Phóng tầm mắt từ trên đỉnh đồi, chúng tôi dễ dàng quan sát được một vùng rộng lớn. Vì thế, không khó để hình dung việc sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã cho xây dựng Đồn Cao Đông Triều, tập trung trại lính để kiểm soát hòng vơ vét tài nguyên vùng duyên hải Đông Bắc. Không chỉ nằm ngay khu vực trung tâm mà Đồn Cao Đông Triều còn án ngữ tuyến giao thông huyết mạch từ Chí Linh (Hải Dương) đi Uông Bí (Quảng Ninh) theo đường 18A; từ Kinh Môn (Hải Dương) qua Đông Triều (Quảng Ninh) bằng đường 332. Để bảo vệ căn cứ quan trọng này, thực dân Pháp đã xây dựng các công trình quân sự được bố trí theo kiểu liên hoàn với những hàng rào thép gai, trận địa pháo cùng “ma trận” lô cốt được phong tỏa ở mọi phương hướng. Sau khi đưa vào sử dụng, thực dân Pháp đã tự hào khẳng định, việc tấn công và đánh chiếm Đồn Cao Đông Triều là “bất khả thi”.
Lô cốt chỉ huy hướng đông bắc của Đồn Cao Đông Triều được xây dựng khá kiên cố. 
Bằng sự mưu trí và tài lược, lực lượng Việt Minh đã chiếm được Đồn Cao Đông Triều vào sáng 8-6-1945, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi tại Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập Chiến khu Đông Triều (hay còn gọi là Chiến khu Trần Hưng Đạo, Đệ tứ Chiến khu-chiến khu cách mạng thứ tư trong cả nước ra đời trong thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945). Năm 1947, thực dân Pháp liên tiếp mở những trận đánh lớn chiếm lại Đồn Cao Đông Triều và tiếp tục củng cố hệ thống đồn, bốt, tháp canh nhằm chiếm giữ lâu dài và khống chế lực lượng ta đánh trả từ xa. Tuy nhiên, sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đồn Cao Đông Triều đã bị quân và dân ta chiếm đóng, kiểm soát hoàn toàn.
Qua thời gian, nhiều công trình của Đồn Cao Đông Triều đã bị hư hỏng nặng. Hầu hết các công trình chỉ còn lại phần tường, dấu tích, nền móng. Hiện Đồn Cao Đông Triều có 12 lô cốt còn nguyên vẹn, đường hầm đã được cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh. Mới đây, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Đông Triều đã đổ bê tông một số tuyến đường nối các điểm di tích, nên việc đi lại, tham quan di tích khá thuận lợi.
Nhằm ghi nhận những nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy di tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Đông Triều, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia cho di tích Đồn Cao Đông Triều. Việc tôn vinh di tích lịch sử này không chỉ để tưởng nhớ đến công lao của thế hệ cha anh đã ngã xuống trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG