Chùa Bàu tượng nằm giữa khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, cây to rậm rạp. Sở dĩ có tên Bàu Tượng vì xưa kia liền kề nơi đây là rừng cấm, rừng lớn nối dài từ rừng Nhum (rừng ở Long Phước ngày nay, rừng chiếm hơn 3/ 4 diện tích đất, phần còn lại là đất trảng trống và đầm lầy). Nơi đây ẩn náu các loài thú dữ như báo, hổ rắn, nhất là voi sống tập trung thành từng đàn. Vào mùa nắng hạn, voi thường đến rạch uống nước, tắm mát và đùa giỡn cả ngày, lâu dần người dân quanh vùng quen gọi là Bàu Tượng (cái Bàu Voi). Từ đó mang luôn địa danh là Bàu Tượng.
Ngôi chùa Bàu Tượng hình thành vào khoảng thời vua Minh Mạng (1833-1834). Trải qua các đời trụ trì như: thầy Hương Đăng, Sư Hiếu, Thủ tọa Xẳng, thầy Ký Nhậm, thầy Huế, Sư Nhật Ân…
Năm 1919, thầy tổ đời thứ tư là Thầy Ký Nhậm xin thầy tổ chùa Núi ký pháp danh cho chùa Bàu Tượng là Bửu Long Tự.
Trước 1945, sư Nhật Ân thường sang chùa Phong Thọ bàn chuyện tuyên truyền cộng sản trong dân, cùng kết hợp với cán bộ của ông Tư Đẩu là Hai Nghĩa, ông Mạnh bí mật thành lập Công- Nông hội đỏ.
Đến năm 1945, chùa Bàu Tượng là điểm khởi nghĩa của toàn dân xã Long Giang, điểm huấn luyện quân sự, bệnh viện điều trị thương binh. Sư Nhật Ân cởi áo cà sa mặc quân phục chỉ huy lực lượng vũ trang xã đánh Pháp dưới hệ thống Chi đội 11 của Tỉnh ủy Tây Ninh do ông Trần Văn Đẩu chỉ huy.
Ngày 19/2/1946 Pháp bắn và dội bom hủy diệt chùa Bàu Tượng, ngôi chùa bị sụp đổ hoàn toàn.
Ngôi chùa đã trải qua 4 lần trùng tu nên mới có được như ngày nay, nằm trên tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là 24.022,80m2.
Ngôi cổ tự Bửu Long tọa lạc trên gò đất rộng hơn 2 mẫu nằm giữa cánh đồng ruộng phì nhiêu bốn mùa lộng gió. Ở chính giữa trước mặt chùa là một hồ sen phía sau lưng là tượng Phật Bà Quan Âm đứng trên đài sen. Phía bên trái là bàn thờ Cửu Vị Tiên Nương và điện linh Sơn Thánh Mẫu, phía bên phải là miếu thờ Long Thần – Thổ địa.
Chùa được xây gạch bên trong, bên ngoài tô vữa, kết cấu vì kèo bằng gỗ, mái lợp ngói, với 2 nếp nhà xây kiểu chữ Nhị, tổng mặt bằng kiến trúc là 155,20m2 bao gồm tiền sảnh, chánh điện, hậu tổ. Tiền sảnh thờ Tiêu diện Đại sĩ. Nối liền với tiền sảnh là chánh điện có bàn thờ 10 phương chư Phật (trong đó có thờ 3 vị Phật tam Thế Chí: A Di Đà – Quan Âm – Thế Chí), bên phải chánh điện thờ Quan thánh Đế Quân, bên trái thờ Ngũ Tổ Đạt Ma Tổ Sư, phía sau thờ Đức Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát. Nối tiếp chánh điện là một mảng tường với 2 cửa thông qua nhà tổ. Nhà Tổ thờ Cửu Huyền Thất tổ, phía sau lưng nhà tổ thờ Lục Tổ Huệ Năng ngôi trên một cái ghế cao. Hậu tổ cấu trúc đơn giản để phục vụ các cuộc lễ vía chùa.
Lối kiến trúc chùa Bàu Tượng là một không gian khép kín, toàn bộ công trình từ trước đến sau người ta dễ nhận thấy tính đối xứng được thể hiện nhất quan và chặt chẽ, không những ở tiền sảnh, trong chánh điện, hậu tổ mà cả trong khuôn viên chùa.. Chùa Bàu Tượng là một trong những ngôi chùa còn lưu lại những hiện vật cổ quý giá như dĩa cổ hoa lam, lư hương bằng sứ, hai chân đèn bằng đồng, che đựng nhang,..đều có giá trị khảo cổ và được gìn giữ, bảo quản, tạo nên một ngôi chùa uy nghi, cổ kính.
Chùa Bửu Long đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 22/11/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Theo Bảo tàng tỉnh Tây Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét