Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Họ Lo Kăm trong việc khai khẩn mường Khủn Tinh

Châu Quang là xã trung tâm của huyện Qùy Hợp (Nghệ An), hiện nay đang có vài ba chi họ chính của dòng họ Lo Kăm (đã có lịch sử hơn 700 năm, ở Nghệ An, họ này đổi thành họ Sầm). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin phép chỉ đề cập đến vai trò của một chi họ Lo Kăm trong việc tạo dựng nên cánh đồng rộng lớn (Tồng Huổng), nay thuộc xóm Đồng Huống, xã Châu Quang.

Theo gia phả họ Sầm ở bản Mường Ham (Châu Cường, Quỳ Hợp), thì chánh tổng đầu tiên của Thuần Hàm tổng là ông Sầm Văn Kỳ (1869-1918), lúc ấy 30 tuổi. Ông Kỳ là con trai của quan tổng Sầm Văn Độc, và là con vợ hai. Tiếp theo ông Chánh Kỳ, có các ông tổ của bản Nhang bây giờ thay nhau làm Chánh tổng Thuần Hàm. Đó là ông Sầm Văn Quản và ông Sầm Văn Khoan. Hai ông này là anh em ruột, sau khi thôi chức Chánh tổng, được phân cho vùng bản Nhang ngày nay để ra lập một bản mới. Bản này có ruộng trải dài theo sông Nậm Huống nên gọi là ruộng Nhang, bản được dựng lên cũng gọi là bản Nhang. 


Ông Lo Kăm Đậu (hậu duệ của ông Sầm Văn Viên) ở Bản Tàu, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu giới thiệu bản phả đồ dòng họ Lo Kăm.
Với họ Sầm (Lo Kăm) ở Đồng Huống, ta được biết: Ông Sầm Văn Phòng (1871- 1945) được cử làm tri phủ Quỳ Châu lúc bấy giờ, đã xuống thị sát vùng Thuần Hàm (ông Sầm Văn Phòng là quý tộc rất nổi tiếng ở bản Tàu, thuộc xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu ngày nay). Ông Phòng làm tri phủ 30 năm, được thăng Nhị hạng tri phủ. Xuống đây, tri phủ Phòng thấy vùng đất phía dưới bản Nhang và phía trên bản Diềm Bày... còn bỏ trống và rất tốt, thuận lợi cho việc mở mang ruộng lúa nước. Trở về phủ, vì bận việc nên ông Phòng đã quên bẵng mất vùng đất hoang này.

Mãi đến 12 năm sau, trong một lần nghe báo cáo về địa chính của vùng Thuần Hàm, ông Phòng mới sực nhớ ra, và ngay sau đó đã cử con trai thứ hai của mình là ông Sầm Văn Tán, lúc ấy đang làm đốc học ở Quỳ Châu phủ, đem theo người nhà và một số gia nô xuống khai khẩn vùng đất ấy, mục đích cũng là để bành trướng thế lực họ Sầm ở Quỳ Châu. Khi ông Sầm Văn Tán xuống vùng Thuần Hàm thì ngay lập tức gặp phải rắc rối. Lúc này, chính quyền Thuần Hàm ở bản Nhang do ông Quản và ông Khoan đứng đầu, đã tuyên bố rằng vùng đất ấy là của Mường Ham (tức là Thuần Hàm lúc ấy), khi nào Mường Ham không khai phá được mới đến phần người khác. Chánh tổng Thuần Hàm nói rằng, đúng 3 năm sau, nếu người Thuần Hàm không khai phá được đám đất ấy thì cho phép ông Tán xuống mà khai phá. Đúng 3 năm sau (1916), Phủ Phòng lại cho người kinh lý xuống Thuần Hàm, thấy vùng đất ấy vẫn bị bỏ hoang, đã sai ông Tán xuống khai phá và ở lại luôn.

Từ khi có ông Sầm Văn Tán (1895- 1966) mang theo người nhà đến khẩn hoang ở vùng Đồng Huống, lịch sử Tổng Thuần Hàm đã có một bước phát triển mới. Năm 1916, khi đến vùng đất mà ngày nay ta gọi là Đồng Huống, thì ông Sầm Văn Tán mới được 21 tuổi. Vợ ông là người Thanh Hoá, là con thứ hai của Cầm Bá Thước - một thủ lĩnh nông dân đã theo Đốc Thiết, Đốc Hạnh trong phong trào Cần Vương những năm 1890 - 1891. Lúc này, ông Sầm Văn Kim, con trai đầu của ông Tán mới được 2 tuổi, sinh tại bản Tàu, Châu Tiến, Quỳ Châu. Việc đầu tiên, họ Sầm cho đắp phai Tồng Huổng bây giờ và cho đào một con mương dài qua bản Nhang xuống khu vực sẽ khai phá thành ruộng lúa nước là cánh đồng Tồng Huổng. Việc đắp phai và đào mương vô cùng vất vả, lại luôn bị các chức sắc Thuần Hàm lúc ấy gây khó khăn. Họ không cho nổ mìn của người Tây để phá đá, ông Tán phải cho người lấy củi chất đống lên các hòn đá rồi đốt cho đá nóng lên, sau đó dội nước vào, đá nứt ra, nạy từng cục một. Đắp được phai rồi, đào được mương rồi, đến khi khai khẩn đất lại vấp phải sự làm khó dễ của chính quyền Thuần Hàm, lúc này đã chuyển về bản Chiêng, cạnh bản Diềm Bày bây giờ.

Chánh tổng lúc ấy là người họ Kim. Ông này đã nhân danh “xạc đỉn, lái ná” (tức văn bản đất đai của Mường Ham cũ) cũ, vạch lại địa giới và kiện ông Sầm Văn Tán lên tỉnh. Kết quả là Chánh tổng Thuần Hàm thua kiện, ông Sầm Văn Tán được sự hỗ trợ của cha mình là tri phủ Quỳ Châu, ông Sầm Văn Phòng, lúc ấy rất giàu có. Quan án sứ tỉnh Nghệ An xử cho Sầm Văn Tán là được khai ruộng theo dòng nước chảy của phai Tồng Huổng, nước chảy đến đâu khai ruộng tới đó. Cánh đồng Tồng Huổng được mở ra với diện tích gần như ngày nay, tuy đồng bào Tồng Huổng có khai phá thêm "ruộng nhỏ" (ná nọi, oi nủ) xung quanh, nhưng không đáng kể so với diện tích lúc ấy...

Chừng 5 năm sau khi đã hoàn tất việc khai phá cánh đồng Tồng Huổng và hoàn chỉnh hệ thống mương phai, ông Tán cùng vợ ra quê ngoại là huyện Thường Xuân để chiêu dân. Dân các bản đó vào đông, ở bản Tồng Huổng một ít, sau đó được chia thành 2 bản là Có Hiếng và bản Bành (xã Châu Quang ngày nay). Khi đã có đủ số dân, Sầm Văn Tán lên Phủ Bọn xin phép tri phủ lúc ấy là Sầm Văn Phòng và được tri phủ chuẩn y, xin tỉnh Nghệ An cho phép Thuần Hàm được lập thêm một sách nữa, đó là sách Tạo Thành. Sách Tạo Thành ra đời vào quãng năm 1928, do người nhà của Sầm Văn Tán làm lý trưởng, gọi là Sầm Văn Hoành...

Tháng 8/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh chỉ đạo các tầng lớp nhân dân vùng lên giành chính quyền. Do hoàn cảnh thực tế lúc đó, ở các huyện miền núi, Việt Minh liên tỉnh chủ trương cải tổ bộ máy chính quyền cũ thành uỷ ban nhân dân cách mạng. UBNDCM tỉnh Nghệ An đã giao trách nhiệm cho Sầm Văn Viên (1897- 1988), là em ruột của Sầm Văn  Tán, con trai thứ ba của tri phủ Sầm Văn Phòng, lúc này đang làm tri phủ Quỳ Châu, triệu tập các cai tổng, lý trưởng, cùng các viên chức, binh lính trong phủ về họp tại phủ đường vào sáng ngày 26/8/1945. Từ cuộc họp này, chính quyền cũ bị xoá bỏ, UBND cách mạng lâm thời của phủ được thành lập do Sầm Văn Viên (nguyên tri phủ cũ) làm chủ tịch.

Đến năm 1954, trong phong trào cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ… những người trong dòng họ Lo Kăm bị coi là địa chủ, họ lại thêm một phen lưu lạc đi đến nhiều nơi khác nhau, kể cả qua Lào hay một số quốc gia khác. Con cháu dòng họ Lo Kăm có nhiều người thành đạt trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy vậy, đa số họ vẫn có những ám ảnh và không muốn nhắc về quá khứ.

Sầm Văn Bình (Yên Luốm, Châu Quang, Quỳ Hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét