Dân tộc Cống là một dân tộc thiểu số đặc biệt ít người cư trú trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Họ vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong đó có Tết Hoa - nét văn hóa truyền thống quan trọng, độc đáo tiêu biểu.
Theo thống kê, hiện đồng bào Cống định cư chủ yếu tại 3 xã của tỉnh Điện Biên là: Púng Bon, Huổi Moi (thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên); Nậm Kè (xã Nậm Kè) và Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Mường Nhé) với dân số là 1009 người. Cuộc sống của đồng bào Cống gắn bó với thiên nhiên núi rừng.
Thầy mo thực hiện nghi lễ cúng bản.
Người Cống canh tác chủ yếu trên nương rẫy và ruộng nước, ruộng bậc thang, một năm một vụ chính; ngoài ra còn trồng trọt các loại rau màu trên đất bãi ven sông suối, phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ lễ tết và sinh hoạt. Bên cạnh đời sống vật chất, người Cống còn có đời sống văn hóa tinh thần phong phú thông qua trang phục, các phong tục, tập quán, lễ hội (Tết Hoa, lễ cúng bản, Lễ cúng tổ tiên, Lễ cưới, Lễ lên nhà mới, Lễ lên lão, Lễ tạ ơn ba Ngọc Hoàng...). Trong đó Tết Hoa là độc đáo nhất bởi đây là một nghi lễ trong ngày tết cổ truyền của người Cống.
Tết Hoa (theo tiếng người Cống gọi là Mền loóng phạt ai) được đồng bào dân tộc Cống tổ chức vào cuối năm, sau khi thu hoạch vụ mùa, công việc nương rẫy tạm gác lại để chuẩn bị đón mừng năm mới.
Theo tổ tiên người Cống lưu truyền, nếu Tết Hoa chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát. Bởi khi năm hết tết đến nhà nào cũng muốn báo cáo đến tổ tiên, các vị thần linh kết quả sản xuất, làm ăn trong năm qua và cầu xin năm tới.
Để tổ chức Tết hoa, công việc quan trọng nhất chính là chuẩn bị đồ lễ để thực hiện nghi thức cúng bái tại mỗi gia đình trước khi cả bản cùng ăn uống, vui chơi đón chào năm mới. Thường thì việc cúng được thực hiện đầu tiên tại nhà thầy mo sau đó mới đến các hộ gia đình khác. Việc cúng bái tại gia đình được chia làm 2 phần rõ rệt: Cúng sống và cúng chín. Mâm lễ cúng sống khá đơn giản chỉ gồm một con gà, 1 bát gạo, một quả trứng sống cùng những bông hoa mào gà. Sáng sớm ngày diễn ra lễ, chủ mỗi gia đình lên nương lúa hái hoa mào gà gieo quanh nương mang đến nhà thầy cúng (theo quan niệm của người Cống hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp). Người đàn ông chủ nhà đại diện cho cả gia đình sẽ thực hiện nghi lễ bằng việc cắt tiết con gà và đọc lời khấn.
Công tác chuẩn bị đồ lễ mâm cúng chín trong nhà.
Nếu như cúng sống được hiểu như lời mời linh hồn các bậc thần linh, tổ tiên về dự tết cùng con cháu thì cúng chín lại được thực hiện cẩn thận và cầu kỳ hơn. Các vật phẩm được chuẩn bị phần cúng chín bao gồm: gà luộc, thịt, cá, rượu, gạo nếp, gừng sống, hoa quả và không thể thiếu được khoai sọ. (Theo người Cống thì khoai sọ là loại lương thực chủ đạo, căn bản đầu tiên trước cả lúa gạo). Điều này giải thích tại sao khoai sọ luôn được chuẩn bị đầu tiên cho mâm cúng. Khoai sọ được luộc chín; xôi được đồ; cá được nấu canh, hoặc nướng trong ống tre cùng mọi vật phẩm khác mà gia chủ làm được, kiếm được trong cả một năm làm ăn, lao động... Tất cả được bày trên mâm cỗ đặt ở gian chính giữa nhà. Một cây gỗ nhỏ hoặc cây tre được trang trí bằng hoa mào gà từ gốc tới ngọn, dựng lên chính giữa ngôi nhà. Theo tín ngưỡng của đồng bào Cống đây chính là con đường giúp linh hồn đi lại giữa cõi âm và cõi dương. Ngoài ra, những ống tre đựng rượu cần cũng được chuẩn bị. Khi đó, gia chủ mới lại đọc lời khấn cầu xin.
Sau khi kết thúc phần lễ, phần chuẩn bị thực phẩm để cả bản vui Tết Hoa được tất cả mọi người cùng tham gia. Các bà, các mẹ, chị em phụ nữ chuẩn bị rau, củ, quả, đồ xôi. Đàn ông trai tráng đảm nhận việc giết bò, mổ lợn. Tùy điều kiện kinh tế mỗi năm bản sẽ chuẩn bị một con trâu, bò hoặc lợn để ăn tết. Phần hội diễn ra trong không khí vui vẻ, từng bừng, náo nhiệt, mọi người cùng hân hoan trong điệu xòe, say sưa hát những làn điệu dân ca truyền thống. Họ cùng nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản mường bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở như những trận mưa hạt giống này. Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao của đất trời nhịp trống chiêng, điệu xòe hoa rộn ràng như chắp cánh cho lời ca thêm bay bổng và ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng đến gần hơn.
Sáng hôm sau, cả bản lại tập trung để cùng tham gia các trò chơi, các môn thể thao như đánh quay, bắn nỏ.
Duy Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét