Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Những nghi thức liên quan đến dựng nhà mới của người Tày ở Thái Nguyên


 Nhagrave; của người Tagrave;y. Ảnh minh họa
Nhagrave; của người Tagrave;y. Ảnh minh họa
Đối với người Tày ở Thái Nguyên việc xây cất nhà rất quan trọng, từ khâu chọn đất đến lấy nguyên vật liệu, khởi công xây dựng và vào nhà mới đều phải thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt.

Để làm nhà điều đầu tiên là người Tày xem đất. Theo quan niệm của người Tày, đất làm nhà không quan trọng ở hướng mà phụ thuộc vào địa hình xung quanh. Nếu xung quanh có đồi cao, thấp trông như rồng cuộn, hổ ngồi đấy là đất tốt, xung quanh có suối bao bọc cũng là đất tốt. Người Tày kiêng làm nhà ở cạnh sông suối chảy mạnh, tránh để mặt nhà nhìn ra hang đá…

Sau khi chọn được đất, người ta kiểm tra xem đất ấy có làm được nhà hay không bằng cách đến chỗ đất định dựng nhà đào lấy một ít đất đem về đặt đầu giường ngủ vài hôm và theo dõi xem giấc mộng. Nếu ngủ ngon không mơ mộng gì hoặc mơ thấy đám tang, mộng thấy mình đang đi lấy nước hoặc người khác giúp đỡ thì đấy là điềm tốt, miếng đất ấy phù hợp với chủ nhà cho phép xây cất và sinh sống ở đó. Nếu trong mơ nhìn thấy đang ăn cỗ hoặc thấy phụ nữ sinh đẻ là điềm xấu, nếu làm nhà trên mảnh đất ấy làm ăn sẽ dở dang, hay ốm đau.

Công việc tiếp theo là đào, san lấp đất hay kè đá để làm nền nhà. Theo quan điểm của người Tày, ngày tháng khởi công nhà, lấy nguyên vật liệu xây nhà, dựng nhà và làm lễ vào nhà mới thường chọn ngày không xung khắc với tuổi chủ nhà đồng thời cũng không chọn ngày khởi công trùng với ngày hỏa hoặc ngày có tiếng sấm đầu năm, ngày trùng với ngày chết của cha mẹ bởi những ngày đó được coi là ngày xấu không mang lại may mắn cho việc làm tiếp công đoạn sau. Người Tày còn kiêng không làm những việc liên quan đến công việc làm nhà vào tháng Ba âm lịch bởi họ cho rằng tháng này là tháng tảo mộ xây dựng nhà cửa cho tổ tiên.

Trước khi đào và san nền, gia chủ phải thờ cúng gia tiên để được phù hộ. Việc chuẩn bị nguyên liệu làm nhà thường được tiến hành trước khi đào đắp nền nhà. Theo tập quán của người Tày việc khai thác nguyên liệu đào đắp nền nhà cũng phải chọn ngày lành tháng tốt. Ngày chặt cây làm nhà không được trùng với ngày con rồng, không nhằm ngày trăng sáng để tránh mối mọt. Trong ngày đầu nhất thiết phải đốn cây cột nóc, những cây cột khác có thể để ngày sau. Tuyệt đối không được lấy cây gẫy ngọn, cây bị sét đánh, cây đã đổ để làm nhà. Ngày khởi công nhà mới phải cúng gia tiên và thổ thần, người đặt viên đá đầu tiên phải là chủ nhà hoặc người đại lợi trong năm.

Sau khi làm nhà xong người Tày làm nghi thức vào nhà mới. Người ta chọn 2 người cao tuổi một nam ở họ nội  và một nữ ở họ ngoại. Những người được chọn phải là người có uy tín, nhà không có tang, gia đình hòa thuận, có cả con trai lẫn con gái. Trước tiên mỗi người cầm một bó đuốc vào nhóm lửa và cùng chúc tụng gia đình chủ nhà may mắn làm ăn phát đạt, theo sau người nhóm bếp là anh em mang theo thóc ống nước, ống mẻ và bình vôi cùng vào nhà mới. Bếp lửa phải cháy liên tục trong ba ngày, ba đêm không tắt.

Trong ngày vào nhà mới của người Tày còn có nghi lễ cài sào. Cây sào là thước đo khung nhà bằng tre do chính chủ nhà đi chặt về cho thợ cả làm đặt ở giữa hai quá giang của hai bộ vì kèo ở gian chính, nơi có bàn thờ tổ tiên. Trên sào có khắc kích thước tỷ lệ của các cột vì kèo của ngôi nhà. Giữa thân sào buộc một dải vải đỏ, trước khi trao cho chủ nhà thợ cả lấy khăn lau cây sào với mục đích làm sạch cây sào để từ đây cây sào thuộc về chủ nhà, sau đó thầy cả và chủ nhà uống mỗi người hai chén rượu rồi hai người cùng cầm cây sào nín thở đâm đầu nhọn của cây sào vào cột cái ba lần. Tiếp theo chủ nhà đặt cây sào vào vị trí như đã quy định và để ở đó cho đến khi sửa chữa nhà.
TNĐT (b/s)
Nét đẹp trong phong tục mừng nhà mới của người Tày
06:00, Dựng được một ngôi nhà ở là việc lớn trong đời, nên khi vào nhà mới, gia chủ người Tày ở Cao Bằng thường tổ chức một buổi tiệc mừng với nhiều nghi thức, tục lệ mang đậm bản sắc dân tộc, ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Nhà sàn truyền thống của người Tày 
 
Sau khi làm xong nhà, gia chủ chọn ngày lành, giờ lành để làm lễ vào nhà mới. Chủ nhà nhờ người có gia đình mẫu mực, thành đạt nhóm bếp lửa tượng trưng đem sinh khí đến cho căn nhà. Chủ nhà lấy hai cây mía còn cả ngọn để trước bàn thờ, gốc được cắm vào bình nước tượng trưng cho sự sống, hạnh phúc khi có nhà mới. Nếu là nhà sàn, chủ nhà sẽ lấy nắm thóc nếp đặt trên kèo gỗ ngang mái nhà mang ý nghĩa tượng trưng cho sự ấm no, thịnh vượng. Thầy cúng được mời đến lập bàn thờ, dâng lễ, xua đuổi ma quỷ, báo với thần thổ địa, thần sông... về ngôi nhà mới và cầu bình an cho gia đình. Gia chủ có mâm cơm cúng tổ tiên, đốt hương cắm ở mỗi cột nhà mang ý nghĩa cảm ơn cột đã chống đỡ mọi thứ để che chở cho con cháu trong gia đình. Trên bàn thờ tổ tiên nhà mới phải lấy từ 5 - 10 cán hương gói giấy đỏ từ bàn thờ cũ mang cắm vào bát hương mới, lấy tro nóng ở giữa bếp về để vào bát hương.

Khi hoàn thành các nghi thức vào nhà mới, gia chủ cùng họ hàng, anh em, bạn bè thân hữu tới ăn cơm mừng tân gia. Khách đến dự đều có lễ mừng, như: rượu, gạo, câu đối, tiền... Lễ mừng nhà mới còn là dịp để những người có chữ nghĩa, am hiểu phong tục có dịp cất những lời hát mừng, chúc tụng nhà mới cho gia chủ.

Vì thế các bài hát mừng nhà mới thường mở đầu là những lời cảm ơn mọi người đã góp sức để dựng nhà: Co mạy tứn pác ngàn/tằng bản au mà tó/tó phần ăn rườn luông/dú siên niền vạn rí... Tạm dịch: Cây gỗ ở trên ngàn/cả bản rước về dựng/dựng thành ngôi nhà lớn/ở muôn vạn nghìn năm... Lời hát kể lại những công đoạn làm nhà từ khai thác gỗ, dựng nhà, làm ngói, đóng rui mè, lợp mái... với cách kể mộc mạc: Slam cần thư theo nhịp/slíp cần thư theo lam/hàng sliêu đống chính trang/tài thượng lương khửn cón/cáp chỉ lồng gặp re/tồng đúc rẻ tua luồng/ngọa mùng tin tỏ khửn/tồng ăn pích tua phung... Tạm dịch: Ba người giữ cột quân/mười người đỡ một cái/hàng cột cái thẳng rồi/đỡ thượng lương lên trước/hàng rui rải song song/tựa xương sườn của rồng/ngói lợp chân lên đỉnh/như lông cánh phượng xinh... Gợi lại nỗi khó nhọc trong quá trình làm nhà để cùng nhau chia sẻ nỗi vất vả cũng như kỷ niệm về niềm vui khi có được thành quả là ngôi nhà mới. Khen ngợi thợ vất vả, giỏi giang dựng nên ngôi nhà đẹp đẽ, khang trang: Sảng ké tẳng rườn chăn cao quán/vằn nảy mọi lỏ xong đàng hoàng/cần pây cần tẻo sày dẳn cạ/rườn khăm lảng thí bặng rườn quan... Tạm dịch: Thợ cả dựng nhà thật vất vả/hôm nay mọi việc đã đàng hoàng/kẻ lại người qua đều tấm tắc/nhà ai như thể đại thế gia... Ca ngợi thành quả lao động, sự ăn ở đức độ, mừng cho gia chủ chọn được đất lành để dựng nên ngôi nhà đẹp và chúc gia chủ sống trong ngôi nhà mới an lành, may mắn, làm ăn phát đạt, con cái thảo hiền: Rườn dé tẳng mà trúng tỉ đây/trúng tỉ tua luồng tha ngám khay/lục nhình xuất Anh Đài/lục sài phần hảo hán... Tạm dịch: Nhà ông dựng đúng chỗ đất lành/Trúng nơi con rồng mới mở mắt/Xuất gái như Anh Đài/Trai sẽ thành hảo hán...

Phong tục mừng nhà mới của người Tày ở Cao Bằng nhằm chúc tụng gia đình, họ hàng, làng bản mọi người đều mạnh khỏe, yên vui và làm ăn phát đạt. Qua đó, giáo dục mọi người nhận thức được những giá trị của lao động, quý trọng tình bạn, tình anh em, cộng đồng.

Để giữ gìn và phát huy những nét văn hóa giàu bản sắc trong lễ mừng nhà mới của người Tày ở Cao Bằng thì việc tổ chức theo nếp sống mới nên được đưa vào hương ước của mỗi xóm, làng sao cho lễ mừng nhà mới vừa thực hiện đầy đủ các nghi lễ cổ truyền vừa vui vẻ, tiết kiệm lại gắn kết được tình làng nghĩa xóm. Đó là một trong những việc làm để góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, tiến bộ.
 
Theo baocaobang.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét