Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là một trong những chỉ dấu quan trọng để nhận biết tộc người. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người. Chính vì lẽ đó, các nhà văn hoá dân gian đã có một hành trình đi tìm sắc phục Raglai.
Hành trình đi tìm sắc phục
Dân tộc Raglai cư trú tại miền núi các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận và Ninh Thuận. Trong công trình nghiên cứu “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (Các tỉnh phía Nam), phần nói về y phục của dân tộc Raglai, tác giả cũng chỉ cho biết hết sức vắn tắt: “Chưa tìm thấy y phục cổ truyền…”. Việc tìm kiếm, phục hồi trang phục cổ truyền Raglai bắt đầu được quan tâm từ những nhà nghiên cứu, sưu tầm của địa phương mà người đi tiên phong phải kể đến ông Nguyễn Thế Sang (Khánh Hòa), ông Hải Liên, ông Đinh Hy (Ninh Thuận).
Chính vì trang phục thể hiện bản sắc dân tộc, những nhà văn hóa dân gian Khánh Hòa, Ninh Thuận quyết tâm đi tìm kiếm, dựng lại, khôi phục lại cho được sắc phục của dân tộc Raglai. Công việc này khi bắt tay thực hiện thật nan giải, chẳng khác nào đi nhặt các mảnh vỡ của đồ gốm rồi phục lại nguyên nó. Mặc dù “chưa tìm thấy” những bộ trang phục cổ còn giữ lại trong đồng bào Raglai, nhưng các nhà sưu tầm vẫn khẳng định nó “chưa mất hẳn”, có thể còn vài cá thể đơn lẻ của y phục và trang sức còn tản mạn, rơi rớt đâu đó, việc của hậu thế là cần phải cất công đi tìm, xâu chuỗi và kết nối lại.
Dân tộc Raglai cư trú tại miền núi các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận và Ninh Thuận. Trong công trình nghiên cứu “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (Các tỉnh phía Nam), phần nói về y phục của dân tộc Raglai, tác giả cũng chỉ cho biết hết sức vắn tắt: “Chưa tìm thấy y phục cổ truyền…”. Việc tìm kiếm, phục hồi trang phục cổ truyền Raglai bắt đầu được quan tâm từ những nhà nghiên cứu, sưu tầm của địa phương mà người đi tiên phong phải kể đến ông Nguyễn Thế Sang (Khánh Hòa), ông Hải Liên, ông Đinh Hy (Ninh Thuận).
Chính vì trang phục thể hiện bản sắc dân tộc, những nhà văn hóa dân gian Khánh Hòa, Ninh Thuận quyết tâm đi tìm kiếm, dựng lại, khôi phục lại cho được sắc phục của dân tộc Raglai. Công việc này khi bắt tay thực hiện thật nan giải, chẳng khác nào đi nhặt các mảnh vỡ của đồ gốm rồi phục lại nguyên nó. Mặc dù “chưa tìm thấy” những bộ trang phục cổ còn giữ lại trong đồng bào Raglai, nhưng các nhà sưu tầm vẫn khẳng định nó “chưa mất hẳn”, có thể còn vài cá thể đơn lẻ của y phục và trang sức còn tản mạn, rơi rớt đâu đó, việc của hậu thế là cần phải cất công đi tìm, xâu chuỗi và kết nối lại.
Nam phục người Raglai. |
Trong trí nhớ của người già Raglai, dấu ấn trang phục cổ truyền vẫn chưa thể xóa nhòa, bởi vào những năm bốn mươi, năm mươi họ vẫn còn sử dụng. Ông Thế Sang kể rằng, trong một đêm biểu diễn của Đoàn Nghệ Thuật dân gian Khánh Hòa tại Khánh Sơn, khi đang xem tiết mục “độc tấu đàn đá”, bà con lao xao: “Cái au (áo), cái cachreh (váy) nó (văn công) mặc không phải của Raglai mình rồi!”. Câu nói mộc mạc ấy được thốt lên từ đáy lòng của bà con nghe thật xót xa, vừa nuối tiếc, vừa chứa đựng lời trách móc nhẹ nhàng những ai có trách nhiệm trong việc gìn giữ di sản văn hóa dân gian? Từ đó, các nhà sưu tầm đã lặn lội khắp bản làng Raglai, từ Khánh Sơn đến Ninh Sơn, ngoài việc ghi thu về sử thi, diễn xướng dân gian, lễ hội… họ còn chú tâm tìm lại “dấu xưa” của sắc màu trang phục.
Trong hành trình đi tìm sắc phục, các nhà văn hoá dân gian đã tiếp xúc với nhiều người già, dần dần họ đã hình dung được nét cơ bản của sắc phục Raglai: nữ giới mặc áo khoang, gần giống với váy người Chăm, vạt áo chỉ dài quá rốn, cổ áo hơi tròn. Hai ống tay áo chỉ dài tới giữa cẳng tay để khoe những món đồ trang sức: vòng cườm, vòng bạc, vòng đồng.
Sắc phục thiếu nữ Raglai. |
Về màu sắc, chủ yếu có hai màu đen và trắng. Thân áo từ ngực trở lên là màu trắng, từ ngực trở xuống là màu đen. Ống tay áo cũng là dạng tay khoang chia thành ba khoang đen trắng xen kẽ nhau. Váy của người Raglai hầu hết màu đen, một số ít mặc màu xanh đậm. Dưới gấu váy thêu một vòng hoa văn rộng chừng bốn ngón tay.
Đàn ông Raglai mặc khố (cà giọt) và áo (au). Áo đàn ông cũng là áo khoang, chỉ khác nhau ở màu sắc. Thân áo không chia thành hai phần đen (dưới), trắng (trên) mà có nhiều vòng đen - trắng xen nhau liên tục từ dưới lên trên, mỗi vòng rộng chừng bốn ngón tay. Vào những ngày hội, trang phục Raglai được điểm xuyết thêm màu mè, họa tiết, làm cho bộ váy áo đẹp hơn, ấn tượng hơn.
Dựng lại nguyên mẫu sắc phục Raglai.
Sau thời gian dài tìm kiếm, các nhà văn hóa dân gian đầy tâm huyết đã dựng lại những nét nguyên mẫu của sắc phục Raglai. Bộ trang phục gồm áo, váy, yếm, chăn, khăn đội đầu và cả những món trang sức đi kèm đã được khôi phục một cách tương đối rõ nét. Tuy nhiên, những hình ảnh có được từ tư liệu “hồi cố”, có sự khác lệch đôi chút, nhưng đó chính là tư liệu, là vốn quý duy nhất làm cơ sở cho các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu phục hồi trang phục cổ truyền đã mất dần của nguời Raglai.
Nghệ nhân dân tộc Raglai biểu diễn cồng chiêng trong Lễ phục dựng cây nêu. |
Lúc sinh thời, ông Thế Sang tâm sự về việc làm của mình: “Khi phát hiện ra chiếc cà chăn (váy) cổ duy nhất còn sót lại, tôi thú vị bất ngờ và sung sướng như phát hiện ra akhăt juca - Sử thi Raglai”. Chỉ tiếc rằng, những nghệ nhân “sáng dạ khéo tay” không còn ai để tiếp nối nghề dệt thêu, may mặc cổ truyền, làm ra những bộ trang phục nguyên mẫu như ngày xưa. Do đó, chỉ còn cách thuê người cắt may những bộ trang phục theo bản vẽ, ảnh chụp bằng chất liệu vải có sẵn ở thị trường và của dân tộc Chăm cận cư, có quan hệ lâu đời với người Raglai. Và khuyến khích các chị, các mẹ nhớ lại chuyện ăn mặc ngày xưa bằng vốn văn hóa tiềm ẩn trong ký ức, tái hiện lại chiếc áo, chiếc váy mà các người đẹp núi rừng đã từng mặc, được kể lại trong các sử thi giàu chất anh hùng ca của dân tộc mình.
Một sắc phục đã bị mất đi nay đã tìm ra và phục hồi lại được là một sự cố gắng đáng ghi nhận của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Khánh Hòa, Ninh Thuận, của các nghệ nhân Raglai ở Khánh Sơn, Ninh Sơn. Bây giờ đến các buôn làng của người Raglai đã thấy xuất hiện các bộ trang phục mang hơi hướng cổ xưa. Các bà, các chị, các bạn trẻ đã mặc những bộ trang phục ấy để tham gia các lễ hội cổ truyền, biểu diễn văn nghệ dân gian, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Các nghệ nhân dân gian mặc sắc phục đồng bộ để diễn tấu cồng chiêng, múa hát… Trai gái Raglai diện chiếc áo, chiếc váy, quấn khăn, đeo trang sức… chẳng những để làm đẹp mà còn cho mọi người nhận biết, đó là sắc phục của dân tộc mình và biết trân trọng, nâng niu, gìn giữ để mãi còn đó một sắc hoa riêng biệt trong vườn hoa đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam.
Theo Langvietonline.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét