(NLĐO)- Cái vị béo của vẩy cá mè dinh, cái mặn mòi của nước mắm cá linh non, cái mùi thơm sực nức của loài rau biên ải và tình người tình đất phương Nam quyện lại thành một kỷ niệm khó quên trong lòng viễn khách.
Miền Tây nổi tiếng với những món ăn dân dã, bình dị mà ngây ngất lòng người, khiến thực khách đến một lần, nếm một miếng thì không thể quên. Từ món ăn đến con người đều chất phác, mộc mạc và sâu lắng. Trong cái ăn còn thể hiện cái văn hóa, cái bản tính của người dân đồng bằng.
Hương vị khó quên
Từ thuở khai hoang mở cõi, con người đã được thiên nhiên ở đây ưu đãi bởi sản vật phong phú và đất đai phì nhiêu. Khách phương xa đến vẫn còn có thể nghe đâu đó được những câu chuyện về cá tôm đầy kênh rạch, rau dại mọc kín sân, tới bữa chỉ cần nổi lửa lên là có cái ăn, khỏi phải kiếm tìm xa xôi đâu cả.
Duối cây trồng để làm cảnh
Về đến vùng biên giới nơi- 2 dòng sông mẹ (sông Tiền và sông Hậu) ở đầu nguồn huyện An Phú (An Giang)- khách phương xa sẽ không khỏi thích thú bởi những món ăn lạ ở đây mà người dân vẫn còn gìn giữ từ thời khai hoang, mở đất. Có thể người ta đã quen với những cái tên, như: lía phơi, gà đất sét, chuột quay lu, cá lóc um rơm, ốc bưu vàng xào bông súng… nhưng rất nhiều người không khỏi ngơ ngác với món lá “duối dây”.
Năm 2016, các đầu bếp trứ danh ở An Giang đã mang lá duối góp mặt vào chung kết “Chiếc thìa vàng” với món tôm hấp lá duối. Từ một loài hoang dại không tên tuổi bổng dưng trở thành một món ngon, lạ lẫm mà ít người biết đến khiến các thực khách sành ăn không khỏi tò mò, thích thú.
Duối là loài cây bụi mọc hoang dã ở vùng Bảy Núi và vùng biên giới Tây Nam
Lá duối chủ yếu dùng để làm món hấp bởi mủ loại cây này có mùi thơm ngạt ngào của nước cốt dừa nhưng đậm đà hơn gấp bội. Lúc trước, dân ở đây hay dùng nó để bỏ vào nồi bánh tét nhằm ướp hương cho Tết thêm chút đậm đà, dần dà cây duối ít đi nên họ mới thay bằng một phụ liệu khác là lá dứa.
Theo anh Nguyễn Khái Hưng (quê ở Cần Thơ, đang sinh sống và làm việc tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) thì món cá mè dinh hấp lá duối chỉ cần ăn là phải nhớ. Anh đã thử một lần và đến giờ vẫn cảm giác được cái mùi, cái vị, cái hương thơm của nó. Cũng tương tự, bà Nguyễn Thị Thắm (ngụ huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đến thăm người thân ở vùng này, được chiêu đãi bằng món cá lóc hấp lá duối để rồi nhớ mãi đến bây giờ, thèm một lần trở lại để có dịp thưởng thức hương vị khó quên của một loài rau lạ.
Nhiều người không khỏi ngơ ngác khi thưởng thức món lá duối dây
Lá duối đã chứng minh được mình khi đặt cạnh những cao lương, mỹ vị khác trong một cuộc thi ẩm thực. Nó được phát hiện như một loại phụ liệu mới cho các công thức của những đầu bếp lẫy lừng nhưng ít ai biết từ thuở xa xưa nó đã là món đặc sản để người dân nơi đây chiêu đãi khách quý ở phương xa. Cứ mỗi lần mở vung ra thì mùi thơm lan sang cả nhà bên cạnh. Cái vị béo của vẩy cá mè dinh, cái mặn mòi của nước mắm cá linh non, cái mùi thơm sực nức của loài rau biên ải và tình người, tình đất phương Nam quyện lại thành một kỷ niệm khó quên trong lòng viễn khách.
Phân biệt duối cây, duối dây và tầm ron
Duối là loài cây bụi mọc hoang ở vùng Bảy Núi và biên giới Tây Nam. Người dân ở đây phân thành 2 loại: duối cây và duối dây. Theo ông Ngô Văn Trường (ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú) thì “duối cây người ta chặt về dùng để làm chà rào (một loại bẫy thô sơ dùng cây nhiều nhánh bó lại quăng xuống sông, rạch dẫn dụ tôm cá vào ở để đánh bắt- PV), còn duối dây thì lấy lá để làm rau chế biến nhiều món ăn bởi nó có mùi thơm rất đặc trưng”.
Vị béo của vẩy cá mè dinh, cái mặn mòi của nước mắm cá linh non, cái mùi thơm sực nức của loài rau biên ải và tình người, tình đất phương Nam quyện lại thành một kỷ niệm khó quên trong lòng viễn khách.
Nếu có dịp đi ngang đất Chi Lăng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), có thể thấy nhiều người ở đây dùng duối cây để làm cảnh do rất dễ trồng và thân cây lại có dáng của một cổ thụ, lá nhỏ và dày dễ tạo hình tán lá. Ngoài ra, một số ít người dân còn dùng duối cây để làm thuốc vì nó có vị đắng, chát, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông huyết, cầm máu và sát trùng. Do lá nhám và ráp nên người ta cũng lá để chà bóng đồ gỗ mỹ nghệ.
Trong khi lá của duối cây chỉ bằng 2 ngón tay và không ăn được thì lá của duối dây lại lớn bằng bàn tay, ít nhám hơn. Tuy nhiên nhìn bề ngoài vẫn thấy thô ráp và ít ai nghĩ đến việc có thể dùng để làm thực phẩm. Nghĩ lại cũng thấy thú vị, một loại thì dùng để bắt cá còn một loại thì dùng để ăn chung với cá. Hình như thiên nhiên sinh ra chúng đã có ý sẵn rồi.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Ngô Đức Lợi (xã Khánh Bình, huyện An Phú) cho biết: “Phân biệt 2 loại duối rất dễ bởi một bên thân cây, lá nhỏ; một bên là thân dây, lá lớn. Còn giữa lá duối dây với lá tầm ron thì đến người ở địa phương cũng hay lầm. Chúng tương tự nhau, chỉ có 2 điểm khác biệt là lá duối dây có mủ rất thơm và không có khía khuyết vào lá như tầm ron- loại lá ăn được mặc dù không ngon lắm.
Theo đà phát triển, các loài cây bụi mọc hoang dần bị thay thế bởi các cây trồng kinh tế hơn. Cũng chưa ai nghĩ đến phát triển từ rau dại thành rau vườn nên bây giờ các loại rau rừng nói chung và lá duối nói riêng đã dần dần ít đi đất sống. Mặc dù không còn nhiều như trước nhưng chắc chắn một điều là đất phương Nam vẫn đủ trù phú để mời mọc khách nơi xa đến với những loài rau thơm, cỏ lạ.
Bài và ảnh: LÂM LONG HỒ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét