(LV) - Nhà thờ họ Đỗ là ngôi nhà thờ họ hiếm hoi được phép xây dựng theo kiến trúc như một đình làng. Trải qua thời gian, dòng họ Đỗ vẫn lưu giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc cùng tất cả các hoành phi, câu đối, các hương án, ban thờ, bộ kiệu, vật dụng tế lễ từ xưa.
Đình thứ 2 của làng
Theo ông Đỗ Quốc Hiến hậu duệ thứ 15 của họ Đỗ, người trông nom nhà thờ cho biết: “Nhà thờ họ Đỗ được xây dựng để thờ cụ tổ dòng họ là Đỗ Thế Giai, làm quan thời Lê - Trịnh. Cụ là 1 trong số rất ít người được phong Vương khi sống, khi mất được phong Thần. Khi còn sống, cụ đã được triều đình phong Vương, gọi là Đỗ Đại Vương, đến khi qua đời được tôn làm Thần, gọi là Thượng đẳng phúc thần”.
Cổng vào nhà thờ họ Đỗ với mái lợp ngói cổ và lối đi lát gạch cổ kính |
Theo Đỗ tướng công niên phả, Đỗ Thế Giai sinh ngày 21 tháng 10 năm Kỷ Sửu (1709) niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 trong một gia đình danh giá. Dòng họ Đỗ của cụ cũng là một trong bốn dòng họ lớn nổi tiếng ở làng. Từ nhỏ, cụ đã rất thông minh và hiếu học, lại ham võ nghệ. Năm Nhâm Tý (1732) niên hiệu Long Đức thứ 2 cụ được điều vào cung giảng tập võ nghệ. Năm Mậu Ngọ (1738) niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4, được tuyển vào phủ giảng vũ kinh. Cũng năm này, cụ biên soạn bộ “Vũ kinh thích nghĩa” dâng lên vua, được vua ban thưởng rất hậu. Là một võ tướng của chúa Trịnh, trông coi việc binh phiên, dẹp yên bọn phiếm loạn, cụ luôn là người mẫn cán, dùng nhân nghĩa để thu phục nhân tâm. Năm Cảnh Hưng thứ 4 (1741) cụ được thăng làm Phó tri Binh phiên tham dự quân vụ võ mật, có chỉ dụ ban cho là Trung trực cảm ngôn, chúa Trịnh ban 4 chữ “Thiết thạch tinh trung” (trung thành như sắt đá) để ghi nhận tấm lòng trung kiên, chính trực.
Đôi Phỗng gỗ; bức hoành phi “Thiết thạch tinh trung” và “Thượng đẳng phúc thần” được treo trang trọng chính giữa với hơn 300 tuổi tại gian tiền tế. |
Khi qua đời, Đỗ Thế Giai được triều đình cho xây dựng ngôi nhà thờ họ theo kiến trúc đình làng (được coi như vị Thành Hoàng Làng).
Nét độc đáo của nhà thờ họ
Ngay khi bước vào cổng, một không gian cổ kính nhuốm màu thời gian bao phủ lên mọi vật. Nhà thờ họ gồm nhà tiền tế và chính điện, mái lợp ngói âm dương và nền lát gạch đỏ.
Nhà tiền tế với mái ngói, cột gần như còn nguyên vẹn như xưa . |
Chính điện có 3 gian (xưa là 5 gian), hai dĩ, cấu trúc gồm hai phần nhà tiền tế và chính điện. Hệ thống cột, khung mái, cánh cửa đều được dựng bằng gỗ như lim, xoan rừng. Các kết cấu theo lối vì kèo kẻ chuyền, đặc biệt đường diềm phía trước mái của hậu cung được chạm trổ khá tinh xảo với các họa tiết trang trí theo lối vân xoắn, hoa lá thiêng cách điệu hóa hổ phù nhả mặt trăng. Đây là lối chạm nổi độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao.
Tại nhà tiền tế, các bức hoành phi, câu đối đều được lưu giữ từ xưa. Bức hoành phi “Thiết thạch tinh trung” (trung thành như sắt đá), và “Thượng đẳng phúc thần” (phong thần) được treo trang trọng chính giữa, bên trái là bức “Vạn phúc du đồng”, bên phải là “Ngũ phúc lâm môn”. Ngoài ra, còn có thêm hai bức Long Mã thể hiện ý chí ngang dọc trời đất. Đây là sự ghi nhận công lao cũng như tấm lòng chính trực của triều đình phong kiến. Hai tấm bia đá niên đại 1771 khắc ghi công trạng, đức độ của cụ tổ Đỗ Thế Giai và đưa ra các quy định về việc cúng bái.
Đôi hạc gỗ cao 2 m đứng trên lưng rùa cũng có niên đại hơn 300 năm tại gian tiền tế. |
Gian chính giữa thờ hai vợ chồng cụ Đỗ Đại Vương. Gian bên phải thờ thầy giáo cùng các cụ tổ trên cụ Đỗ Đại Vương. Gian bên trái thờ thế hệ sau cụ Đỗ Đại Vương.
Giữa hai phần, ngăn cách nhà tế và chính điện có khoảng không rộng 50 cm để làm nơi lưu thông khí trời, không liền nhau như nhiều đình hay nhà thờ họ khác.
Điều khác biệt của nhà thờ họ Đỗ còn có đội hạc đứng trên mình rùa cao hơn 2 m và đôi tượng phỗng trước ban thờ. Toàn bộ gian chính điện là khu vực làm lễ, đặt nhiều hương án, mâm đồng, kiệu, bia đá... có từ xưa.
Đông Ngạc tự sự bia ký: ghi tiểu sử, các chức vị đảm nhiệm, những phong tặng của triều đình phong kiến đối với cụ Đỗ Đại Vương. |
Hơn 3 thế kỷ đã trôi qua, thời gian nhuốm màu lên mái ngói, các cột, vì, đôi hạc, tượng Phỗng, hoành phi, câu đối và bia đá… Sự xuống cấp là khó tránh khỏi nhưng dòng họ Đỗ đã có nhiều nỗ lực theo khả năng của mình để duy trì nguyên trạng cho ngôi nhà cũng như giữ không gian cổ kính vốn có. Trong gần 100 ngôi nhà cổ ở làng, nhà thờ dòng họ Đỗ được đánh giá cổ nhất và có giá trị nhất.
Nhà thờ họ Đỗ thuộc làng Đông Ngạc, xưa kia có tên là Kẻ Vẽ (huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây), nằm sát ngay chân cầu Thăng Long, cách trung tâm Hà Nội 10 km về phía Tây, nay thuộc hai phường Đông Ngạc và Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 (năm 1760). |
ThS. ĐàoThu Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét