Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Làng Vạc: Mốc son trong chặng đường hình thành dân tộc Việt

(Baonghean) - Làng Vạc (xã Nghĩa Hòa, nay là Thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn) là một di tích khảo cổ thuộc nền Văn hóa Đông Sơn được phát hiện từ năm 1972. Tính đến nay đã 43 năm, gần nửa thế kỷ. Từ một làng quê hẻo lánh, Làng Vạc đã trở nên nổi tiếng với giới khảo cổ học trong và ngoài nước. Di tích khảo cổ học Làng Vạc đã được vinh danh là di tích lịch sử cấp Quốc gia và Lễ hội Làng Vạc mỗi năm tổ chức một lần thu hút dân cư quanh vùng và là điểm nhấn du lịch của cả huyện, tỉnh Nghệ An. 
 
 
Công trường khai quật khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc - 1990. 	Ảnh tư liệu
Công trường khai quật khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc - 1990. Ảnh tư liệu
 
Từ khi mới phát hiện, Làng Vạc đã được giới khoa học trong và ngoài nước đặc biệt chú ý, bởi phát hiện ra những chiếc trống đồng Đông Sơn đẹp trong lòng đất cùng nhiều đồ đồng khác. Lúc đó đang là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Không quản hiểm nguy, 2 cán bộ của Viện Khảo cổ đã lặn lội vào tận Làng Vạc bằng xe đạp từ Hà Nội để nghiên cứu. Nay thì 1 trong 2 nhà khảo cổ đó đã khuất núi.
 
Chưa đầy một năm sau, năm 1973, Viện Khảo cổ đã tổ chức khai quật lần thứ nhất một cách bài bản và kết quả thật khả quan. Đã tìm được ở đây một khu mộ táng khá bề thế có cả những chiếc trống đồng là đồ tùy táng, chôn theo người quá cố. Bên cạnh đó còn thấy nhiều dao găm có cán hình người, hình đôi rắn đang ngậm chân voi, đôi rắn ngậm chân hổ và khá nhiều vòng ống đeo cổ tay, cổ chân lại được gắn nhiều lục lạc bằng đồng. Cho đến bây giờ ở ta chưa có một khu mộ cổ nào có nhiều trống đồng và đồ nghệ thuật bằng đồng nhiều và đẹp hơn thế.
 
Đến năm 1981, khu mộ Làng Vạc lại tiếp tục được khai quật. Từ lòng đất nơi đây lại cung cấp thêm nhiều đồ quý nữa khiến cho nhiều nhà khoa học nước ngoài chú ý, nhất là các nhà khảo cổ học Nhật Bản.
 
Một số hiện vật được khai quật tại khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc. 	Ảnh tư liệu
Một số hiện vật được khai quật tại khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc. Ảnh tư liệu
 
Trong hai năm 1990 và 1991, một đợt khai quật rất quy mô tại địa điểm Làng Vạc được tổ chức bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản. Đây là một chương trình hợp tác quốc tế đầu tiên giữa Viện Khảo cổ học và Đại học Sophia, Đại học Tokyo của Nhật Bản. Cuộc khai quật hợp tác lần này đã đưa ra những nhận thức mới về ý nghĩa của địa điểm khảo cổ học này. Rất nhiều mộ táng cùng với nhiều loại đồ đồng đẹp, đồ thủy tinh, hạt mã não trang sức được phát hiện. Làng Vạc lại thêm một lần nổi tiếng nữa, lần này thì rất nhiều nhà khảo cổ học nước ngoài biết đến. Một quyển sách công bố về Làng Vạc là công trình hợp tác Nhật Bản - Việt Nam được đánh giá cao về mặt khoa học với tên gọi “The Lang Vac site” (Di chỉ Làng Vạc) đã được xuất bản vào năm 2004, bằng tiếng Anh tại Tokyo, Nhật Bản.
 
Cũng vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi đồ cổ có giá và xuất hiện nhiều dân sưu tập đồ cổ thì sự nổi tiếng của Làng Vạc đã vô tình trở thành tụ điểm của nhiều cuộc đào bới. Nhiều đồ vật quý của Làng Vạc lại được mang ra Hà Nội và vào Thành phố Hồ Chí Minh theo nhiều cách khác nhau. Các nhà khoa học lại được tiếp xúc với nhiều hiện vật độc đáo từ lòng đất Làng Vạc với đôi chút ngậm ngùi về sự đào tìm cổ vật mang tính tự phát nơi đây. 
 
Di tích Làng Vạc quý và hiếm không chỉ vì đã cung cấp cho kho tàng di sản vật thể ở ta một loạt những trống đồng và các đồ nghệ thuật trang sức độc đáo, mang đầy tính thẩm mỹ cao. Mà, Làng Vạc còn là nơi giúp các nhà khoa học phác thảo được bức tranh lịch sử đương thời, điều đó vô cùng ý nghĩa đối với lịch sử đất nước ta và lịch sử dân tộc Việt.
 
Sưu tập dao găm chữ T và hình ảnh người phụ nữ trên cán dao găm đồng cổ vật Làng Vạc.
Sưu tập dao găm chữ T và hình ảnh người phụ nữ trên cán dao găm đồng cổ vật Làng Vạc.
 
Làng Vạc vừa là một làng cổ và là một khu mộ cổ bề thế. Các nhà khảo cổ đã từng phát hiện ra chứng tích của làng cổ này là một tầng văn hóa chứa đầy mảnh gốm vỡ. Làng Vạc là một trong những di tích thuộc nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, cách đây hơn 2.000 năm. Các nhà khoa học đã từng phân tích một mẫu than tro ở đây theo phương pháp các bon phóng xạ, cho kết quả là: 1990 ± 85 năm cách năm 1950, tức là vào khoảng năm 40 trước Công Nguyên. Hay nói một cách khác là vào thế kỷ I trước Công Nguyên. Vào năm đó, nhà Hán đã xâm lược nước ta. Dưới đồng bằng đã có những cuộc tàn sát về văn hóa của người Lạc Việt với chính sách tận diệt trống đồng, thu trống để đúc ngựa đồng và cột đồng Mã Viện như thư tịch cổ ghi lại. Thế mà, ở vùng núi Nghĩa Đàn vẫn còn tộc người Việt cổ ở Làng Vạc vẫn giữ được bản sắc của văn hóa Đông Sơn và trống đồng Đông Sơn. Nhà Hán chưa với tay được đến vùng Làng Vạc, nhờ thế mà chúng ta mới biết được nền văn hóa Đông Sơn còn rạng rỡ thế nào ngay cả sau thời điểm năm 111 trước Công Nguyên, là năm nhà Hán đã cai trị nước ta.
 
Từ cái kho của di vật Làng Vạc, chúng ta còn biết được người Làng Vạc xưa đã có một nền văn hóa vật chất khá cao. Họ đã biết mặc đẹp thể hiện ở các bộ váy trên tượng người phụ nữ của cán dao găm. Các nhà khoa học còn biết được chất liệu vải mà người xưa làm quần áo là vải gai, nhờ sự phân tích một mẫu vải trong một mộ táng Làng Vạc. Họ còn biết trang sức rất nhiều vòng tay, khuyên tai, vòng ống bằng đồng hay đá quý, thủy tinh... Nhờ phát hiện ra loại chõ gốm ở Làng Vạc, mà các nhà khoa học còn khẳng định là người Làng Vạc đã biết đến trồng lúa nếp, lấy gạo nếp đồ xôi bằng chõ. Những hình khắc trên trống đồng Làng Vạc còn cho thấy người xưa biết đóng những thuyền đua, biết chăn nuôi bò như hình khắc loại bò có u thấy trên thân trống.
 
Người Làng Vạc còn có cuộc sống tinh thần phong phú qua hình ảnh khắc họa chính con người thời đó trên trống đồng. Các nhà khoa học còn biết được quan niệm tâm linh của người xưa qua phong tục chôn cất người chết: chết là “di cư” sang thế giới khác, vì thế cần đem theo của cải là những chiếc trống đồng...
 
Có thể nói, cư dân Làng Vạc là một cộng đồng cư dân miền núi Nghệ An trong cả một cộng đồng cư dân Việt cổ của Văn hóa Đông Sơn. Như một mốc son chói lọi, văn minh Làng Vạc và con người Làng Vạc đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự hình thành dân tộc Việt từ buổi đầu, cách đây 2.000 năm!
 
Vào các ngày 7,8 và 9 tháng 2 âm lịch hàng năm, Lễ hội Làng Vạc được chính quyền địa phương và cộng đồng phối hợp tổ chức với mục đích tưởng nhớ công lao các vua Hùng dựng nước, hướng đến một năm mới với những điều tốt đẹp, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an. Nhiều sự kiện được tổ chức trong lễ hội nhưng quan trọng nhất vẫn là Lễ rước vạc đồng 9 quai, lễ rước Trống đồng về đền thờ. Lễ hội Làng Vạc đã qua 15 năm và đã trở thành một sinh họat tinh thần không thể thiếu nơi đây.
Cùng với địa điểm khảo cổ học Làng Vạc thuộc nền văn hóa Đông Sơn, nơi đây ghi nhận sức sống mạnh mẽ của nền văn minh Việt cổ trong sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam.
 
PGS.TS Nguyễn Giang Hải
Viện trưởng Viện Khảo cổ học
Làng Vạc - Làng Việt cổ trên đất Nghệ An. 
                                                                KTS. Hồ Đức Sơn
  Phòng Quy hoạch 1. Viện QH - KT XD Nghệ An
“Vấn lai dĩ sự tu vi sử;
Tế nhận dư đồ dục mệnh thi”.
(Hỏi việc đã qua nên chép sử;
Nhìn quanh như vẽ muốn đề thơ).
“Chép sử” - Hai từ thật hoa mỹ cho những cái kết chưa bao giờ định hình… và cũng bởi lẽ lịch sử chân thực và kiêu hùng của từng dân tộc luôn bị che mờ dưới các tầng lớp bụi phủ thời gian, dưới vô vàn lớp văn tự bị chôn vùi trong lòng đất, dưới những trang sách bị mục nát,… khiến những giai đoạn, những thời điểm của lịch sử luôn bị gián đoạn và sai lệch; Sẽ là có đúng có sai, có thiếu có dư… Và! Đây đâu phải là “vấn đề” khiến tôi nặng lòng!?... Với ngòi bút khuyên liền khuyên kín, tôi muốn đưa chân bạn đọc tới một nền văn hóa cổ từng hiện hữu trên đất Nghệ An xưa với những dấu tích còn lưu giữ cho đến tận ngày nay. Liệu chăng, ý tưởng đó có “gánh vác” được đầy đủ ý nghĩa, giá trị thực tế của một Làng Việt cổ xưa - Làng Vạc!?.
Truyền thuyết Làng Vạc…
Như một sự tình cờ ngẫu nhiên mà gần đây tôi được đọc bài viết “Làng Vạc - Phế đô nước Âu Lạc” của nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu, ông khẳng định: “Làng Vạc, nơi đây chính là kinh đô của Thục An Dương Vương” với những lý giải, những lập luận rõ ràng theo chuỗi logic có biện chứng từ Làng Vạc đến thiên tình sử “Mỵ Châu - Trọng Thủy” cho đến di tích đền Cuông (xã Diễn An, huyện Diễn Châu - ngày nay). Nếu quả thực như vậy thì thành Cổ Loa Đông Anh (Hà Nội) sẽ được giải thích như thế nào!?? Lại một lần nữa, ông Thái Doãn Hiểu quả quyết rằng: “Thành Cổ Loa Đông Anh là kinh đô nhà Triệu chứ không phải là kinh đô nước Âu Lạc”; Tuy khá hồ nghi nhưng thực sự bài viết này đã khiến tôi không khỏi suy nghĩ, để từ đó lật tìm các tư liệu liên quan và được biết rằng: “Làng Vạc - Làng Việt cổ từng hiện hữu trên đất Nghệ An xưa” - Cách đây khoảng 2.500 năm, thị xã Thái Hòa là nơi quần tụ của Người Việt cổ, nơi phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn!.
Một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi tới thăm Làng Vạc, dưới ánh nắng vàng trời thu bàng bạc trên mặt dòng sông Hiếu uốn khúc bao quanh như ôm lấy ngôi đền… Là một ngày tuy không nhộn nhịp như những ngày lễ hội và cũng không thực sự vắng lặng như thường nhật; Bởi cứ ngày rằm, mồng một hàng tháng, Ban lễ Đền sẽ ra mở cửa quét dọn, thắp hương,… Khi được hỏi về các tài liệu, thư tịch liên quan đến Làng Vạc thì một cụ cao tuổi trong Ban trầm tư kể:
“Làng Vạc - tên ấy như tên núi, tên sông và từ lâu đã mang ý nghĩa không chỉ là địa danh mà dường như đã trở thành danh từ chung khi người dân nơi đây nói về cội nguồn với truyền thuyết Làng Vạc - Lễ hội Làng Vạc - nét văn hóa ấy ẩn hiện như một sợi chỉ hồng xuyên suốt trong đời sống tâm linh đồng bào các dân tộc vùng Phủ Quỳ nối từ ngàn xưa cho đến hôm nay; Bản thân sự giao hòa ấy đã trở thành ngôi đền thiêng liêng giữa cõi đời, cõi người,…
Tương truyền, xưa kia, Thái Hòa là vùng thung sâu rừng thẳm, xanh tươi màu mỡ, bốn bề có núi bao bọc, mặt đất uốn lượn tạo ra nhiều con khe, con suối hợp lưu thành ba con suối lớn; Cả ba con suối này gặp nhau ở chân núi Đại Vạn (xã Nghĩa Hòa - ngày nay). Và có một năm mưa lớn chưa từng thấy, ngập nhà, ngập cửa, ba con suối lớn đổi dòng nhập thành con sông lớn; Sông mỗi ngày một sâu, nước chảy hiền hòa đưa về cơ man nào là tôm, cá,… Từ đó, làng bản ngày một ấm no, dân làng biết ơn dòng sông Cả đã làm lễ tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân làng làm ăn khấm khá và xin thần sông đặt tên sông là Hiếu(1). Một đêm nọ, thần linh báo mộng cho Già làng hãy tập trung dân làng bên đầm làng, ngài sẽ trao cho báu vật của trời đất; Sáng ra, khi dân làng đã tụ hội đông đủ, bổng thấy giữa đầm nổi lên chiếc Vạc đồng mười hai quai to bằng cả gian nhà, trong Vạc lại có 10 Vạc nhỏ và rất nhiều bát, đĩa, âu, chén,… Dân làng tưng bừng mở hội, tổ chức suốt ba ngày ba đêm, cả làng đèn đuốc sáng rực - lung linh như một rừng hoa muôn sắc. Những ngày ấy trời thật là đẹp, nắng ngập tràn trên thung lũng xanh, lóng lánh dưới đầm soi gương sông Hiếu. Sau ba ngày đêm hội tiệc, dân làng làm lễ tạ ơn và trả báu vật lại cho thần linh. Những chàng trai, cô gái rước Vạc về đầm, đang sụp lạy thì Vạc đồng từ từ trôi ra giữa đầm rồi chìm mất. Từ đó, để nhớ thần linh và tạ ơn trời đất, dân làng đã đặt tên đầm là Đầm Vạc, rồi làng cũng được gọi tên là Làng Vạc và cũng từ đó người dân có thêm nghề làm gốm, đúc đồng. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 7 tháng 2 (AL), dân làng lại tổ chức lễ hội kéo dài suốt ba ngày (mồng 7, 8, 9 tháng 02 AL) để nhớ về thần sông, thần núi đã mang lại cuộc sống ấm no cho buôn làng…”.
Truyền thuyết đó đã tồn tại hàng ngàn năm trong đời sống tâm linh người Việt, song phải chăng đó vẫn chỉ là truyền thuyết!? Vào những năm 50 của thế kỷ XX, công nhân nông trường Đông Hiếu (gần Làng Vạc) và nông trường Tây Hiếu (vùng Cát Mộng) đã tìm thấy Trống đồng Đông Sơn như một sự tình cờ; Và cũng là ngẫu nhiên mà truyền thuyết Làng Vạc từ xa xưa, từ nguồn cội tìm về: Di chỉ Làng Vạc trùng hiện! Đây rõ ràng là minh chứng cụ thể, khẳng định là nơi quần tụ dân cư, là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Việt cổ và cũng là nơi phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn.
Tầm vóc Làng vạc…
“Tầm vóc Làng Vạc - Trung tâm văn hóa lớn trên lưu vực sông Cả - Làng Vạc có thể sánh ngang hàng với những di tích văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở lưu vực sông Hồng như: Vinh Quang, Làng Cả, Sơn Vi, Gò Mun hay Phùng Nguyên (tỉnh Phú Thọ - ngày nay)… nếu không muốn nói là ở một vị trí cao hơn…” - Đó là nhận định, đánh giá của GS. Hoàng Xuân Chinh (Viện Khảo cổ học Việt Nam). Qua 5 đợt khai quật và nghiên cứu trên vùng đất rộng khoảng 3,0ha - Khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc, bắt đầu từ năm 1972 đến năm 1999 đã phát hiện 347 ngôi mộ (là nơi nhiều mộ táng nhất trong số hàng chục di chỉ khảo cổ về văn hóa Đông Sơn ở nước ta), 1.228 hiện vật phong phú và đa dạng, trong đó đồ đồng là 665 chiếc (gồm: vòng tay, hoa tai, rìu xéo, dao găm cán tượng người - tượng voi hổ,…), đồ gốm là những chiếc thạp, âu, bát chén,… đáng chú ý nhất là 14 chiếc trống đồng có niên đại khoảng 2.100 năm… Đây thực sự là dấu tích của người Việt cổ thời đại đồng thau, thể hiện con người thời kỳ này đã biết đúc các nông cụ sản xuất như rìu, đục, lưỡi cày, cuốc, xẻng, thuổng,… Chứng tỏ, họ đã biết trồng lúa và chăn nuôi với đời sống khá phong phú… Để lại “dấu ấn” của một thời đại cổ xưa cần lưu giữ…
Đền Làng Vạc…
Từ trung tâm thị xã Thái Hòa đi qua phường Long Sơn theo đường đi trung tâm xã Nghĩa Hòa với nền đường nhựa rộng 7m là đến Khu bảo tồn di chỉ khảo cổ học gắn với du lịch sinh thái Làng Vạc với quy mô diện tích 156ha, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 24/QĐ.UBND-CN ngày 03/01/2012 với tính chất chức năng là Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, bao gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi kết hợp nghiên cứu tìm hiểu bản sắc phong tục tập quán, lễ hội của các dân tộc trong vùng và trở thành điểm đến du lịch quan trọng trong hệ thống phát triển du lịch Nghệ An. Khu quy hoạch được phân thành 6 khu chức năng chính, đó là: Khu khảo cổ, đình Làng Vạc, cây xanh cảnh quan; Khu hành chính, dịch vụ du lịch; Khu nghỉ dưỡng; Khu cải tạo, xen dắm; Khu dự phòng phát triển; Khu cây xanh bảo vệ kết hợp trồng rừng. Và các hạng mục công trình chính, như: Đền thờ, nhà trưng bày hiện vật, nhà điều hành, khu nhà mô phỏng nhà Việt cổ, khu vực khảo cổ, trung tâm nghiên cứu - khai quật khảo cổ, sân lễ hội, bến thuyền,… Tuy nhiên, đến nay lộ trình dự án vẫn chưa được thực hiện; Là dự án ưu tiên, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các nhà lãnh đạo,… để Khu bảo tồn di chỉ khảo cổ học gắn với du lịch sinh thái Làng Vạc sớm được triển khai và định hình góp phần rất lớn trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội thị xã Thái Hòa.
Khu vực Đền Làng Vạc với diện tích 7.412,27m2, tọa lạc ở phía Tây Nam chân Rú Giang thuộc xã Nghĩa Hòa, hướng mặt Đền được bao quanh bởi các hồ đập Hòn Sường dưới - trên, đập Ông Kính, để khi phóng tầm mắt cho ta cảm quan đó như một minh đường được trải rộng, thoáng đãng,… Bước lên 21 bậc thềm là chân cổng Tứ trụ rất lớn xây giả đá xanh, đầu cột tứ phượng và các họa tiết hoa văn cổ… bên trong là khoảng sân rộng chừng 500m2 với 2 bên là tượng voi phục bằng đá trắng, có bức bình phong án ngữ ở giữa và lư hương bằng đá xanh cao 1,3m, rộng 0,85m giữ theo lối kiến trúc đền cổ,… Nhìn từ trái sang phải lần lượt là các hạng mục công trình: Ban thờ thiên, lầu hóa hương, nhà trưng bày cổ vật (lưu giữ một số cổ vật đã được khai quật như bát, đĩa,…), đền thờ chính - đền vua Hùng (gồm các ban thờ: 18 vua Hùng, thần linh Làng Vạc Cao Sơn - Thủy Thần và người Việt cổ), Vườn Tứ linh (có cột lộ thiên - mô phỏng Long, ly, quy, phượng và các đồng tiền cổ bằng đá ghép), đền Quốc mẫu (gồm các ban thờ: Quốc mẫu Việt, bà chúa kho, mẫu đệ nhị thượng ngàn). Mỗi công trình đền thờ với diện tích khoảng 60m2, 3 gian 2 hồi - có hậu cung được xây bằng xi măng, gạch ngói, mô phỏng theo lối đền cổ từ nền nhà lát gạch đỏ đất nung, mái rải rui liền bản, lợp ngói vảy cá chép, bờ nóc gắn họa tiết “lưỡng long triều nhật”, bờ giải trang trí gạch hoa chanh, đầu đao là rồng hối đầu… Xung quanh được bao bọc bởi hệ thống cây tầm cao bóng mát,… đặc biệt trong khuôn viên có 2 cây bồ đề và 2 cây đại rất lớn…

Đền Làng Vạc - ảnh chụp 02/12/2015 (nguồn ảnh: Kts. Vũ Tuấn Dũng).

Cổng đền Làng Vạc.


Nhà trưng bày cổ vật...


Đền thờ vua Hùng...


Vườn tứ linh...

Nằm trong quần thể di chỉ khảo cổ Làng Vạc, trên nền đất linh thiêng, phải chăng như gợi nhớ về điểm đến của một trong số 50 người con lên rừng thuở Lạc Hồng;… Mặc dù, đến nay công trình đền Làng Vạc vẫn chưa được đầu tư với quy mô xứng tầm, nhưng trong cõi tâm linh chúng ta đến với Làng Vạc với những tế lễ hàng năm (mồng 7, 8, 9 tháng 02 AL) của đồng bào nhân dân Thái Hòa và lễ hội Làng Vạc đến nay đã trở thành ngày hội lớn của nhân dân các dân tộc vùng Phủ Quỳ nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung hướng về nguồn cội dâng nén tâm nhang, tỏ lòng tôn kính tổ tiên xưa… Rồi mở hội dong trống mở cờ, những chàng trai, cô gái Thổ - Thanh trong trang phục truyền thống, nét hoa văn thổ cẩm rực rỡ sắc màu, những cô gái Kinh thướt tha tà áo dài bay trong gió nhẹ diễn lại Hội rước Vạc đồng theo truyền thuyết xưa… Rồi các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, chọi gà, đấu võ, nhảy bao bố,… Rồi những điệu múa Cồng Chiêng, Khắc Luống,… vang lên như mang âm hưởng “thậm thình” trên đuống gỗ gợi về nét sinh hoạt cộng đồng xa xưa phản ánh giá trị văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ mà đến nay vẫn chỉ như dấu lặng trong nốt nhạc… tiếng cồng chiêng!
Thay cho lời kết!…
Tuy là vùng đất không nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh nhưng hiện có đều là những di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như đền Làng Lụi, di chỉ khảo cổ Làng Vạc, khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu, Lâm viên Bàu Sen,... Trong những năm gần đây, thị xã Thái Hòa đã có những chủ trương quyết sách đúng đắn, từng bước nâng tầm quy mô lễ hội và quy hoạch Khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc để Làng Vạc là điểm đến văn hóa tâm linh quan trọng nhất cho du khách thập phương trong tour du lịch sinh thái lý tưởng: Rú Ấm, cây Đa Làng Trù (Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn) - Làng Vạc - Lâm viên Bàu Sen - Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu; Để tuor du lịch này không chỉ còn trên giấy./.


*****
(1) Sông Hiếu là nhánh sông lớn nhất của sông Cả, được bắt nguồn từ núi Kay sát biên giới Việt - Lào, nằm về phía Tây Bắc Nghệ An chảy qua các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ rồi đổ ra sông Cả tại xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn - Đoạn từ Quế phong đến Thái Hòa gọi là sông Hiếu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét