(iHay) Là ngôi chùa cổ xây dựng từ năm 1338, chùa Bối Khê (thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) chứa đựng nhiều giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Trong khuôn viên chùa còn có một căn hầm liên hoàn chiến đấu dưới lòng đất thời chống Pháp.
Cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 20 km về phía nam, chùa Bối Khê (Đại Bi tự) tọa lạc trên một thửa đất rộng ngay đầu làng Bối Khê. Chùa được xây dựng từ thời Trần, có lối kiến trúc độc đáo theo kiểu nội công ngoại quốc, khuôn viên chùa rộng khoảng 5.000 m2.
Theo chân nhà giáo Kiều Văn Pháo, một người con đất Bối Khê, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Thanh Oai A, chúng tôi khám phá và biết được nhiều điều thú vị trong ngôi chùa cổ này. Vừa đặt chân đến đất chùa, có thể thấy ngay một điều đặc biệt đó là cổng chùa Bối Khê gồm 5 cửa chứ không phải 3 cửa như nhiều chùa khác. Khi chiều ngả xuống, những tia nắng xuyên qua tán lá chiếu lên ngũ quan như một bức tranh huyền ảo, trầm mặc.
Trước cổng chùa là cây đa cổ thụ hơn 600 năm tuổi có "râu" dài bám đất và 5 ngôi tháp thờ xá lợi linh thiêng của các vị trụ trì nhiều thế hệ trước. Còn bãi đất rộng được cho là nơi tuyển quân sĩ ngày xưa, nay trở thành chỗ vui chơi cho trẻ em trong làng. Qua cổng chùa thấy ngay chiếc cầu gạch bắc qua hồ nước nhỏ, đây là dấu tích của dòng sông Đỗ Động xưa. Cạnh đó là một gác chuông lớn có hai tầng, tám mái.
Ông Pháo giới thiệu, chùa sắp xếp bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu thánh” hoàn toàn khác biệt với các ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc bộ. Vị thánh thờ ở đây chính là Đức thánh Bối, tên thật là Nguyễn Bình An, người làng Bối Khê. Do đã có công giúp nhà Trần đánh đuổi giặc xâm lược mà khi ngài qua đời đã được phong hiệu Thượng đẳng thần và được nhân dân làng Bối Khê thờ trong chùa như một vị thánh bất tử.
Chùa Bối Khê có quá nhiều điểm đặc biệt mà bất cứ ai đến đây đều muốn có thật nhiều thời gian để khám phá. Trên sân chùa đặt một chiếc sập đá lớn với những họa tiết độc đáo mang nét đặc trưng nghệ thuật của nhà Mạc. Ông giáo Kiều Văn Pháo nói rằng nhìn vào những hình tượng rồng, hoa sen, sông nước, vân mây… dường như cảm nhận được người xưa kể chuyện lịch sử.
Chúng tôi ngắm khá lâu trước hình tượng chim thần Garuda đỡ bệ sen của Quan âm Bồ tát. Chim thần Garuda còn gọi là đại bàng Kim Sí điểu, có nguồn gốc từ Ấn Độ, qua sự tiếp biến và giao lưu văn hóa, hình tượng chim thần này đã có mặt tại nhiều ngôi chùa ở Việt Nam.
Điều đặc biệt không thể bỏ qua khi đến với chùa Bối Khê đó là đằng sau khuôn viên chùa còn lưu giữ một căn hầm từng là kiểu mẫu thời kháng chiến chống Pháp. Được đào vào tháng 1.1948, căn hầm này dài 3 km, có ba ngách, hai cửa, xuyên qua tòa thượng điện, chạy qua đền thờ Nguyễn Trực gần chùa và chạy vòng quanh làng, tạo ra thế liên hoàn chiến đấu dưới lòng đất. Hầm này có tác dụng chuyển quân dưới mặt đất và khi rút lui thì trở thành chỗ phòng thủ vững chắc. Tại đây, du kích làng Bối Khê đã từng chiến đấu nhiều trận, tiêu diệt nhiều tên địch.
Mô hình hầm chùa Bối Khê đã được nhân rộng ra các làng kháng chiến trong huyện Thanh Oai, rồi tỉnh Hà Tây (cũ) thời kỳ chống Pháp. Năm 1979, chùa Bối Khê được công nhận là di tích lịch sử - cách mạng cấp quốc gia. Hiện nay các hầm trong xã Tam Hưng và các xã lân cận đều đã bị phủ kín, bịt chặt, duy chỉ có hầm trong chùa Bối Khê vẫn còn giữ được một cửa và căn hầm dài khoảng 7 m.
Chùa Bối Khê được đánh giá là một trong 6 chùa lớn và cổ nhất tỉnh Hà Tây (cũ) gồm chùa Hương, chùa Đậu, chùa Thầy, chùa Tây Phương và chùa Trăm Gian. Hầm liên hoàn kháng chiến Bối Khê chính là di tích cách mạng đáng tự hào của nhân dân làng Bối Khê. Hiện nay, căn hầm này đã được trùng tu, tuy chỉ còn lại đoạn ngắn nhưng là nơi để người dân trong làng ôn lại lịch sử hào hùng của quê hương cũng như giáo dục lòng yêu nước đến thế hệ trẻ.
Bài, ảnh: Nguyễn Văn Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét