Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Nhóm lửa cho làng đúc

 
Vừa qua cầu Gió Bay ấp Bình Đường 3 (An Bình - Dĩ An), tôi đã nghe được những âm thanh hỗn tạp, đó là tiếng đe, tiếng máy, tiếng sập sình… là thứ âm thanh đặc trưng của làng đúc đồng.
Làng đúc này có tuổi khoảng 300 năm, nhưng cũng có một thời dài tắt lửa, không một ai theo nghề. Thế rồi, ông Trần Văn Em, một người con có tâm huyết đã khôi phục lại làng nghề của cha ông theo một hướng đi mới.Đến làng đúc đồng Bình Đường hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận ra một không khí ấm no, sung túc. Những chuyến xe tải ngược xuôi, tỏa ra về các hướng nơi có các khu công nghiệp lớn ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM để cung cấp hàng. Bên cạnh những lò đúc kiên cố là những ngôi nhà tường khang trang, đầy đủ tiện nghi. Hiện làng nghề có 30 lò đúc, trung bình mỗi lò có khoảng 15 công nhân đang làm việc, một lực lượng hùng hậu mà trước đến giờ chưa từng có. Theo lời chỉ dẫn của bà con trong làng, tôi đã tìm được nhà của ông Trần Văn Em, một người lớn tuổi nhất của làng nghề, và cũng là người được coi là khai sinh ra làng đúc lần thứ hai.
Ngồi bên mẻ đồng vừa mới nung, ông Em kể làng nghề có khoảng 300 tuổi, được mang vào từ miền Trung, những người đi khai hoang lập nghiệp. Những ngày đầu, làng nghề chủ yếu đúc ra những lưỡi cuốc, lưỡi cày, chảo gang, soong, nồi. Khi giặc ngoại xâm đến, có không ít nghệ nhân của làng nghề từng sáng tạo ra cách đúc súng kíp, lựu đạn, võ pháo. Cũng vì chiến tranh mà người làng đúc mỗi lúc lại càng khó khăn, không sống nổi với nghề. Người thì theo cách mạng, kẻ đi làm kinh tế mới, làng đúc sôi động ngày nào đã trở nên vắng lặng. Mồ côi mẹ từ lúc còn bé, ông Em lớn lên trong sự bảo bọc của người làng đúc, nên trong thâm tâm của ông lúc nào cũng nghĩ về làng xóm, quê hương. Năm 17 tuổi, ông được một người quen ở Sài Gòn bật mí ở hãng tàu Ba Son có tuyển công nhân học việc, muốn thì ông xin cho. Nghe được tin này, ông rất mừng và tức tốc về ngay. Để học được cái nghề đúc của người Pháp, chuyên đúc chân vịt của tàu cũng như những loại phụ tùng máy móc, ông đã trải qua không biết bao gian nan khổ ải. 7 năm trời vừa học vừa làm mà không được hưởng một đồng lương, chỉ được cái no bụng. Ngày ra đi, ông chỉ mong muốn học được cái nghề để kiếm cơm. Nhưng khi tay nghề đã vững, ông lại có một suy nghĩ táo bạo, phải trở về làng đúc, gầy dựng lại làng nghề theo cách làm mới.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông tìm về Bình Đường vay vốn, tuyển thêm vài người phụ việc, mở ra một lò đúc nhỏ làm chủ. Thời gian này, làng đúc Bình Đường nổi tiếng năm nào giờ đây không còn ai biết đến, nên người làm nghề đơn lẻ như ông lại càng khó khăn trăm bề. Lái buôn chỉ tìm đến các địa chỉ quen thuộc quanh các lò đúc ở Sài Gòn để đặt hàng. Nhưng ông không nản chí, tự mình đi tìm tòi thị trường. Sau nhiều ngày mang một số cánh quạt chân vịt tàu lăn lóc ở khu vực Chợ Lớn, cuối cùng ông cũng nhận được một vài đơn đặt hàng nhỏ, chủ yếu là xuất xuống thị trường miền Tây. Từ chỗ làm ăn uy tín, giao hàng đúng hẹn, các thương lái tin tưởng giao cho ông những đơn đặt hàng phụ tùng máy móc, bơm nước. Từng được đào tạo nghề bài bản, nên sản phẩm của ông làm ra vừa bền, đẹp, vậy là chẳng mấy chốc, lò đúc của ông đã có tiếng. Về sau, ông không cần chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm đầu ra nữa, thương lái tìm đến tận nhà, ông chỉ lo đảm bảo đủ cung cấp nguồn hàng. Nhờ làm ăn được nên con em trong làng tìm đến phụ việc, xin học nghề mỗi lúc mỗi đông. Được ông truyền dạy kỹ càng nên người nhanh trí chỉ mất 3 năm, chậm hơn thì 5 năm là cứng tay nghề. Ai có tâm huyết với nghề, ông phụ giúp chút đỉnh vốn, dẫn dắt cách làm ăn. Từ đó, làng nghề lâu lâu lại hình thành nên lò đúc mới, tiếng tăm làng đúc năm nào giờ đã được khôi phục. Để sản xuất ra được những thiết bị máy móc hiện đại, đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp, thì ngoài phương pháp đúc thủ công, người làng đúc Bình Đường hôm nay không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật, nhập nhiều máy móc hiện đại.
Tuy bây giờ sức yếu, tuổi cao, ông đã giao lò đúc của mình cho các con quản lý, nhưng ông vẫn là linh hồn của làng đúc. Có không ít học trò của ông đã mở lò trên 10 năm, nhưng thỉnh thoảng vẫn tìm ông thọ giáo. Ông là người đã nhóm lửa cho làng đúc Bình Đường mãi tỏa sáng.
Theo Báo Bình Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét