Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Khám phá "Sơn kỳ thủy tú" ở Ngũ Hành Sơn

ĐNĐT - Với hệ thống hang động, những ngôi chùa cổ cùng làng nghề truyền thống, danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm dừng chân hấp dẫn trên hành trình khám phá di sản miền Trung.
Từ ngọn Thủy Sơn có thể nhìn rõ một góc Ngũ Hành Sơn. (ảnh tư liệu)
Từ ngọn Thủy Sơn có thể nhìn rõ một góc Ngũ Hành Sơn. (Ảnh tư liệu)
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía đông nam, Ngũ Hành Sơn sở hữu vẻ đẹp hội tụ của vùng trời biển, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc.
Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là tên chung của một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển với diện tích khoảng 2 km2, gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (có 2 ngọn) và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong.
Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất, kiều diễm nhất. Núi cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai), đây cũng là nơi tập trung nhiều hang động chùa chiền nhất. Ngũ Hành Sơn nằm ngay trên tuyến đường Đà Nẵng-Hội An, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Nhìn từ những đỉnh cao như Hải Vân, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn giống như một khu “non bộ thiên tạo khổng lồ” nổi lên ngay giữa lòng thành phố, là một tặng phẩm vô cùng quý giá của thiên nhiên ban tặng cho thành phố. Cũng tại đây, các dấu ấn văn hóa  -lịch sử còn in đậm trên mỗi công trình chùa tháp đầu thế kỷ XIX, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chăm của thế kỷ XIV, XV, những bút tích thi ca thời Lê, Trần còn in dấu trên các vách đá rêu phong trong các hang động.
Thổ Sơn
Là một trong 5 cụm núi Ngũ Hành Sơn, nằm ở phía Tây Bắc danh thắng Ngũ Hành Sơn, tên dân gian thường gọi là núi đá Chồng, núi Ghềnh. Đây là ngọn núi đất, thấp nhất nhưng cũng dài nhất, trông như con rồng nằm dài trên bãi cát. Thân núi có một lớp màu cỏ mỏng bao phủ để lộ nhiều chỗ màu đất sét đỏ, trên núi có nhiều gạch cổ, dấu tích của kiến trúc Chăm do người Chămpa để lại.
Dưới chân núi hiện có chùa Long Hoa, chùa Huệ Quang và dấu tích của một địa đạo. Theo thi sĩ Quách Tấn, sát chân núi có bến đò, gọi là Bến Ngự (sử Nguyễn ghi là bến Hóa quê), vì xưa kia mỗi lần nhà vua đến viếng Ngũ Hành Sơn thì đậu thuyền tại đó. Tuy nhiên, có người cho rằng bến này ở núi Kim Sơn.
Trong núi có một cái hang cửa quay về phía Tây Nam, ngách vào rất hẹp, ăn sâu vào khoảng 20m theo hình chữ M chỉ đủ một người lách qua. Hang thông lên đỉnh núi bằng một lỗ nhỏ có tên là hang Cóc hay hang Bồ Đề. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta dùng hang này làm nơi tránh giặc, có lần giặc đã phu hơi độc vào cửa hang để tiêu diệt các chiến sĩ ta nhưng đồng bào và chiến sĩ đã rút lên đỉnh núi an toàn.
Thời kháng chiến chống Mỹ, hang Bồ Đề vẫn là công sự của du kích để bám sát vị trí địch đóng tại Thổ Sơn và giật mìn bắn tỉa, phục kích, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Cạnh Thổ Sơn là đình làng Khuê Bắc, ngôi đình làng được xây dựng sớm ở Ngũ Hành Sơn nhưng hiện nay bị hư hại nhiều. Tại đình làng Khuê Bắc ngay trong khuôn viên vườn đình năm 2001, Đoàn nghiên cứu khảo cổ học gồm các cán bộ khoa lịch sử thuộc Đại học Hà Nội cùng cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng do GS. Trần Quốc Vượng dẫn đầu đến khảo sát và kết quả đã cho thấy trên mảnh đất này cách đây khoảng 3000 năm đã có con người sinh sống với nền văn hóa Sa Huỳnh và địa điểm khai quật đó được mang tên là di chỉ khảo cổ học vườn đình Khuê Bắc.
Ngoài ra, gần ngọn núi Thổ Sơn, còn có ngôi Miếu cổ với cây đa mọc bao phủ lên miếu, trong miếu thờ cúng các vị tổ tiên ở làng Sơn Thủy, người dân thường gọi là Miếu làng Sơn Thủy. Tại đây có chùa Long Hoa, chùa Huệ Quang, chùa Hương Sơn và Giác Hồng Viên.
Thổ Sơn còn rất nhiều giá trị văn hóa-lịch sử mà chưa được khám phá để phát triển. Có thể một ngày không xa ngọn Thổ Sơn được phát triển và trở thành điểm tham quan thú vị tại quần thể Ngũ Hành Sơn, một vùng đất mang tính chất tâm linh và hoài cổ.
Thủy Sơn.
Là ngọn núi ở phía Bắc của quần thể Ngũ Hành Sơn, đây là ngọn núi lớn và đẹp nhất, thường được nhiều du khách đến viếng thăm và vãn cảnh.
Thủy Sơn nằm trên dải đất rộng theo hướng Đông Bắc, khoảng 7 ha, cao 106m, có 3 đỉnh nằm ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao Tam Thai ở đuôi chòm sao Đại Hồng Tinh (tên dân gian gọi là sao Cày), nên còn có tên gọi là núi Tam Thai.
Lối xuống cổng phía Đông gồm 108 bậc được lát đá có nhiều chiếu nghỉ để du khách đỡ mệt khi lên, xuống.
Lối xuống cổng phía Đông gồm 108 bậc được lát đá có nhiều chiếu nghỉ để du khách đỡ mệt khi lên, xuống.
Để lên được các hang động và chùa chiền tại Thủy Sơn có thể đi bằng hai con đường: cổng phía Tây của núi gồm có 156 bậc tam cấp dẫn đến chùa Tam Thai hoặc lên cổng phía Đông gồm có 108 bậc dẫn lên chùa Linh Ứng, đa số du khách đều lên núi theo cổng phía Tây và đi xuống bằng cổng phía Đông.
Đường lên Thủy Sơn là những bậc đá tự nhiên, được sắp xếp theo hình bậc thang, có lan can hai bên cao khoảng 0.6m, độ rộng của đường đi khoảng từ 3m - 5m nên dù có nhiều đoàn khách lên xuống cùng lúc cũng dễ dàng. Bậc tam cấp có độ dốc thoai thoải, tổng chiều dài có độ cao chỉ khoảng 80m so với mực nước biển và du khách chỉ khoảng 10 phút để leo lên hết đoạn đường này.
Sau đó, du khách bắt đầu tham quan các động và chùa trên một địa hình thoai thoải và tương đối bằng phẳng. Tuy đoạn đường dài có tới 156 bậc tam cấp nhưng có nhiều chiếu nghỉ được đặt các ghế đá để du khách tạm dừng chân lấy sức trước khi tiếp tục lên chùa Tam Thai.
Được biết, Thủy Sơn là ngọn núi được vua Minh Mạng đến ngự du viếng cảnh nhiều nhất. Nhà Vua đã đến đây 3 lần vào các năm Minh Mạng thứ VI (1825), Minh Mạng thứ VIII (1827), và Minh Mạng thứ XVIII (1837). Ngay lần đến vãn cảnh đầu tiên, Nhà Vua đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam Thai và lối lên chùa Linh Ứng.
Ngọn cao nhất 106m ở phía Tây Bắc của Thủy Sơn gọi là Thượng Thai gồm có Vọng Giang Đài, chùa Tam Thai, chùa Tam Tôn, chùa Từ Tâm, khu nhà Hành Cung, động Hoa Nghiêm, động Huyền Không và động Linh Nham, ngọn thấp hơn một chút ở phía Nam gọi là Trung Thai gồm có Cổng Trời (Cổng Vân Căn Nguyệt Quật), động Vân Thông, động Thiên Long, động Thiên Phước Địa; ngọn phía Đông thấp nhất gọi là Hạ Thai gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, tháp Xá Lợi và động Tàng Chơn.
Ngoài ra tại Thủy Sơn còn có 2 di vật cổ quý hiếm, đó là bia cổ Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật tại động Hoa Nghiêm và tấm kim bài hình quả tim lửa có bút tích của Vua Minh Mạng ban tặng cho chùa Tam Thai.
Động Âm phủ
Ở ngọn Thủy Sơn có một hang động cực kỳ huyền bí và âm u ngay từ chính cái tên – động Âm Phủ. Bước qua cầu Nại Hà, du khách sẽ bước vào một thế giới cõi âm, nơi diễn ra hình phạt của các loại tội ác. Trong động Âm Phủ có rất nhiều ngóc ngách, hang hẻm đi sâu xuống lòng tượng trưng các tầng của địa ngục. Du khách tới đây có thể thấy Đài Linh Anh, điện Phán Quy, điện Minh Vương, ngục A Tỳ, suối Giải Oan…
Chùa Tam Thai
Nằm ở phía Tây Nam ngọn Thủy Sơn, với cổng Tam Quan rêu phong, cổ kính, chùa Tam Thai tọa lạc trên một khuôn viên bằng phẳng, có chu vi khoảng 200m. Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng từ lâu đời. Theo Thư tịch và Bia ký ghi lại thì chùa được xây dựng vào thời đô thị cổ Hội An mới hình thành, do Thiền sư Hưng Liên thuộc dòng thiền Tào Động của Trung Hoa đến trụ trì và lập đạo tràng từ trước những năm cuối thế kỷ 16. Năm 1825, chùa được Vua Minh Mạng phong Quốc tự, đến nay chùa đã trải qua 12 đời trụ trì.
Chùa Tam Thai chính là nơi công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng đã đến phát nguyện đi tu suốt đời.
Chùa Tam Thai chính là nơi công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng đã đến phát nguyện đi tu suốt đời.
Theo Hải ngoại Ký sự của Thích Đại Sáng, khách của Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), vào cuối thế kỷ 17, tức năm 1695 trên đường về Trung Quốc, ông đã ghé thăm chùa Tam Thai, như vậy có thể thấy chùa đã được xây dựng trước đó và được hình thành cách đây hơn 300 năm.
Cổng Tam Quan cổ kính rêu phong ở phía trước chùa gồm có 3 cổng, theo qui định thời phong kiến thì cổng chính giữa là cổng cao và trang trọng nhất chỉ để dành cho sư thầy đi, cổng bên trái dành cho người nam đi (nam tả), cổng bên phải dành cho người nữ đi (nữ hữu). Trước đây chùa được làm bằng tranh, tre, nứa lá, đến năm 1825 khi Vua Minh Mạng vi hành đến núi Thủy Sơn đã cho xây dựng lại chùa bằng gạch ngói khang trang, phong Quốc tự và đặt tên là Tam Thai. Đến năm 1901, do một cơn bão lớn đã phá hủy toàn bộ ngôi chùa và mãi đến năm 1907 chùa mới được các phật tử đóng góp xây dựng lại và tồn tại cho đến nay.
Cũng chính tại ngôi chùa này, công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng đã đến phát nguyện đi tu suốt đời, sau đó công chúa đến ẩn tu tại chùa Phổ Đà Sơn - nằm cạnh chân ngọn Hỏa Sơn. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa là nơi gặp gỡ, họp mặt và bàn bạc việc quốc sự của các sĩ phu yêu nước của các phong trào như: Cần Vương, Duy Tân, phong trào chống sưu thuế và cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục như: Lê Bá Trinh, Huỳnh Bá Chánh, Nguyễn Duy Hiệu; là nơi hội họp, bàn việc của Đảng bộ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).
Một góc của ngôi chùa với những nét kiến trúc đặc trưng.
Một góc của ngôi chùa với những nét kiến trúc đặc trưng.
Hiện nay, nhà chùa vẫn còn lưu giữ tấm kim bài hình quả tim lửa (được đặt tại bàn thờ phía sau điện thờ chính của chùa), đây là tấm kim bài có bút tích của vua Minh Mạng ban tặng, nội dung bút tích ca ngợi phật pháp từ bi vô lượng phổ độ chúng sanh. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ bức hoành phi do vua Minh Mạng trao tặng. Trong khuôn viên chùa hiện vẫn còn dấu tích và cổng của khu nhà hành cung, nơi lưu dấu một thời vua Minh Mạng và quan lại Triều Nguyễn đã từng ngự du viễn cảnh tại đây và lập đàn cầu Quốc thái Dân an.
Qua thời gian, chùa bị hư hỏng và bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh và thiên tai nên đã nhiều lần trùng tu, trong đó có lần trùng tu quy mô và hoàn chỉnh nhất vào năm 1995. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ của lăng tẩm và chùa tháp kinh thành Huế.
Vọng Giang Đài
Vọng Giang Đài hay gọi là đài ngắm sông nằm phía sườn Tây Nam của ngọn Thủy Sơn, là một điểm cao nhìn về sông Cẩm Lệ, Cổ Cò và có thể quan sát toàn cảnh các núi trong quần thể Ngũ Hành Sơn.
Đường dẫn lên vọng Giang Đài nằm đối diện khu nhà thờ Tổ của chùa Tam Thai, lối lên hẹp với những bậc đá tự nhiên hơi quanh co. Đài ngắm sông có chu vi rộng khoảng 7m, chính giữa là một tấm bia cổ bằng đá Trà Kiệu cao khoảng 2m, rộng 1m và được dựng trên một đế đá lớn, trên bia có khắc 3 chữ Hán đọc là vọng Giang Đài và những hàng chữ nhỏ nằm bên cạnh ghi ngày tháng dựng bia "Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật" (tức Minh Mạng ngày 18 tháng 7 ngày rằm năm 1837).
Là một thạch động nhỏ nhưng bên trong động Hoa Nghiêm có thờ tượng Phật bà Quan thế Âm.
Là một thạch động nhỏ nhưng bên trong động Hoa Nghiêm có thờ tượng Phật bà Quan thế Âm.
Đứng tại vọng Giang Đài có thể ngắm nhìn bao quát cảnh bên dưới, làng đá mỹ nghệ nằm quanh chân các ngọn núi, xa xa là dòng Cổ Cò uốn khúc quanh co cùng đồng ruộng, bãi bồi tự nhiên đậm nét vùng quê.
Hiện nay, đài ngắm sông đã được xây dựng nhà tứ giác vừa để che mưa nắng cho du khách đứng ngắm cảnh vừa để bảo vệ tấm bia.
Vọng Hải Đài
Vọng Hải Đài hay còn gọi là đài ngắm biển nằm ở phía sườn đông của đỉnh Hạ Thai, cạnh tháp Xá Lợi và chùa Linh Ứng.
Từ vọng Hải Đài, có thể thỏa sức ngắm cảnh trời biển bao la với bãi cát dài mịn bên dưới và ngoài khơi xa là đảo Cù Lao Chàm và xa hơn về phía Bắc là bán đảo Sơn Trà nhô mình ra biển.
Động Hoa Nghiêm
Men theo lối mòn bên hông chùa Tam Thai, rẽ trái sẽ gặp động Hoa Nghiêm. Đây là một thạch động nhỏ, có Huyền Không Quan cổ kính, bên trong động có thờ tượng Phật Bà Quán Thế Âm cao lớn, điệp màu với núi đá có đôi mắt từ bi nhìn ra của động, tượng phật do nghệ nhân Nguyễn Chất của làng nghề đá mỹ nghệ tạo thành năm 1960.
Bên trái của tượng Phật, trên vách động là tấm bia cổ Linh Trung Phật quý hiếm do nhà sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640. Bia ghi lại việc trùng tu và tôn vinh công đức của các phật tử; trong đó có rất nhiều gia đình người Nhật Bản đến làm ăn từ phố cổ Hội An đã đến cúng công đức cho chùa.
Động Huyền Không
Động Huyền Không là một trong những động lớn và đẹp nhất của ngọn Thủy Sơn. Đến Ngũ Hành Sơn mà chưa vào động Huyền Không thì coi như chưa biết Ngũ Hành Sơn.
Cổng vào động Huyền Không mọc đầy rêu phong, cổ kính nhưng luôn tràn đầy ánh nắng chào đón du khách.
Cổng vào động Huyền Không mọc đầy rêu phong, cổ kính nhưng luôn tràn đầy ánh nắng chào đón du khách.
Động Huyền Không nằm bên trong động Hoa Nghiêm, nói cách khác, muốn vào động Huyền Không phải đi qua động Hoa Nghiêm. Động có hình dáng của một quả chuông lớn úp trên nền gạch Kim Thành bằng phẳng, rộng rãi và sạch sẽ, đỉnh động có nhiều lổ hổng tự nhiên mang theo ánh sáng và gió mát vào bên trong nên lòng động luôn mát mẻ và thoáng khí (do vậy động ở Ngũ Hành Sơn thuộc loại động mở, đây chính là điểm khác biệt với các động kín của Hạ Long và Phong Nha).
Để vào được trong phải đi qua hơn 20 bậc cấp sâu xuống phía dưới, nền động thấp hơn 5m so với nền động Hoa Nghiêm, chu vi của động rộng khoảng 25m, chiều cao từ đỉnh xuống nền động khoảng 16m. Tại cửa động là 4 bức tượng của 4 vị Kim Cang Hộ Pháp, đó là các vị thần Thiện và Ác cưỡi trên 4 con thú có diện mạo kỳ quái có nhiệm vụ gác cửa động. Chính giữa động ở trên cao thờ phật Thích Ca cao 3m, phía dưới tượng Phật Thích Ca là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Một trong những hang động đẹp và huyền ảo nhất danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Động Huyền Không - một trong những hang động đẹp và huyền ảo nhất danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Vào sâu bên trong là Trang Nghiêm Tự cổ kính gồm có 3 gian. Gian giữa thờ Phật Bà Quan Âm, gian bên trái thờ ba vị Quan Thánh (Quan Công, Quan Bình và Quan Châu Xương tượng trưng cho đức độ, trí dũng và lòng trung thành), gian bên phải thờ Ông Tơ Bà Nguyệt, là nơi để các đôi trai gái đến cầu duyên hoặc cho những người hiếm muộn đến cầu con hoặc cầu nuôi con khỏe mạnh chóng lớn.
Cạnh Trang Nghiêm Tự là Thạch Nhũ Cốc, du khách phải rọi đèn mới nhìn rõ, bên trong là 2 thạch nhũ đổ xuống giống như một cặp nhũ hoa. Tương truyền chiếc bên trong thường nhỏ nước trong, còn chiếc bên ngoài nhỏ nước đục giống như sữa mẹ, tuy nhiên khi vua Thành Thái đến đây làm lễ trai đàn cầu Quốc thái dân an đã vô tình sờ vào chiếc thạch nhũ bên ngoài nên chiếc này hiện nay không còn nhỏ nước nữa.
4 bức tượng của 4 vị Kim Cang Hộ Pháp uy nghi ngay lối vào động Huyền không
4 bức tượng của 4 vị Kim Cang Hộ Pháp uy nghi ngay lối vào động Huyền Không
Bên trái động là đền thờ bà Ngọc Phi và Bà Lôi Phi. Bà Ngọc Phi hay còn gọi bà Chúa Tiên, rất linh thiêng, là nơi để du khách đến cầu tài lộc. Tương truyền, bà là vợ của Ngọc Hoàng Thượng Đế hiện thân xuống hạ giới chăm lo cho đời sống muôn dân, hằng năm cứ vào ngày 2 đến ngày 8-3 âm lịch thì người dân đến cúng và lễ bái rất đông. Bà Lôi Phi hay còn gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn - cai quản núi rừng, là em gái bà Ngọc Phi thường được du khách đến cầu nguyện về sức khỏe và đi đường bình an.
Ẩn mình trên vách động còn có chiếc trống đá thiên tạo, nếu úp lòng bàn tay và vỗ vào mặt trống sẽ tạo nên âm thanh vang dội cả vòm động. Lần bước theo sau ngôi đền nhỏ, nhìn lên vách động, sẽ thấy những hình thù hết sức kỳ thú được tạo nên từ những sắp xếp của đá: chim hạc, chim đà điểu, con cò với chiếc mỏ dài, đầu con voi với chiếc vòi thả xuống, bàn tay cầm bó hoa dâng lên cao, khuôn mặt ông già giận dữ...
Trang Nghiêm Tự bên trong động Huyền Không.
Trang Nghiêm tự bên trong động Huyền Không.
Cổng trời. động Thiên Phước Địa
Qua khỏi động Linh Nham, sẽ đi qua hai cổng trời hay còn gọi là cổng Vân Căn Nguyệt Quật. Đây là những cổng đá tự nhiên rất đẹp, có một sự sắp đặt rất kỳ lạ của tạo hóa ở 2 cổng trời nằm ở 2 phía Đông - Tây của ngọn Thủy Sơn tạo nên một không gian rộng, thoáng và tiểu cảnh nên thơ nằm trên con đường liên hoàn nối giữa hai ngôi chùa Tam Thai và Linh Ứng.
Tại hai cổng trời, luôn có gió mát mẻ quanh năm do gió từ biển đông thổi vào, gió từ trên miệng động Thiên Phước Địa cuộn xuống hoặc gió từ phía sông thổi đến. Tốc độ gió thường xuyên thay đổi theo mùa, vì vậy, hai cổng trời này còn có tên là Hang Gió Đông và Hang Gió Tây. Ở khoảng giữa của 2 cổng có rất nhiều động: động Thiên Long, động Vân Thông, động Thiên Phước Địa. Đi qua hai cổng trời có cảm giác như đang đi trong lòng hòn non bộ khổng lồ, mát mẻ và dễ chịu như muốn hòa mình vào thiên nhiên.
Động Thiên Phước Địa là động lộ thiên nằm trên mặt đất, được các vách núi bao bọc xung quanh, nền động cũng chính là lối đi cho du khách tham quan, đi vào động Vân Thông và nhìn ngắm động Thiên Long cũng như đi đến các chùa. Miệng động mở rộng và không có vòm nên du khách thoải mái ngắm nhìn mây trời lượn lờ trôi ở phía trên.
Động Vân Thông
Những hang động với lối đi nhỏ nhưng luôn tràn ngập ánh sáng.
Những hang động với lối đi nhỏ nhưng luôn tràn ngập ánh sáng.
Sát vách núi của động Thiên Phước Địa có một khoảng sân rộng bằng phẳng là con đường tam cấp nhỏ hướng lên trên vào động Vân Thông. Động Vân Thông vẫn được gọi là "Đường lên trời" do động nằm trên vách núi cao, lòng động hình ống, đỉnh động cao hơn miệng động 40m và du khách phải chen người trèo lên, có đoạn rất tối, quanh co, ghồ ghề và chỉ đủ một người qua lọt, tạo cho du khách cảm giác vất vả và kỳ bí khi lên trời. Lên đến đỉnh động, du khách sẽ cảm nhận được rằng sự vất vả mệt nhọc đã được đền đáp xứng đáng bởi giống như đã được lên "tới trời", được hít thở không khí thoáng đãng, mát mẻ và thoải sức ngắm nhìn những cảnh đẹp nên thơ cùng với trời biển bao la bên dưới.
Động Vân Thông có thờ tượng Phật Adiđà, phía sau lưng bàn thờ Phật là lối đi lên đỉnh trời.
Động Thiên Long
Nằm bên trong động Thiên Phước Địa, cạnh cổng trời - Hang Gió Đông, động Thiên Long nằm sát vách núi và ăn sâu xuống lòng đất tạo hang sâu thẳm và không có đường đi xuống. Lòng hang vừa sáng, vừa tối có nhiều tảng đá nhấp nhô lớn nhỏ như miệng rồng nên có tên gọi là Thiên Long.
Tuy nhiên, đáy động ăn thông với Hang Gió của động Tàng Chơn nằm sau chùa Linh Ứng nên khi tham quan động nhiều du khách thường thắc mắc tại sao động không có lối đi xuống và đi xuống rất nguy hiểm nhưng lại có bóng và tiếng người rộn ràng ở đáy động. Đó là do nhiều người đến tham quan Hang Gió của động Tàng Chơn đã trèo lên phía trên và gặp đáy của động Thiên Long, đó chính là sự thông thường kỳ lạ và tạo sự liên hoàn giữa các hang động trong ngọn Thủy Sơn.
Động Tàng Chơn
Tên gọi "Tàng Chơn" có nghĩa là chứa đựng tất cả chân lý của vũ trụ. Ngay tại cửa động ghi rõ 3 chữ "Tàng Chơn động", lòng động như một thung lũng nhỏ dài khoảng 10m, rộng khoảng 7m, bên trong thoáng đãng nhờ có lỗ thông lên trời qua cửa Thiên Long Cốc tại Hang gió. Động thờ Phật Thích Ca và các vị Tiên Thánh.
Giữa động có miếu Tam Vị thờ 3 vị, chính giữa thờ Thái Thượng Lão Quân, bên phải thờ Bát Bộ Kim Cương và bên trái thờ Thượng Chiêm Thành. Trong động còn có 5 hang nhỏ gồm: hang Tam Thanh, Gió, Ráy (còn gọi là hang Adiđà), Chiêm Thành và Bàn Cờ.
Hang Tam Thanh thờ 3 vị thánh: Thượng Thanh, Trung Thanh, Hạ Thanh, được phát hiện vào đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng, do thiền sư Bửu Đài phát hiện. Hiện nay, tượng các vị thánh không còn nữa và được thay vào đó là tượng Phật Thích Ca cao lớn, phía sau là tượng Phật nằm. Bên phải hang Tam Thanh là hang gió và bên trái là hang Chiêm Thành.
Hang Chiêm Thành có hình bán nguyệt, rộng 3m, đường hang tối và ghồ ghề, trong hang có 2 tác phẩm điêu khắc đá 2 vị hộ pháp bằng đá sa thạch (dài 0.9m) theo phong cách nghệ thuật Chăm, tượng được chạm trổ công phu, điều này chứng tỏ người Chăm có mặt tại đây và thờ Phật từ rất sớm.
Hang gió có lỗ hổng tự nhiên ăn thông với động Thiên Long mang gió và ánh sáng vào bên trong. Hang Bàn Cờ còn nguyên bàn cờ tiên bằng đá ghi dấu tích đánh cờ của các vị tiên thánh ngày xưa.
Chùa Linh Ứng
Đây là một trong những ngôi chùa có tên Linh Ứng tại Đà Nẵng. Được xây dựng vào những năm nửa đầu thế kỷ 17 với chu vi khoảng 150m, chùa nằm trên sườn đông của đỉnh Hạ Thai thuộc hòn Thủy Sơn, tựa lưng vào vách núi, xoay mặt ra biển.
Tương truyền có vị tiền hiền hiệu Quang Chánh, thế danh Bửu Đài sống ở làng Khái Đông thuộc xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn ngày nay, đã đến ẩn tu tại động Tàng Chơn và lập ra một thảo am trước động gọi là " Dưỡng chơn am", sau đó ông sửa thành một ngôi chùa bằng tranh tre gọi là "Dưỡng Chơn đường". Ngôi chùa này là tiền thân của chùa Linh Ứng ngày nay.
Một trong 3 ngôi chùa có tên Linh Ứng ở Đà Nẵng, với vẻ thâm nghiêm, cổ kính.
Một trong 3 ngôi chùa có tên Linh Ứng ở Đà Nẵng, với vẻ thâm nghiêm, cổ kính.
Vua Gia Long trong một lần ngự du viếng cảnh ở Ngũ Hành Sơn, đã đến thăm và cho xây dựng lại chùa lớn hơn và đặt tên là "Ngự chế Ứng Chơn tự". Đến năm 1825, vua Minh Mạng vi hành đến Ngũ Hành Sơn đã cho xây dựng lại chùa bằng gạch ngói khang trang hơn, sắc phong Quốc Tự cho chùa và đổi tên thành "Ứng Chơn tự".
Đến thời vua Thành Thái năm thứ 14 - năm 1903, đích thân nhà vua ngự giá đến Ngũ Hành Sơn, thăm chùa Tam Thai và Ứng Chơn tự, tại đây vua đã tổ chức lễ trai đàn cầu Quốc thái dân an, xét thấy chữ "Chơn" đã phạm húy nên đổi "Linh Ứng Tự" và tên này được giữ nguyên cho đến nay.
Tượng Phật Bà quan Âm trong khuôn viên chùa Linh Ứng
Tượng Phật Bà quan Âm trong khuôn viên chùa Linh Ứng
Cũng giống chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng qua năm tháng đã bị hư hỏng nhiều bởi chiến tranh và thiên tai. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, lần trùng tu lớn nhất vào năm 1985 nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính. Hiện nay, chùa còn giữ hai bảng vàng của vua Minh Mạng và vua Thành Thái ban tặng (Ngự chế Ứng Chơn tự Minh Mạng lục niên và Cải chế Linh Ứng tự Thành Thái tam niên).
Linh Ứng Tự thờ Phật Thích Ca lớn ngay chánh điện, gian bên trái thờ Phổ Điền Bồ Tát.
Làng nghề
Dưới chân ngọn Thủy Sơn là các cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ phát triển từ các làng nghề có tuổi đời trên 400 năm. Hiện làng nghề có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tập trung xung quanh khu vực dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn với gần 4.000 lao động, chiếm gần 80% hộ dân cư trên các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Huyền Trân Công Chúa (khu vực Đông Hải, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).
Làng nghề đá non nước với những sản phẩm mỹ nghệ phong phú, đa dạng được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng.
Làng nghề đá non nước với những sản phẩm mỹ nghệ phong phú, đa dạng được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng.
Trước đây, làng nghề khai thác nguyên liệu ngay tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Từ sau năm 1980, để bảo vệ di tích và cảnh quan khu danh thắng, nguyên liệu chủ yếu được mua từ các tỉnh phía bắc như Thanh Hóa, Nghệ An… Sản phẩm của làng nghề đá mỹ nghệ non nước được đánh giá là tinh xảo, đa dạng và phong phú về mọi mặt.
Tháng 4-2014, Hội đồng xét công nhận của thành phố Đà Nẵng đã chính thức công nhận nghề truyền thống - làng nghề truyền thống đối với làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Đặc biệt, 3 hội viên của Hội làng nghề truyền thống điêu khắc đá Non Nước đã vinh dự được Chủ tịch Nước công nhận là nghệ nhân ưu tú, gồm các nghệ nhân: Lê Bền, Nguyễn Việt Minh và Nguyễn Long Bửu. Cũng trong năm 2014, làng đá mỹ nghệ Non Nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đó, Ngày 22-3-1990, quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.
NHƯ NGUYỆT

Khám phá danh thắng Ngũ Hành Sơn


VOV.VN - Danh thắng Ngũ Hành Sơn là một quần thể thiên nhiên và nhiều kiến trúc tâm linh đặc sắc, đã trở thành biểu tượng của thành phố Đà Nẵng

kham pha danh thang ngu hanh son hinh 1
Ngũ Hành Sơn, hay còn gọi là núi Non Nước là một quần thể danh thắng gồm 5 ngọn núi đá nhô lên ở ven biển, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8km về phía đông nam.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 2
Trong 5 ngọn núi, Thủy Sơn (còn gọi là núi Tam Thai) là ngọn núi lớn nhất, cao nhất và đẹp nhất; cũng là nơi có nhiều kiến trúc tâm linh và hang động nhất. Đây cũng là tuyến tham quan chính ở Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Đường lên ngọn Thủy Sơn
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 3
Chữ "Thủy Sơn" trên vách núi. Thủy Sơn có độ cao khoảng 160m. Từ núi Thủy Sơn có thể quan sát cả một vùng rộng lớn ở các hướng.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 4
Ngọn Mộc Sơn nhìn từ Thủy Sơn.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 5
Ngọn Thổ Sơn nhìn từ Thủy Sơn .
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 6
Đỉnh Thủy Sơn
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 7
Quần thể Ngũ Hành Sơn nhìn từ đỉnh Thủy Sơn. Hầu hết các ngọn núi trong Ngũ Hành Sơn đều có những kiến trúc tâm linh. Thổ Sơn có chùa Long Hoa, Kim Sơn có chùa Quan Âm, Hỏa Sơn có chùa Linh Sơn, chùa Phổ Đà Sơn...
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 8
Biển Đông nhìn từ đỉnh Thủy Sơn.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 9

Trên ngọn Thủy Sơn có 3 ngôi chùa là chùa Tam Tôn Đường, chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng. Ảnh: Chùa Tam Tôn Đường.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 10
Chùa Tam Thai trên ngọn Thủy Sơn. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Đà Nẵng, được khởi dựng từ năm 1630, sau bị phá hủy trong chiến tranh và được xây lại dưới thời vua Minh Mạng năm 1825.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 11
Nội thất chính điện chùa Tam Thai.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 12
Chùa Linh Ứng - cũng là một ngôi chùa cổ, được khởi đựng từ giữa thế kỷ 18, sau cũng được xây dựng lại vào năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 13
Trên Thủy Sơn có 6 hang động, đó là các động: Hoa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham, Tàng Chơn, Vân Thông, Âm Phủ. Trong đó đẹp nhất là động Huyền Không. Ảnh: Lối vào động Hoa Nghiêm và động Huyền Không.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 14
Động Huyền Không là một không gian rộng lớn trong lòng núi, cũng là một không gian tâm linh.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 15
Ánh sáng trong động Huyền Không đem lại một vẻ đẹp kỳ ảo.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 16
Bia đá trong động Huyền Không. Trong các chùa và động ở Ngũ Hành Sơn còn lưu giữ được nhiều bia ký cổ hàng trăm năm.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 17
Tứ đại Hộ Pháp trong động Huyền Không.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 18
Cửa động Vân Thông - một động khác ở Thủy Sơn. "Vân Thông" có nghĩa là thông với mây, hay cũng gọi là đường lên trời.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 19
Nơi giao thoa của đất trời ở động Vân Thông. Từ động Vân Thông có lối lên đỉnh Thủy Sơn.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 20
Dưới chân núi Ngũ Hành Sơn là làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Làng nghề đã có từ hơn 400 năm và nổi tiếng khắp cả nước về nghệ thuật chế tác đá.
kham pha danh thang ngu hanh son hinh 21
Du khách tới đây có thể mua những món đồ ở làng đá Non Nước Ngũ Hành Sơn làm kỷ niệm.
CTV Hà Thành/VOV.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét