Chuyện tìm mộ vua Hồ Quý Ly bên Trung Quốc
(PL)- 600 năm sau khi Hồ Quý Ly mất, con cháu của dòng họ Hồ tại Việt Nam vẫn luôn mong mỏi tìm được mộ chí của ông nơi đất khách quê người…
Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lập nên nhà Hồ. Đến năm 1406, quân Minh do Trương Phụ, Mộc Thạnh chỉ huy lấy danh nghĩa “phò Trần diệt Hồ” kéo sang xâm lược. Đến năm 1407 quân Minh đã diệt nhà Hồ, bắt Hồ Quý Ly và các con Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương cùng nhiều quần thần và thợ giỏi, sư sãi… đưa về phương Bắc. Sau này Lê Lợi khởi nghĩa thành công, lập nên nhà Hậu Lê, số phận của những người bị quân Minh bắt vẫn rất mờ mịt, hầu như không có thông tin gì. Con cháu nhà Hồ còn sống sót ở Việt Nam những năm sau này đều mong mỏi biết về số phận và mồ mả tổ tiên nhưng bặt vô âm tín. Cho đến đầu những năm 2000, họ biết được có một nhà khảo cổ người Việt đã nhiều năm nghiên cứu và có ý định đi tìm ngôi mộ của Hồ Quý Ly, đó là ông Đỗ Đình Truật.
Một người khao khát tìm mộ vua Hồ
Ông Đỗ Đình Truật sinh năm 1931, mất năm 2013, là người đã có hơn 50 năm làm việc trong ngành khảo cổ. Ông đã được ghi nhận là người khai quật mộ cổ nhiều nhất Việt Nam với hơn 100 ngôi mộ. Từ nhỏ ông đã rất hâm mộ Hồ Quý Ly cùng những cải cách của nhà Hồ. Năm 1955, ông được cử sang Trung Quốc làm chủ nhiệm một số lớp ở khu học xá Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tại đây, ông may mắn gặp được học giả Trần Văn Giáp, từng du học Pháp và làm việc ở Viện Viễn Đông Bác cổ. Ông Giáp được nhiều học giả Trung Quốc khâm phục, thậm chí gọi ông là “Quách Mạt Nhược thứ hai” (nhà văn nổi tiếng Trung Quốc với những nghiên cứu về văn tự cổ).
Thật bất ngờ khi ông Giáp cũng rất quan tâm đến Hồ Quý Ly và cung cấp cho ông Truật nhiều thông tin về các tài liệu quý giá liên quan đến nhà Hồ ở các thư viện Trung Quốc. Trong quá trình ở Quảng Tây tìm mộ Hồ Quý Ly thì ông Truật lại tình cờ phát hiện ra mộ của chí sĩ Nguyễn Thiện Thuật, người anh hùng của khởi nghĩa Bãi Sậy. Do điều kiện công việc lúc bấy giờ, ông Truật không có cơ hội để tiếp tục đi tìm mộ, sau này khi cách mạng văn hóa nổ ra, ông Truật phải về nước. Từ đó ông chỉ đi tìm dấu tích về nhà Hồ ở trong nước, nhất là sau khi xảy ra chiến tranh biên giới, ông càng không hy vọng có cơ hội sang Trung Quốc tìm mộ vua Hồ.
Hơn 70 tuổi, sức khỏe giảm sút, ông Truật rất vui mừng khi con cháu họ Hồ đã tài trợ chi phí để ông sang Trung Quốc tìm mộ. Xác định đây là chuyến đi lớn cuối đời, ông nghiên cứu tư liệu, chuẩn bị cho hành trình. Năm 2004, tôi may mắn được gặp ông Đỗ Đình Truật sau khi ông đi Trung Quốc về, được ông kể cho nghe nhiều chuyện thú vị. Gần đây lại gặp được người học trò cùng đi với ông nên có thể bổ sung khá đầy đủ về hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly nơi xứ người.
Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật (trái) và ông Nguyễn Thiện Đức trong chuyến đi tìm mộ Hồ Quý Ly. Ảnh do gia đình cung cấp
Tung tích của Hồ Quý Ly trên đất Minh
Các cuốn sử của Việt Nam chỉ ghi nhận việc cha con Hồ Quý Ly bị giải về Trung Quốc là hết. Phần còn lại được ghi chép khá rõ ở các cuốnMinh sử, Minh cảo sử, Minh thực lục, Minh thông giám, Quốc triều hiến chính… của nhà Minh. Sau khi bị giải đến kinh đô, ba cha con Hồ Quý Ly chỉ bị xử rất nhẹ; Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương được phong quan làm việc cho nhà Minh. Riêng Hồ Quý Ly, một số tài liệu cho rằng bị đày làm lính thú ở Quảng Tây, rồi bị giết bí mật. Tuy nhiên, ông Truật không tin vào thuyết này vì khi quân Minh đưa quân qua xâm lược nước ta đã vu cho Hồ Quý Ly hơn 20 tội, toàn tội đại nghịch như tiếm ngôi, giết vua, chém sứ, lấn đất thiên triều… nên nếu muốn giết thì có thể chém ngay giữa điện Phụng Thiên luôn để ra uy, không cần phải dùng cách tiểu nhân. Bản thân Hồ Quý Ly khi bị bắt đã hơn 70 tuổi, già yếu, khó có khả năng trốn thoát về đất Việt và cũng không còn lực lượng, nhất là bị dân chúng căm ghét, cho là cướp ngôi nhà Trần.
Ngoài ra, do Hồ Nguyên Trừng được trọng dụng để chế vũ khí nên nhà Minh cũng muốn giữ mạng Hồ Quý Ly để các con yên tâm phụng sự, có thể đó là lý do tại sao nhiều pho sử nhà Minh ghi lại rằng sau khi bị hài tội thì Hồ Quý Ly chỉ bị giam vào ngục chờ phán quyết, mà sau đó cũng không thấy có phán quyết gì với ông, tức là ông đã bị giam hoặc giam lỏng đến khi chết.
Một tài liệu khác thời Minh ghi chép lại trò chuyện với con cháu Hồ Quý Ly cho biết Hồ Quý Ly chết khi hơn 80 tuổi, chôn ở kinh đô. Sau đó con cháu cải táng, chôn ở núi Chung Sơn cách đó hơn chục dặm. Ông Truật tin là tài liệu này đúng hơn cả. Và ông cho rằng nơi chôn cất Hồ Quý Ly ở núi Chung Sơn là núi Lão Tử hiện tại, thuộc TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.
Sử sách đều ghi ba cha con Hồ Quý Ly bị dẫn giải về Kim Lăng. Kim Lăng (Nam Kinh) chính là kinh đô của nhà Minh trước khi dời về Bắc Kinh. Núi Lão Tử thuộc thôn Kim Lăng, cách Nam Kinh gần 20 km vốn là nơi chôn người chết bao đời, trên núi có vô số ngôi mộ. Ngay cả hai vị vua đầu tiên của nhà Minh cũng được đặt lăng mộ ở Lão Tử Sơn, sau này dời đô mới mang về Bắc Kinh, đặt trong Thập tam lăng như hiện nay. Vấn đề còn lại là làm sao tìm được mộ Hồ Quý Ly giữa muôn vàn nấm mộ ở nơi này.
Những chuyện ngẫu nhiên trên Lão Tử Sơn
Xuống sân bay Bắc Kinh, nhóm ông Truật được một cô gái tên Thu Vân ra đón. Cô là người gốc Việt, qua người quen, biết ông Truật đi tìm mộ Hồ Quý Ly nên tình nguyện làm người dẫn đường. Một chuyện khá ngẫu nhiên là khi trên chuyến tàu đi Nam Kinh, tình cờ một thanh niên ngồi gần đó nghe được câu chuyện của nhóm đã tới làm quen. Anh giới thiệu là công nhân mỏ, họ Hồ, sống ở Giang Tô, biết rõ địa thế vùng này. Anh đã vẽ bản đồ chỉ dẫn cách đi đến thôn Kim Lăng trên Lão Tử Sơn.
Khi đến Kim Lăng, đoàn đã đến đồn cảnh sát địa phương để trình báo sự việc và hỏi thăm, được cảnh sát cho biết trên Lão Tử Sơn có rất đông người họ Hồ, có cả một khu mộ nghe nói của dòng họ người Việt ở đó từ rất lâu rồi. Họ còn nhiệt tình cử một sĩ quan cảnh sát lấy ô tô dẫn đoàn đến đó. Những sự kiện ngẫu nhiên nối tiếp khiến ông Truật tin rằng ông đã gần đến đích.
Ông Nguyễn Thiện Đức, năm nay 68 tuổi, vốn là một sĩ quan quân đội nhưng rất đam mê khảo cổ nên đã theo làm học trò ông Truật hơn 16 năm. Ông kể lại: “LãoTử Sơn là vùng rừng núi rất mênh mông rộng lớn, ít người, mộ chí rất nhiều. Chúng tôi đi tìm từ sáng tới trưa chưa thấy dấu tích mộ dòng họ Hồ, cả đoàn ai cũng hết sức mệt mỏi. Khi đang đi, bỗng nhiên tôi bị một cành gai quấn vào gấu quần kéo lại. Tôi cúi xuống gỡ cây gai và nhân tiện cột lại dây giày thì thấy có một con đường mòn nhỏ bên cạnh. Linh tính mách tôi thử tách đoàn đi theo con đường mòn nhỏ một đoạn xa thì phát hiện ra một ngôi mộ ghi tên Hồ Văn Hải, chết đã rất lâu rồi. Tôi gọi cả đoàn lại, ai cũng mừng rỡ. Cụ Truật gieo thử một quẻ Kinh dịch, hỏi xem có phải nhà vua không thì được biết chỉ là mộ một người hậu thế. Tuy nhiên, đây là cơ sở để chúng tôi vững tâm, bắt đầu đi tìm các gia đình có người họ Hồ gần đó để dò hỏi thêm”...
Một cụ già cho biết bà cũng nghe kể lại dòng họ Hồ của bà có gốc Việt Nam rất lâu trước đây. Xưa kia trên đỉnh Lão Tử Sơn còn có ngôi mộ của tổ dòng họ Hồ ở đây. Trên đó còn có cả nhà giam cũ từ xưa. Trong khi mọi người đang mừng rỡ thì bà cụ khiến không khí chùng lại khi nói rằng theo các bô lão trong thôn, hồi Thế chiến thứ II, quân Nhật kéo đến chiếm Nam Kinh, chúng đã chọn đỉnh Lão Tử Sơn làm nơi đặt trận địa pháo. Nhà giam cùng nhiều ngôi mộ cổ trên đó, trong đó có lăng mộ tổ họ Hồ đều đã bị san ủi.
Đứng trên đỉnh núi nay chỉ còn là bãi đất hoang cây cỏ mọc đầy, ông Truật thắp hương gieo quẻ Kinh dịch, hỏi di hài nhà vua còn ở đây không thì quẻ trả lời còn nhưng không tìm được nữa. Ông Truật bốc lấy hai nắm đất trên đỉnh, gói lại vào tấm vải mang về. Khi tới Bắc Kinh mở ra, thật kỳ lạ khi nắm đất nhìn giống như hình đầu người. Hai nắm đất đó sau này đã được đưa về đặt trên bàn thờ của dòng họ Hồ ở Việt Nam.
Dấu vết của ‘thần cơ’ Hồ Nguyên Trừng
(PL)- Sau khi bị quân Minh bắt, Hồ Quý Ly bị bắt giam, còn lại hai con trai ông đều được nhà Minh tha bổng. Hồ Hán Thương được chức quan nhỏ, giao dạy Kinh Dịch cho các quan lại nhà Minh. Trong khi đó Hồ Nguyên Trừng được trọng dụng nhiều hơn do khả năng chế tạo súng và thuốc nổ…
Một trong những lý do khiến Hồ Quý Ly tự tin sẽ chống lại được quân Minh là sở hữu được rất nhiều súng thần công do con trai Hồ Nguyên Trừng chế tạo ra. Phòng tuyến chống quân Minh do Hồ Nguyên Trừng dựng lên với rất nhiều súng thần cơ đã liên tiếp đánh bại quân Minh, nhà Hồ thua là vì không được dân chúng ủng hộ.
Người tù Đại Việt thành quan to trong triều Minh
Là một nhân tài nắm rõ cách chế tạo hỏa long pháo và thần cơ pháo, cùng các bí quyết về thuốc nổ đủ khiến nhà Minh tìm mọi cách lưu dụng ông. Chính vì vậy thay vì xử tội cả ba cha con, nhà Minh lại tha chết cho họ, một mặt giam giữ Hồ Quý Ly như con tin, một mặt ban chức tước cho Hồ Nguyên Trừng để dụ dỗ. Vừa thả ông ra, vua Minh đã ban cho chức chủ sự, hàm chính ngũ phẩm (tương đương giám đốc sở hiện nay) thuộc Binh trượng cục để lãnh việc chế tạo hỏa súng, hỏa tiễn và thuốc súng, cai quản số tù binh Đại Việt có khả năng chế tạo súng và thuốc súng mà quân Minh bắt sang. Quân Minh đã lập cả một binh đoàn sử dụng súng, sau này đánh nhau với Mông Cổ đã phát huy tác dụng rất cao. Vì vậy Minh sử cảo còn ghi lại là quân Minh khi tế súng đều tế Hồ Nguyên Trừng như là thần súng.
Các tài liệu sử cũ ghi lại Hồ Nguyên Trừng làm quan đến chức tả thị lang (tương đương thứ trưởng) nhưng gần đây các bộ Minh sử được xuất bản lại ghi đầy đủ hơn thì Hồ Nguyên Trừng đã được phong đến chức thượng thư bộ Công (tương đương bộ trưởng), ngoài chế tạo vũ khí còn chuyên chế tạo đồ ngự dụng cho nhà vua sử dụng. Khó hình dung được một người không phải người Hán, là người Đại Việt mà lại là tù binh lại được nhà Minh hậu đãi đến vậy. Điều này chứng tỏ nhà Minh rất thực dụng khi sử dụng người tài không phân biệt lý lịch nhưng cũng cho thấy tài năng kiệt xuất của Hồ Nguyên Trừng không thể bàn cãi.
Tìm mộ từ một quyển sách
Cách đây 10 năm, một nhóm bốn sinh viên Việt Nam đang học tại ĐH Bắc Kinh và ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh đã lên đường để đi tìm mộ của Hồ Nguyên Trừng. Trần Quang Đức, một thành viên trong nhóm (nay đã trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa với tác phẩm Ngàn năm áo mũviết về trang phục cổ của người Việt), cho tôi biết sở dĩ nhóm của anh biết được thông tin về Hồ Nguyên Trừng là qua tác phẩm của giáo sư Trương Tú Dân - ĐH Thanh Hoa viết về những người Việt Nam đã phục vụ cho nhà Minh (quyển Minh đại Giao Chỉ nhân tại Trung Quốc chi cống hiến xuất bản năm 1992). Dựa trên nghiên cứu các bản Minh sử đầy đủ, ông Trương Tú Dân cho biết cả Hồ Nguyên Trừng và con, cháu đều được mai táng tại thôn Nam An Hà, xã Bắc An Hà, khu Hải Điện, cách Bắc Kinh khoảng 30 km. Tài liệu nhà Minh đều đổi họ Hồ thành họ Lê sau khi bị bắt sang Trung Quốc.
Cả nhóm lên đường vào một sáng mùa đông rét buốt. Đến được thôn Nam An Hà không mấy khó khăn nhưng để dò hỏi phần mộ thì gần như bế tắc. Mấy vị bô lão trong thôn đều cho biết không nghe nói đến phần mộ cổ của người họ Lê từ thời Minh, chỉ có họ Lý thôi. Ở đây cũng không có nghĩa trang, dân ở đây bao đời toàn lên sườn núi phía Tây thấy chỗ nào đẹp thì chôn ở đó. Xin lưu ý là đơn vị hành chính ở Trung Quốc rất lớn, khác với Việt Nam, vài tỉnh của Trung Quốc đã có diện tích bằng cả nước ta.
Đi lên núi, nhìn thấy cảnh vật mênh mông, không biết phải mất bao nhiêu thời gian để đến xem các ngôi mộ chôn ở đây. Một thiếu phụ trung niên làm cỏ trên núi cho biết núi chỉ chôn người chết gần đây, nếu là mộ cổ thì có thể được chôn ở sườn phía Đông hoặc ở Cửu Vương Phần. Thất vọng, đoàn lại đi xuống núi, tìm đến ủy ban của thôn để hỏi thăm thông tin.
Vốn rất hy vọng chính quyền sở tại sẽ có các hồ sơ lưu trữ, hoặc ít ra cũng có người am hiểu về mộ danh nhân trong địa bàn của mình để cung cấp những thông tin hữu ích nhưng cả nhóm đều vô cùng bất ngờ khi các cán bộ ủy ban đều lắc đầu quầy quậy. Bất cứ câu hỏi nào họ cũng đều trả lời bằng những từ mang tiếng phủ định như “không”, “chưa” kèm với điệu bộ rất lấy làm tiếc. Tất cả dò hỏi ngoài lề để tìm thêm manh mối cũng không đem lại kết quả. Nhìn cả nhóm ỉu xìu như bánh đa nhúng nước, một cán bộ ủy ban bỗng à lên một tiếng, vẻ mặt cực kỳ quan trọng cho mọi người biết là ở gần trường đua ngựa trong thôn có hai bia đá cổ, hy vọng sẽ cung cấp thông tin gì đó có ích. Cảm ơn mấy ông ủy ban tốt bụng nhưng… vô dụng, mọi người đi về trường đua ngựa.
“Khuất lấp sau những bụi cây dại héo hon, nằm trên dải đất như đã bị đào xới lên từ lâu, hai bia đá vẫn còn nguyên vẹn bên cạnh trường đua và đống đổ nát. Tôi men lên đọc được mấy chữ “chính lam kỳ” và vài dòng chữ Mãn thì chẳng còn hứng thú nữa. Thì ra đây là bia dựng từ đời Thanh, ghi chép hành trạng và sự tích của một ông thượng thư bộ Lễ. Chúng tôi quyết định đi qua Cửu Vương Phần ở vùng lân cận gần đó tìm xem có manh mối nào không” - Trần Quang Đức thuật lại.
Cửu Vương Phần thực ra là mộ của một người con thứ chín của vua Đạo Quang. Có thể trước đây cảnh trí đẹp đẽ nhưng bây giờ phong cảnh hoang vắng, tiêu điều, gỗ đã mục nát, sơn son thiếp vàng của trăm năm trước nay đã bong tróc hết ra, xung quanh chỉ toàn những vạt cỏ dại và những lùm cây xơ xác, không có thêm dấu tích của mộ chí nào nữa.
Ngôi chùa lưu giữ bằng chứng
Manh mối cuối cùng để có thể lần tìm được mộ là chùa Tú Phong. Theo tài liệu cũ, chùa gần với nơi chôn cất của gia tộc Hồ Nguyên Trừng. Chùa Tú Phong là một ngôi chùa Việt Nam tại kinh đô Trung Quốc, do nhà sư Hồ Trí Thâm từ Việt Nam sang xây dựng trong khoảng năm 1428-1442, sư tăng trong chùa đa số là người Việt Nam, chùa được vua nhà Minh ban sắc chỉ liệt vào danh thắng năm 1443, ngày 8-4 âm lịch cùng năm, đích thân Hồ Nguyên Trừng đã soạn văn bia nói về việc xây chùa này.
Khi lên xe buýt, hỏi bà soát vé trên xe, rồi cả những người trên xe, cũng không ai biết chùa Tú Phong ở đâu. Một lần nữa cả đoàn lại hết sức hoang mang bởi vì ngay cả một cái chùa to như vậy mà dân ở đây 50-60 năm còn không biết, thế thì làm sao họ biết được một ngôi mộ cổ heo hút nào đó!
Còn nước còn tát, cả nhóm đi tìm gặp những người cao tuổi gần đó thì được chỉ đường lên Tú Phong Tự. Thì ra chùa Tú Phong ngày xưa có nhiều sư tăng Việt Nam tu hành, nay đã trở thành khách sạn. Các phòng đã được đánh số cho thuê, chỉ còn vài phòng là để nguyên như cũ nhưng đã trùng tu hầu hết. Vật duy nhất còn sót lại sau 600 năm trời hình thành ngôi chùa là bia đá ghi lại chuyện dựng chùa tự thuở xa xưa, nay vẫn còn lại trong sân chùa.
Bia còn ghi rành rành những hàng chữ kể lại rõ ràng: “Quan Chính nghị Đại phu Tư trị doãn, Tả thị lang Bộ Công, người Giao Nam (Việt Nam) là Lê Trừng soạn… Cách kinh đô hơn 60 dặm về phía Tây có chùa tên Tú Phong, do ông thái giám Cao Nhượng và sư trụ trì Trí Thâm sáng lập. Sư Trí Thâm là vị sư nổi danh ở đất Giao Nam, họ Ngô, từ nhỏ xuất gia, khắc khổ cầu học…”.
Như vậy đích xác chính tay Hồ Nguyên Trừng đã viết đề bia tại ngôi chùa. Qua bao nhiêu năm vật đổi sao dời, chùa đã không còn giữ được công năng như ban đầu, sớm muộn cũng sẽ bị chìm trong cơn lốc đô thị hóa và kinh doanh của Trung Quốc nhưng dấu tích của thiên tài Hồ Nguyên Trừng vẫn còn lưu dấu tại đây. Theo nhiều nguồn tài liệu khác, trong vùng còn di chỉ của hỏa khí doanh (doanh trại nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm vũ khí ). Rất có thể đây chính là nơi mà Hồ Nguyên Trừng đã sống, làm việc cùng gia đình và được an táng tại đây. Để tìm được nấm mồ của ông, trong vùng đất mênh mông này, không thể chỉ dựa vào nhiệt huyết của một nhóm sinh viên được mà đòi hỏi cần có sự tham gia tìm hiểu của những chuyên gia sử học, khảo cổ học, làm việc trực tiếp với chính quyền và các cơ quan chức năng của Trung Quốc mới mong tìm thấy được hài cốt của ông và mang về an táng tại quê nhà
PHẠM TRƯỜNG GIANG
Tìm mộ danh tướng Đỗ Thành Nhân
(PL)- Mộ của danh tướng Đỗ Thành Nhân bị thất lạc, có người nói nằm ở đất Lưỡng Long hoặc khu Tháp Hòa (Phú Lâm)… nhưng nhiều lần đi tìm không thấy dấu vết.
Đỗ Thành Nhân (hay còn gọi là Đỗ Thanh Nhân, Đỗ Thành Nhơn) không rõ năm sinh, mất năm 1781, được xem là một trong Gia Định tam hùng (hai người kia là Châu Văn Tiếp và Võ Tánh), là ba “con hổ” của đất Sài Gòn xưa.
“Tôi chết không nhắm mắt nhưng hậu thế sẽ không chê cười tôi”
Đỗ Thành Nhân theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Nam, về đất Ba Giồng (Định Tường) gây dựng đồn lũy, chiêu mộ được tới 3.000 gia binh. Ông tự xưng là Đông Sơn đại tướng quân, lấy tên đối chọi với quân Tây Sơn. Khi chúa Thuần chết, ông theo phò Nguyễn Ánh, đem quân Đông Sơn đánh khắp nơi, lập được nhiều công trạng như hai lần đánh bại quân Tây Sơn, chiếm được thành Gia Định khiến Nguyễn Lữ phải rút về Quy Nhơn, dẹp các cuộc nổi loạn của người Khmer hay giúp vua Chân Lạp… Vì vậy đến năm 1780, khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, ông được phong chức Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân. Có thể nói đường hoạn lộ của Đỗ Thành Nhân vô cùng rực rỡ, chỉ trong sáu năm, ông từ chức quan võ nhỏ nhất leo lên đến chức quan võ cao nhất trong triều đình. Tuy có tài nhưng Đỗ Thành Nhân cũng có nhiều tật, trong đó có tính ngang tàng, ăn nói bạt mạng nên làm mất lòng rất nhiều người. Khi Nguyễn Ánh bày tỏ ý định cầu viện quân Xiêm và quân Pháp để đánh Tây Sơn, Đỗ Thành Nhân đã thẳng thừng can ngăn: “Mời họ đến thì dễ, đuổi họ đi mới khó”. Do nghịch ý Nguyễn Ánh nên ông cũng bị vua ghét. Sau khi được phong quan chức cao, Đỗ Thành Nhân trở nên tự phụ, ngạo mạn… Triều thần có người đã khuyên Nguyễn Ánh là Đỗ Thành Nhân ngày càng lộng quyền, có nguy cơ phản loạn, nên trừ bỏ sớm đi để ngăn hậu họa về sau. Gia Long chuẩn y, giả vờ bệnh nặng, mời Đỗ Thành Nhân về gặp rồi cho võ sĩ mai phục ngoài tư dinh của ông để bắn tên tẩm thuốc độc hạ sát. Đỗ Thành Nhân vừa ra khỏi dinh bị trúng ba mũi tên, khi chất độc phát tác, biết không sống được, ông ngửa mặt lên trời kêu lớn: “Tôi chết không nhắm mắt nhưng hậu thế sẽ không chê cười tôi”.
Sợ tội tru di tam tộc, con cháu ông sau khi bí mật chôn cất đã phải tản mát đi nơi khác và thay tên đổi họ để tránh họa. Mãi sau này vua Thiệu Trị mới giải oan cho ông cùng nhiều công thần khác.
Việc Nguyễn Ánh giết Đỗ Thành Nhân là một sai lầm lớn, thủ lĩnh Tây Sơn Nguyễn Nhạc nghe tin cười nói rằng “Thành Nhơn bị giết, các tướng còn lại không đáng sợ”. Sau đó Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ đưa quân đánh vào Gia Định, đánh đâu thắng đó khiến Nguyễn Ánh phải lưu vong.
Tìm thì không thấy, không đi tìm lại thấy
Nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-Gia Định, bà Trần Thị Mới (hay Đỗ Thị Mới) và Huỳnh Thị Đệ đại diện cho con cháu của Đỗ Thành Nhân đã gửi thư cho nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật đề nghị giúp hai việc: Tìm cách làm rõ công và tội cho Đỗ Thành Nhân và tìm mộ phần thất lạc của ông. Đây cũng là việc mà ông Truật tìm kiếm lâu nay nhưng chưa có kết quả. Bản thân ông Truật cũng là dòng dõi của Đỗ Thành Nhân. Mộ bị thất lạc có người nói nằm ở đất Lưỡng Long hoặc khu Tháp Hòa (Phú Lâm)… nhưng nhiều lần đi tìm không thấy dấu vết.
Bốn năm sau, đến năm 2002, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) mở đường. Sát bên đường Phạm Ngũ Lão có một ngôi mộ cổ vài trăm năm, được dân ở đây gọi là mộ Ông Lớn, tháng 10 âm lịch hay tổ chức cúng giỗ như thành hoàng của làng trước đây. Chính quyền địa phương rất muốn biết đây là ngôi mộ của ai, có tầm quan trọng mức nào để có cách xử lý phù hợp khi giải tỏa mở đường. Ông Đỗ Đình Truật được mời tới nghiên cứu ngôi mộ.
Đầu ngôi mộ có một tấm minh văn (hay bài kệ) chỉ ghi chung chung ca ngợi công đức của cha mẹ sinh thành, không có thông tin cụ thể về người trong mộ như tên họ, chức vụ và năm sinh, năm mất. Nhưng ở trên miếu thờ gần ngôi mộ có ghi ba chữ “Đỗ Hiệp Trấn” mà dân ở đây vẫn gọi người trong mộ có tên là Đỗ Hiệp Trấn (thật ra hiệp trấn là chức quan cũ, đứng sau tổng trấn). Tất nhiên nếu chỉ có tư liệu như vậy, ắt phải xem đây là ngôi mộ của một ông quan hiệp trấn họ Đỗ nào đó nhưng căn cứ để ông Truật lòng mừng khấp khởi, linh cảm đã tìm được mộ tổ ở đây chính là phần cuối tấm minh văn có ghi tên hai người lập tên là Đỗ Bản và Võ Nhàn. Họ là ai?
Đỗ Bản và Võ Nhàn là hai tướng Đông Sơn. Đỗ Bản là con trai Đỗ Thành Nhân, còn Võ Nhàn là con trai Võ Tánh. Cả hai chơi thân với nhau từ nhỏ và sau khi Đỗ Thành Nhân bị giết cả hai đã rút quân Đông Sơn về Ba Giồng. Khả năng rất cao là họ đã viết nên bài kệ và sau này con cháu cùng tìm lại mộ của Đỗ Thành Nhân và dựng lại như hiện nay.
Tại hội thảo về Đỗ Thành Nhân do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức năm 2003, các đại biểu nhất trí cao về công lao di dân lập ấp tại xứ sở miền Đông (vùng Thủ Dầu Một và Trấn Biên, Biên Hòa) của Đỗ Thành Nhân nhưng chưa kết luận được di mộ nói ở trên là của Hiệp trấn Đỗ Thành Nhân. Đa số ý kiến cho rằng cần phải chờ khai quật ngôi mộ để xác định thêm chứng cứ.
Ai nằm trong ngôi mộ cổ?
Đến tháng 7-2005, việc khai quật ngôi mộ bắt đầu. Ông Nguyễn Thiện Đức, học trò cụ Truật, cùng tham gia khai quật kể lại: “Ngôi mộ ngày xưa đặt ở một khu đồi vắng, mộ được chôn cất theo đúng thuật phong thủy, “đầu gối thiên sơn, chân đạp vạn thủy”, địa trạng ngôi mộ nằm đúng cung Tốn, để đầu về phía Bắc là Phước đức, chân về phía Nam là Thiên y, cho thấy chủ nhân ngôi mộ được thầy phong thủy nào đó chọn đất xây mộ ắt không phải người thường mà là quan lại hoặc nhà quyền quý”.
Ông Đức (đứng) và GS-BS Phan Bảo Khánh (ngồi) đang nghiên cứu mảnh xương quai xanh. Mảnh xương quai xanh ngả màu xanh đồng (ảnh nhỏ bên dưới). (Ảnh do ông Nguyễn Thiện Đức cung cấp)
Mộ làm bằng hợp chất vôi mật ong, cát, than trộn với nhựa cây ô dước cứng như xi măng, phía dưới có gạch bản xây làm vách ngăn huyệt mộ, sau khi vất vả phá lớp này, hiện ra bên trong mộ có hai hố cát.
Thật không ngờ trong ngôi mộ lại có hai quan tài của hai người, một nam, một nữ. Tất cả đều đã mục nát rất nhiều, hài cốt nữ nằm bên trái, còn 12 chiếc răng, xem độ mòn của răng ước tính có độ tuổi tầm 60. Nam giới cao tầm 1,6 m, còn năm cái răng, độ tuổi tầm 50.
Sau khi nghiên cứu cấu trúc ngôi mộ, có thể thấy mộ dùng hợp chất chỉ có ở thời Lê đến đầu nhà Nguyễn, từ thời Minh Mạng tới Thiệu Trị mới có kết hợp thêm gạch bản. Như vậy mộ xây dựng vào thời Thiệu Trị rất phổ biến lúc đó.
Hai bộ xương cho thấy về tuổi tác chênh lệch nhau. Có thể do người đàn ông chết trước, sau đó khoảng 10-15 năm đến lượt người phụ nữ qua đời nên chôn cùng với chồng.
Cấu trúc ngôi mộ cho thấy mộ được xây một lúc, không phải người trước, người sau. Đặc biệt đồ táng chôn theo không có di vật nào đáng kể, cho thấy chủ nhân đã tái táng một lần. Như vậy sau khi người vợ qua đời một thời gian, con cháu mới quy tập hai hài cốt về chôn cùng nhau. Điều này cũng hợp với giả thiết về trường hợp Đỗ Thành Nhân.
Đặc biệt, ngôi mộ nằm rất gần với tư dinh cũ của Đỗ Thành Nhân, chỉ cách khoảng 200m.
Chiếc xương đòn gánh đặc biệt
Khi khảo sát hài cốt nam giới, mọi người nhận thấy hai chiếc xương đòn gánh (hay còn gọi là xương quai xanh ở bả vai), xương bên trái còn nguyên nhưng xương bên phải bị gãy do một vật nhọn tác động (là kiếm hoặc mũi tên) làm gãy xương này. Đặc biệt đoạn xương bị gãy này có màu xanh đồng, khác biệt hoàn toàn với những mảnh xương khác đều không có màu xanh như vậy. Đoàn đã bảo quản mảnh xương này, gửi ngay về khoa Giải phẫu ĐH Y Dược TP.HCM để phân tích và đích thân GS-BS Phan Bảo Khánh là trưởng khoa đã đi xuống thực địa để nghiên cứu và ông kết luận: “… Chủ nhân có thể đã bị tử thương. Ở vết thương bị vỡ không bình thường và chất độc ở vết thương đã làm cho đoạn xương bị phản ứng đổi từ màu trắng của xương thành xanh đồng…”.
Còn chất độc ngấm vào xương làm chủ nhân bị chết là chất độc gì thì ngành y sẽ nghiên cứu sau…
Kết luận này rất gần giống với nội dung mà gia phả của họ Đỗ ghi lại về cái chết của Đỗ Thành Nhân khi bị trúng tên tẩm thuốc độc của tay chân Nguyễn Ánh.
|
PHẠM TRƯỜNG GIANG
PHẠM TRƯỜNG GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét