(iHay) Tôi theo chân nhóm Đình làng Việt đi điền dã đến các di tích đình, đền và chùa cổ trên đất Hải Phòng và có cơ hội ghé thăm làng mộc thôn Bảo Hà nổi tiếng của thành phố hoa phượng đỏ.
Chúng tôi đến miếu Bảo Hà (hay miếu Cả) nằm trên địa phận ba thôn Bảo Động, Hà Cầu và Mai An của xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, nơi lưu giữ nhiều bức tượng gỗ quý hiếm với phong cách tạc tượng độc đáo của nghệ nhân Vĩnh Bảo. Đặc biệt trong miếu có thờ tượng Linh Lang đại vương, được dân quanh vùng coi là báu vật. Bức tượng được tạc với tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự có thể chuyển động, có thể đứng lên một cách nhẹ nhàng rồi lại từ từ ngồi xuống.
Sự chuyển động của bức tượng nằm ở cánh cửa ngay điện thờ, khi mở dần cánh của thì bức tượng từ từ đứng lên nhưng khi khép lại thì bức tượng lại ngồi xuống và trở lại tư thế ban đầu. Bức tượng này đã làm cho không ít người tới đây ngạc nhiên, qua đó cho thấy được sự tài hoa, khéo léo trong việc tạc tượng của người dân Bảo Hà khi kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối.
Được biết, ngoài tượng Linh Lang đại vương, các bức tượng khác trong miếu Bảo Hà hay nhiều hệ thống tượng gỗ trong các đình, chùa, miếu mạo trên đất Hải Phòng như chùa Mét (Tiêu Hương tự), chùa Miễu, chùa Hàng Kênh... đều do các nghệ nhân tạc tượng dân gian thuộc làng Bảo Hà xưa làm nên. Được biết, làng tạc tượng Bảo Hà là làng nghề điêu khắc, sơn mài truyền thống đã tồn tại trên 500 năm và có hơn nửa thiên niên kỷ chuyên tạc tượng Phật, được coi là cái nôi của nghề tạc tượng Việt Nam. Năm 2007, làng tạc tượng Bảo Hà được công nhận là làng nghề truyền thống.
Trong làng hiện nay còn xuất hiện một loại hình tạc tượng độc đáo khác là tạc tượng truyền thần. Nếu như vẽ truyền thần trong hội họa cho ra những bức tranh vẽ như ảnh chụp thì tạc tượng truyền thần là các sản phẩm tượng 3D được điêu khắc hết sức tinh xảo và giống người thực.
Ông Đỗ Văn Bưởng (66 tuổi) là nghệ nhân tạc tượng truyền thần có thâm niên ở thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh. Ông Bưởng có thể dựa vào bức ảnh chân dung hoặc toàn thân của khách hàng, từ đó tạc nên bức tượng chất liệu gỗ giống gần như đúc so với bức ảnh.
Kinh nghiệm từ nhỏ và là truyền nhân đời thứ ba trong gia đình có nghề tạc tượng, được cha truyền cho các kỹ thuật điêu khắc tượng giúp ông Bưởng tự tin tạo ra những bức tượng truyền thần độc nhất vô nhị.
Theo chia sẻ của ông Bưởng, ông bắt đầu theo đuổi nghề tạc tượng truyền thần từ cách đây 30 năm vì đam mê và sở thích sau khi nghỉ làm tại xưởng tập thể. Bức tượng truyền thần đầu tiên ông làm là tượng bà ngoại của ông Bưởng, được ông làm dựa theo bức ảnh cũ nát còn lại của bà cụ.
Bức tượng hoàn thành khiến các thành viên trong gia đình ai nấy đều giật mình vì tượng quá giống so với ảnh. Từ đó về sau người dân trong vùng tìm đến nhờ ông tạc tượng truyền thần người thân đã mất để thờ cúng. Như vậy nghề tạc tượng truyền thần chính thức gắn bó với ông Bưởng và trở thành nghề mưu sinh chính của gia đình ông trong khu xưởng tạm bợ tại gia với diện tích khiêm tốn chưa đầy chục mét.
Mỗi bức tượng truyền thần cao từ 30 - 60cm có giá từ 3 - 4 triệu đồng với thời gian hoàn thành từ 5 – 7 ngày. Với một bức tượng có kích thước như người thật thời gian sẽ lâu hơn đến cả tháng trời với giá từ 15- 20 triệu đồng. Nguyên liệu chính được ông Bưởng sử dụng là gỗ mít vì chất gỗ rắn, dai, toàn lõi và không lo mối mọt qua thời gian. Hơn nữa gỗ mít cũng dễ đục nhất trong quá trình tạo tác.
Các bức tượng được ông Bưởng tạo khối ban đầu như các bộ phận cơ thể rồi đến đường nét và cân bằng bố cục. Phần gương mặt thường được làm sau và là công đoạn khó nhất bởi thần thái của người trong ảnh có được phản ánh đầy đủ trên bức tượng hay không chủ yếu ở công đoạn này.
Ngoài ra theo ông Bưởng, nét mặt nổi bật được tính cách của người được truyền thần còn phụ thuộc rất nhiều vào khâu sơn, vẽ. Nếu sơn quá đậm sẽ che mất những nét mặt đã được chạm khắc tỉ mỉ trước đó, sơn nhạt thì bức tượng bị thô không có hồn.
Bước tiếp theo là dùng đèn khò làm cháy hết những dăm gỗ nhỏ, dùng giấy ráp chà nhẵn bề mặt nhưng không làm ảnh hưởng đến những viền nhỏ tạo nét mặt. Tiếp đến dùng hỗn hợp sơn gồm bột đá, dầu và sơn pha trộn theo tỉ lệ phù hợp, quét lên tượng và phơi khô một ngày. Công đoạn sơn phải trải qua 2 bước gọi là sơn hai nước, để sơn bám trong một ngày, thếp bạc cho gỗ, sơn phủ màu vàng lên tượng, lọng son, đóng nhỡn và vẽ.
Đến nay ông Bưởng đã cho ra đời vô số những bức tượng truyền thần mà ngay đến bản thân ông cũng không nhớ chính xác là bao nhiêu. Đến nay ông Bưởng đã gần bước qua tuổi 70 nhưng theo ông thì trong nhà các con không muốn theo nghề của cha vì quá vất vả trong khi thu nhập không được bao nhiêu.
Ông Bưởng tâm sự giới trẻ ngày nay giỏi hơn thế hệ của ông, vì vậy học tạc tượng truyền thần rất nhanh nhưng không ai mặn mà với công việc này: “Tôi còn giữ nghề một phần để mưu sinh nhưng cũng phải có đam mê nhiệt huyết mới theo được từng ấy năm”, vị nghệ nhân già nói.
Theo ghi chép lịch sử, vào thế kỷ thứ XV, khi nhà Minh đô hộ Việt Nam (1407 – 1427) đã bắt thanh niên trai tráng đưa về Trung Quốc làm việc tại các xưởng sản xuất, xây dựng lăng tẩm, đền đài... trong đó có Nguyễn Công Huệ, người làng Bảo Hà.
Trong hơn 10 năm phục dịch tại xứ người, Nguyễn Công Huệ đã học được một số nghề để kiếm sống, trong đó có nghề tạc tượng, sơn mài. Ngay khi được hồi hương, Nguyễn Công Huệ đã truyền lại nghề cho dân làng. Khi ông mất, dân làng Bảo Hà lập miếu, tạc tượng thờ và tôn ông là tổ sư nghề.
Vũ Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét