Khám đường Tây Ninh còn có tên gọi là trại giam, là một trong những nhà tù mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm đày đọa đồng bào, những người yêu nước, những người chiến sĩ cách mạng thuộc nhiều thế hệ, không may bị sa vào tay giặc.
Nhưng cũng chính tại nơi đây, các chiến sĩ cách mạng đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Khám đường Tây Ninh tọa lạc trên đường Trần Quốc Toản thuộc khu phố III, phường II, thành phố Tây Ninh.
Khám đường Tây Ninh có lối kiến trúc giống như một số nhà tù ở Côn Đảo, được thực dân Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, để giam cầm, tra tấn những người dân và những người yêu nước không phục tùng với thực dân Pháp.
Cai tù ở đây toàn là người Pháp, có phiên dịch người Việt. Tù nhân ở đây không được cấp phát quần áo, chăn chiếu, thậm chí tư trang của người tù cũng bị chúng thu cướp hết. Nơi ăn, chốn ở của người tù chẳng khác gì chuồng trại chăn nuôi súc vật, chỉ khác là tù nhân tự lo liệu thu xếp cho cuộc sống đỡ khắc nghiệt. Mỗi buồng giam có diện tích khoảng hơn 50m2 mà chúng đã nhốt cả 100 người, nằm trên các nền xi măng không chăn chiếu. Tối đến tù không được ra khỏi phòng. Tiểu tiện, đại tiện đều ở trong phòng. Có hồ chứa nước nhưng ít khi có nước đầy đủ nên mùi nước tiểu, mùi phân người tỏa ra đến nghẹt thở. Tù nhân phải sống trong môi trường mất vệ sinh trầm trọng. Tắm giặt thì rất ít, thường tắm tập thể bên ngoài. Cuộc sống người tù ăn không đủ no, không đủ chất, vệ sinh môi trường bị ô nhiễm, thuốc men thiếu thốn, bệnh tật nhiều. Bị khủng bố, bị đánh đập, dụ dỗ hết đợt này đến đợt khác, đói khát, bệnh tật, tra khảo, chết chóc,…nhưng tất cả vẫn không làm lay chuyển, không khuất phục được sức mạnh của tinh thần, ý chí bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.
Thời kì kháng chiến chống Mỹ, Mỹ-Diệm cũng sử dụng khám đường này và mở rộng thêm với những biện pháp tra tấn hiện đại kiểu Mỹ tinh vi hơn để giam cầm, tra khảo, khủng bố và truy bức không chỉ là những chiến sĩ cách mạng mà có những người trí thức yêu nước và những người thuộc các đảng phái khác chống đối chế độ Diệm ở miền Nam. Đặc biệt từ năm 1956 Mỹ-Diệm mở Chiến dịch Trương Tấn Bửu đàn áp phong trào cách mạng miền Nam. Vì vậy thời gian này nhiều cơ sở cách mạng của ta bị lộ, chiến sĩ cách mạng của ta bị bắt ngày càng đông. Hầu hết đều đưa về khám đường Tây Ninh, bị đánh đập, tra khảo rất tàn bạo, xử án sơ thẩm rồi chuyển đi các trại tù khác như khám Chí Hòa, hoặc trại tù Phú Lợi,…
Như trường hợp bà Võ Thị Dung, người xã Phước Thạnh (Gò Dầu) bị bắt vào cuối năm 1959, bị đánh đập chết ngất rồi đưa vào phòng biệt giam, cả tuần không cho tắm rửa, chúng đã đánh đập hành hạ chị bằng những đòn vô cùng hiểm độc để cho chị chết dần chế mòn. Dã man tới mức lấy cổ chai thủy tinh đập bể lổm chổm thọc vô cửa mình của chị, máu ra rất nhiều không cầm lại được, bị ngất xỉu mê man….Lúc đó chị mới được đưa đến bệnh viện Tây Ninh điều trị, chúng tưởng chị sắp chết nên bỏ mặc.
Bà Phạm Thị Tròn (Tư Tròn). Bà bị bắt năm 1969 và bị đưa về giam ở khám đường Tây Ninh. Hàng ngày bị đưa ra đánh đập tra khảo, 3 đến 4 tháng sau chúng vẫn không khai thác được gì nên đưa bà về giam ở nhà tù Thủ Đức
Đặc biệt, khám đường Tây Ninh ghi đậm tội ác của Mỹ-Diệm đối với các chiến sĩ cách mạng của ta. Đ/c Hoàng Lê Kha, Tỉnh ủy viên tỉnh Tây Ninh bị bắt ngày 5/8/1959. Khi ông bị bắt, chúng đánh đập, tra tấn hết sức tàn nhẫn, hòng tìm được một lời khai nhưng chúng đã lầm. Một người cán bộ kiên trung, một người cộng sản kiên cường như thế làm sao chúng khai thác được. Thất bại, chúng đành chuyển sang tòa án xét xử, cuối cùng kết án tử hình và sau đó bí mật đem đi xử chém bởi Luật 10/59 ở ấp Tam Hạp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Khám đường Tây Ninh là những vật chứng lịch sử tố cáo tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã giam cầm, đày đọa và giết hại hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ các mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ. Chúng đã dùng mọi kiểu cách, mọi hình thức rất thô bạo và tàn nhẫn hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng. Nhưng chính tại nơi đây các chiến sĩ cách mạng đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất, giữ vững khí tiết của người Cộng sản. Những tấm gương đấu tranh của họ, dũng khí của họ là những nét đặc thù góp phần tô thắm truyền thống cách mạng của dân tộc ta “kiên trung bất khuất”
Khám đường Tây Ninh đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số: 126/QĐ-CT ngày 29/04/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Khám đường Tây Ninh đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số: 126/QĐ-CT ngày 29/04/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Theo Bảo tàng tỉnh Tây Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét