Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Về thăm đền Đót

Đền Đót nằm ở chân núi Đót thuộc xóm Núi, xã Dương Thành, huyện Phú Bình. Từ xa nhìn lại núi Đót tựa như “đôi gò bồng đảo” của người thiếu nữ đang thời xuân sắc, tạo hoá đã ban phát cho vùng đất này một danh thắng tự nhiên đẹp bấy lâu nay chưa nhiều người biết đến.
Tại xóm Núi có một truyền thuyết kể rằng: vào thời vua Hùng Vương  thứ 6, sau khi phá tan giặc Ân, một vị tướng có tên là Hùng Linh Công đã có công giúp vua Hùng đánh giặc hiện được thờ ở Đền IA (huyện Hiệp Hoà - Bắc Giang) bay về trời, có một người phụ nữ không rõ tên tuổi thường gọi là Vua Bà xã Nỗ Dương (nay thuộc xã Dương Thành) đã theo Hùng Linh Công đánh giặc và muốn cùng về trời nhưng khi bay qua xã Dương Thành ngày nay, Vua Bà muốn lưu lại quê hương thăm bà con, họ hàng, bản quán, Vua Bà liền đỗ xuống khu vực núi Đót, sau đó lên Giếng Tiên tắm giặt. Do vậy, nhân dân  lập đền Đót thờ Vua Bà

Theo nhân dân ở địa phương cho biết vào khoảng năm 1950 thực dân Pháp đã tấn công lên đỉnh Núi Đót phá hoại ngôi đền cổ. Năm 1990 đền Đót được trùng tu và lễ hội cũng được phục hồi. Ngôi đền thờ Đức Thánh Mẫu có kiến trúc kiểu “chữ đinh” (T), tiền tế có 1 gian 2 chái, có 4 đầu đao cong vút, trên nóc đền có đắp lưỡng long chầu mặt trời, mái lợp ngói vảy rồng, hậu cung có 1 gian dựng bằng 4 cột đá cổ được đẽo gọt công phu (không khắc chữ), chắc chắn. Trong hậu cung có bàn thờ đặt tượng Vua Bà mình mặc áo đen, gương mặt phúc hậu nhân từ. Cửa đền và hậu cung đều có hoành phi và câu đối ca ngợi công ơn của Đức thánh

Bên phải ngôi đền có một phiến đá to dài khoảng 4m, rộng 2m trên đó có nhiều vết lõm in hình những dấu chân, tương truyền đây là nơi Vua Bà đã từng ngồi chơi.

Đền Đót là một công trình văn hoá gắn với phong tục tín ngưỡng lâu đời của nhân dân xã Dương Thành, là một trong những danh lam thắng cảnh ở khu vực phía nam của huyện Phú Bình.
Lương Quang Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét