Khu di tích Bến Đình, tọa lạc ấp B, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 72/QĐ-CT ngày 13 tháng 6 năm 1998 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Khu di tích Bến Đình là một địa điểm còn lưu lại những phế tích của các công trình xây dựng đền tháp cổ. Trong quá trình điều tra, khảo sát và nghiên cứu các nhà khảo cổ học đã phát hiện ít nhất 4 chân tháp cổ ở gò đất cao 5m (nơi có Miếu Bà).
Ngoài ra cặp sông Vàm Cỏ Đông còn phát hiện các hàng cọc gỗ trai có đường kính 60cm dài 1m2, đầu nhọn được đóng sâu dưới đất, đầu bằng phía trên, cách mặt đất 20 cm.
Qua đánh giá ban đầu thì đây có thể là cọc nhà sàn hoặc cầu tàu (bến tàu) của người xưa. Chứng tỏ đây là 1 khu dân cư đông đúc lâu đời. Ở các chân phế tích tháp phát hiện rất nhiều gạch, ngói ống, ngói bàn, ngói trang trí, ngói hình chóp, gốm nhiều chủng loại, kiểu dáng, màu sắc…có độ nung chín tương đối cao như các loại: miệng bình, vòi bình. Tầng văn hóa dày từ 80cm đến 1.20m.
Những dữ kiện thu được ở khu di tích Bến Đình từ các vật liệu xây dựng gạch, ngói đến các vật dụng khác: gốm, chân đèn, bệ đá vuông, nắm tay tượng… bằng phương pháp so sánh đối chiếu của các nhà khảo cổ học. Di tích Bến Đình, các phế tích kiến trúc tháp có niên đại ở thế kỷ thứ VIII, các hiện vật gốm, ngói, vòi bình, có niên đại ở thế kỷ thứ IX-X sau Công Nguyên.
Nơi đây thời Thiệu Trị thứ 3 cho đắp Bảo gọi là thành Bảo Định Liêu, năm Tự Đức thứ 3 lấy Bảo Định Liêu Làm thành bảo của huyện Quang Hóa.
Khu di tích Bến Đình là khu di chỉ khảo cổ lớn của tỉnh, còn chứa trong lòng đất nhiều dữ kiện lịch sử mà bước đầu cho thấy có niên đại cách nay từ 10- 12 thế kỷ.
Ngoài giá trị lịch sử kiến trúc đền tháp, phương pháp chế tạo vật liệu… di tích còn giúp cho các nhà nghiên cứu về tập tục xưa về một nền văn minh Óc Eo.
Theo Bảo tàng tỉnh Tây Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét