(NLĐO)- Khác với chú tôm hồ to kềnh, con tép ở quê bé xíu, nhưng được sống trong môi trường tự nhiên nên khi chín thường có màu đỏ au và rất đậm vị. Mỗi bận xúc được mẻ tép riu ấy, mấy anh em tôi lại được bà làm cho món bánh... tép riu, ăn thật đã.
Lâu nay, món bánh tôm đã được biết đến như một thứ đặc sản của vùng Hồ Tây đất Hà Thanh. Vậy mà món bánh tôm quê lại có một vị ngon khác bởi chính sự mộc mạc, dân dã của nó.
Khác với chú tôm hồ to kềnh, con tép ở quê bé xíu nhưng được sống trong môi trường tự nhiên nên khi chín thường có màu đỏ au và rất đậm vị. Mỗi bận xúc được mẻ tép riu ấy, mấy anh em tôi lại được bà làm cho món bánh ăn thật đã. Ngoài tôm ra còn có khoai lang, bột mì; tỏi, ớt, đường, chanh làm nước chấm.
Có nhiều cách để làm món bánh này. Nếu là những chú tôm trà to thường được trộn với bột rồi múc ra thả vào chảo mỡ như loại tôm tẩm bột. Nhưng riêng với những chú tép riu bé nhỏ này lại cần một cách chế biến khác. Bột mì được nhào trộn vừa độ, nếu bột đặc quá khi rán ánh sẽ không nở, nếu pha nhiều nước, bột loãng cũng sẽ không đóng bánh. Khoai lang (có thể thay thế bằng khoai tây) nạo thành từng sợi nhỏ, dài. Nếu dùng dao thái, sợi khoai sẽ to và thô khiến miếng bánh không chắc, ảnh hưởng đến vị ngon của món ăn này.
Đợi khi mỡ trong chảo vừa nóng già, bà tôi mới dùng muôi thả từng lớp bột vào chảo, rồi dàn phẳng thành lớp bánh để bột nhanh chín. Nếu múc lượng bột quá nhiều, bánh sẽ dày, lâu chín và không ngon, ngược lại, ít bột quá, miếng bánh sẽ mỏng, tôm và khoai sẽ bị cháy khét, mất ngon.
Đợi khi miếng bánh đã kết mảng nhưng chưa kịp chín, những chú tép nhỏ bé mới được rắc lên mặt bánh. Nếu rắc quá nhiều tép bánh cũng sẽ mất vị ngon. Làm như thế, tép vừa chín tới, mềm ngọt mà không bị cháy bởi mỡ nóng. Bánh chỉ cần rán vừa độ để khi bánh đượt vớt ra vừa mềm, vừa ngọt, giữ được vị của các thành phần. Sau khi bánh được vớt ra, đặt lên khay cho ráo, rồi đem cắt nhỏ thành từng miếng chừng hai ngón tay để tiện khi ăn.
Khi ăn, có thể dùng những cây rau cải canh (có thể thêm cả rau diếp) đã được rửa sạch, cuộn miếng bánh thái nhỏ để chấm với nước chấm. Nước chấm bánh tép riu được pha từ chanh, đường, ớt, tỏi… nhưng phải được pha đúng cách. Cũng như nước chấm để ăn bún chả, bánh cuốn hay các loại thức ăn khác, tỏi phải được băm nhỏ, ngâm qua dấm để hết vị hăng, ớt và nước cốt chanh được bỏ hạt rồi pha cùng với nước đun sôi để nguội. Có thể thêm vào đó những lát đu đủ đã thái mỏng, ngâm kĩ tạo ra bát nước chấm có vị chua, ngọt pha loãng dùng để chấm thật thú vị.
Đây là món ăn không cầu kì, lại vừa miệng, không ngán, giúp ta có thể ăn kèm với nhiều loại rau sống có tác dụng rất tốt cho cơ thể. Thưởng thức món bánh giữa những ngày hè này không thể nào quên hương vị đồng quê dân dã ấy từ bàn tay khéo léo của bà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét