(Kiến Thức) - Ngoài biệt tài biết nhiều ngoại ngữ, cuộc đời của danh tướng Trần Nhật Duật còn để lại những giai thoại rất ly kỳ, trong đó có chuyện về “đội binh hổ thần” giúp ông đánh giặc.
Chuyện lạ của vị tiên đồng giáng sinh nơi hạ giới
Trần Nhật Duật là con trai thứ 6 của vua Trần Thái Tông, là em khác mẹ của vua Trần Thánh Tông và danh tướng Trần Quang Khải. Ông sinh tháng 4 năm Ất Mão (1255). Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" viết về sự ra đời của ông như sau: “Mùa hạ, tháng 4,… Hoàng tử thứ 6 Nhật Duật sinh. Trước đó, đạo sĩ cung Thái Thanh tên là Thậm cầu tự cho vua. Đọc sớ xong [đạo sĩ] tâu vua:
- Thượng đế đã y lời sớ tấu, sắp sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ [48 năm].
Thế rồi hậu cung có mang. Sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ "Chiêu Văn đồng tử", nét chữ rất rõ, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn. Lớn lên, nét chữ mới mất đi. Đến năm [Nhật Duật] 48 tuổi, bị ốm hơn 1 tháng, các con ông làm chay, xin giảm tuổi thọ của mình để kéo dài tuổi thọ cho cha. Đạo sĩ đọc sớ xong, đứng dậy nói:
- Thượng đế xem sớ xong, cười bảo: "Sao hắn quyến luyến trần trục muốn ở lại lâu thế, nhưng các con hắn thực lòng hiếu thảo, cũng đáng cho. Thôi cho thêm hai kỷ nữa".
Thế rồi bệnh liền khỏi. Sau Nhật Duật mất, thọ 77 tuổi, thế là được đủ 6 kỷ lẻ 5 năm”.
Thân mẫu của Trần Nhật Duật là Vũ Thị Vượng, còn gọi là Vượng Nương, quê ở làng Miễu, xã Mạt Lăng, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường (nay là huyện Nam Trực, Nam Định). Năm Kỷ Hợi (1239), Trần Thái Tông đi tuần thú qua vùng này, tình cờ nghe nói đến cô gái thôn quê hình dung yểu điệu, nhan sắc tuyệt trần, giỏi nghề canh cửi, chăm việc ruộng đồng, nổi tiếng cả vùng vừa đẹp người lại đẹp nết nên đã đưa nàng vào cung lập làm Cung phi thứ năm, hiệu là Vũ phi.
Khi Trần Nhật Duật ra đời, được mẹ hết lòng chăm sóc, nuôi dạy nên từ nhỏ đã nổi tiếng là hoàng tử “hiếu học và sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết”; lớn lên thì trở thành một người thông minh, tính tình nhã nhặn lại rất đa tài, đủ cả cầm kỳ thi họa, thích âm nhạc diễn xướng, đặc biệt giỏi tiếng các dân tộc thiểu số và tiếng lân bang.
Trong sách "Lịch triều hiến chương loại chí", tác giả Phan Huy Chú đã viết về Trần Nhật Duật như sau: “Ông là người nhã nhặn và độ lượng, vui buồn chẳng hề lộ ra trên nét mặt, được người đương thời khen là bậc uyên bác. Những văn thư của triều đình lúc bấy giờ đều do tay ông thảo ra tất cả. Ông lại thông thuộc tiếng nói của các giống người Phiên, và khi tiếp người Tống thì có thể ngồi nói chuyện cả ngày mà không cần đến người dịch. Sứ giả từ Chiêm Thành, từ Sách Mã Tích (một đảo quốc cổ nay thuộc Malaysia - TG) hay các giống người Man (ý nói các dân tộc thiểu số- TG) đến nước ta, ông đều có thể nói chuyện và tiếp đãi theo tục của họ. Vua Trần Nhân Tông thường nói rằng:
- Ông là hiện thân của các bộ tộc phiên di.
Ông là đấng thân vương quý hiếm, làm quan trải thờ bốn đời vua, ba lần lãnh chức đứng đầu các trấn lớn. Nhà ông không ngày nào mà lại không có cuộc hát xướng. Người ta ví ông với Quách Từ Nghi đời nhà Đường bên Trung Quốc vậy”.
Cũng nhờ tài am hiểu phong tục và nói được tiếng dân tộc thiểu số nên vào cuối năm Canh Thìn (1280), khi ấy Trần Nhật Duật mới ở tuổi 25 đã dẹp được cuộc nổi loạn mà không tốn đến một mũi tên, hòn đạn tại đạo Đà Giang thuộc vùng Tây Bắc của đất nước, khiến viên chúa đạo là Trịnh Giác Mật phải nể phục quy hàng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Mật mời ngồi, Nhật Duật biết nói tiếng và hiểu phong tục các nước, cùng với Mật ăn bằng tay, uống bằng mũi. Người Man thấy vậy thích lắm. Khi Nhật Duật về quân doanh, Mật liền đem gia thuộc đến doanh xin đầu hàng. Mọi người thấy vậy đều kính phục, vui mừng, vì không hề mất một mũi tên mà vẫn dẹp yên được sự phản loạn ở Đà Giang”.
Đội quân hổ thần giúp Chiêu Văn vương phá giặc
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 năm Ất Dậu (1285) và lần thứ ba năm Mậu Tý (1288), Trần Nhật Duật đã góp công lớn, ông còn sử dụng đạo quân người Tống chạy sang quy phục, được ông dung nạp, thu nhận và toán quân đó đã khiến cho quân Nguyên hoảng sợ trong trận Hàm Tử Quan. Sau đó ông còn vâng lệnh vua đánh giặc Man ở sách A Lộc, đánh quân Chiêm ở phía Nam nên được triều đình phong làm Thái úy Quốc công, rồi làm Tá thanh Thái sư, tước Đại Vương. Đánh giá về ông, trong Đại Nam quốc sử diễn ca tóm lược như sau:
Trần Hưng Đạo đã anh hùng,
Mà Trần Nhật Duật kể công cũng nhiều.
Có một câu chuyện kỳ lạ về Trần Nhật Duật đáng nhắc đến xảy ra trong thời điểm đầu của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2. Khi ấy, vào cuối năm Giáp Thân (1284) vua Nguyên Hốt Tất Liệt sai con trai là Thái tử Thoát Hoan đem 50 vạn quân sang xâm lược Đại Việt, chúng nói phao lên 80 vạn. Thế giặc rất mạnh, quân ta chống không nổi phải tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng, tránh những đòn mạnh nhất của kẻ thù đang lúc hung hăng.
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật được trao trọng trách chỉ huy một cánh quân lớn lập phòng tuyến sông Lô đánh chặn để cản bước tiến ồ ạt của giặc Nguyên. Tại trận chiến ở trại Thu Vật (nay thuộc Tuyên Quang) gặp thế bất lợi Trần Nhật Duật phải dẫn quân lui về Bạch Hạc (nay thuộc Phú Thọ). Quân giặc đuổi theo rất gấp, tình thế vô cùng nguy cấp. Đến vùng Phan Lương (nay thuộc làng Bạch Lưu, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thì bất ngờ có một đội quân từ trong núi Long Động đổ ra đánh vào sườn quân Nguyên.
Thấy cánh hữu của giặc gươm giáo lộn xộn, cờ xí nghiêng ngả, Trần Nhật Duật cho rằng quân hương dũng của thổ hào địa phương muốn lập công đánh giặc, ông liền quay binh lại hiệp lực. Giặc Nguyên hốt hoảng tưởng trúng phải kế mai phục của ta, lại không rõ binh lực của đối phương ra sao nên rất kinh hãi, bỏ chạy hỗn loạn. Quân ta thừa thắng đuổi theo, dồn địch xuống quá Bạch Hạc.
Sau trận đánh, Trần Nhật Duật khi thu quân cho đóng trại nghỉ ngơi. Ông không thấy đội hương binh kia bèn gọi một viên tuỳ tướng lại nói:
- Ngươi đến dãy núi kia tìm thủ lĩnh đội hương binh về đây gặp ta!.
Viên tướng tuân lệnh thúc ngựa phi đi; khi tới làng Bạch Lưu nằm dưới chân núi thì chứng kiến cảnh tượng vô cùng kỳ lạ, một đàn hổ đen đông tới mấy ngàn con lũ lượt nối đuôi nhau đi lên núi. Qúa kinh ngạc, viên tướng nọ vội quay đầu ngựa phóng về thuật lại toàn bộ sự việc cho chủ tướng. Trần Nhật Duật nghe xong thất kinh bèn cho mời một số phụ lão trong vùng đến hỏi. Có cụ già nói:
- Bẩm vương gia, đấy là thừa tướng Lữ Gia hiển linh hộ quốc chứ không có đội thổ hào dân binh nào cả. Còn hổ cũng không phải là hổ thực.
Tiếp đó ông lão kể rằng, xưa kia vào thời nhà Triệu, khi quân Hán tiến đánh, thừa tướng Lữ Gia vốn là người Việt, quê ở Châu Hoan (nay là Thanh Hoá) đã bỏ kinh đô Phiên Ngung chạy về lập căn cứ ở núi Long Động chống quân giặc. Sau đó vì thua trận mà mất, dân thương tiếc lập đền thờ tôn làm thần núi Long Động, ông thường hiển linh giúp đời.
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cho là chuyện lạ, sai người ghi chép lại. Đến khi thắng giặc Nguyên Mông, ông cho sửa sang, tôn tạo lại đền miếu thờ Lữ Gia và sai người sưu tầm, viết lại thần tích, thu lượm các truyện truyền kỳ có liên quan để lưu truyền cho đời sau.
Lê Thái Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét