Ở vùng biển Khu Ba Phú Lộc, từ Vinh Thanh cho đến Vinh Hiền, cá vẩu (một số địa phương khác còn gọi là cá háo, một loài thuộc họ cá khế) từ biển khơi bỗng một hôm cách đây hơn mười năm tự nhiên chui vào chuôm cá ngư dân, và thế là nó trở thành một nguồn lợi thủy sản “trời cho” của ngư dân sống ven đầm phá, ven biển.
Món hải sản dân dã phải “nín khẩu mà ăn”…
Ngư dân ở Vinh Hiền kể, trước đây, họ vẫn hay đánh bắt cá vẩu cùng cá mú, cá hồng, cá bớp… và xếp chúng vào loại cá ngon nhất hạng. Và, cá vẩu nấu cháo thì không kém cạnh chút nào so với cá mú, cá bớp - được xem là những loại cá thượng thừa. Sau năm 2005, vùng đầm phá Cầu Hai ven biển Phú Lộc bà con phát triển nuôi cá lồng nhiều, chủ yếu nuôi cá mú, cá hồng… Năm 2009, tình cờ người dân đi đặt chuôm bắt cá mú, cá hồng con sống trong môi trường tự nhiên về nuôi thì phát hiện có lẫn rất nhiều cá vẩu con. Họ cứ để vậy nuôi xem sao, không ngờ cá vẩu rất mạnh ăn và mau lớn. Thậm chí khi nước trong đầm bị ngọt hóa bởi mưa lũ, các loại cá mú, cá hồng không chịu được thì cá vẩu vẫn bơi lội ngon lành. Tháng 11 là tháng cá vẩu con từ biển khơi trôi vào cửa sông rất nhiều, người dân cứ thế vớt về cho vào lồng chăm nuôi trong đầm phá…
Đó là nói chuyện nuôi cá vẩu sau này cho số lượng lớn phục vụ cho người sành ăn cả nước, chớ ngư dân ở ven biển Phú Lộc đã rành con cá vẩu từ xưa. Cá vẩu ngon nhất trong năm vào độ tháng tám âm, tháng chín dương. Đây là thời điểm mưa lụt, phù sa cuồn cuộn đổ ra cửa sông, đem đến nhiều thức ăn cho cá. Cá vẩu nấu được nhiều món ngon. Nhưng ngon nhất là những món mà thịt cá còn nguyên thủy, không ướp quá nhiều màu mè làm mất hương vị của nó, như hấp hay nấu cháo.
Cá vẩu hấp vừa dễ làm vừa giữ được hương vị. Cá mua về làm sạch vây vi, rửa lại bằng chút rượu trắng để thịt được thơm hơn, không tanh. Dùng dao khứa chéo thân cá rồi cho hành tỏi vào bụng cá. Lót vài miếng gừng, lá chanh lên đĩa hấp để da cá không bị dính vào đĩa khi hấp, và khi lấy cá ra cũng dễ dàng hơn. Đặt cá lên phía trên, rắc tiêu, hành, nước mắm, bột ngọt lên thân cá rồi cho đĩa vào nồi hấp cách thủy. Cá chín, cho đầu hành, ngò tây, rau răm rải lên mình cá, thêm vài lát ớt cho đẹp, rồi mời cả nhà cùng thưởng thức. Món cá hấp nên ăn với chén nước mắm chanh tỏi. Trời chiều gió lộng trong ngày nghỉ rảnh rỗi, ăn miếng cá vẩu, chiêu ngụm rượu đưa cay, mới biết đất trời nhiều khi rộng mênh mông, nhiều khi lại chỉ trong một “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” như nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh từng phóng bút.
Nhưng ngon nhất, và cũng đã “thành danh” là món cháo cá vẩu. Ở quanh vùng ven cửa biển Tư Dung có câu “Cháo cá vẩu nín khẩu mà ăn”, là nói cái chuyện cháo cá vẩu quá ngon nên chi thực khách mải ăn mà quên tán chuyện. Cá vẩu làm sạch, cắt lát nghiêng cho đẹp rồi cho vào tô ướp với tiêu bột, ớt, hành đập dập. Bắc nồi nước, chờ sôi cho cá đã ướp vào luộc rồi vớt ra. Dùng nước luộc cá cho gạo, đậu xanh cà vỏ ngâm sẵn vào nấu cháo. Khi gạo và đậu nhừ, cho cá vào lại, nêm gia vị, nước màu rồi bắc nồi xuống. Chuẩn bị rau răm, hành ngò, ớt trái xanh, chanh xắt lát để sẵn. Làm thêm chén nước mắm chanh tỏi để ai có nhu cầu mặn miệng.
Cháo nóng múc ra tô, cho hành ngò vào, vắt tí chanh, cắn thêm trái ớt thiệt cay, vừa ăn vừa thổi, xì xà xì xụp, nước mắt ràn rụa vì ớt cay quá sức, cứ thế cho đến khi hết cháo mà tô vẫn còn nóng hổi mới đúng điệu ăn cháo cá vẩu. Cái ngon ngọt thơm béo vừa gây cảm giác lạ lùng của cá, cái bùi bùi của đậu và gạo, cái hương vị dậy mùi của hành ngò, hương vị chanh thanh thanh, cả cái cay của tiêu ớt… Tất cả làm nên một món hải sản dân dã phải “nín khẩu mà ăn”…
Đang đầu tháng tám âm, cá vẩu ngon đang bơi ngoài cửa Tư Dung chờ thực khách…
Bài, ảnh: VŨ CẦM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét