong đó nổi tiếng nhất là chùa Keo Hành Thiện.
Đây là nơi dân làng thờ Thiền sư Không Lộ là Quốc sư nhà Lý, người có công lập làng Hành Thiện xưa. Chùa Keo Hành Thiện từ lâu đã nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp, kiến trúc cổ kính. Phía trước tam quan chùa có hồ bán nguyệt và hòn non bộ theo thế tam sơn, long chầu hổ phục; trên bờ có đôi voi đá khổng lồ, quanh chùa là hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Chùa có quy mô bề thế với 13 tòa nhà rộng và 121 gian của các dãy nhà dài, tạo thành những cụm kiến trúc hài hòa, cân đối...
Chuyện chưa kể về ngôi làng địa linh mang hình “cá chép hóa rồng” - 2
Bản đồ làng Hành Thiện được ví như cá chép đang tung mình lao ra biển Đông.
Là người dày công sưu tầm các tài liệu về khoa bảng từ các đời của làng, thầy Nguyễn Đăng Hùng (80 tuổi, Hội trưởng Hội Khuyến học, khuyến tài làng Hành Thiện) giới thiệu: Làng Hành Thiện có nhiều người đỗ đạt cao, trước hết vì là vùng quê có truyền thống hiếu học lâu đời. Tính đến khoa thi Nho học cuối cùng (1919), Hành Thiện đã có 352 người từ đỗ tú tài đến tiến sĩ. Thời Pháp thuộc, Hành Thiện có 51 người đỗ tú tài và cử nhân.
Còn tính từ năm 1945 đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ vùng đất này có tới 204 giáo sư, tiến sỹ; Trong đó, có hơn 80 người là giáo sư. Truyền thống hiếu học của làng Hành Thiện trọng chữ, trọng người tài như một dòng chảy liên tục, không bị đứt đoạn, thời kỳ nào cũng có người tài cho đất nước để làm sao cho xứng với câu “Đông Cổ Am - Nam Hành Thiện”.
Sử sách cũng đã ghi lại có những gia đình ở làng Hành Thiện có 9 người (cha – con, chú – cháu) cùng đi thi, có 7 người đỗ cao. Giai đoạn học chữ Pháp tuy rất ngắn, nhưng làng Hành Thiện cũng có 51 vị ghi danh. Trong đó có một tên tuổi đã trở thành niềm tự hào của dân làng Hành Thiện - Đặng Xuân Khu (tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh).
Chuyện chưa kể về ngôi làng địa linh mang hình “cá chép hóa rồng” - 3
Dù phải chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày suốt 15 năm qua nhưng chưa khi nào thầy giáo Nguyễn Đăng Hùng quên trách nhiệm nối mãi dòng chảy hiếu học của quê hương.
Điều mà người Hành Thiện nói riêng, người Việt Nam nói chung có thể tự hào, đó là ở Bỉ, vào năm 2012 đã có một GS y khoa thuộc loại trẻ nhất thế giới, khi mới 32 tuổi. Đó là tiến sĩ thần kinh học Đặng Vũ Thiên Thanh. Ông rời Việt Nam khi mới 2 tuổi và nay trở thành một chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu giấc ngủ - một lĩnh vực đặc biệt của thần kinh học. 
GS Thiên Thanh nhận bằng tiến sĩ y học khi mới có 23 tuổi và năm 28 tuổi, ông tiếp tục bảo vệ tiến sĩ lần 2 với đề tài y sinh và dược. Ông đang say sưa đeo đuổi nghiên cứu về bí mật của giấc mơ, ý thức của con người trong giấc ngủ... và anh đã giành được hàng loạt giải thưởng của các tổ chức rất uy tín trên thế giới về y học như Hội Nghiên cứu giấc ngủ châu Âu, Hội Nghiên cứu giấc ngủ Hoa Kỳ, Hội Thần kinh học Bỉ...
Và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới tên những người con tên tuổi khác của làng Hành Thiện như GS-TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Thụ, Giải thưởng Hồ Chí Minh; GS-TSKH Đặng Xuân Thu; GS-TS Trương Việt Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học - Đào tạo Bộ Y tế; GS-TS Đặng Vũ Phương Anh; PGS-TS y học dân tộc Nguyễn Nhược Kim; PGS-TS Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ nhiệm Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, Hà Nội...
Chuyện chưa kể về ngôi làng địa linh mang hình “cá chép hóa rồng” - 4
Đình làng Hành Thiện, nơi vinh danh người đỗ đạt.
Khi tìm hiểu về truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao của người Hành Thiện, nhiều nhận xét cho rằng truyền thống quý báu đó được xuất phát từ nếp sống có văn hóa của mỗi gia đình, từ sự ganh đua vươn lên của mỗi con người. Họ ganh đua tích cực chứ không hề đố kị ghen ghét nhau.
Hành Thiện, tạm giải nghĩa là nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện. Bản đồ làng Hành Thiện mang hình một con cá chép: Đầu hướng Nam, đuôi hướng Bắc, bụng hướng Tây, lưng hướng Đông. Nơi đầu cá có miếu thờ thần Tam giáp, người có công đầu tạo lập làng. Nơi bụng cá là chợ Hành Thiện, cái chợ quê rất đông đúc.
Khu dân cư ở từ mang cá đến rốn cá, được chia thành 14 khúc, mỗi khúc cách nhau 60m. Chiều sâu của khúc dài nhất là 600m, khúc ngắn nhất là 200m. Mỗi khúc gọi là một dong. Dong dài được chia làm hai xóm, dong ngắn là một xóm. Từ rốn cá đến đuôi cá là ưng điền (ruộng gieo mạ) và nghĩa trang nhân dân của làng. Đuôi và vây sau của “con cá” có ngôi chùa Keo, xây dựng năm 1588.
Theo xã chí của làng thì Hành Thiện xưa là vườn kim quất của vua Trần. Chạy dọc từ đầu tới đuôi cá là một con đường trục của làng lát gạch nghiêng. Đã hàng trăm năm con đường này hình thành nên hai dãy nhà hai bên như một đường phố, có các cửa hàng, cửa hiệu buôn bán sầm uất.
Theo cách nhìn của các nhà tử vi thì hình dáng của làng Hành Thiện ở thế cá hoá rồng. Phía “bụng cá” giáp làng Ngọc Tiên có hình giống một nghiên mực; phía “lưng cá” giáp làng Hương Phúc có mảnh đất giống cái ngòi bút. Đầu cá Thành Hoàng ngự, làng sẽ giữ được bản sắc thuần phong. Đuôi cá Nguyễn Minh Không vừa là Thiền sư vừa là thi nhân ngự. Vậy luận theo Phong Thủy và Kinh Dịch thì Hành Thiện là đất phát tiết cho cả chính khách và thi nhân.
Theo Bảo Nguyên (Gia đình & Xã hội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét