Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Về Thái Nguyên xem đám cưới người Mông


 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Người Mông cư trú tại 115/180 xã phường của tỉnh Thái Nguyên, những huyện có đông người Mông cư trú là Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương. Cùng với các dân tộc khác trong tỉnh, những phong tục tập quán trong đời sống tinh thần của người Mông luôn thu hút khách du lịch đến tìm hiểu.
Trong chu kỳ của đời người, người Mông có nhiều nghi lễ quan trọng, một trong những nghi lễ đó là nghi lễ cưới xin. Từ lúc ăn hỏi đến khi đám cưới hoàn tất người Mông có nhiều nghi lễ bao gồm ba bước: Lễ dạm hỏi; lễ trao lễ vật thông báo ngày cưới và lễ cưới.

Lễ hỏi thường diễn ra sau mùa thu hoạch. Nhà trai chọn ngày lành tháng tốt nhờ hai ông mối mang lễ vật sang nhà gái dạm hỏi. Sau lễ dạm hỏi nhà trai lại nhờ hai ông mối đem sính lễ đến trao cho nhà gái. Lễ vật được trao cho nhà gái trước sự chứng kiến của hai ông mối nhà trai và hai ông đại diện họ nhà gái. Số tiền thách cưới được nhà gái dùng cho việc sắm sửa váy áo cho con gái mình.

Người Mông thường tổ chức cưới vào những ngày cuối năm sau mùa thu hoạch. Lễ cưới tổ chức cả ở nhà gái và nhà trai. Ở nhà trai lễ cưới diễn ra trong vòng  ba ngày hai đêm còn ở nhà gái lễ cưới diễn ra trong vòng hai ngày một đêm. Dù nhà gái ở xa thì nhà trai vẫn phải sang nhà gái từ hôm trước ngày cưới chính thức. Số lượng đoàn người đi đón dâu là 9 người, đến cổng nhà trai sẽ hát bài xin cho vào nhà. Có khi hát hai, ba bài rồi mà nhà gái vẫn không đồng ý, trong trường hợp đó nhà trai vẫn phải hát tiếp đến khi nào thấy hai ông đại diện nhà gái ra mời vào mới thôi. Khi vào nhà chú rể khấn lạy tổ tiên và cha mẹ vợ sau đó nhà gái dọn cơm mời nhà trai.

Trong đêm nhà trai ngủ lại nhà gái. Nam nữ thanh niên đến tụ tập rất đông để hát hò thổi sáo và chúc mừng. Sáng hôm sau nhà gái lại tổ chức mời đoàn nhà trai ăn uống một bữa nữa trước khi cô dâu về nhà chồng. Sau khi ăn uống xong xuôi, bố mẹ cùng họ hàng nhà gái gọi chú rể đến để dặn dò trước khi rước dâu về. Bố mẹ cô dâu còn trao cho con gái mình một số của hồi môn mà tiếng Mông gọi là chớ hậu. Khi đón dâu về nhà trai, cả đoàn phải dừng lại trước của làm lễ  nhập ma cho cô dâu, thường thì ông bố chú rể sẽ bắt một con gà trống, tay cầm thanh củi tiến hành làm ma nhập vào gia đình và sau đó cô dâu sẽ được cô em gái của chồng dắt vào buồng. Anh em họ hàng nhà trai có mặt đầy đủ để chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Họ ăn uống nói chuyện đến tận sáng ngày hôm sau vì họ hàng ở xa thường trưa mới về.
TNĐT (b/s)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét