Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Trung tướng Nguyễn Bình – người con ưu tú của quê hương Giai Phạm

Trung tướng Nguyễn Bình, tên khai sinh là Nguyễn Phương Thảo, sinh năm 1908 trong một gia đình hiếu học, yêu nước tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm (Yên Mỹ). Nhà thờ Trung tướng Nguyễn Bình đang được xây dựng tại quê nhà, bên cạnh Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tạo thành quần thể di tích, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân.
Năm 1919, học xong chương trình tiểu học, Nguyễn Bình được anh cả đưa xuống Hải Phòng học tiếp bậc trung học. Do ảnh hưởng của người anh cả, ông sớm tham gia hoạt động các phong trào yêu nước của giới học sinh. Sau đó ông được gặp đồng chí Trần Huy Liệu, đảng viên Quốc dân đảng. Đây là người dìu dắt, giới thiệu để ông trở thành đảng viên của Quốc dân đảng, đồng thời có ảnh hưởng lớn đến con đường cách mạng của Nguyễn Bình. Sau này, cả hai ông đều bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, hai ông gặp, gần gũi một số tù chính trị là cán bộ cộng sản, được giác ngộ cách mạng và quyết định đi theo cộng sản. Cũng tại đây, hai ông bị Quốc dân đảng trả thù vì ly khai Quốc dân đảng. Đây là nguyên nhân Nguyễn Bình bị hỏng vĩnh viễn một bên mắt. 
Sau 5 năm chịu án ở Côn Đảo. Năm 1935, ông trở về đất liền và bị quản thúc tại quê nhà. Trong thời gian này, ông thay tên thành Nguyễn Bình với ý nghĩa Bình là “bình thiên hạ”, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời. Bất chấp sự quản thúc của chính quyền thực dân Pháp, ông vẫn hăng hái hòa mình vào phong trào đấu tranh cách mạng. Ông đã quy tụ được nhiều thanh niên có khí phách trong vùng, hàng ngày đến nhà ông tập võ nghệ, hát hò, bình luận văn thơ. Thời gian này ông vẫn tìm gặp đồng chí Trần Huy Liệu và thực hiện một số nhiệm vụ cách mạng giao. Năm 1942, ông được đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ phái lên Lai Châu tìm nhiên liệu chế tạo lựu đạn. Năm 1943, ông được Trung ương giao nhiệm vụ mua sắm vũ khí cho cách mạng ở Đông Triều, Hải Phòng. 
Ông chỉ huy nhiều đánh trận lớn thu được nhiều lương thực và vũ khí, trong đó có trận đánh đồn Bần Yên Nhân. Từ năm 1942, tại khu vực Bần Yên Nhân, quân Pháp đã xây một đồn binh nhằm kiểm soát khu vực Phố Nối và ngã ba đường 39, tiếp giáp với đường 5. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồn Bần Yên Nhân có một trung đội lính khố xanh, do một sỹ quan Nhật chỉ huy. Tên đồn trưởng có con trai đang được một ông giáo trong vùng dạy học. Ông trò chuyện, vận động ông giáo để từng bước làm quen và thuyết phục những binh lính trong đồn không nên gây tội ác với nhân dân. Dần dần ông đã gây dựng được một đầu mối tin cậy, là một người lính tên Việt trong đồn và lôi kéo được nhiều binh lính ủng hộ Việt Minh. 
Sau khi nắm chắc mọi hoạt động và tình hình trang bị vũ khí của đồn Bần Yên Nhân, ông báo cáo và được Xứ ủy Bắc Kỳ đồng ý về kế hoạch tấn công đồn này. Khoảng 9h30 phút tối ngày 12.3.1945, Nguyễn Bình cùng hai đồng chí khác giả làm sỹ quan Nhật cùng một người đóng giả thông ngôn đi vào đồn. Tên lính gác tưởng là quan Nhật đi kiểm tra vội vàng mở rộng. Bên trong, Việt bắn chết tên sỹ quan Nhật và khống chế tên đồn trưởng. Được những người lính làm nội ứng giúp đỡ, các chiến sỹ ta xông vào kho súng của đồn lấy được 24 khẩu súng trường vầ 6 hòm đạn. Trong tổng kết chiến tranh du kích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá trận đánh đồn Bần Yên Nhân là trận đánh du kích kiểu mẫu ở Đồng bằng Bắc bộ. 
Tháng 4.1945, Hội nghị quân sự Bắc kỳ quyết định cả nước chia làm 7 quân khu, Bắc bộ có 4, ông Nguyễn Bình giữ chức Tư lệnh Đệ tứ quân khu (tức chiến khu Đông Triều). Tháng 7.1945, ông đem quân đánh chiếm giải phóng thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), là tỉnh lị duy nhất ở miền Bắc về tay nhân dân trước Cách mạng tháng Tám. Tháng 8.1945, ông dẫn đầu lực lượng từ chiến khu tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Hải Phòng.
Khi thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Sài Gòn, chiến tranh lan rộng ra toàn Nam bộ, ông được Hồ Chủ tịch tín nhiệm cử vào miền Nam lo việc thống nhất các lực lượng vũ trang tại chiến trường Nam bộ. Với tư cách là phái viên của Trung ương Đảng, tháng 11.1945, ông tổ chức “Hội nghị quân sự Nam bộ” đầu tiên. Hội nghị bàn bạc về việc thống nhất các lực lượng vũ trang ở Nam bộ lấy tên chung là Giải phóng quân Nam bộ, thống nhất biên chế hình thức chi đội, phân chia khu vực hoạt động, đề ra những giải pháp tiến hành chiến tranh du kích. Trong hội nghị này, Nguyễn Bình được bầu làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ.
Do có biệt tài về quân sự, Nguyễn Bình đã giữ được miền Nam trong những ngày khó khăn, bẻ gãy được mũi nhọn tiến công của quân viễn chinh Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình, các đơn vị bộ đội địa phương được tập hợp lại, chính quy hóa, đi vào nền nếp, đặt mục tiêu đánh Pháp lên trên hết, thống nhất được các nhóm giang hồ đi theo cách mạng. Một đóng góp nữa của Trung tướng Nguyễn Bình, đó là đào tạo binh chủng tinh nhuệ luồn sâu đánh hiểm, đột nhập vào thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn là hang ổ của địch, ngày đêm quấy rối, rải truyền đơn, ném lựu đạn, làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên. Dưới sự chỉ huy mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, giữ kỷ luật nghiêm minh, ông lập nhiều chiến công xuất sắc ở những nơi nguy hiểm vào những thời điểm khó khăn nhất. 
Ngày 25.1.1948, ông được Chính phủ phong quân hàm Trung tướng. Đây là Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. 
Năm 1951, ông được lệnh ra Bắc, trên đường đi, Trung tướng Nguyễn Bình đã hy sinh ngày 29.9.1951 tại Campuchia.
Trong sắc lệnh số 84/SL ngày 24.2.1952 truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi về quá trình hoạt động cách mạng của ông: “Hoạt động cách mạng năm 16 tuổi; suốt thời gian trước Tổng khởi nghĩa tham gia đánh Nhật, đuổi Pháp đã có công nhiều trong phong trào tranh đấu và khởi nghĩa ở các tỉnh miền duyên hải Bắc bộ; tổ chức đánh tàu commanhdant Bourdait, thu vũ khí xây dựng chiến khu Tư; tháng 8 năm 1945, được lệnh Tổng khởi nghĩa dẫn bộ đội chiếm Hải Phòng, Kiến An, Đồ Sơn, chống thực dân Pháp đổ bộ, đánh chiếm tàu chiến và tàu vận tải của địch; được lệnh vào Nam bộ, trong khi bộ đội ở đó còn một số ít đang bị hàng vạn quân địch bao vây chặt chẽ, đã kiên quyết sáng suốt xây dựng bộ đội lớn mạnh và chỉ huy chiến đấu đánh thắng quân địch nhiều trận lớn trên các chiến trường Nam bộ; đã góp phần vào việc chỉnh đốn xây dựng Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam bộ và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất Nam bộ”. 
Đào Doan

Trung tướng Nguyễn Bình - người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà chỉ huy tham mưu chiến lược xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên

Trung tướng Nguyễn Bình sinh năm 1908, tên khai sinh là Nguyễn Phương Thảo, quê ở thôn Yên Phú, xã Tinh Tiến (nay là xã Giai Phạm) huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Lớn lên trong một gia đình yêu nước, ở một miền quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, đồng chí đã sớm có phẩm chất và nhân cách cao cả, một bản lĩnh kiên cường, bất khuất.
 
Sống dưới ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, từ năm 16 tuổi, người thanh niên Nguyễn Phương Thảo đã tham gia phong trào cách mạng, cứu nước. Năm 1925, đấu tranh bãi khóa ở Trường Kỹ nghệ Hải Phòng; năm 1926, lãnh đạo học sinh làm lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh để phản đối chế độ thực dân Pháp tại Dư Hàng Kênh (Hải Phòng); năm 1927, bị bọn thực dân truy lùng, đồng chí vào Sài Gòn sinh sống; năm 1928, vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Phương Thảo gia nhập Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, khi Quốc dân đảng còn là một đảng tiến bộ, hoạt động chống Pháp xâm lược. 
 
Năm 1929, Nguyễn Phương Thảo bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Trong lao tù của đế quốc, được tiếp xúc, học hỏi, được sự giáo dục, giác ngộ của những người tù cộng sản, Nguyễn Phương Thảo đã có sự chuyển đổi về nhận thức, đây là một sự thay đổi lớn về quan điểm, tư tưởng, lập trường chính trị. Xu thế cách mạng là mở rộng ra các nước ngoài tìm đồng minh, để có thêm sức mạnh chống đế quốc, thực dân. Nhận ra sự chuyển hướng của một nhóm đảng viên Quốc dân đảng, những kẻ cầm đầu tù Quốc dân đảng đã tiến hành thanh trừng và chúng nghi ngờ Nguyễn Phương Thảo là chủ mưu. Cuộc thanh trừng của những kẻ cầm đầu tù Quốc dân đảng được chuẩn bị công phu và bí mật, nhà văn Nguyên Hùng viết: “... trong bóng đêm, một bóng đen nhẹ nhàng mò đến cạnh Nguyễn Phương Thảo, tay cầm một bàn chải đánh răng nhằm vào mắt trái của Thảo bổ xuống. Thảo rú lên một tiếng làm cho cả phòng náo loạn. Hung thủ vội biến vào bóng đêm. Mắt trái của Nguyễn Phương Thảo đã bị tàn phế vĩnh viễn...”. Lúc này, Nguyễn Phương Thảo đã nhận rõ hơn về hướng đi cho cuộc đời mình, ông nói: “Tuy mất một mắt nhưng tôi lại thấy sáng ra hơn khi còn hai mắt”.
 
Năm 1935, Nguyễn Phương Thảo đã trả xong bản án 5 năm tù giam tại Côn Đảo, trở về đất liền và bị quản thúc tại quê hương.
 
Những ngày bị quản thúc, những suy tư về quê hương, về dòng tộc, về sự nghiệp khiến ông băn khoăn, trăn trở. Ông quyết định đoạn tuyệt con đường cũ và một cái tên mới được Nguyễn Phương Thảo lựa chọn - Nguyễn Bình (bởi theo ông, “Bình” là 4 bước của kẻ sỹ: Tu nhân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Bất chấp sự quản thúc của chính quyền thực dân, ông tích cực tham gia các phong trào đấu tranh với niềm tin thắng lợi vào cách mạng.
 
Năm 1938, Nguyễn Bình và một số anh em đảng viên cộng sản đi Thái Nguyên làm kinh tế và gây dựng cơ sở cách mạng. Ở đây, Nguyễn Bình bị mật thám tỉnh Thái Nguyên bắt giam rồi lại chuyển về mật thám tỉnh Hưng Yên quản lý.
 
Năm 1941, Nguyễn Bình bí mật lên Hà Nội bắt liên lạc. Đến năm 1942, ông được Xứ ủy Bắc kỳ phái lên Lai Châu tìm nhiên liệu chế tạo lựu đạn. Năm 1943, được Trung ương giao thêm nhiệm vụ mua sắm vũ khí cho cách mạng ở khu vực Hà Nội - Hải Phòng và Nguyễn Bình bắt đầu tìm gặp với các bạn tù, móc nối với các cơ sở cách mạng ở Hải Phòng, thành lập cơ sở Việt Minh tại đây.
 
Tháng 9 năm 1945, mặc dù lúc này Nguyễn Bình chưa phải là đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trực tiếp giao nhiệm vụ cho Nguyễn Bình vào Nam thống nhất các lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần dặn: “Tổ quốc trên hết, tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an sinh hòa mục”. Không phụ lòng tin của Bác, ngay sau khi đặt chân vào Sài Gòn - Gia Định, với tư cách là phái viên của Bác Hồ và Trung ương, Nguyễn Bình đã tổ chức hội nghị tại An Phú Xã (Gia Định), tại Hội nghị này, với uy tín của mình, Nguyễn Bình được bầu làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ. Trong bức thư gửi Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh trước khi ra Bắc, Nguyễn Bình viết: “Chúc bạn đầy sức khỏe và mạnh tiến trên con đường giải phóng dân tộc và nhân loại khỏi ách tham tàn bóc lột của bọn tư bản đế quốc”, đó cũng chính là lý tưởng chiến đấu của Nguyễn Bình, cho đến tận lúc hy sinh, Nguyễn Bình luôn thể hiện là một người sống có lý tưởng, chấp hành nghiêm túc các chỉ thị của Đảng, của Bác Hồ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho dân, cho nước, cho lý tưởng cộng sản.
 
Tháng 6 năm 1946, Nguyễn Bình chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Những hoạt động của đồng chí từ khi ra tù (năm 1935) đều theo đường lối của Đảng Cộng sản, của Việt Minh. Bạn chiến đấu của đồng chí thời kỳ ấy đều là những đảng viên Đảng Cộng sản như: Tô Hiệu, Tô Quang Đẩu, Trần Huy Liệu, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt).
 
Trong lĩnh vực quân sự, Nguyễn Bình có một trình độ hiểu biết, một tầm nhìn sâu rộng và nhạy cảm chính trị về thời cuộc khá sắc nét, đặc biệt là tài chỉ huy của mình. Trận đánh đồn Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên là một minh chứng cho điều đó: Trong lúc các phong trào yêu nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo được phục hồi và phát triển nhanh chóng, nhất là trong tầng lớp thanh niên, công nhân và sinh viên. Tại khu vực Bần Yên Nhân, quân Pháp đã xây đồn để kiểm soát khu vực này. Đồng chí Nguyễn Bình đã tìm cách tiếp cận, nắm chắc mọi hoạt động và tình hình trang bị vũ khí của Pháp ở đây. Đồng chí đã báo cáo với Xứ ủy Bắc kỳ và lên kế hoạch tấn công; ngày 12 tháng 3 năm 1945, trước sự ngơ ngác của binh lính Pháp, chỉ sau 30 phút, ta thu toàn bộ số súng, đạn của Pháp và bắt sống tên đồn trưởng. Chiến thắng Bần Yên Nhân như bừng tỉnh trước sức mạnh của Mặt trận Việt Minh, với cách đánh mưu trí, được đồng chí Võ Nguyên Giáp khen: “Đây là trận đánh kiểu mẫu ở Đồng bằng Bắc bộ” với cách đánh “Nở hoa trong lòng địch” ấy được lặp lại trong trận đánh đồn Tràng Bạch (Quảng Ninh) sau này.
 
Sau chiến thắng đồn Bần Yên Nhân, đồng chí Nguyễn Bình mở rộng hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng sang Kiến An, Hải Phòng. Tại Hải Phòng, địch tăng cường càn quét, đánh phá dữ dội ở những vùng chúng nghi có cơ sở Việt Minh hoạt động. Mặc dù bị địch khủng bố dữ dội, cơ quan Thành ủy liên tục bị đánh phá chưa kịp tập hợp lại, nhưng thời cơ đến nên nhiều cán bộ, đảng viên chủ động lập ra tổ chức để hoạt động, đã có nhiều tổ chức Việt Minh hoạt động theo nhiều đường dây khác nhau. Những cơ sở do đồng chí Nguyễn Bình phụ trách tỏa rộng nhanh chóng. Đồng chí Nguyễn Bình cho in tài liệu, bí mật tuyên truyền, vận động nhân dân, những người trí thức và binh lính ngụy ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, một cuộc biểu tình khổng lồ đã diễn ra tại Nhà hát Lớn thành phố Hải Phòng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng Thành phố Hải Phòng. Sau đó là cuộc tuần hành, thị uy của hơn mười nghìn quần chúng nhân dân. Dẫn đầu đoàn diễu hành, đồng chí Nguyễn Bình tay giơ cao thanh kiếm Nhật tuốt trần, đốc kiếm ngang tầm mắt, mũi kiếm chọc thẳng lên trời để đáp lại sự hân hoan, nhiệt liệt của nhân dân thành phố Hải Phòng. Ngày hôm sau, ông trở về Quảng Ninh để tiếp tục bảo vệ căn cứ.
 
Tại Quảng Ninh, cuối tháng 9 năm 1945, chính quyền nhân dân bị địch chống phá. Lúc này, Xứ ủy đã nhất trí chủ trương khởi nghĩa lập chiến khu nhưng chưa có chỉ thị về ngày khởi sự. Nắm chắc tình hình cụ thể của địa phương, đồng chí Nguyễn Bình cùng một số đồng chí dũng cảm phát động tiến công đồng loạt ở một số địa phương của tỉnh Quảng Ninh, như: Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê. Cánh quân đánh đồn Đông Triều tập trung tại chùa Bắc Mã, trên cánh tay trái của mỗi đội viên đều đeo băng vải đỏ, có 3 chữ “Việt Minh quân”, thêu bằng chỉ vàng. Riêng đồng chí Nguyễn Bình, cài ở ngực một phù hiệu vải đỏ hình chữ nhật, thêu ba chữ TCH (Tổng chỉ huy) cũng bằng chỉ vàng. 
 
Khi quân tiến đến huyện lỵ, đồng chí Nguyễn Bình ra lệnh bắn bốn phát súng để thị uy và làm hiệu lệnh tấn công. Bị bất ngờ, tên đồn trưởng phải ra đón và mở rộng cổng đồn cho nghĩa quân tiến vào, chỉ trong chốc lát, nghĩa quân đã chiếm được đồn, cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc lô cốt, tịch thu nhiều súng và lựu đạn cho cách mạng. Thay mặt Ban Chỉ huy khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Bình tuyên bố giải tán chính quyền tay sai ở đây, thành lập “Đệ tứ chiến khu” và tiếp tục kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, gia nhập đội ngũ “Du kích quân cách mạng”. Khởi nghĩa thắng lợi, thành lập nên Chiến khu Đông Triều. Thanh thế của Chiến khu Đông Triều ngày càng phát triển về phía Quảng Yên, lực lượng của Chiến khu Đông Triều lúc này có hơn 400 tay súng, biên chế thành 2 trung đội hoàn chỉnh và một tiểu đội. Đồng chí Nguyễn Bình triệu tập chỉ huy và giao nhiệm vụ cụ thể và theo kế hoạch tác chiến, có nội ứng, tại đồn Bảo An quân ta ồ ạt tiến vào, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, bắt sống tên tỉnh trưởng và buộc hắn phải giao nộp ấn tín cho đồng chí Nguyễn Bình, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động tỉnh Quảng Yên, hàng nghìn người dân giương cao cờ đỏ sao vàng hân hoan chào mừng thắng lợi. 
 
Sau sự kiện ngày 9 tháng 3 năm 1945, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị mọi mặt, chờ khi có cơ hội là nhảy vào Đông Dương. Theo kế hoạch, thực dân Pháp coi Nam bộ là mục tiêu phải chiếm trước nhất.
 
Nhận được tin quân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, đang bức xúc trước thái độ ngang ngược của thực dân Pháp thì đồng chí Nguyễn Bình nhận được thư gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo lệnh trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Bình nhận nhiệm vụ vào Nam để thống nhất các lực lượng vũ trang ở Nam bộ. Chỉ sau một thời gian ngắn sau khi đến Nam bộ, nắm được tình hình, đồng chí Nguyễn Bình đã triệu tập Hội nghị quân sự tại An Phú Xã vào tháng 11 năm 1945. Tại hội nghị, đồng chí đã thề: Quyết sống chết với Nam bộ và sẽ chết theo khẩu súng ngắn được anh em thành Tô Hiệu (Hải Phòng) tặng khi tiễn đồng chí vào Nam.
 
Ở Nam bộ trong những năm tháng cuồng phong bão táp của những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, bằng tài năng và uy tín của đồng chí Nguyễn Bình, các bộ đội địa phương được tập hợp lại, chính quy hóa, từng bước đi vào kỷ cương, bẻ gãy được mũi nhọn tấn công của quân đội Pháp. Không chỉ thống nhất được lực lượng quân sự, đồng chí còn đào tạo được một binh chủng đặc biệt, tinh nhuệ, bằng nhiều hình thức quấy rối, biến Sài Gòn thành địa ngục của địch. Tại Thủ Dầu Một (Bình Dương), đồng chí Nguyễn Bình thành lập Trường Quân chính Quân khu 7, nay là Trường Quân sự Quân khu 7. Về sự kiện này, Thượng tướng Phan Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận xét: “Đây là một quyết định cực kỳ quan trọng, từ mái trường này đã cung cấp cho lực lượng vũ trang Quân khu 7 cũng như toàn quân hàng vạn cán bộ quân sự, chính trị chuyên môn kỹ thuật...”. Những ý đồ chia rẽ Việt Nam với sự ra đời của “Nước Nam Kỳ tự trị” của Pháp hoàn toàn thất bại trước sự tiến công của quân du kích dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Bình.
 
Tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình - đồng chí là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Năm 1951, trên đường ra Bắc báo cáo Trung ương, đồng chí bị địch phục kích và hy sinh ngày 29.9.1951.
 
Trong Sắc lệnh số 84-SL, ngày 24.2.1952 truy tặng Huân chương Quân công Hạng Nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhiều công trạng của Trung tướng, trong đó ghi rõ những biệt tài quân sự của đồng chí: “Suốt thời gian trước Tổng khởi nghĩa, tham gia đánh Nhật, đuổi Pháp đã có công nhiều trong phong trào tranh đấu và khởi nghĩa ở các tỉnh miền Duyên hải Bắc bộ. Tổ chức đánh tàu Com-măng-đăng Buốc-đe, thu vũ khí, xây dựng bộ đội Chiến khu Tư. Tháng 8 năm 1945, được lệnh tổng khởi nghĩa, dẫn bộ đội chiếm Hải Phòng, Kiến An, Đồ Sơn, chống quân Pháp đổ bộ, đánh chiếm tàu chiến và tàu vận tải của địch. Được lệnh vào Nam bộ, trong khi bộ đội ở đó chỉ còn một số ít đang bị hàng vạn quân giặc bao vây, đã kiên quyết,  sáng suốt xây dựng bộ đội lớn mạnh và chỉ huy chiến đấu đánh thắng quân địch nhiều trận lớn trên các chiến trường Nam bộ....”.
 
Có thể khẳng định rằng: Từ khi được giác ngộ cách mạng, chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản và cho đến lúc hy sinh, người đảng viên ấy và người con ưu tú của quê hương Hưng Yên luôn kiên định lý tưởng, có những cống hiến xứng đáng cho cách mạng Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí xứng đáng được tôn vinh là đảng viên Đảng Cộng sản kiên trung, mẫu mực. Phẩm chất đó được khắc họa trong Điếu văn do Thượng tướng Phạm Văn Trà, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đọc tại Lễ truy điệu Trung tướng Nguyễn Bình khi hài cốt của đồng chí được chuyển về an táng tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 3 năm 2000, có những đánh giá hết sức trân trọng: “Từ những buổi đầu tham gia cách mạng đến lúc hy sinh, trước sự tra tấn, giam cầm trong lao tù thực dân, đế quốc hay trên chiến trường nóng bỏng quyết liệt, đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình luôn luôn giữ trọn danh hiệu cao quý của người cộng sản, trung thành với sự nghiệp cách mạng, một lòng một dạ chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với đồng bào và đồng đội, đồng chí là người sống có nghĩa, có tình, trung thực, thẳng thắn, luôn nghiêm khắc, quyết đoán trong xử lý tình huống. Đồng chí luôn tôn trọng nhân tài, đã cảm hóa, động viên các nhân sĩ, trí thức yêu nước phát huy tài năng phục vụ cách mạng...”.
 
Cuộc đời hoạt động cách mạng, Trung tướng Nguyễn Bình đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất; hy sinh, phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một vị tướng tài, thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh; một tấm gương sáng ngời của người cộng sản; trung thực, thẳng thắn, chan hòa với đồng bào, đồng chí, đồng đội.
 
Tưởng nhớ Trung tướng Nguyễn Bình, chúng ta tự hào về một người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên. Tình cảm của đồng chí Nguyễn Bình với quê hương Hưng Yên và tình cảm của quê hương Hưng Yên với đồng chí thật ấm áp, sâu đậm. Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, đồng chí đã đem hết nhiệt huyết cách mạng đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước. Trong những năm tháng kháng chiến, đồng chí đã để lại trong lòng Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên những cống hiến to lớn, tình cảm sâu sắc.
 
Bày tỏ lòng biết ơn về những cống hiến to lớn của đồng chí đối với quê hương, đất nước, tưởng nhớ đồng chí, chúng ta nguyện học tập ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí: Tận tụy, hy sinh phấn đấu trọn đời vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.
 
Hưng Yên hôm nay đang khởi sắc từng ngày, những kết quả đạt được trên các lĩnh vực tuy mới là bước đầu, song rất đáng tự hào, là những tiền đề quan trọng để Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp, xứng đáng là quê hương của thân mẫu Bác Hồ, quê hương của Tổng Bí thư  Nguyễn Văn Linh và Trung tướng Nguyễn Bình.
 
                Đỗ Tiến Sỹ 
Ủy viên BCH Trung ương Đảng
             Bí thư Tỉnh ủy
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh
 

Trung tướng Nguyễn Bình với trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ

Nguyễn Bình là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm đầu năm 1948. Là người con ưu tú của quê hương Giai Phạm, Yên Mỹ, tên tuổi của Trung tướng Nguyễn Bình gắn liền với nhiều chiến công vang dội, trong đó có trận đánh đồn Bần Yên Nhân (năm 1945) – Trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ.
Cụ
Cụ Đặng Văn Tọa, thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào) kể lại trận đánh
đồn Bần Yên Nhân
Theo những tư liệu trong cuốn sách Trung tướng Nguyễn Bình của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, đồn Bần Yên Nhân án ngữ trên Quốc lộ 5, tuyến giao thông huyết mạch nối Hà Nội với Hải Phòng. Đồn binh này được địch phòng thủ khá mạnh với tường bao bọc, binh lính được trang bị đầy đủ. Chúng làm nhiệm vụ kiểm soát đường 5 đoạn từ Bần đi Phố Nối và khu vực Bắc Hưng Yên. Việc triệt hạ đồn này trở thành mục tiêu quan trọng của Việt Minh. 
 
Trước tình hình này, đồng chí Nguyễn Bình đã suy tính thực hiện nhiều biện pháp để việc triệt hạ đồn diễn ra nhanh chóng thành công. Trước hết, đồng chí tiến hành xây dựng cơ sở, nắm bắt tình hình trong đồn. Qua người thầy giáo dạy học cho con viên đồn trưởng, đồng chí tiếp xúc, tuyên truyền cách mạng cho một người lính khố xanh tên là Nguyễn Văn Việt. Từ cơ sở này, đồng chí Nguyễn Bình tiếp tục vận động, tuyên truyền cách mạnh cho một số lính khố xanh khác. Đồng thời, nắm bắt được nhiều hoạt động, cách bố phòng của địch ở trong đồn. 
 
Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Lính tráng trong đồn hoang mang, lo sợ. Nhận thấy cơ hội hạ đồn đã đến, đồng chí Nguyễn Bình lóe lên ý tưởng giả trang quân Nhật đến tước khí giới để thực hiện mục tiêu chiếm đồn nhanh gọn, ít đổ máu. Ngay lập tức, đồng chí Nguyễn Bình báo cáo gấp kế hoạch đánh đồn với Xứ uỷ Bắc kỳ và được chấp thuận. Ngày 10.3, đồng chí tổ chức cuộc họp triển khai tại nhà một cơ sở Việt Minh ở Mỹ Hào để thông báo quyết định của trên và bàn kế hoạch cụ thể đánh đồn Bần Yên Nhân. Ngày hôm sau, cuộc họp lại được triệu tập thêm một lần nữa để bàn bạc thực hiện kế hoạch thận trọng bảo đảm chắc thắng, bảo toàn lực lượng, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Trọng Luật, Trần Sâm, Lê Huỳnh… Việc tấn công đồn được thực hiện theo 2 hướng. Từ trong đồn, cơ sở do ta gây dựng sẽ mở cửa cho quân ta tiến vào. Từ bên ngoài, lực lượng tự vệ khu Bãi Sậy của địa phương đóng giả làm quân Nhật và thông dịch viên do đồng chí Nguyễn Bình đảm nhiệm trực tiếp đánh đồn từ bên ngoài vào. Để bảo đảm bí mật, tranh thủ thời cơ và thuận lợi cho việc đóng giả quân Nhật, cuộc tấn công đồn Bần Yên Nhân được ấn định vào tối ngày 12.3. 
 
Đêm ngày 12.3.1945, thực hiện đúng kế hoạch đề ra, khi các lực lượng đã tập trung ở khu vực cách đồn Bần Yên Nhân khoảng 200m, đồng chí Nguyễn Khang thay mặt Tổng bộ Việt Minh giao nhiệm vụ. Tới “giờ G”, đồng chí Nguyễn Bình cùng các đồng chí Việt Minh khác trong quân phục sĩ quan Nhật tiến về phía cổng đồn. Đúng lúc này, trong đồn Bần Yên Nhân vang lên một tiếng pháo, cổng đồn mở toang. Lực lượng của ta ào ạt xông vào làm địch không kịp trở tay. Ta thu được 24 khẩu súng trường, 6 hòm đạn... và nhanh chóng rút khỏi đồn. Khi quân ta vừa ra khỏi đồn thì cũng là lúc quân Nhật ập tới. Chúng lùng sục, truy đuổi nhưng quân ta đã rút an toàn. 
 
Sớm hôm sau, tin Việt Minh đánh đồn Bần Yên Nhân được truyền từ người này sang người khác. Người dân không ngớt lời khen Việt Minh có tài “xuất quỷ nhập thần", "vào đồn như đi chợ”… 
Một góc đônb
Một góc đồn Bần Yên Nhân còn đến ngày nay
Hồi tưởng lại diễn biến trận đánh, cụ Ðặng Văn Tọa (thị trấn Bần Yên Nhân), năm nay 96 tuổi, một trong những người từng tham gia trận đánh năm đó kể lại: Do tính chất bí mật, lúc đó dù tham gia vào trận đánh nhưng chúng tôi cũng chỉ được nghe danh chứ cũng không biết đồng chí Nguyễn Bình là ai. Vào thời điểm đó ở Hà Nội, Nhật đã đảo chính Pháp, nhưng đồn Bần Yên Nhân vẫn do quân Pháp chiếm giữ. Biết rõ tình hình địch đang hoang mang, dao động, nên Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định đánh ngay đồn Bần Yên Nhân. Thời gian đánh đồn diễn ra chớp nhoáng. Chiến thắng này tạo nên sự hân hoan, phấn khởi trong quần chúng nhân dân, củng cố niềm tin cho nhân dân đi theo Đảng.
 
Trận đánh đồn Bần Yên Nhân đã tận dụng thời cơ, mạnh dạn sử dụng lực lượng tự vệ tại chỗ, sử dụng cách đánh mưu mẹo và hợp lý, xây dựng cơ sở, khéo nghi binh, bất ngờ áp đảo địch, ta không bị thương vong. Trận thắng ở đồn Bần Yên Nhân đã thổi bùng lên cao trào chống Nhật. Niềm tin của nhân dân vào Việt Minh ngày càng được củng cố. Khi đánh giá về trận đánh đồn đặc biệt này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đây là “một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ”. Đã hơn 70 năm trôi qua, nhưng danh tiếng của Trung tướng Nguyễn Bình cùng với những kinh nghiệm từ trận đánh vẫn luôn là niềm tự hào của quê hương Hưng Yên. 
 
Thu Yến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét