Không hiểu sao tôi thương lắm hai từ “sa mưa” của người dân miền Tây.
Và hôm vừa rồi lại gặp cơn mưa dai ở Cần Thơ, để "sa mưa trái giác ngọt nồi canh chua…" như ca dao.
Thiệt tình cái sự chua dịu dàng mà những ai trải nghiệm mới nhận ra được cái tinh tế của “ngọt nồi canh chua”, ngộ ra được vị ngọt của men chua. Nhưng hôm tôi đến vườn cảnh sinh thái Xẻo Nhum ở quận Cái Răng, món trái giác lại “chua nồi kho ngọt”. Đó là món cá vồ đém kho trái giác. Vồ đém nấu chua ăn đã ngon, nhưng kho cho thịt săn lại, càng tôn lên cái ngon ở một cung bậc cao hơn. Dân miệt thành Sài Gòn kể cũng lạ, cá tra muốn bán trong siêu thị, phải giả danh là cá basa. Nhưng vồ đém được giữ nguyên tên, vì “ta khan nên ta chảnh”. Chớ một thời chúng nó ăn những thứ khác gì cá tra, chỉ có điều bụng không phệ bằng.
Dân miền Tây phần đông ai cũng biết trái giác – một loại trái chùm mọc dại, trừ ông bạn Như Thuần, dân Bến Tre mà hỏi về trái giác lại mù tịt… như nậu hát xẩm. Lại còn lên phây cãi bướng: “Thứ đó ai thèm ăn, biết (làm) chi”. Ông bạn Đỗ Khuê nói về tình hình trái giác: “Bây giờ nguồn trái giác ở U Minh bắt đầu khan, vì nhu cầu tăng lên. Không phải ở tiệm ăn nào cũng tìm được nguồn thường xuyên”. Quả vậy, có một lúc rộ lên việc lùng mua trái giác chín để ủ rượu.
Đầu tiên loại dây leo ba lá lưu niên này có tên là dây vác. Bây giờ thì dân miền Tây đã đổi tên nó thành dây giác theo cách phát âm -v thành -gi. Trái lúc còn xanh vừa chua vừa chát. Trái lúc già chua dịu dàng. Trái lúc chín, màu sậm ngả đen, vừa chua vừa ngọt. Người mê món ăn chua – canh chua, kho chua – có thể chọn cung bậc chua theo khẩu gu của mình.
Vườn Xẻo Nhum nằm bên cạnh con xẻo – cấp dưới của rạch về độ lớn – mà đến nay nét nghĩa đã mờ dần, nên người dân phải thêm vào một tiếp đầu ngữ bị dư là “rạch”. Con xẻo tưởng đã chết trước đó mấy năm, mà một trong những thủ phạm là cái bệnh viện to, rình rình xả nước thải chưa qua xử lý ra đó. Còn may là nước vẫn còn trông được mắt, để làm cho cái vườn sinh thái mang tên chính nó giữ được nghĩa sinh thái.
Hôm đó Cần Thơ sa mưa từ lúc xe chưa tới bến cho đến mấy tiếng đồng hồ sau. Nghĩa là dậy lên niềm mơ ước năm nay nước về sớm. Niềm mơ ước có mùa nước nổi. Sông tặng cho người những vật phẩm đến mùa là nhớ. Cá linh, bông điên điển, v.v. Cá linh chiên giòn cũng nằm trong thực đơn của Xẻo Nhum.
Món gà tre – gọi là món gà Diễm được chăng, vì người sáng chế ra nó là bà chủ quán tên Diễm – hấp trái bưởi là một khác biệt của Xẻo Nhum. Ảnh: H.L.
Đây là một nơi lý tưởng cho du lịch trải nghiệm. Du khách đến đây có thể thuê một mảnh đất nhỏ với giá 100.000 đồng để trồng rau. Có thời gian ở lại để tự chăm sóc vuông rau của mình vài ba ngày, hoặc có thể nhờ nhà vườn chăm sóc miễn phí. Sau đó trở lại hân thưởng món rau tự tay gieo trồng với các món ăn có sẵn ở đây như gà hấp trái bưởi, ốc hấp bầu, vịt trời hấp nước dừa. Trải nghiệm cuộc sống bên sông nước miền Tây trong những căn chòi bungalow được chủ nhân dùng tên các loại hoa đặt tên cho từng căn.
Món được nơi đây xem là sự khác biệt là gà tre hấp trái bưởi. Nhiều năm trước, tôi có dịp ăn một lần món gà hấp trái bưởi ở một vườn bưởi Tân Triều tại Biên Hoà. Nhưng gà tre hấp bưởi vừa đượm lại vừa săn dai thơm thịt. Ở đây, nhà bếp hấp gà xong sau đó mới dùng vỏ bưởi da xanh như một cái lẩu đựng gà, bên dưới dùng hơi nước làm nóng. Hương bưởi từ từ tẩm vào thịt gà. Bưởi từ vườn, gà từ vườn, ăn vừa ngon vừa nghe an bình làm sao. Trải nghiệm một cái nhà quê đầy men quê, món ăn tươi ngon lại càng ngon thêm.
Chỉ cần ra khỏi Cần Thơ, chạy dọc quốc lộ 1A về hướng Sóc Trăng độ hơn hai cây số là có thể tìm cho mình một nơi để gác bỏ những căng thẳng ồn ã, để lại sau lưng những bêtông đô thị, hoà vào một chốn rất xanh, rất nhiều nước của con xẻo đầy gió, của hồ đầy cá rộng cả nghìn mét vuông…
Theo Ngữ Yên (TGTT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét