|
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trên tuyến đường quốc lộ 1A. Ảnh chụp từ bờ phía bắc. |
(TBKTSG Online) - Từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi giáp biên hai nước Việt - Lào có hai dòng sông đổ về hai hướng ngược chiều nhau; sông Sê-Băng-Hiêng chảy theo hướng tây sang Lào, sông Bến Hải chảy về phía mặt trời mọc, đi qua tỉnh Quảng Trị để ra biển Đông. Sông Bến Hải còn có phụ lưu là sông Sa Lung hòa dòng chảy trước khi gặp quốc lộ 1A với cây cầu Hiền Lương nối hai bờ nam bắc.
Sông Bến Hải - còn có tên gọi khác là Rào Thanh - phát nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy từ tây sang đông và đổ ra biển ở cửa Tùng. Bến Hải là một địa danh nằm ở vùng thượng lưu nên tên sông được lấy từ địa danh này. Sông có tổng chiều dài chừng 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200 mét, là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị.
Năm 1954, khi hiệp định Geneve được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17, sông Bến Hải trở thành một vết hằn trong lịch sử với chiếc cầu Hiền Lương nối bờ hai miền Nam - Bắc. Đó là một chiếc cầu sắt không dài, không đẹp, nằm ngay cột mốc 735 trên quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cây cầu được chia làm hai phần, mỗi bên 89m. Bờ Bắc 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm.
|
Cây cầu được phục dựng lại đúng vị trí và kiểu dáng cầu Hiền Lương lịch sử, nằm trong cụm Di tích Đôi bờ Hiền Lương. Ảnh: Khuê Việt Trường |
Từ sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, sông Bến Hải và cây cầu Hiền Lương trở thành di tích lịch sử mà bất cứ ai đi qua trong hành trình xuôi Nam, ngược Bắc đều muốn tận mắt ngắm nhìn. Ở bờ phía bắc, có chiếc cổng dẫn vào khu di tích và bên kia đường là cột cờ lồng lộng gió. Cây cầu đã được phục dựng, trở thành một điểm tham quan chứ không dùng để đi lại qua sông. Từ năm 1950 đến nay, đã có 8 lần cầu Hiền Lương được xây dựng, nhưng cây cầu lịch sử chính là chiếc cầu được làm vào năm 1952.
Du khách đến đây, thường leo lên mặt cầu để chụp ảnh lưu niệm và bước xuống dưới chân cầu, cỏ dại xanh, hoa xuyến chi bình thản nở, để nhìn dòng nước hiền hòa trôi chảy. Sông Bến Hải, nơi rộng nhất cũng chỉ 200 mét, đoạn bắc cầu Hiền Lương rộng 170 mét.
Lịch sử của cây cầu cũng trải qua nhiều thay đổi, thăng trầm. Vào năm 1928, cây cầu đầu tiên được bắc qua sông bằng ván, rộng 2 mét dành cho người đi bộ. Năm 1931, người Pháp sửa chữa lại nhưng xe cộ vẫn phải qua sông bằng phà. Năm 1943, cầu được nâng cấp một lần nữa, lúc này xe cơ giới loại nhỏ có thể qua được. Năm 1950, người Pháp xây cầu bê tông cốt thép dài 162 mét, rộng 3,6 mét, đạt tải trọng 10 tấn, nhưng sau đó bị phá hủy. Đến năm 1952, cầu được xây lại khá kiên cố, gồm 7 nhịp và mặt cầu được lát bằng 894 miếng ván với chiều dài 178 mét. Nhưng chiếc cầu này lại bị đánh sập vào năm 1967. Trong thời chiến, hai bên bờ sông Bến Hải là khu phi quân sự. Đến năm 1972, một chiếc cầu phao được bắc tạm để phục vụ chiến trường miền Nam.
Sau khi đất nước quy về một mối, năm 1979, cầu Hiền Lương được xây lại bằng bê tông cốt thép dài 186 mét, rộng 9 mét. Sau đó, do nhu cầu giao thông trong thời kỳ phát triển đất nước, một chiếc cầu mới dài 230 mét, rộng 11,5 mét nằm cách cầu cũ 35 mét về phía tây được xây dựng vào năm 1996 và là chiếc cầu giao thông chính qua sông Bến Hải hiện nay.
|
Tượng đài "Khát vọng thống nhất" trên bờ phía nam cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. |
Năm 2001 cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương được Nhà nước xếp vào hạng di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia. Đến năm 2002 việc tôn tạo cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương được chính thức khởi động. Việc tôn tạo chủ yếu phục dựng lại cây cầu đã được xây dựng năm 1952 theo tư liệu lưu trữ và xây cụm di tích gồm kỳ đài, đồn công an, nhà liên hiệp, cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất” bên bờ Nam gồm hình tượng người mẹ miền Nam và em bé hướng nhìn về bờ Bắc với những chiếc lá dừa nước vút cao làm nền.
Cây cầu phục chế hiện nay được hoàn thành vào ngày 18-5-2003 gồm bảy nhịp với giàn thép dài 182,97 mét, mặt cầu lát gỗ rộng 3,28 mét. Cho đến ngày 30-4-2008, các cụm di tích đôi bờ Hiền Lương chính thức hoàn thành.
Đó là chuyện về chiếc cầu. Còn hôm nay, cảm xúc của lữ khách khi xe dừng lại bên bờ Bắc và đặt bước chân lên từng tấm gỗ của chiếc cầu, là đầy ắp sự tưởng tượng về những tháng năm hai miền cách trở, cuộc chiến đã trôi qua với biết bao xương máu đã đổ ra. Đặt chân lên chiếc cầu lịch sử, tiếng chân bước trên cầu khe khẽ, gió lay cỏ cây và không gian thanh bình. Bước chân chạm lên cầu Hiền Lương một lần trong hành trình thiên lý bắc nam là điều không thể bỏ qua với bất cứ người Việt nào được tận hưởng cuộc sống thanh bình, thống nhất đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét