Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Độc đáo ngôi nhà kiến trúc Pháp của Bạch công tử ở Tiền Giang

Bạch công tử Lê Công Phước một thời là tay chơi nổi tiếng ở miền Nam nhưng về sau bị khánh kiệt đến nỗi phải bán cả nhà của mình.

 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 1
Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước, thường gọi là Tư Phước hay George Phước (1895-1950). Ông nổi tiếng bởi sự giàu có, là tay chơi có tiếng xứ miền Nam.
Ngôi nhà của Bạch công tử được xây dựng vào năm 1925 - 1926 với tổng diện tích 322m2 trên một khu đất rộng hơn 4.000m2. Ngày xưa, bao quanh nhà là cả khu vườn ăn trái rộng. Hiện, ngôi nhà thuộc khuôn viên của Trung tâm văn hóa TP.Mỹ Tho, phía sau là hội trường và dãy nhà hai tầng.
 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 2
Sinh thời, ông Lê Công Phước nổi danh giàu có, là "ông hoàng ăn chơi khắp Nam kỳ lục tỉnh những năm đầu thế kỷ 20. Người đời đặt biệt danh "Bạch công tử" cho ông là để phân biệt với "Hắc công tử" Trần Trinh Huy (hay Công tử Bạc Liêu).
Và cũng bởi, George Phước có nước da trắng trẻo, thư sinh, phong thái luôn ung dung, đĩnh đạc.
 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 3
Ông được đi du học bên Pháp nên rất "sính" chất Tây. Căn nhà cũng được xây theo nét kiến trúc phương Tây. Sau năm 1975, ngôi nhà được sử dụng làm trụ sở UBND phường 3, đến năm 1990 Phòng Văn hóa - Thể thao TP.Mỹ Tho tiếp nhận và tiếp tục sử dụng làm trụ sở.
Phần sân trước nhà Bạch công tử cũng là nơi vui chơi thiếu nhi, tổ chức hội chợ.
 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 4
Trải qua gần 100 năm tồn tại, ngôi nhà của Bạch công tử được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách châu Âu và cũng là một trong những ngôi nhà cổ độc đáo tại TP.Mỹ Tho.
Phía trước cửa chính, trên mái nhà là những phù điêu được chạm trổ tinh xảo hình hoa lá, chim phượng...
 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 5
Đặc biệt nhà có tới tám mái lợp bằng ngói vảy cá.
 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 6
Khu hành lang với nét kiến trúc kiểu Pháp đặc trưng. Phần tường dày 20cm, bó nền bằng gạch thẻ, ốp đá da quy, nền lót gạch bông.
 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 7
Bên trong ngôi nhà có sáu phòng, ngay gian chính diện là bức hình Bạch công tử. Phần trần, các chi tiết cột nhà đều đươc chạm trổ tinh xảo.
 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 8
Trên vòm cửa chính và các vòm cửa bên trái, bên phải đều được chạm nổi, chạm lộng các đề tài rồng, phượng, chim, thú và hoa lá...
 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 9
Đặc biệt, trên vách tường ở gian tiền sảnh là bốn bức tranh tường đối diện nhau. Mỗi bức có kích thước 2,4 m2 hiện đã lu mờ, mất hết chi tiết, màu sắc, vì bị cạo sửa, sơn phết chồng lên sau những lần sửa nhà. Những bức tranh chạm hình chim muông, hoa lá, cảnh quan miền sông nước...
 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 10
Một gian được treo hình gánh hát mang tên Huỳnh Ký do ông mở ra năm 1926. Gánh hát được xây sát ngôi nhà, hiện đã bị phá bỏ để xây siêu thị, nhà sách.
Ông Lê Công Phước có học về nghệ thuật sân khấu nên lập gánh cải lương vừa kinh doanh vừa để lấy tiếng. Gánh hát của ông quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có nghệ sĩ tài danh Phùng Há, được Bạch công Tử lấy làm vợ.
 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 11
Được một thời gian, gánh hát thua lỗ, bị tan rã đến mức phải bán cho người khác. Bạch công tử dần khánh kiệt đến mức phải bán thanh lý nhiều tài sản, căn nhà sau cũng bán nốt. Bản thân ông lao vào nghiện ngập cho đến lúc chết. Vì vậy, hiện trong ngôi nhà hầu như không còn tài sản nào.
 doc dao ngoi nha kien truc phap cua bach cong tu o tien giang hinh anh 12
Năm 2016, tỉnh Tiền Giang có quyết định xếp hạng nhà Bạch công tử là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh đang cố gắng tìm mua lại những đồ dùng như bàn ghế, đèn chùm, bộ trường kỷ... cùng thời với ông để trang trí căn nhà và mở cửa cho du khách tham quan.
Theo Quỳnh Trần (VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét