Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Nghề đóng ghe xuồng – Tây Ninh



Đặc điểm địa hình của Tây Ninh có nhiều rừng núi, nhưng cũng lắm sông ngòi, kênh rạch nên hoạt động vận chuyển buôn bán trao đổi nông, lâm, ngư, thổ sản từ trước đến nay bằng ghe xuồng trên các tuyến đường thủy đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội  ở Tây Ninh. Vì thế mà nghề đóng ghe xuồng ở Tây Ninh đã hình thành và phát triển rất sớm. Có nhiều trại đóng ghe, xuồng ở Tây Ninh phải kể đến các cơ sở ở thị trấn Trảng Bàng, xã An Hoà, xã Phước Chỉ (Trảng Bàng); xã Long Thành Nam (Hoà Thành); xã Cẩm Giang (Gò Dầu).

Nguồn nguyên liệu để đóng ghe xuồng trước đây  được khai thác tại chỗ, với nhiều loại gỗ tốt như gỗ sao, vên vên, căm xe, dầu, trắc …
Hiện nay, việc khai thác rừng đã hạn chế, các nguồn nguyên liệu gỗ được bổ sung từ các tỉnh và có cả ở Campuchia. Các loại ghe,  xuồng ở Tây Ninh ngày nay được chế tạo chủ yếu từ các loại gỗ có đặc tính chắc, bền, nhẹ nổi trên nước và ít hư hỏng do tác động của môi trường sông nước.
Cư dân Tây Ninh có gốc người tứ xứ… nên ghe xuồng ở  Tây Ninh có nhiều kiểu dáng, phản ánh đặc điểm văn hoá nhiều tộc người (Việt, Hoa, Chăm, Khơme), nhiều địa phương . Nhìn chung, có các loại ghe như: ghe ô, ghe lê dành cho quan lại; ghe tam bản (sinh hoạt), ghe tam bản mũi chài (phương tiện chuyên chở hành khách); ghe chài, ghe tải (vận chuyển lâm, thổ sản, hàng hoá).
Trong vài chục năm gần đây ghe xuồng truyền thống Tây Ninh có xu hướng hiện đại hoá, cải tiến chiếc ghe sao cho phù hợp với điều kiện chuyên chở, đi lại, buôn bán trên sông nước. Ghe xuồng chèo tay thành ghe, xuồng gắn các động cơ, khiến việc di chuyển được thuận lợi nhanh chóng hơn trước. Đây cũng là bước phát triển mới của nghề đóng ghe xuồng ở Tây Ninh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét