Một đĩa yaourt thường có 10 – 15 hũ, ăn kèm với chút muối tinh, mặn mà như cái tình của những con người miền Trung quanh năm mưa nắng dãi dầuẢNH: LƯU TRÂN
Bạn không cần phải đắn đo suy nghĩ xem nên chọn quán nào trong 23 quán ở “xóm” yaourt muối này... Bởi, từ món ăn cho đến hương vị, giá cả và thậm chí là cách thức bán hàng của tất cả các quán đều giống hệt nhau.
Mảnh đất Miền Trung quanh năm cằn cỗi, vốn cũng không được thiên nhiên ưu ái như các vùng đất khác. Đó có lẽ cũng là lý do khiến con người nơi đây luôn biết trân trọng và biến những sản vật sẵn có thành những món ăn mang hương vị đậm đà rất riêng, không lẫn vào đâu được.
Những nét đặc trưng ấy không chỉ hiện diện trong những món ăn mang thương hiệu như mì Quảng, bún chả cá hay cao lầu… mà còn thể hiện rõ qua các món ăn vặt như ốc hút, mít trộn, bánh tráng kẹp… Dĩ nhiên, không thể không nhắc đến yaourt muối, món ăn vặt luôn được xếp vào hàng “top” của giới trẻ Đà thành.
“Cứ cầm 100.000 đồng đến “xóm” yaourt muối, ngồi từ sáng đến chiều, ăn đủ thứ cũng còn dư”, đó là câu khẳng định (và có thể là giới thiệu) của Hà Linh, một bạn trẻ người địa phương khi chúng tôi hỏi về khu ăn vặt nổi tiếng này.
Theo lời chỉ dẫn của Linh, chúng tôi đến “xóm” yaourt muối vào khoảng 14 giờ chiều. Ngay góc đường Bùi Thị Xuân giao với Phan Huy Chú (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chính là điểm mở đầu của “xóm” yaourt muối, kéo thành một dãy dài khoảng vài chục quán.
Có một điểm thú vị là, tất cả các quán ở đây đều có cách bài trí bàn ghế, tủ đựng đồ ăn và trang trí đèn điện y hệt nhau. Nếu không nhìn tên quán được ghi trên các biển hiệu thì có lẽ chúng tôi đã nhầm tưởng “xóm” yaourt này có chung một chủ.
Nôn nóng được thưởng thức món ăn vặt “thần thánh” này, chúng tôi liền tấp vào một quán nằm ở vị trí ngay giữa “xóm” và gọi hẳn 20 hũ yaourt. Trên mỗi đĩa yaourt đem ra đều được để kèm theo một chén nhỏ đựng muối tinh. Yaourt ở đây không đựng trong bịch nilon mà cho vào từng hũ nhựa nhỏ, khá xinh xắn.
Để khách khỏi lúng túng về cách ăn yaourt, bà Nguyễn Thị Hòa (45 tuổi, chủ quán) giải thích: “Nhiều người xung quanh thắc mắc, nhưng mà ăn yaourt ni là phải chấm thêm xíu muối tinh mới ngon. Yaourt chua chua ngọt ngọt, muối mằn mặn nên kết hợp rất hài hòa”.
Theo lời bà Hòa, tất cả yaourt ở “xóm” đều do người bán tự làm: “Cũng đơn giản thôi, không khó khăn chi mấy. Mình dùng sữa đặc, sữa chua, nước sôi… hòa chung hết với nhau theo tỷ lệ phù hợp rồi chia ra từng hũ nhỏ. Chia xong thì ủ qua đêm cho yaourt lên men. Sáng ra lấy cất hết vô tủ đông tầm 2 – 3 tiếng là bán được rồi”.
Bà cũng nói thêm, trước đây khoảng hơn chục năm, khu vực này chỉ có duy nhất một quán bán yaourt muối thôi: “Khách ghé tới ăn đông lắm, thấy rứa nên bà chủ quán nớ mới chỉ cho mấy người xung quanh đây làm yaourt bán để vừa tạo thành “xóm” vừa giúp bà con có thu nhập hơn. Chừ là có tổng cộng 23 quán rồi đó”.
Bạn Thảo Ly (SV Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng) cho biết: “Mình ăn ở đây lâu lắm rồi, từ hồi còn nhỏ xíu. Thời mà yaourt bán chỉ có 300 đồng/hũ chừ tăng giá lên 1.000 đồng/hũ rồi. Trời nóng mà ăn món ni là đúng bài luôn”.
Còn đối với bạn Thanh Chương (SV Đại học Bách Khoa Đà Nẵng), thì: “Muốn hội họp, ăn uống chi cứ kéo hết ra đây. Ăn món mặn xong rồi kêu yaourt muối ra tráng miệng. Cả 3 đứa ăn nãy chừ cũng 5 món rồi mà tính sơ chưa tới 80.000 đồng”.
Vậy mới nói, ẩm thực miền Trung không đa dạng như lối ẩm thực Bắc, cũng chẳng được phồn thực như lối ẩm thực Nam… Song, những món ăn nơi mảnh đất “chưa mưa đã thấm” này luôn có một cái tình rất riêng, mang đậm nét bản sắc của một vùng đất thanh lịch, nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Lưu Trân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét