Quán do hai người con của cố nghệ sĩ Phạm Bằng mở lại, hút khách đứng chờ mua ngay từ đầu giờ chiều bán hàng.
Sau 5 năm nghỉ bán và hơn một năm sau ngày mất của nghệ sĩ Phạm Bằng, quán bánh trôi tàu trên đường Hàng Giầy, Hà Nội tấp nập trở lại. Quán bán từ 15h30 nhưng trước đó nhiều người đã đứng chờ sẵn để mua. Lượng người đến mỗi lúc một đông nên chủ quán (hai người con của cố nghệ sĩ) xếp khách thành hai hàng, một dành cho người vào ăn, một dành cho khách mua mang về.
Những bức tường rêu mốc trong quán xưa kia đã được phủ lớp vôi mới kèm tranh tường về Hà Nội khiến không gian sáng hơn. Bên trong đặt chừng 4 chiếc bàn, còn lại khu sân trong khách dùng ghế nhựa nhỏ làm bàn, đủ chỗ cho khoảng 20 người. Hết lượt khách này, chủ quán mới mời lượt khách xếp hàng tiếp theo vào trong. Đây thực chất là một con ngõ nên đôi lúc có xe máy ra vào. Anh Tùng (chủ quán) phải xin lỗi khách nhường lối cho xe.
Do không gian hạn chế, phần đông khách mua bánh trôi tàu và chè mang về. Anh Nam (nhà ở Phố Huế) cho biết mua hai bát trôi tàu mang về nhưng cũng phải chờ gần nửa tiếng mới đến lượt. Ngoài người nhà, quán còn huy động người làm thêm, liên tục nấu rồi múc bánh ra bát, hộp nhưng không kịp phục vụ.
Không khí tấp nập ngay đầu giờ mở bán tại quán bánh trôi nhà bác Phạm Bằng.
Dọc con ngõ nhỏ một bên là quầy bếp, một bên là bàn ăn cho khách. Quầy bếp đặt 3 nồi, nấu bằng bếp dầu. Trong đó chí mà phù và lục tàu xá (hai loại chè) nấu sẵn và hâm chung một nồi có vách ngăn. Hai nồi còn lại nấu bánh trôi tàu. Do khách đến phần đông ăn bánh trôi tàu, hai nồi này hoạt động hết công suất, đôi khi khách phải chờ bánh chín. Với chí mà phù và lục tàu xá, khách ăn tại chỗ hoặc mang về có thể lấy luôn.
Anh Tùng cho biết, bánh được anh và gia đình chuẩn bị từ sáng sớm và nấu đến đâu bán đến đấy. Một bát bánh trôi tàu gồm hai viên nặn to bằng quả trứng gà ta, một nhân đậu xanh dừa, một nhân vừng đen, chan nước sánh, ngọt, thơm mùi gừng. Đây là công thức được cố nghệ sĩ Phạm Bằng và vợ học làm, cải tiến dần trong gần 30 năm đứng bán ở con ngõ này. Ngoài đồng lương nghệ sĩ ít ỏi, quán bánh trôi này đã nuôi cả gia đình ông những lúc khó khăn. Anh Tùng chia sẻ đây cũng là lý do anh muốn mở lại quán, như gìn giữ một phần ký ức của gia đình.
Nhiều khách quen xưa kia nghe tin quán mở trở lại đến tìm hương vị cũ, nhưng cũng không ít bạn trẻ đến thưởng thức lần đầu. Khách vừa ăn, vừa chụp ảnh check-in, không quên tranh thủ trò chuyện với chủ quán. Anh Tùng cho biết: "Trước đây chính mình đã làm bánh cùng bố nên khi mở lại, bánh sẽ vẫn giữ được hương vị xưa".
Quán bán ba loại, tất cả đều đồng giá 20.000 đồng. Anh Thắng (ở Khâm Thiên) kể: "Trước đây mình từng nhiều lần mời bạn bè ở xa đến đây để thưởng thức món này, vì nó giống như một phần đặc trưng của ẩm thực Hà Nội. Nay biết tin quán mở lại, mình rất vui, nên đưa con đi ăn. Nếu trời lạnh hơn có thể hương vị như xưa mình thưởng thức".
Vy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét