Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Đồng bào dân tộc Lự giữ gìn nghề dệt vải

Đồng bào dân tộc Lự ở xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ, Lai Châu). tại các bản như: Pậu, Nậm Ngập 1, Phiêng Lót… gần như còn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc Lự. Bao phủ các bản là sự yên bình với những nếp nhà sàn, nhà gỗ kiên cố và không bao giờ khóa cửa dù gia chủ vắng mặt. Và thứ không thể thiếu dưới gầm sàn hay trong nhà của mỗi gia đình người Lự là chiếc khung cửi dệt vải, những tấm vải thổ cẩm, con thoi…
Nghề dệt của người Lự tồn tại từ rất lâu đời, người Lự coi trọng nghề dệt và lấy đó làm thước đo tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo của người phụ nữ. Người con gái Lự đến tuổi lấy chồng phải biết dệt vải và làm ra những bộ trang phục, chăn ga, gối, túi đeo... độc đáo, đẹp mắt làm quà cho gia đình nhà chồng khi cưới. Tuy nhiên, đó chỉ là những quan niệm từ xa xưa, ngày nay nghề dệt thủ công truyền thống vẫn tồn tại, nhưng không còn phát triển mạnh, thế hệ trẻ cũng không còn mặn mà với nghề và có một số thay đổi trong nguyên liệu dệt. Bà Tao Thị Én (63 tuổi, bản Pậu) chia sẻ: “Từ bé tôi đã biết dệt vải, những người đồng trang lứa với tôi ai cũng biết dệt vì vậy chúng tôi thường trao đổi và học hỏi nhau để tạo ra những sản phẩm dệt với họa tiết độc đáo và đẹp mắt nhất. Nhưng nay thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề dệt nữa rồi, tôi buồn lắm!”.
 
Chị Tao Thị Nó (bản Phiêng Lót, xã Nậm Tăm) truyền dạy nghề dệt vải thổ cẩm.

Người dân không còn “mặn mà” với nghề dệt vì một vài lý do như: trước đây phần lớn các gia đình đều tự trồng bông, kéo sợi, nhuộm chàm, dệt vải và khi con gái đến độ tuổi từ 13 - 15 được các bà, các mẹ dạy thêu thùa, dệt vải. Nhưng ngày nay, sợi bông được thay thế bằng sợi công nghiệp mua sẵn tại chợ, không mất công trồng và se sợi, không mất nhiều công sức, thời gian mà giá vừa phải. Thế hệ trẻ không còn hứng thú với các sản phẩm truyền thống của dân tộc nên không muốn học dệt. Bên cạnh đó, những sản phẩm như: quần áo, chăn, ga gối may sẵn có giá thành rẻ, đẹp mắt và không cầu kỳ mất nhiều thời gian như trang phục làm bằng vải dệt. Trong cưới xin, cũng không còn khắt khe con gái phải mang của hồi môn là những vật dụng làm từ vải dệt mà thay vào đó bằng những thứ hiện đại và thiết thực như: tủ lạnh, tivi và những bộ chăn ga sản xuất sẵn bán tại chợ… Tất cả những điều đó gây khó khăn cho việc phát triển, giữ gìn nghề dệt.

Ông Tao Văn Chen - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm cho biết: “Hiện, trên địa bàn xã còn khoảng 70% số người biết dệt. Thế hệ trẻ giờ không còn thiết tha với nghề dệt do trang phục làm từ vải dệt của dân tộc không thời trang và cũng không có thời gian học dệt vì chủ yếu đang ở độ tuổi học phổ thông. Còn những phụ nữ từ 30 tuổi trở lên lại bận kiếm sống mưu sinh, trong khi để làm được 1 bộ trang phục bằng vải dệt của người Lự cũng mất nhiều thời gian, ai chăm chỉ làm cũng phải hơn tuần mới xong vì vậy bà con chỉ dệt vào những lúc nông nhàn. Để lưu giữ và phát triển nghề dệt, thời gian tới xã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tuyên truyền, vận động lớp trẻ gìn giữ nghề truyền thống, xây dựng quy chế vào các ngày thứ 2 trong tuần và lễ, tết dân tộc phải mặc trang phục dân tộc; vận động các bậc cha mẹ khuyến khích, tạo điều kiện cho con em mình học dệt. Đặc biệt, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi xã vận động các cụ bà có tay nghề, người có uy tín ở từng bản truyền dạy lại nghề cho thế hệ trẻ… Với hy vọng sẽ khơi dậy tình yêu của con em với nghề dệt của dân tộc”.

Là một trong số ít những người còn nhỏ tuổi nhưng biết dệt vải trên địa bàn xã, em Tao Thị Nàng (17 tuổi, bản Phiêng Lót) nói: “Từ nhỏ khi nhìn các bà, các mẹ thoăn thoát bên khung cửi, con thoi, sợi chỉ dệt ra những tấm vải với hoa văn đẹp mắt, màu sắc sặc sỡ em thích lắm. Khi 13 tuổi em đã bảo mẹ dạy dệt. Được tự tay làm ra những bộ quần áo em vui lắm! Em sẽ tuyên truyền cho bạn bè cùng học nghề để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc”.

Nghề dệt của dân tộc Lự thật sự là một tiềm năng có thể khai thác, nhân rộng làm sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để nghề dệt phát triển và không bị mai một cần có những chính sách, giải pháp nhằm khích lệ, hỗ trợ người dân để nghề dệt trở thành một trong những nghề đem lại giá trị kinh tế ổn định. Từ đó, góp phần phát triển thêm sản phẩm du lịch tại địa phương, cải thiện đời sống của bà con và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc.

Theo baolaichau.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét