Căn cứ Rừng Nhum tọa lạc tại ấp Phước Đông, xã Long Phước, huyện Bến Cầu, được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số: 122/QĐ-CT ngày 29/4/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Đầu năm 1960 phong trào Đồng Khởi trên toàn miền Nam đã làm phá sản chiến lược “Tố cộng diệt cộng” bình định miền Nam bằng các “Khu dinh điền”, “Khu trù mật”, bị thất bại, Mỹ chuyển sang kế hoạch bình định mới với một hệ thống hàng rào, ấp chiến lược “Chiến lược chiến tranh đặc biệt”.
Đến đầu năm 1962, Tỉnh ủy Tây Ninh quyết định tách các xã phía Tây sông Vàm Cỏ Đông ra khỏi huyện Gò Dầu và chính thức thành lập huyện Bến Cầu. Được sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, đó là cái mốc quan trọng trong lịch sử truyền thống, nó đáp ứng mọi nguyện vọng thiết tha của toàn thể đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào của huyện.
Để thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị, năm 1962. Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết xác định nhiệm vụ đối với căn cứ “ra sức giữ vững, mở rộng và xây dựng các loại căn cứ địa cách mạng, bồi dưỡng cho lực lượng ta về mọi mặt, đánh bại một âm mưu càn quét, lấn chiếm căn cứ của địch”.
Từ Nghị quyết trên, căn cứ Rừng Nhum được thành lập, cùng với đà phát triển của căn cứ Lõm sau này như: Bàu Gỏ, Sóc Khuất, Rừng Khuỷnh, Bàu Rong và địa đạo Lợi Thuận đã nói lên tinh thần của quân và dân Bến Cầu quyết tâm đánh Mỹ và góp phần thắng Mỹ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1960-1975) căn cứ Rừng Nhum giữ một vị trí rất quan trọng đối với toàn huyện Bến Cầu và kẻ thù tìm mọi cách đánh phá tiêu diệt, nhưng quân và dân Bến Cầu, đã biết dựa vào ý Đảng, lòng dân đánh trả quyết liệt và bẻ gãy nhiều cuộc càn chiến lược của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề, giữ vững địa bàn và bảo vệ toàn căn cứ của huyện.
Sau khi thành lập căn cứ huyện trong những năm kháng chiến ác liệt đã di chuyển nhiều nơi như: Địa đạo Lợi Thuận, Bù Lu, Giồng Nần, Tiên Thuận.. nhưng căn cứ Rừng Nhum vẫn là nơi bám trụ của Huyện ủy Bến Cầu để chiến đấu và tồn tại cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Năm 1962 trước âm mưu và thâm độc của địch, huyện ủy Bến Cầu đã xác định nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay là đánh bại kế hoạch “quốc sách” “ấp chiến lược” của địch, đồng thời cũng là một yêu cầu quan trọng hàng đầu trong đấu tranh lâu dài của ta và làm cho quần chúng tăng thêm quyết tâm phá bỏ ách kềm kẹp của địch.
Cùng với đà phát triển của phong trào quần chúng sau chiến thắng Đồng khởi Tua Hai đã tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Bến Cầu ra đời. Ngoài những nhiệm vụ buổi đầu mới thành lập, bộ phận lực lượng vũ trang Bến Cầu lúc bấy giờ có thêm nhiệm vụ “tác chiến, tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng và phong trào du kích chiến tranh ở các xã”.
Nổi bật là cuộc đấu tranh giằng co giữa ta và địch, địch ráo riết càn quét, gom dân vào “ấp chiến lược”, còn đồng bào ta bị gom vào ấp chiến lược thì trở về ruộng vườn cũ. Cuộc càn quét của địch ngày 18/8/1962 đã gom 342 nhà dân thuộc ấp Bến và ấp Voi đưa vào ấp chiến lược, nâng số dân ấp này lên trên 2500 người, nhưng chỉ một tuần sau, số dân chỉ còn 2.352 người. Đặc biệt trong vòng nửa tháng, đã có trên 1.300 người rời bỏ “ấp chiến lược” thì số thanh niên từ 18-45 tuổi chiếm số đông.Theo chỉ đạo của trên để mở rộng vùng, mở rộng hành lang biên giới và xây dựng chính quyền cách mạng, ngày 6/1/1964 lực lượng huyện phối hợp với Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, đánh tiêu diệt yếu khu Bến Cầu. Ta đã tiêu diệt 20 tên và bắt 52 tù binh. Như vậy toàn bộ ban tề xã bị bắt và bị tiêu diệt.
Tháng 7/1965 lực lượng phối hợp với Tiểu đoàn 14 do đồng chí Ba Nhị, làm tiểu đoàn trưởng đã bao vây đồn Rừng Dầu để nhử địch. Sau đó đội rơm phục kích diệt gọn một đại đội bảo an từ chợ Cầu xuống cứu viện, diệt và làm bị thương 60 tên, bắt làm tù binh 38 tên và thu 100 súng các loại.
Tháng 6/1969 tại Sóc Khuất, Tiểu đoàn 1 đã đánh 2 trận diệt 1 đại đội lính Mỹ và đánh thiệt hại nặng một đại đội Mỹ khác, lực lượng huyện kết hợp với lực lượng Miền đánh chìm 2 tàu của địch trên sông Vàm Cỏ Đông, tiêu diệt 20 tên địch.
Đến ngày 10/3/1975 lực lượng ta đồng loạt tấn công mạnh mẽ các mục tiêu đã quy định. Kết quả đến ngày 13/3/1975 ta đã tiêu diệt đồn An Thạnh, ngày 14/3/1975 ta gở hết đồn bót còn lại như: Chợ Cầu, Miếu Ông Hổ, Rừng Dầu, ngã tư Mộc Bài, Long Khánh và Long Giang…
Đến sáng ngày 15/3/1975 cờ giải phóng tung bay trên khắp huyện Bến Cầu, đã chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc. Đó là niềm mơ ước của toàn Đảng, toàn dân huyện Bến Cầu hơn 20 năm qua đã trở thành hiện thực và đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân ta, luôn luôn coi trọng vấn đề xây dựng căn cứ địa với những ưu điểm địa lý của nó. Không một ai từng hoạt động trên địa bàn huyện Bến Cầu trong kháng chiến mà không có kỷ niệm dù ít dù nhiều của một thời gắn bó với căn cứ Rừng Nhum. Ở đó mọi cán bộ chiến sĩ và đồng bào, đã sống và chiến đấu với niềm tin và lòng chung thủy son sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đã sống và chịu đựng gian khổ với ý thức vươn tới chiến thắng mãnh liệt, đã sống và chiến đấu trong tình đồng chí, đồng bào trong sáng và thân thương như tình ruột thịt. Ghi lại những lịch sử căn cứ Rừng Nhum chính là ghi lại những điều ấy để ghi lại phần nào lòng mong mỏi của cán bộ chiến sĩ và đồng bào nơi đây. Khi cuộc chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng mà lòng vẫn nhớ đến một thời chiến đấu, hi sinh.
Căn cứ Rừng Nhum không chỉ là chiến trường tiêu diệt địch mà còn là nơi xuất phát, là bàn đạp lợi hại của ta trong tiến công địch trên mọi mặt trận. Đó là hàng loạt tiến công tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Theo Bảo tàng tỉnh Tây Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét