Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Những kiêng kỵ trong tập quán dựng nhà của người Giáy

Đồng bào Giáy thường dựng làng ở nơi có nguồn nước, gần ruộng, ven núi tương đối bằng. Mỗi khi có người nơi khác đến ở, bà con làng sở tại thường rủ nhau đi đón, chuyển hộ nhà cửa, đồ dùng và giúp đỡ mọi thứ cho người mới đến mau chóng ổn định nơi ở, việc làm.
Nhóm Giáy vùng Hà Giang, Cao Bằng ở nhà sàn. Nhóm Giáy vùng Lào Cai, Lai Châu ở nhà đất. Nhưng qua tài liệu văn học dân gian thì người Giáy vốn ở nhà sàn. Hiện nay đồng bào ở nhà đất vẫn còn dựng một sàn trước cửa để sử dụng. Nhà sàn hay nhà đất, gian giữa đều là nơi trang nghiêm: đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách. Buồng các cặp vợ chồng trong gia đình quây ở các gian bên. Phụ nữ không nằm gian giữa. Bếp thường đặt ở gian bên; nay có nhiều nơi đã làm nhà để đun nấu riêng.

Lấy gỗ làm nhà: Thời gian kiếm gỗ để làm nhà phải từ 15/7 đến tháng 8 là tốt nhất vì người ta cho rằng gỗ được lấy vào tháng này không bị mọt. Chọn tháng còn phải chọn ngày, kị nhất ngày 20, 21 và 30 trong tháng. Những cây gỗ tự đổ hoặc cụt ngọn nhất thiết không được dùng để làm nhà. Mỗi lần đi kiếm gỗ gia chủ phải báo cho bà con dân bản biết đến giúp và đó cũng là nghĩa vụ của dân bản.
Mô hình nhà sàn và nhà đất của người Giáy.

Chọn đất và hướng nhà: Đây là công việc phải nhờ đến thầy mo. Khi chọn được nơi nào ưng ý, củ nhà phát quang một bãi đất, đào một cái lỗ nhỏ rồi bỏ vào đó ba hạt thóc, xếp theo hình tam giác: Một hạt ở phía tây tượng trưng cho bàn thờ và sinh mệnh con người trong gia đình, một hạt ở phía bắc chăn nuôi, một hạt ở phía nam trồng trọt. Úp bát lại rồi thầy mo khấn thổ thần hỏi xem có ở được không. Sáng hôm sau ra xem nếu ba hạt thóc còn nguyên vị trí cũ là được. Nhà thường hướng đông bắc hoặc đông nam.

Dựng và lợp nhà: Phải nhờ thầy mo chọn ngày giờ tốt. Được ngày giờ, trước hết phải dựng hai cột có vách để treo bàn thờ, sau đó đến hai cột cái tượng cho gia chủ. Dựng đươc hàng cột nào luồn xà ngang đến đó. Sau khi luồn xà ngang và xà dọc, lắp các trụ ngắn hình quả bí xong mới đưa đòn dòng lên. Đòn dòng đựơc coi như là linh hồn của ngôi nhà và sự thịnh vượng của gia chủ. Dưới dạ thượng lương thường để một số chữ hán: Thượng lương vạn đại, vạn sự như ý, làm ăn sung túc…dựng xong thượng lương thì bà chủ nhà mang đến một thước vải đỏ hai đầu buộc sáu bông lúa ( mỗi đầu ba bông) treo vào giữa cây thượng lương, sau đó đốt pháo chào mừng nhà mới.

Người Giáy bên nếp nhà sàn.

Khi lợp mái, những người buộc các phên tranh, miệng không được ngậm lạt, sợ sau này trên mái có chuột cắn hết tranh.

Vào nhà mới, chọn được ngày nếu chưa kịp che vách hoặc làm tường thì nhất thiết phải che vách nơi treo bàn thờ, gia chủ mới được vào ở.

Khi vào nhà mới, trước tiên là bà chủ nhà, một tay xách nước, một tay cầm cum thóc nếp mang vào nhà và đốt lửa nơi định đặt bếp. Sau đó lần lượt những người đàn bà khác vào nhà chuẩn bị cỗ cúng thổ thần.

Trong lễ lên nhà mới, người ta thường giết gà, lợn hoặc trâu ( tuỳ vào hoàn cảnh kinh tế của gia chủ) mời mọi người đã làm giúp đến liên hoan. Trong tiệc người ta thường hát bài: “ vương páo ỷ” (hát chúc nhà mới).
… “ Nhà bố rộng và rộng
Nhà bố rộng và to
Cửa to và cửa nhỏ
Hai lối tha hồ đi
Mái lợp như ngói hoa
Từng vần in trên mái
Nhà bố đắp thành tường
Như nhà xây quét vôi
Tiếng tăm lừng khắp bản
Ai ai cũng ca ngợi”
Theo langvietonline.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét