Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Một ngày ở làng Chăm Châu Giang


 Font Size:     |        Print
 

NDĐT - Châu Giang là một xóm có đông dân tộc người Chăm sinh sống, nằm bên kia bờ Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang. Những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm ở Châu Giang đã góp phần thu hút du khách bốn phương đến khám phá.
Dưới bóng thánh đường
Qua phà Châu Giang, thánh đường Mubarak hiện ra với mái vòm hình vòng cung như cánh tay của chàng trai làng Chăm vạm vỡ. Hiện ở An giang có tất cả 11 làng Chăm với khoảng khoảng 13 nghìn tín đồ theo đạo Hồi. Hằng năm họ có ba kỳ lễ lớn: Lễ Roja vào ngày 10 tháng 12 Hồi lịch; Lễ Ramadam (hay còn gọi là lễ ăn chay) kéo dài từ ngày 1 đến hết ngày 30 tháng 9 Hồi lịch; Lễ sinh nhật của Giáo chủ Muhammed vào ngày 12 tháng 3 Hồi lịch. Hàng ngày, các tín đồ đến thánh đường 5 lần để cầu kinh, mỗi lần khoảng 15 phút. Riêng ngày thứ 6 thì tín đồ đến gần như đông đủ vào lúc 12 giờ trưa và tập trung nghe ông giáo cả đọc kinh trong vòng một giờ đồng hồ.
Người Chăm An Giang theo đạo Hồi, nên có những tập tục độc đáo và đặc biệt. Họ không ăn thịt heo; con trai không được uống rượu, không được đeo vàng... Khách vào nhà họ tiếp đãi rất nồng nhiệt nhưng nhà lại không có bàn ghế mà khách được mời ngồi bệch giữa nhà trên chiếc chiếu thêu hoa rất trang trọng.
Có tiếp xúc với những người Chăm cao niên mới thấy, ở họ có tính tự tôn rất cao. Ông Za Pha năm nay cũng hơn 70 tuổi cho hay, người Chăm An Giang không thích người Việt gọi họ là Chà hay Chà và vì có vẻ thiếu tôn trọng. Anh A Ziz giải thích, “Tổ tiên tôi có nguồn gốc từ đảo Java, khi họ đặt chân lên vùng đất này, người Việt hỏi: Anh từ đâu tới? Tổ tiên chúng tôi trả lời là Java, và người Việt đọc trại thành Chàvà.” A Ziz nói thêm, “những năm 1990, chúng tôi hay đi buôn bán đồ thổ cẩm ở các tỉnh miền Tây như Cà Mau, Bạc Liêu, họ hay gọi chúng tôi là Chàvà với ý không hay lắm và rất sợ khi chúng tôi vào nhà.”
Tuy nhiên, ngày nay, khi trình độ dân trí đã nâng cao, cách nhìn nhận của mọi người về người Chăm An Giang đã khác. Đó là một dân tộc có những nét văn hoá rất độc đáo mà qua thời gian đã được bảo tồn và không pha trộn với bất kỳ nền văn hoá nào.
Dưới bóng thánh đường, cuộc sống của cộng đồng dân tộc Chăm khá sung túc. Dọc theo con lộ tráng nhựa cặp dòng Châu Giang là san sát nhà sàn của người Chăm. Những mái nhà ngói đỏ tươi, sàn được lát bằng những loại gỗ quý bóng loáng. Nghề nghiệp chính của người Chăm An Giang chủ yếu là buôn bán, dệt thổ cẩm, đánh bắt thuỷ sản và số ít còn lại là làm ruộng. Khi bước chân vào thế giới của người Chăm, chúng ta nhận ngay ra sự khác biệt của một dân tộc vốn có nhiều câu chuyện kể thần bí và một nét gì đó lãng đãng mà khá lạ lẫm.
Âm nhạc của người Chăm cũng để lại trong lòng người viết nhiều dấu hỏi. Trong âm nhạc không có múa, không sử dụng bất kỳ nhạc khí nào ngoài bộ gõ là trống thummạ. Đêm văn nghệ cộng đồng mà người viết may mắn được chứng kiến thật ấn tượng. Có nét gì đó giống với những bước đi “hững hờ” của người Chăm Ninh Thuận, song tiếng trống lại réo rắt và huyền hoặc, thần bí lạ thường. Chỉ duy có trống thummạ mà người nhạc công với sự tài tình có thể cất lên tất cả các tiết tấu âm nhạc từ dân ca Chăm trầm lắng đến những điệu rumba, beléro, valse…Trên bình diện văn hoá, âm nhạc bao giờ cũng là thứ ngôn ngữ sinh động nhất nên chúng ta cũng có thể hiểu tại sao trong cộng đồng văn hoá đa sắc tộc của người dân miền châu thổ, dân tộc Chăm vẫn tồn tại nét đặc sắc và vô cùng độc đáo.
Làng dệt thổ cẩm Châu Phong
Chúng tôi ghé thăm nhà Sa La - một chủ doanh nghiệp nhỏ chuyên dệt thổ cẩm như sà rông, khăn chải bàn, khăn choàng…Những tiếng khung dệt kêu như nhịp trống Thummạ huyền bí, con thoi chạy suốt như không được nghỉ ngơi. Nhà Sa La là một trong nhiều nhà ăn nên làm ra trong thời gian qua của làng thổ cẩm.
Để làm ra được một sản phẩm đơn giản nhất cũng phải qua mười mấy công đoạn. Và để dệt xong một khung dài 15 mét phải mất gần nửa tháng trời. Chị A Mi Na là thợ chuyên dệt thổ cẩm đã có hơn 25 năm trong nghề của cơ sở A Na Jit cho biết, mỗi ngày chị chỉ dệt được hơn bốn mét sà rông nam hoặc chỉ hai mét sà rông nữ. Nhìn thoáng qua, công việc dệt của người Chăm An Giang khá vất vả.
Tuy nhiên, họ có cuộc sống khấm khá và yên bình. Người Chăm An Giang không thích buôn bán qua trung gian mà tự tìm đầu ra cho sản phẩm, nhờ vậy mà họ có sự giao dịch rộng rãi với các dân tộc khác trong cộng đồng. Dạo trên làng thổ cẩm, những cô con gái Chăm với chiếc khăn chùm đầu sặc sỡ và duyên dáng lạ lùng. Nụ cười như mùa thu cùng trang phục truyền thống, tạo thêm nét huyền bí trong từng cử chỉ của họ.
Một ngày sống cùng Châu Giang thật ngắn ngủi. Tạm biệt Châu Giang, tạm biệt thánh đường Mubarak soi bóng bên dòng sông huyền thoại. Tạm biệt cô gái làng Chăm với nụ cười như còn mời gọi tâm tình. Xuôi dòng Châu Giang, tôi trở về trong sự tiếc nuối, bâng khuâng. Hẹn một ngày tôi sẽ trở lại, dù chỉ để thấy nụ cười em bên thánh đường lộng gió và dòng sông thân thương như còn lưu luyến chút tâm tình.
PHAN TRƯỜNG SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét