“Ai lên Tuyên Quang ngược vòng cung Lô Gâm tới Na Hang quê em …” Mê mẩn giai điệu bài hát “Tâm tình cô gái Na Hang” từ lâu, tôi quyết xách ba lô đến với “nàng tiên xanh” giữa đại ngàn theo hành trình của Vietrantour vào một ngày hạ nắng ráo.
Để rồi chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi, nơi đây đã chiếm trọn trái tim tôi bằng màu xanh ngút ngàn của mây trời non nước, 99 ngọn núi kỳ ảo xưa kia đàn chim phượng hoàng đậu, những điệu hát then, vị tê cay của chén rượu ngô thơm nồng, nụ cười xinh của những cô gái miền sơn cước…
Ngay khi vừa đặt chân tới bến Thủy, cả đoàn lên thuyền của dân địa phương, bắt đầu hành trình du ngoạn lòng hồ thủy điện Tuyên Quang rộng mênh mông tới 8.000ha. Rẽ làn nước màu lục trong vắt, cứ thế non nước hùng vĩ, trầm mặc với bóng núi trùng điệp như bức tường thành thiên tạo rợp hai bên bờ soi xuống dòng sông hòa cùng màu trời thiên thanh trải dài bất tận mở ra trước mắt tôi. Có bắt gặp những vách dựng đứng, “cọc vài” (tiếng Tày, nghĩa là cọc buộc trâu) đá vôi sừng sững “mọc” lên từ giữa hồ xanh mới hiểu vì sao Na Hang được ví như “Hạ Long trên cạn”.
"Cọc buộc trâu" sừng sững giữa lòng hồ thủy điện Na Hang
Nghe anh hướng dẫn viên Vietrantour kể 99 ngọn núi lớn nhỏ muôn hình vạn trạng ở đây gắn với sự tích về đàn phượng hoàng kỳ lạ. Rằng thuở khai thiên lập địa, sau khi dẹp trừ giặc ngoại xâm, nhà vua muốn gây dựng kinh đô mới nên đã lập đàn cúng và được thần chỉ dẫn phải tìm nơi có 100 đỉnh núi cao thì mới giữ yên được bờ cõi. Đi mất chín ngày chín đêm đường rừng, bè lũ quần thần cũng tìm thấy vùng đất Thượng Lâm, nơi giao hòa giữa trời và đất, sơn thủy hữu tình y lời thần dặn song đếm mãi cũng chỉ thấy 99 ngọn núi. Không muốn chuyến đi vô ích, quan trên nghe lời xu nịnh bắt hết dân trong bản đi phu đắp núi để tròn trăm rồi về bẩm vua, mong thành quan Đại thần. Những tưởng tìm được chỗ dựng nghiệp lớn, đức vua cất lời khấn thần thì một đàn phượng hoàng ở đâu kéo đến bay rợp trời đất. Chừng nửa giờ sau, 99 con đều tìm được chỗ đậu, duy chỉ còn 1 con cứ sà xuống lại bay lên mãi xung quanh ngọn núi giả. Sau ba lần như vậy, cuối cùng, cả đàn phượng hoàng đập cánh bay vút lên không trung, lặn vào trời xanh và không bao giờ xuất hiện nữa. Thượng Lâm vì thế chẳng thể trở thành đất đế đô, còn ngọn núi giả bị thần nổi giận hô phong hoán vũ cuốn trôi đi.
"Nàng tiên xanh" giữa đại ngàn với truyền thuyết về 99 ngọn núi
Luồn lách qua gần trăm ngọn núi nhấp nhô, chúng tôi được hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, khoáng đạt rồi phóng tầm mắt thu trọn hình ảnh Pắc Tạ - ngọn núi cao nhất ở Na Hang có hình dáng giống như chú voi đang cúi đầu bên nậm rượu, sừng sững uy nghiêm, thoắt ẩn thoắt hiện trong mây vờn. Dưới chân núi Pắc Tạ còn có ngôi đền cổ thờ thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật xây dựng từ thế kỷ XIII. Được biết, khi xưa nàng theo chồng đi kinh lý ở châu Vị Long, không may bị lật thuyền, một nông dan họ Ma vớt được xác đem mai táng rồi lập đền thờ, do có nhiều linh ứng nên dân gian tôn bà là thánh mẫu. Dẫu trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, tôi thoáng chút ngỡ ngàng khi thấy đền Pác Tạ được xây dựng vô cùng khang trang. Cả đoàn dừng chân thắp nén nhang tỏ lòng thành kính, ai nấy đều thầm mong cậy nhờ sức mạnh của Đức thánh mẫu ban cho cuộc sống bình yên, dân khang, vật thịnh.
Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp núi Pắc Tạ, được người dân ví như "vú của trời"
Trên đường đi, chúng tôi còn được thăm khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung rộng gần 42km2 với những khu rừng nguyên sinh, thảm thực vật dày đặc và vô số loài động vật quý hiếm, trong đó phải kể đến những cây gỗ đinh, lát, nghiến hàng nghìn năm tuổi và loài voọc mũi hếch có tên trong sách Đỏ thế giới. Khi mà cái say trong tiếng rổn rảng chim rừng còn chưa dứt thì tôi đã lại chuếnh choáng khi được tận mục sự kỳ vĩ của công trình thủy điện Na Hang, những ngọn thác nổi tiếng như: Khuổi Sung, Khuổi Nhi, thác Mơ 5 tầng đổ xuống chân núi tựa như suối tóc mây trắng của người con gái buông hờ xuống mặt hồ phẳng lặng,…cho đến hệ thống nhũ đá tại hang Bó Khả, hang Phia Vài – nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá và hang Thẩm Choóng – nơi cư trú của người nguyên thủy có niên đại cách đây gần 10.000 năm.
Vẻ hùng vĩ của nhà máy thủy điện Na Hang
Voọc mũi hếch tại khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung
Người ta nói “mận Hồng Thái – gái Thượng Lâm” quả không ngoa chút nào. Cả đoàn thật may mắn khi được thưởng thức giọng hát của các cô gái dân tộc với những điệu then, hát lượn người Tày, hát soong người Sán Dìu hay sli người Nùng trên đường dạo hồ Na Hang. Không chỉ sở hữu làn da mịn màng đến khó tả, tính tình những cô gái ở miền sơn cước này còn nền nã, duyên dáng, chịu thương chịu khó. Đến trưa, khá thú vị khi chúng tôi được nếm thử hương vị các món đặc sản địa phương như: xôi ngũ sắc, cá tầm, cá nheo, thịt trâu khô, thịt lợn chua…đặc biệt là rượu ngô men lá uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không say ngay trên ghe thuyền.
Trong hai ngày lưu lại tại xứ Tuyên, theo hành trình của Vietrantour, tôi còn đi dâng hương cầu tài lộc tại hệ thống di tích đền, chùa nổi tiếng linh thiêng của miền núi Thượng Ngàn gồm: chùa An Vinh, đền Hạ, Cảnh Sanh, Mẫu Thượng, Cấm… và khám phá khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào quy mô hơn 3.100 ha với Lán Nà Nưa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945, cây đa Tân Trào – nơi chứng kiến lễ xuất quân của đơn vị giải phóng quân hay Đình Tân Trào – nơi họp Quốc dân Đại hội…
Trích bút ký khách hàng Vietrantour
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét