Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Đường xưa áo lụa

Hồ Sĩ Bình

 

 

 

 

(TBKTSG Online) – Hơn nửa thế kỷ trước, một lần ngắm con đường Lê Lợi trong giờ tan trường, nhà thơ Phan Phụng Thạch đã viết: Khi trở lại con đường xưa áo lụa / Hàng cây sao vẫn đứng đợi em về / Em không về nên cây buồn lá úa / Anh cũng buồn đi giữa nắng chơ vơ.
Nhà thơ gọi đó là “con đường áo lụa” bởi với nhiều thế hệ học trò xứ Huế, con đường ven bờ sông Hương ấy mãi mãi đi vào ký ức những hình ảnh thuộc về thế giới học trò. Từ thời Pháp thuộc, áo tím Đồng Khánh bâng khuâng một màu rất Huế; về sau đổi thành màu trắng. Giờ tan học đường Lê Lợi ngập tràn áo trắng, bồng bềnh như dòng sông… lụa lan toả khắp nơi.
Đường học trò và đường của bốn mùa
Áo trắng ngược Nam Giao, Bến Ngự, về Vĩ Dạ, qua Tràng Tiền. Áo trắng xuống đò Thừa Phủ qua tả ngạn hướng lên Kim Long, vô thành Nội. Hình ảnh áo lụa thinh không, môi hồng đào ríu rít như đàn chim trong nhạc Trịnh cũng thuộc về nơi này. Những khi ấy con đường như phô diễn hết nét đẹp lộng lẫy mà tinh khiết của màu trắng lụa là tinh khôi học trò giữa cái rạo rực nôn nao của mối âu lo mất còn, chợt rào rạt đến đó rồi tan loãng ra đi.
Hai bên đường là hàng cây long não, cây muối, phượng vĩ và những công viên đầy cây lá, dọc bờ sông những thảm cỏ nối đuôi nhau. Cảnh sắc thiên nhiên, dòng sông bãng lãng và những bến đò ngang giăng mắc đã khắc hoạ cho con đường thêm thơ mộng. Cây cỏ bốn mùa thay đổi. Mùa xuân hoa muối trắng bay rì rào, rực rỡ hoa hoè màu vàng đánh thức những giấc mơ đèn sách trong mùa thi cử. Mùa hè phượng đổ lửa lên trời xanh và… rưng rưng ngày chia tay. Khi cây ngô đồng trong công viên Tứ Tượng bên bờ Hương giang rụng lá báo hiệu mùa thu về. Đông đến, những cây bàng nhuộm màu đỏ thẫm rồi rụng hết để chở những nỗi buồn lê thê của từng cơn mưa xứ Huế.
Lê Lợi còn là con đường lịch sử của đất kinh xưa. Ngôi trường Quốc Học gắn liền với nhiều tên tuổi như Nguyễn Sinh Cung, Trần Phú, Phan Đăng Lưu, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... và nhiều nhà văn hoá lớn, nhà thơ, nhà văn Xuân Diệu, Huy Cận…
Sau này, Lê Lợi lại là con đường của  học đường với sự xuất hiện Đại học Luật khoa, Văn khoa, Khoa học, Đại học Sư phạm, trường trung học Trần Hưng Đạo, trường trung học Kiểu Mẫu… Thư viện đại học Huế được biết đến là một trong vài thư viện hàng đầu của cả nước bởi khối lượng sách và tư liệu đã có mặt từ rất lâu, cũng là những hẹn hò mơ mộng của sinh viên Huế, để rồi khi ra đi đè nặng một nỗi niềm nhiều khi cả đời người tê buốt.
Con đường đã từng chứng kiến những cuộc xuống đường biểu tình, bãi khoá, tuyệt thực, đốt xe Mỹ của sinh viên học sinh Huế. Mỗi gốc cây, góc phố còn giữ mãi ký ức những ngày bão nổi ấy. Con đường đã trở thành một hình ảnh biểu trưng cho tuổi trẻ của cả nước trong những ngày sục sôi đấu tranh, cả những đau thương uất hận. Và thời ấy, Huế đã trở thành một trong hai cái nôi của phong trào đô thị tại miền Nam, nơi tụ hội của những sinh viên khu vực miền Trung.
Lá muối rụng vàng đường lên Thừa Phủ
Nhạt nhoà nước mắt áo mẹ tìm con.
                                                      (Võ Quê)
                     Các anh về từ đâu không ai hay biết
                     Nhưng mỗi tên người thấp thoáng một giòng sông
                                                                      (Đông Trình)
Đường đi như sông Hương về gặp Huế
Sau ngày hoà bình trở lại, đường Lê Lợi vẫn trắng trong màu áo lụa học trò của nữ sinh trường Hai Bà Trưng, trường Quốc Học. Những biền bãi ven sông xanh mướt, luôn tạo những góc nhìn đầy mê hoặc bởi sự đổi sắc không ngừng của sông Hương. Và bên kia sông những đền đài thành quách “bên ni, bên nớ” thắm sâu nét thời gian trong màu gạch u trầm. Như một cuộc trùng phùng đầy thú vị, khi sông Hương về gặp Huế đã trôi chậm kéo hình cánh cung như một dải lụa mềm. Đường Lê Lợi từ ga kéo đến Vĩ Dạ cũng sóng bước chung đôi.
Những công viên dọc dài bên sông đã xuất hiện những vườn tượng điêu khắc quốc tế, nơi gặp gỡ của những nền văn hóa nghệ thuật điêu khắc Đông Tây hội tụ góp phần đưa Huế hội nhập văn hóa và nghệ thuật điêu khắc sâu hơn với bên ngoài bằng những hình ảnh hiện thực. Và con đường này còn tồn tại những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc hài hòa với không gian trầm mặc của xứ Huế. Đây là những di sản kiến trúc mà giá trị đã được thừa nhận, cùng với lăng tẩm đền đài sông nước thiên nhiên tạo cho Huế trở thành một bài thơ kiến trúc đô thị.
Đi trên con đường này, khách nhàn du luôn có cơ hội để nhìn ngắm sông Hương một cách trọn vẹn. Chỉ cần vài bước, lữ khách có thể rong chơi trên thuyền, cảm nhận nền văn hoá dân gian đầy “mô, tê, chi rứa”, rồi tê tái bâng khuâng bước chân người lãng du trong tâm trạng Lòng quê dờn dợn vời con nước, Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà (Huy Cận).
Lề đường dành cho bộ hành trên đường Lê Lợi, đoạn trước cổng trường Quốc Học, về đêm.
Những đêm sâu hay bình minh, tiếng chuông chùa Linh Mụ bên kia sông vọng về loang xa trên mặt nước làm cho tâm hồn trải qua những phút giây tĩnh tại trước xô bồ cuộc sống. Bởi vậy có người đã gọi sông Hương là con sông thiền, con sông vô ưu giữa bao đổi thay thế sự vẫn an nhiên đi qua bao hưng phế phù du, cho dẫu con người luôn nhìn sông bằng tâm cảm của riêng mình.
Những đêm sâu đi về một mình trên con đường đầy bóng cây u thẩm đến rợn người, tôi chợt nhận ra, thế giới không còn thuộc về chúng ta mà chỉ còn thuộc về cây lá, những thời khắc mà con người chợt cảm thấy cô đơn đến tận cùng nếu như không có tiếng vọng chuông chùa bên kia sông làm tỉnh giấc bởi nỗi sợ hãi trước vô cùng.
Mỗi góc phố, mỗi vườn cây, mỗi ngôi nhà đều vấn vương ghi dấu những sự kiện gắn liền  không thể phai mờ trên từng dòng sử ký của hơn 100 năm đầy những thăng trầm dâu bể. Bởi thế, đến Huế chỉ cần lang thang trên đường Lê Lợi là đủ thấm cái hồn xưa cũ của đất cố đô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét