Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Hôn nhân của người Ngái ở Thái Nguyên


Người Ngái ở Thái Nguyên không nhiều, cư trú rải rác tại 59/180 xã phường của tỉnh. Tuy vậy, đời sống tinh thần của người Ngái ở Thái Nguyên rất phong phú, đặc biệt là các phong tục trong lễ cưới.

Trước đây người Ngái ít khi lấy vợ hoặc chồng là người thuộc dân tộc khác, nhưng những năm gần đây người Ngái tự do hôn nhân nên việc dân tộc Ngái lấy vợ, chồng là người dân tộc khác cũng phổ biến. Chế độ hôn nhân một vợ, một chồng của người Ngái đã được xác lập từ rất lâu, hiện tượng ly hôn hiếm khi xảy ra đối với các gia đình người Ngái.

Phong tục cưới xin của người Ngái có nhiều nét tương đồng với người Hoa. Vì thế người Ngái cho rằng các cặp vợ chồng chỉ có thể sống hạnh phúc nếu tuổi của họ nằm trong tam hợp không rơi vào tứ hành xung thì mới có thể đi đến hôn nhân. Sau khi đặt vấn đề với nhà gái, ông mối (bà mối) sẽ báo cho nhà trai biết để chuẩn bị lễ vật sang ăn hỏi. Lễ này gồm một cặp gà, mấy cân gạo và một chai rượu. Nếu chấp thuận gả con gái, nhà gái nhận lễ và mời gia đình nhà trai ở lại ăn cơm. Trong bữa cơm hai bên sẽ thảo luận về các lễ vật mà nhà trai phải đưa sang nhà gái. Với một đám cưới thông thường, ở những gia đình có mức sống bình thường nhà trai phải đưa sang nhà gái 40 bơ gạo nếp; 60 bơ gạo tẻ; 50 lít rượu trắng; 50kg thịt lợn; một bộ đồ trang sức (một nhẫn, một đôi hoa tai vàng và một bộ xà tích bạc) và khoản tiền cheo 10 đến 20 đồng bạc trắng.

Lễ cưới được tổ chức trang trọng, cô dâu chú rể đều mặc trang phục mầu hồng. Trước ngày cưới chú rể sang nhà gái ra mắt và đi rót nước mời khách một lượt, sau đó trở về nhà. Ngày cưới chú rể không trực tiếp đi đón dâu mà nhờ ông mối và hai cô phù dâu (là thiếu nữ đồng trinh) đến đón dâu về. Chú rể sẽ đón cô dâu ở giữa đường và đưa về nhà làm lễ gia tiên. Theo phong tục của người Ngái cô dâu, chú rể phải làm đủ ba lạy: Lạy trời đất, lạy tổ tiên và lạy lẫn nhau rồi mới đi mời họ hàng, khách khứa ăn tiệc.  Đêm tân hôn họ cũng có tục uống rượu hợp cẩn như người Hoa. Sau ngày cưới đôi vợ chồng phải cùng ông mối hoặc bà mối trở về nhà gái làm lễ lại mặt, lễ vật mang theo gồm một đôi gà, hai chai rượu và một mâm xôi.

Ngày nay, vai trò của ông mối, bà mối trong hôn nhân của người Ngái không quan trọng như trước vì hôn nhân của người Ngái không chỉ bó buộc trong nội tộc. Việc cưới hỏi của người Ngái đã có sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể nên nhiều thủ tục phiền hà được lược bỏ, nhưng mỹ tục truyền thống của dân tộc như: tục lại mặt, tục chia vốn làm ăn cho con gái vẫn được người Ngái ở Thái nguyên gìn giữ.
TNĐT (b/s)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét