Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Vị quan Cai phủ tàu của chúa Nguyễn

Nằm sát chùa Pháp Bảo, số 673 Hai Bà Trưng, phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là một ngôi mộ cổ được xây cất khá đơn giản, không đồ sộ, hoa văn cầu kỳ như nhiều ngôi mộ khác, nhưng lại có một ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với Hội An. Người nằm dưới ngôi mộ là một trong “thập đại lão gia” có công lập ra làng Minh Hương.
Mộ Khổng Thiên Như (ảnh trái) và tấm bia cổ khắc bài chiếu chúa Minh Vương  về công trạng của ông đặt tại mộ.  Ảnh: Thái Mỹ
Mộ Khổng Thiên Như (ảnh trái) và tấm bia cổ khắc bài chiếu chúa Minh Vương về công trạng của ông đặt tại mộ. Ảnh: Thái Mỹ
Theo bản lý lịch di tích số 35/ĐK-BQL ngày 10-4-1992 do Ban Quản lý Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An) lập, thì vào giữa thế kỷ XVII, đất nước Trung Hoa diễn ra biến cố chính trị lớn giữa nhà Thanh và nhà Minh.
Cuộc chiến tranh tàn khốc này diễn ra từ năm 1618 đến năm 1644 thì nhà Thanh lật đổ nhà Minh, nắm giữ trọn quyền lực nhưng phải tiếp tục đối phó với sự kháng cự yếu ớt của quân Minh cho tới năm 1683 mới kết thúc.
Bị quân nhà Thanh bao vây truy sát khắp nơi trên lãnh thổ, các lực lượng chủ chốt của nhà Minh hoảng hốt, phải tháo chạy tán loạn, các cuộc di dân ồ ạt diễn ra ở nhiều nơi. Từng đoàn người lũ lượt kéo về các đảo Hải Nam, Đài Loan, Đại Việt- trong đó có Hội An, và các nước Đông Nam Á… để trú tránh chính trị. Ông Khổng Thiên Như là một trong số người của nhà Minh đến Hội An với lý do đó.
Theo tài liệu Quảng Nam Minh Hương Tam Bảo Vụ, ông Khổng Thiên Như (không rõ năm sinh) là người gốc ở huyện Chiêu An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, chạy sang Hội An giữa thế kỷ XVII.
Lúc này, Hội An đã là một thương cảng sầm uất, phồn thịnh bậc nhất của Đại Việt. Các tàu buôn của nước ngoài và thương khách thường xuyên ra vào cảng trao đổi hàng hóa.
Khi bước chân đến mảnh đất Hội An, Khổng Thiên Như cũng như một số người chạy trốn sự trừng phạt của nhà Thanh tấu trình lên chúa Nguyễn Phúc Lan (vị chúa Nguyễn thứ 3) xin được cư trú hợp pháp. Vốn có tầm nhìn chiến lược về sự quan hệ với bên ngoài, đồng thời luôn giúp đỡ những người sa cơ, thất thế nên chúa Nguyễn tạo điều kiện để họ an cư.
Hơn nữa, cảng Hội An lúc bấy giờ có nhiều tàu buôn ngoại quốc ra vào và biết người Trung Hoa vốn có nhiều kinh nghiệm trong giao thương nên chúa Nguyễn Phúc Lan trọng dụng ngay Khổng Thiên Như.
Thế là Khổng Thiên Như cùng một số Hoa kiều thông thạo việc buôn bán được chúa Nguyễn cho vào làm ở thương cảng vụ Hội An. Riêng Khổng Thiên Như được giao chức quan Cai phủ tàu, tước Trung Lương hầu, toàn quyền phụ trách việc kiểm soát, xét tra, cân, đo, định lượng… hàng hóa xuất nhập tại thương cảng.
Một thời gian sau, Khổng Thiên Như cùng 9 người khác xin chúa Nguyễn Phúc Lan lập ra một ngôi làng mới tại Lâm Sa xứ, Cẩm Phô xã (tên cũ) tại Hội An với tên gọi là làng Minh Hương. Làng Minh Hương đông đúc và ổn định cư dân vào năm 1653.
Cái tên Minh Hương gắn với ý nghĩa đây là làng của người triều đại nhà Minh xa xứ sinh sống. Mới đầu, nghĩa của chữ Hương là hương hỏa nhưng đến năm 1827, họ đổi chữ Hương khác nghĩa là làng(*), Minh Hương là làng của người Minh.
Cũng theo Quảng Nam Minh Hương Tam Bảo Vụ, thập vị đại lão gia, tức 10 vị tiền hiền có công lập làng Minh Hương là: Khổng thái lão gia, Nhan lão gia, Dư lão gia, Từ lão gia, Chu lão gia, Hoàng lão gia, Trương lão gia, Trần lão gia, Thái lão gia và Lưu lão gia.
Chính Khổng Thiên Như cùng các vị tiền hiền này ngay từ lúc lập làng Minh Hương đã góp tiền bạc xây thêm ngôi chùa che kín toàn bộ phần cầu Nhật Bản. Từ đó, người dân Hội An gọi là chùa Cầu. Hai đầu chùa Cầu có hai tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một tượng chó, một tượng khỉ.
Căn cứ vào hai bức tượng thú này, các nhà nghiên cứu suy đoán chắc có lẽ cầu được xây dựng vào năm Thân, hoàn thành vào năm Tuất và chùa ra đời ít nhất sau cầu khoảng 35 năm? Tuy gọi là “chùa” nhưng chùa Cầu không hề thờ Phật mà gian chính giữa thờ Bắc Đế Trấn Võ hay còn gọi là Huyền Thiên Đại Đế, vị thần linh bảo hộ xứ sở, quê hương được no ấm, yên bình.
Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu (vị chúa Nguyễn thứ 6) vi hành Hội An, thấy chùa Cầu quá xinh đẹp, hơn nữa là một vị chúa rất hiểu về vùng đất Hội An nên liền đặt tên cho chùa Cầu là Lai Viễn Kiều với hàm ý là “cầu đón khách phương xa”.
Trở lại chuyện của Khổng Thiên Như. Ông qua đời vào cuối thế kỷ XVII, không rõ năm cụ thể. Sau khi ông mất, chúa Minh Vương, tức Nguyễn Phúc Chu, đã ban chiếu tán dương công trạng của ông, gia phong cho tước Văn Huệ hầu, ban phát ruộng đất lập từ sở suốt đời hương hỏa.
Bài chiếu của chúa Minh Vương được khắc vào tấm bia bằng sa thạch có niên đại 1695 tại mộ. Đây là năm dựng bia, khắc bài chiếu để ghi công của Khổng Thiên Như hay là năm ông qua đời vẫn đang còn là một ẩn số.
Trải qua nhiều đời, ngôi mộ của ông được dân làng Minh Hương, rồi xã Minh Hương trông nom, bảo quản. Mộ của ông được dân làng tu sửa vào các năm 1849 và 1942. Năm 2008, mộ Khổng Thiên Như được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Do ngôi mộ bị thời gian tàn phá hư hỏng nặng nề, đầu năm 2017, UBND thành phố Hội An đầu tư sửa chữa, nâng cấp lại ngôi mộ khang trang hơn nhằm bảo vệ di tích. Ngôi mộ của ông tọa lạc trên khu đất riêng biệt khá rộng sát bên tường chùa Pháp Bảo nhưng lại có chung với tường rào bao bọc khuôn viên chùa nên cứ tưởng mộ ở trong chùa.
Tuy có cổng riêng phía mặt tiền đường Hai Bà Trưng, song cửa thường được khóa chặt, mộ lại nằm khá sâu phía sau nên ít ai nhìn thấy được ngôi mộ của ông, một con người xa xứ đến phố Hội lập làng, làm quan thương mại cho chúa Nguyễn.  
THÁI MỸ
 
(*) Hai chữ Hương này trong chữ Hán có tự dạng khác nhau. Hương hỏa gồm chữ hương 香 (nhang) và chữ hỏa 火 (đèn), hai phẩm vật dùng để tế tự tổ tiên, thần Phật; nghĩa bóng chỉ tài sản của một gia đình giao cho thế hệ sau để sinh lợi với mục đích giữ gìn việc thờ cúng người đã khuất. Hương với tự dạng 鄉 có nghĩa là làng. (ĐNCT chú thích) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét