Là quê hương của cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất cuối thế kỷ 19, tỉnh hiện còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến sự kiện này. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế nổ ra những năm cuối thế kỷ 19 tại vùng Yên Thế Thượng, thuộc các huyện Tân Yên, Yên Thế, Việt Yên và Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang ngày nay.
Khi thực dân Pháp chiếm Bắc Kỳ, chúng đưa quân lên bình định cả vùng Yên Thế. Để bảo vệ cuộc sống của mình, nông dân ở đây đã đứng lên tự vệ. Từ năm 1884 đến 1892, tại vùng Yên Thế có hàng chục toán quân chống Pháp, đặt dưới sự chỉ huy của nhiều thủ lĩnh. Người uy tín nhất lúc đó là Đề Nắm, lãnh đạo nghĩa quân đẩy lùi nhiều trận càn quét của quân Pháp vào khu vực Cao Thượng, Hố Chuối. Đến năm 1891, nghĩa quân làm chủ một vùng rộng lớn và mở rộng hoạt động sang Phủ Lạng Thương (vùng thành phố Bắc Giang ngày nay).
Trước những đợt tấn công, càn quét mới của giặc, nghĩa quân phải rút dần lên vùng Bắc Yên Thế xây dựng, củng cố hệ thống công sự phòng thủ. Tháng 3/1892, Pháp huy động khoảng 2.200 quân, gồm nhiều binh chủng ồ ạt tấn công vào căn cứ của nghĩa quân, gây tổn thất nặng, nhiều người bị địch bắt và giết hại, một số phải ra hàng. Đề Nắm bị sát hại vào tháng 4/1892.
Từ năm 1893 đến 1897, Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) trở thành thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa. Tên thật là Trương Văn Thám, quê ở Tiên Lữ (Hưng Yên), Đề Thám theo gia đình lên làm ăn ở Sơn Tây sau sang Yên Thế (Bắc Giang) sinh sống. Sau khi Đề Nắm hy sinh, ông tập hợp những toán quân binh còn sót lại, mở rộng địa bàn hoạt động.
Nhóm khởi nghĩa của Đề Thám. Ảnh: Romain-Desfossés
|
Trong bối cảnh phong trào kháng chiến cả nước bị đàn áp dữ dội, nhiều cuộc khởi nghĩa đã thất bại, Đề Thám phải tìm cách giảng hòa với Pháp để có thời gian củng cố lực lượng. Tháng 10/1894, theo thỏa thuận giữa hai bên, quân Pháp phải rút khỏi Yên Thế, Đề Thám được cai quản bốn tổng: Yên Lễ, Mục Sơn, Nhã Nam, Hữu Thượng. Nhưng cuộc hòa hoãn kéo dài chưa được bao lâu thì Pháp bội ước, lại tổ chức tấn công (11/1895). Nghĩa quân phải chia nhỏ thành từng toán, trà trộn vào dân để hoạt động.
Nhằm bảo toàn lực lượng, lại biết được ý đồ của Pháp đang muốn chấm dứt xung đột để tiến hành khai thác thuộc địa, Đề Thám xin giảng hòa lần thứ hai (12/1897). Để được hòa hoãn lần này, Đề Thám phải tuân thủ những điều kiện ngặt nghèo do Pháp đặt ra, như nộp khí giới, thường xuyên trình diện chính quyền thực dân. Bề ngoài, Đề Thám tỏ ra phục tùng, nhưng bên trong thì ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng chống Pháp.
Tranh thủ thời gian hòa hoãn kéo dài, Đề Thám cho nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tích cực luyện tập quân sự tại đồn điền Phồn Xương. Đội quân của ông tuy không đông (khoảng 200 người) nhưng rất tinh nhuệ, thiện chiến. Căn cứ vào Yên Thế trở thành nơi tụ hội của những nghĩa sĩ yêu nước từ khắp nơi kéo về (từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương…).
Sau vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội năm 1908, thực dân Pháp quyết định mở cuộc tấn công nhằm tiêu diệt bằng được phong trào nông dân Yên Thế. Nghĩa quân trải qua những tháng ngày gian khổ, phải di chuyển liên tục từ nơi này sang nơi khác. Nhiều thủ lĩnh đã hy sinh, một số phải ra hàng. Đến tháng 2/1913, khi Đề Thám bị sát hại, phong trào tan rã.
Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế là di tích cấp quốc gia đặc biệt, bao gồm 8 ngôi đình, 7 chùa, 6 đền, 3 đồn, 1 điếm, 1 nghè, 1 động và 5 địa điểm. Đây là những di tích nguyên gốc có giá trị đặc biệt, lưu lại những dấu ấn quan trọng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Tiêu biểu trong số đó là cụm di tích đình, chùa Hả, xã Tân Trung (Tân Yên). Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang, Tân Trung là quê hương của Đề Nắm, nơi Đề Nắm tế cờ khởi nghĩa ngày 15/3/1884. Trong gần 10 năm chống thực dân Pháp, Đề Nắm đã chỉ huy quân và dân Yên Thế đánh bại gần 10.000 quân Pháp khiến chúng phải thừa nhận đây là bãi chiến trường và là nơi xảy ra những sự kiện quan trọng nhất trong xứ thuộc địa của chúng ở Viễn Đông.
Đồn Hố Chuối, xã Phồn Xương (Yên Thế) là đồn do Hoàng Hoa Thám thống lĩnh. Tại đây, vào cuối năm 1890 đầu năm 1891, nghĩa quân Yên Thế dưới sự chỉ huy của Hoàng Hoa Thám với lực lượng chỉ khoảng 150 người, đã liên tiếp đánh bại bốn cuộc tấn công lớn của thực dân Pháp với 2.200 binh lính trang bị vũ khí hiện đại (gồm cả bộ binh, công binh và pháo binh). Tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân, tài chỉ huy quân sự của tướng lĩnh cộng thêm sự phòng thủ kiên cố đã làm cho Hố Chuối trở thành căn cứ vững chắc khiến kẻ thù khiếp sợ.
Di tích đồn Phồn Xương. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang.
|
Đồn Phồn Xương, thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế) là đại bản doanh của Hoàng Hoa Thám được xây dựng trong hai năm 1894-1895. Sau nhiều lần tấn công vào Yên Thế thất bại, cuối năm 1897 toàn quyền Đông Dương buộc phải chấp nhận hòa hoãn với nhiều điều khoản do Đề Thám đưa ra. Tranh thủ 13 năm hoà bình (1897-1909), Đề Thám vừa lo củng cố lực lượng quân sự vừa chú trọng phát triển kinh tế - văn hoá, xây dựng vùng Phồn Xương thành "một thế giới riêng biệt... giữa cái nơi gió mưa tanh tưởi" bốn bề là lũ giặc cướp nước.
Phía sau đồn Phồn Xương là doanh trại, chiến lũy của nghĩa quân Đề Thám. Ông đã cho xây dựng ở khu vực này một bát quái trận với nhiều đồn lũy thông nhau, sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào… Chính trong thời gian hòa hoãn, dưới sự lãnh đạo của Đề Thám, các hoạt động văn hóa, lễ hội ở Yên Thế diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Với vai trò to lớn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế và giá trị của hệ thống di tích có liên quan, Thủ tướng đã ký Quyết định số 548 ngày 10/5/2012 công nhận những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế là di tích quốc gia đặc biệt
.
Bắc Giang cách thủ đô Hà Nội 50 km về phía bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km về phía nam, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km về phía đông.
Phía bắc và đông bắc, Bắc Giang giáp tỉnh Lạng Sơn, phía tây và tây bắc giáp thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, phía nam và đông nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh.
Bản đồ tỉnh Bắc Giang.
|
Bắc Giang hiện có 9 huyện và một thành phố, gồm: Hiệp Hòa, Việt Yên, Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên, Yên Dũng, Lạng Giang và thành phố Bắc Giang.
Tỉnh có 382.200 ha đất tự nhiên, dân số đến năm 2014 là 1,6 triệu, mật độ bình quân là 420,9 người/km2. Cư dân sinh sống bằng nghề nông là chủ yếu, một số địa phương có làng nghề truyền thống
.Địa hình Bắc Giang gồm 2 tiểu vùng: Miền núi và trung du có đồng bằng xen kẽ. Vùng trung du bao gồm các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên và thành phố Bắc Giang. Vùng miền núi bao gồm 7 huyện: Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên, Yên Dũng, Lạng Giang. Trong đó một phần các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Sơn Động là vùng núi cao.
Đặc điểm chủ yếu địa hình miền núi (chiếm 72% diện tích) là chia cắt mạnh, phức tạp, chênh lệch về độ cao lớn. Nhiều vùng đất đai tốt, nhất là ở các khu vực còn rừng tự nhiên. Vùng đồi núi thấp có thể trồng được nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp như: Vải thiều, cam, chanh, na, hồng, chè, đậu tương, lạc...; thuận tiện để chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thủy sản.
Mùa vải, các con đường ở Lục Ngạn (Bắc Giang) chật kín xe cộ chở vải đi tiêu thụ. Ảnh: Quý Đoàn.
|
Đặc điểm chủ yếu của địa hình miền trung du (chiếm 28% diện tích toàn tỉnh) là đất gò, đồi xen lẫn đồng bằng tùy theo từng khu vực. Vùng trung du có khả năng trồng nhiều loại cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, cá và nhiều loại thuỷ sản khác.
Phần lãnh thổ tỉnh Bắc Giang có 3 con sông lớn chảy qua với tổng chiều dài 347 km, lưu lượng lớn và có nước quanh năm.
Trong đó sông Cầu dài 290 km, đoạn chảy qua Bắc Giang dài 101 km. Sông Cầu có hai chi lưu lớn nằm ở hữu ngạn là sông Công và sông Cà Lồ. Lưu lượng nước sông Cầu hàng năm khoảng 4,2 tỷ m3, hiện nay đã có hệ thống thủy nông trên sông Cầu phục vụ nước tưới cho các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, một phần thành phố Bắc Giang và huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
3 con sông lớn chảy qua Bắc Giang. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang.
|
Sông Lục Nam dài khoảng 175 km, đoạn chảy qua Bắc Giang dài khoảng 150 km, bao gồm các chi lưu chính là sông Cẩm Đàn, sông Thanh Luận, sông Rán, sông Bò. Lưu lượng nước hàng năm khoảng 1,86 tỷ m3. Hiện tại trên hệ thống sông Lục Nam có khoảng 170 công trình chủ yếu là hồ, đập phục vụ nước tưới cho các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.
Sông Thương dài 87 km, có chi lưu chính là sông Hóa, sông Sỏi và sông Trung. Lưu lượng nước hàng năm khoảng 1,46 tỷ m3, trên sông Thương đã có hệ thống thủy nông Cầu Sơn phục vụ nước tưới cho huyện Lạng Giang, một phần các huyện: Lục Nam, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang.
Cây dã hương
Cây dã hương nằm ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang. Theo Cổng thông tin điện tử Bắc Giang, các cụ cao niên ở địa phương cho biết cây này khoảng 1.000 tuổi, còn cụ thể thì chưa xác định được.
Thời Pháp thuộc (năm 1938), cây dã hương đã được trường Viễn Đông Bác Cổ xếp vào loại cây cổ thụ hiếm có của Bắc Kỳ. Năm 1989, cây cùng quần thể cụm di tích Tiên Lục được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp quốc gia.
Cây dã hương được cho là nghìn năm tuổi.
|
Cây cao khoảng 40 m, chu vi nhỏ nhất của gốc cây là hơn 8,3 m, lớn nhất là trên 11 m, nhiều người ôm không xuể. Lá cây xanh quanh năm, hương hoa của cây tỏa ra mùi thơm ngát; hoa nở vào cuối xuân, đầu hè, màu vàng nhạt, cánh nhỏ li ti và có mùi thơm tựa như hoa dạ lan.
Cây dã hương trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước, các nhà khoa học đến tham quan và nghiên cứu.Trạng nguyên Giáp Hải còn gọi là Trạng Kế, người làng Dĩnh Kế, xã Dĩnh Kế, nay thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Trạng nguyên Giáp Hải
Theo gia phả và sách cổ, Giáp Hải còn có tên là Giáp Trừng, sinh năm 1517. Ông thông minh, chăm chỉ dùi mài kinh sử. Đến khoa thi Mậu Tuất (1538), khi 22 tuổi, Giáp Hải thi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh, tức trạng nguyên.
Năm 1540, sau khi đỗ trạng được 2 năm, Thái Tông Mạc Đăng Doanh đột ngột qua đời, con là Mạc Phúc Hải lên thay. Vì phải kiêng huý tên vua nên Giáp Hải mới đổi là Giáp Trừng, còn dân gian vẫn quen gọi là Trạng Kế.
Bối cảnh lịch sử lúc ấy, nhà Mạc bị nhà Minh o ép lấy cớ Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, nên rình rập xâm lược. Để bảo vệ vương triều còn non trẻ, bảo vệ dân thoát cảnh chiến trận và họa xâm lăng, nhà Mạc buộc phải có những nhượng bộ nhất định về biên giới. Do có tài văn chương lại giỏi đối đáp nên sau khi đỗ trạng, Giáp Hải được vua cử đi lãnh trách nhiệm ngoại giao tiếp các sứ giả nhà Minh và đã khéo léo dàn xếp ổn thỏa vấn đề biên giới nên kẻ địch phải nể phục.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang, trạng nguyên Giáp Hải, khi làm quan chính trực, thanh liêm, được nhà vua sủng ái tin dùng, các bạn đồng triều kính phục. Thời gian làm quan của ông trước sau 5 lần giữ chức thượng thư, ba lần giữ chức đài ấn, được phong tước Thái bảo Sách quốc công.
Ông về nghỉ hưu không được bao lâu thì mất vào tháng 12/1586, tại quê hương làng Dĩnh Kế, thọ 70 tuổi. Mộ ông được đặt tại núi Kế, dân quen gọi là núi ông Trạng. Các dấu vết về giếng ông Trạng, chân ông Trạng, miếu ông Trạng vẫn còn mãi đến sau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét