NDĐT - Trong những nơi tôi đã đến và đi, có lẽ Kiên Giang để lại nhiều ấn tượng nhất, lưu luyến và khó quên nhất.
Người ta nói Kiên Giang là hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ, chỉ cần đến Kiên Giang là có thể hình dung ra hình ảnh của nước Việt Nam mình. Nghĩ cũng không sai, như lời cố thi sĩ Đông Hồ đúc kết: “Ở Kiên Giang kỳ thú thay, có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn, có ngọn núi chơi vơi giữa biển khơi của Vịnh Hạ Long, có ít núi vôi Ninh Bình, ít Thạch Thất Sơn Môn Hương Tích, có một ít Hương Giang, chùa chiền Bắc Ninh, lăng tẩm Thuận Hóa và một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải,…”.
Người dân đánh cá trên những chiếc thuyền.
Những cái tên như Lăng Mạc Cửu, Đá Dựng, núi Bình San, Phù Dung tự, hòn Phụ Tử, chùa Hang…đã quá quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, mỗi người đến với vùng đất này đều mang những tâm trạng khác nhau và mỗi lần đến đều để lại trong lòng khách lãng du những nỗi niềm bâng khuâng, khó tả.
Chùa Hang.
Từ TP Hồ Chí Minh đi thẳng về Mỹ Thuận, rồi rong ruổi trên con đường tắt qua Sa Đéc, An Giang, lại tiếp tục đi trên con đường cặp kênh Mặc Cần Dưng về Tri Tôn, Ba Chúc…Lang thang trên tuyến biên giới từ Ba Chúc về Hà Tiên, một bên là đất bạn Cam-pu-chia với nhiều dãy núi nằm san sát nhau, một bên là những làng quê yên bình miền biên viễn. Chiều biên giới cảm thấy mình bé nhỏ trước thiên nhiên còn lắm hoang sơ.
Thị xã Hà Tiên với những ngôi nhà đặc trưng.
Từ xa chúng tôi có thể thấy thị xã Hà Tiên nằm nép mình bên ngọn núi Tô Châu lừng danh có hình cô tiên nằm nghiêng tựa như cổ tích. Chiếc cầu phà cũ kỹ đã được thay bằng cầu Tô Châu hiện đại. Đến Mũi Nai tầm 9 giờ tối, ánh trăng vàng đã nhô lên cao khỏi đọt cây sứ biển. Màu vàng của trăng soi rọi vào đại dương tạo nên một vệt dài óng ả như dát vàng làm mê hoặc lòng người.
Sáng. Tôi dậy thật sớm để đón bình minh nhô lên làm ánh hồng những tán lá sứ biển cứ lung linh theo từng con sóng. Một mình tôi dạo trên bãi Mũi Nai, xa xa là hình ảnh của dãy núi Tà Lơng trùng điệp bên kia biên giới. Biển Mũi Nai cát đen chứ không trắng mịn, bãi biển thoai thoải trãi dài. Biển không ồn ào mà vô cùng êm dịu, gió nhẹ, nước trong xanh. Từ trên bãi biển có thể nhìn thấy những con tàu rong ruổi ra khơi mà hình dung con người bé nhỏ trước đại dương bao la. Sự sống trên đại dương trở nên vô thường biết chừng nào.
Rời Mũi Nai, chúng tôi đến Thạch Động. Thạch Động còn có tên là Thạch Động Thôn Vân, một trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên. Đó là một khối đá vôi nhô lên cao sừng sững giữa trời xanh. Vào những ngày mây mù, người dân kể là trông lên núi thấy những đám mây bị cuộn vào núi rồi sau đó bị hút vào trong cửa động. Trước cửa động, trên cao có thạch nhũ rơi nước quanh năm, hình như ai đến đây cũng uống ngụm nước này cầu mong mọi điều tốt lành sẽ đến. Phía trong động có chùa Phật. Sang cửa Tây - Nam có Điện Bà Chúa Xứ. Phía Đông, đứng vách đá nhìn lên có hang thấu đến đỉnh nên ánh sáng mặt trời rọi xuống, người xưa gọi là đường lên trời. Trong hang động có một miệng hang, nhìn vào thăm thẳm không biết thông đến đâu. Cái hang này cho đến nay vẫn là điều bí ẩn đối với những nhà thám hiểm. Trên các vách đá là những câu chuyện cổ tích nhuốm màu liêu trai về Thạch Sanh cứu công chúa. Thiên nhiên như là người viết sử trung thành đã khắc ghi lại để kể truyền cho đời sau ghi nhớ!
Lẻ loi giữa đồng thấp nổi lên một ngọn núi, trông xa như một hình thang cân chính là thắng cảnh Đá Dựng. Trong "Hà Tiên Thập Cảnh" xưa, Đá Dựng có tên rất đẹp là "Châu Nham Lạp Lộ". Thuở Hà Tiên còn hoang sơ, cư dân vương quốc cổ Phù Nam đã trú ngụ ở đây. Quân Xiêm thường sang đánh phá, cướp bóc, nên nhiều người đem ngọc ngà, châu báu chôn giấu trong các hang động quanh vùng. Khi Mạc Cửu đến mở mang đất Hà Tiên vào cuối thế kỷ 17, thỉnh thoảng người dân nhặt được ngọc quý tại Đá Dựng, thấy vậy, ông đặt tên cho khu vực núi này là Châu Nham Lạp Lộ.
Hòn Phụ Tử xưa.
Có lẽ, trong chuyến hành trình về Hà Tiên thập cảnh, không ai lại nỡ lòng bỏ quên hòn Phụ Tử, mặt dù hòn Phụ đã gãy đổ vài năm trước. Chúng tôi đến đây trong buổi trưa, lúc cái nắng đã gay gắt và gió biển khá ồn ào. Những người bạn của tôi lao mình xuống biển để hòa vào trùng khơi bao la. Tôi không thích biển mà mê đắm cái hoang vu của núi. Núi lặng im, trầm mặc, suy tư. Một người khách lạ ngồi kề bên tôi trên ghế đá nhìn về hòn Phụ gãy đổ nói rằng do biển bào mòn chân hòn, nên nó đổ. Nghĩ cũng đúng! Hàng ngàn năm tồn tại cùng sóng biển, không bị bào mòn sao được! Nhưng cũng như con người, tôi cảm nhận được rằng đá núi cũng có linh hồn. Có lẽ chúng ta không hiểu được cảm nhận của “đá sỏi vô tri” đó thôi. Rồi cũng như con người, sinh-tử là vô thường. Thiên nhiên đã tạo dựng nên hòn Phụ Tử tồn tại không biết từ bao lâu nay, qua thời gian, hòn Phụ già về với biển, bỏ lại hòn Tử lẻ loi, cô độc giữa chốn nhân gian. Nhiều ý kiến phục chế lại hòn Phụ cho giống ngày xưa vì Hòn Phụ Tử là hình ảnh biểu tượng của Hà Tiên. Riêng tôi thì nghĩ, cũng không nên dựng lại làm gì. Tạo hóa dựng nên rồi như quy luật, đến thời gian nhất định rồi cũng nhường chỗ cho hình ảnh khác, biểu tượng khác. Có khác gì kiếp sống vô thường của con người. Nếu dựng lên, thì khách thập phương cũng chỉ thấy đó là sự phục chế mà thôi, mà những công trình nhân tạo bao giờ cũng có ý nghĩa khác hoàn toàn với công trình thiên tạo.
Chùa Phù Dung tại thị xã Hà Tiên.
Rời Hà Tiên, chúng tôi trở về trong màn đêm đen phủ. Thời gian quá ngắn không đủ để chúng tôi đi hết phố thị Hà Tiên, cũng như thập cảnh. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ lưu lại trong lòng chúng tôi những phấn chấn lẫn ngậm ngùi. Tôi, kẻ lãng du với thói quen hay lang thang qua nhiều nơi của vùng châu thổ, vẫn có gì đó chứa chan mà luyến lưu lạ thường với Hà Tiên cố quận. Không riêng gì hòn Phụ già nua gãy đổ mà cả chiếc cầu phà Tô Châu cũng bàng bạc xa mờ! Một nét xưa lãng đãng trong tâm trí người về.
Đặc sản Hà Tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét