Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Ăn bánh rán bi… phải đi Ô Quan Chưởng

Ăn bánh rán mặn ra Lý Quốc Sư, bánh rán lúc lắc tới Lý Nam Đế,… còn bánh rán bi thì tìm về Ô Quan Chưởng. Với diện tích chưa đầy 5m2 và chỉ bán duy nhất một loại bánh, nhưng cửa hàng này đã nổi danh suốt 30 năm nay ở Hà Nội.

Quán bánh nổi danh nằm ở đối diện Ô Quan Chưởng
Quán bánh nổi danh nằm ở đối diện Ô Quan Chưởng

Chiếc bánh to khoảng quả bóng bàn và có duy nhất một loại nhân đậu xanh. Vỏ bánh giòn rụm, vừng rang dính ở một mặt bánh chứ không bao trọn phần vỏ như ở nơi khác. Bánh được nặn và rán tại chỗ, làm đến đâu bán hết đến đấy nên luôn nóng hổi. Bà Nguyễn Thị Cúc (chủ quán) cho biết: “Ngày trước cụ nhà tôi học theo người Tàu làm loại bánh này nên gọi theo là bánh rán Cao Lâu. Về sau thì gọi là bánh rán bi hay bánh rán mini bởi hình dáng của nó”.
Để duy trì thương hiệu, bánh chỉ có duy nhất một kích cỡ, một loại nhân
Để duy trì thương hiệu, bánh chỉ có duy nhất một kích cỡ, một loại nhân

Bà Cúc chia sẻ điều quan trọng nhất là phải mua được gạo ngon, nghiền lấy bột, rây mịn. Trộn lẫn nếp, tẻ với nhau, nhào thật kỹ rồi ủ khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ tùy thời tiết. Đây là công đoạn phải cần chú tâm và có kinh nghiệm. Bột gạo tẻ chỉ cho vừa phải để bánh giữ được độ giòn bên ngoài, dẻo bên trong nhưng khi ăn lại không dính răng và dù có nguội cũng không bị cứng, không ngấm mỡ làm người ăn thấy ngấy. Đậu xanh ngâm mềm, đồ chín kỹ rồi giã nhuyễn. Sau đó trộn đều đậu với đường theo tỉ lệ riêng để có vị ngọt thanh nhẹ vừa phải, không lấn át vị vỏ bánh. Để có được mẻ nhân ngon thì khi đun phải để nhỏ lửa, đảo nhanh và đều tay bởi khi đó đậu còn ướt, dính nên dễ cháy hoặc ám mùi khét.


Để bánh ngon cần phải tỉ mỉ ngay từ khâu chọn nguyên liệu
Để bánh ngon cần phải tỉ mỉ ngay từ khâu chọn nguyên liệu

Chị Tuyết (con gái bà Cúc) ngồi ở góc hàng, đôi tay thoăn thoắt nặn từng mẻ bánh. Chị ngắt bột vỏ, vê tròn rồi ấn dẹt xuống, lấy một ít nhân đỗ cho vào, miết nhẹ cho vỏ bánh bao kín nhân. Chị cho biết, nếu nặn không đều tay để bột có khe hở thì khi rán bánh sẽ bị vỡ. Cứ nặn xong một mẻ bánh, chị để khay bánh lên giá cho bột nghỉ khoảng 1 tiếng trước khi đem rán.
Lúc đầu thả bánh vào thì bánh sẽ chìm ở đáy chảo, khi chín sẽ nổi dần lên. Khi đó cô nhân viên phải dùng đũa hoặc vợt inox đảo liên tục cho bánh chín và phồng đều. Theo kinh nghiệm của cô thì trong quá trình rán bánh luôn để lửa nhỏ, dầu chỉ sôi lăn tăn, tuy lâu chín nhưng bánh sẽ nở từ từ cho hết và không bị cứng khi nguội.
Có thể thấy rằng, làm bánh rán không khó, nhưng để ngon thì cần đến sự tỉ mẩn, khéo léo của người làm. Bánh ngon phải chú ý từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, và khiến người ta nhớ mãi bởi hương vị đọng lại.
Chị Đỗ Thị Thu (35 tuổi – Quan Hoa, Cầu Giấy) cho biết: “Tôi ăn ở đây từ ngày còn bé và đến bây giờ vẫn hay mua về cho mọi người trong nhà. Bánh ở đây rẻ mà ngon, bao lâu rồi mà hương vị không đổi nên các cụ ở nhà ăn bao năm rồi không chán. Còn bọn trẻ con thì thấy vừa miệng nên cũng ăn nhiều”.
Người Hà Nội có thể mua bánh rán ngọt ở phố Lý Nam Đế, Lương Ngọc Quyến,… nhưng bánh nặn to hơn và bán với giá 2000đ/chiếc. Cũng có vài nơi bán bánh rán bi với giá 1000đ/chiếc, nhưng đều là bánh rán sẵn để bán cả ngày nên chất lượng không thể sánh được với bánh ở Ô Quan Chưởng. Bởi vậy, nó được mệnh danh là loại bánh rán lâu đời nhất, bé nhất và rẻ nhất ở Hà Nội.
Hoàng Trang (30 tuổi, Đà Nẵng – khách du lịch) cảm nhận: “Tôi ra đây công tác, thấy mọi người trong đó gợi ý quán này ngon. Nó không ngọt quá nên dễ ăn, phù hợp với mấy chị em sợ lên ký mà thích ăn vặt”.
Có khách quen ăn từ ngày xưa, có khách lạ nghe danh tìm đến nên lúc nào quán cũng tấp nập khách ra vào. Quán có vị trí đẹp, thuận lợi cho buôn bán bởi nằm ngay đầu con phố hàng Chiếu luôn tấp nập người qua lại, trước mặt là Ô Quan Chưởng, xung quanh là những quán bún ốc, cháo lòng, chả rươi, miến lươn có tiếng ở Hà Nội. Khách ở những quán xung quanh ăn xong qua đây mua lấy chục bánh ăn tráng miệng hoặc mang về làm quà cho người nhà.
Trung bình mỗi ngày quán bán khoảng 3.000 chiếc bánh. Khách ăn chơi cũng hết cả chục nên chuyện người ta mua 5 – 7 chục chiếc cũng không có gì lạ. Thậm chí có khách đặt tới nghìn chiếc để đi tour du lịch; các khách sạn, ngân hàng đặt để làm món ngọt trong tiệc, hội nghị,… Bà Cúc kể với giọng đầy tự hào: “Người nước ngoài họ đến ăn nhiều lắm. Rồi người ta chụp ảnh, đăng lên báo nước ngoài”.


Chỉ trong vòng 5 phút có gần chục lượt khách vào mua, mỗi người đều mua từ 20 - 30 chiếc
Chỉ trong vòng 5 phút có gần chục lượt khách vào mua, mỗi người đều mua từ 20 - 30 chiếc


Mọi người làm việc không ngơi tay từ 7 giờ đến 17 giờ mà nhiều khi không kịp
Mọi người làm việc không ngơi tay từ 7 giờ đến 17 giờ mà nhiều khi không kịp

Những người bạn hàng xung quanh cũng thường mua bánh nhà bà Cúc ăn chơi mỗi khi vắng khách. Họ cũng góp ý về việc quán dùng giấy báo để lót bánh chín như vậy rất độc nhưng có lẽ chủ quán chưa có ý định đầu tư một loại giấy thấm dầu an toàn hơn?!Bên cạnh đó, quán chỉ có duy nhất một chảo dầu rán dùng cả ngày, nên mới đầu giờ chiều nó đã ngả sang màu nâu đen. Do diện tích rất chật hẹp nên khay bánh chín được đặt ngay trên vỉa hè, sát với cống nước và chỗ để rác thải của những hàng quán xung quanh, người qua kẻ lại, xe cộ tấp nập nhưng không hề được che đậy cho sạch sẽ.
Tuy nhiên, phần lớn khách hàng ở đây đều chấp nhận việc này. Cô Ngọc (50 tuổi, phố Cầu Gỗ, Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ muốn sạch chỉ có tự làm ở nhà, nhưng cũng chưa chắc vì nguyên liệu cũng đâu có sạch. Đây là quán vỉa hè nên cũng không thể đòi hỏi gì nhiều. Hơn nữa hàng này bán lâu rồi nên người ta cũng không làm cẩu thả để giữ thương hiệu. Bánh rán cũng không phải món ăn hàng ngày, lâu lâu ăn một ít cũng không ảnh hưởng gì lớn. Thực phẩm bây giờ cái gì chả bẩn, nhiều thứ khuất mắt trông coi còn bẩn hơn thế này”.
Từ bánh sống…
Từ bánh sống…
Đến bánh chín đều được lót bằng giấy báo trong khi nhiều người góp ý nên thay bằng rổ, rá tre
Đến bánh chín đều được lót bằng giấy báo trong khi nhiều người góp ý nên thay bằng rổ, rá tre
Chảo dầu khiến nhiều người dù muốn ăn cũng phải lắc đầu bỏ qua
Chảo dầu khiến nhiều người dù muốn ăn cũng phải lắc đầu bỏ qua
Quán không có chỗ cho khách ngồi nên bánh được đựng vào túi giấy, bọc túi nilon ra ngoài cho khách mang về
Quán không có chỗ cho khách ngồi nên bánh được đựng vào túi giấy, bọc túi nilon ra ngoài cho khách mang về

Dù còn nhiều điểm trừ, dù có biết bao món ăn vặt mới lạ ra đời nhưng bánh rán bi Ô Quan Chưởng vẫn ghi tên mình trong bản đồ ẩm thực Hà Nội, là một trong những món quà vặt có tiếng ở Hà thành. 

Nguyễn Huệ Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét