(Kiến Thức) - Giới nghiên cứu đánh giá, lăng Trương Tấn Bửu - vị hổ tướng nhà Nguyễn là công trình tiêu biểu của kiến trúc lăng mộ đầu thế kỉ 19 ở Gia Định - Sài Gòn.
Nằm ở số 41 Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM, lăng Trương Tấn Bửu là nơi yên nghỉ của Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, một viên tướng triều Nguyễn được mệnh danh là một trong Ngũ hổ tướng Gia Định.
Lăng gồm ngôi mộ và một đền thờ nằm trong khuôn viên rộng hơn 2300m2. Quanh mộ có tường bao bọc, được gọi là khuông thành. Tường được xây bằng ô dước và gạch thức (gạch có đóng dấu), chiều cao là 1,2m, dày 0,52m.
Cửa mộ được xây kiểu vòm với hai mái, cao khoảng 3m, rộng 3,5m, gắn liền với tường thành ngoài.
Sau cửa là khu vực mộ với diện tích13m X 8,6m. Công trình đầu tiên ở đây là bệ thờ kích thước dài 1,08m, rộng 0,54m, cao 0,82m.
Sau bệ thờ là chiếc sập dạng chân quỳ, kích thước dài 2,03m, rộng 1,56m, cao 0,63m
Sau sập có bia mộ được khắc chữ quốc ngữ "Trương Công Công - Trương Tấn Bửu - Trung Quân - Phó Tướng - Thọ - Long Văn Hầu". Bia này được làm về sau.
Mộ tướng Trương Tấn Bửu có dạng như ngôi nhà, dài hơn 3m, chiều ngang khoảng 2m, cao hơn 2m, được xây bằng ô dước (hợp chất gồm vôi, cát giấy do, than hoạt tính, mật đường).
Sau mộ có bình phong hậu kết hợp với tường thành cuối mộ. Chính giữa bình phong đắp nổi phù điêu, nay đã bị bong tróc gần hết.
Trước cổng mộ cũng có một bình phong, nay không còn được nguyên dạng.
Trên các công trình của lăng Trương Tấn Bửu từng được trang trí rất nhiều họa tiết tinh xảo như hình kỳ lân, búp sen, phù điêu hình cây tùng và chim hạc, các cặp liễn đối... Tiếc rằng phần nhiều các tác phẩm này đã bị hủy hoại theo thời gian.
Bên phải khu mộ là đền thờ Trương Tấn Bửu. Đền thờ gồm có tiền điện và chính điện. Khám thờ Trương Tấn Bửu được đặt ở chính điện, hai bên có bàn thờ Tả Ban và Hữu Ban.
Giới nghiên cứu đánh giá, lăng Trương Tấn Bửu là công trình tiêu biểu của kiến trúc lăng mộ đầu thế kỉ 19 ở Gia Định - Sài Gòn. Lăng Trương Tấn Bửu đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 2004.Bên cạnh đó, lăng cũng là một di tích lịch sử cách mạng của địa phương. Trước Cách mạng tháng Tám và trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, lăng Trương Tấn Bửu chính là cơ sở của đội Cảm tử quân Phú Nhuận.
Quốc Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét