Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Về Quy Nhơn nhớ bánh mì chấm

Dù là miền biển với nhiều món ăn chế biến từ hải sản, bánh mì vẫn là món ăn không thể thiếu đối với người Quy Nhơn.Ổ bánh mì dân dã theo người Bắc Kỳ vào xứ này được người dân địa phương biến tấu thành nhiều kiểu khác nhau. Thưởng thức bánh mì Quy Nhơn, cũng là cách để khám phá nét đa dạng đời sống ẩm thực nơi đây.



Món ăn bình dân thỏa mãn mọi tâm hồn ăn uống
Khắp các vỉa hè dạo vòng quanh thành phố Quy Nhơn, người ta có thể bắt gặp rất dễ dàng những sạp bánh mì đơn giản nhưng đầy ắp nguyên liệu, vài bộ bàn ghế nhựa đỏ ngay sau quầy, một cái bếp than hoa luôn bốc khói nghi ngút thơm thơm mùi thịt nướng… Bánh mì chấm, nghe vừa lạ vừa quen, nhưng nếu chưa một lần thử qua, khó có thể hình dung sự đa dạng và đặc sắc của món ăn đã trở thành quen thuộc trong những bữa ăn của người dân Quy Nhơn.
Bánh mì chấm đơn giản thì chỉ cần pate gan chan đẫm nước cốt hầm xương heo,vài nhánh hành hoa và đồ chua, cùng với ổ bánh mì nướng nóng, giòn vừa. Nhưng cũng có cách chuẩn bị cầu kì hơn cho những khách chọn bánh mì như bữa ăn chính. Một phần bánh mì chấm như vậy gồm hầu như tất cả mọi thứ nguyên liệu được bày trên quầy: từ thịt heo nướng, trứng tráng thái sợi, pate gan, thịt nguội, giò chả, hành khô phi vàng, đồ chua, và đặc biệt, không thể thiếu nước hầm xương ngọt lịm chan ngập đĩa.

Phần bánh mì chấm có thể chỉ đơn giản là bánh mì cùng pate gan chan nước thịt
Nhìn đĩa đồ ăn kèm bánh mì xâm xấp, mới thấy dù là món ăn bình dân và có phần hơi “đầy đặn”, người bán hàng đã bỏ ra rất nhiều công sức và sự tỉ mẩn cho từng loại nguyên liệu. Thịt nạc thái lát được tẩm ướt vừa phải, nướng trên than hoa sao cho không khô quá, thịt sẽ không còn mềm và ngọt. Trứng tráng lẫn hành hoa, thái lát mỏng thanh thoát được chuẩn bị sẵn. Pate cũng phải là món pate gan heo loại ngon, được những cô bán hàng tự hào giới thiệu “chế biến với công thức riêng”, cũng vì thế, mỗi hàng lại có một món pate với màu sắc và độ bùi béo khác nhau. Hành khô phi vàng ruộm vừa tạo màu sắc thật bắt mắt, vừa góp nên độ giòn thơm kết hợp hoàn hảo với miếng bánh mì xé còn vương vụn vỏ bánh. Người miền biển không thể thiếu chả cá ngay cả trong bữa sáng, miếng chả cá cũng được cắt miếng mỏng vừa ăn, như chút dư âm của biển lắng đọng trong món bánh mì chấm. Nhưng ngon nhất, lại chính là thứ nước lèo sền sệt cô đặc từ nhiều giờ đồng hồ hầm xương. Nước lèo ngọt lịm, gắn kết các thành phần tưởng chừng rời rạc mà lại hòa quyện với từng miếng bánh mì, vị mặn dìu dịu khiến cho món ăn có phần thanh thoát hơn, hài hòa hơn.

Những nguyên liệu được chuẩn bị sẵn cầu kì
Miếng bánh mì nóng hổi đặc trưng loại bánh mì miền Trung Việt Nam, vỏ giòn mỏng, ruột không đặc quá mà trắng nhẹ như bông, được làm mềm khi nhúng vào đĩa nước lèo, xúc thêm mỗi thứ một chút lên miếng bánh.Vị giác của thực khách sẽ được đắm mình trong quá nhiều hương vị cùng một lúc, sự ngọt béo của nước lèo, pate… sẽ dịu lại bằng chút đồ chua và lát hành hoa đã được cô bán hàng bày biện cùng vài thứ tương ớt cay cay nhà làm không lẫn đi đâu được của ẩm thực miền Trung. Với chút bứt phá giản dị của từng quán hàng, thực khách thảng hoặc bắt gặp mấy miếng tóp mỡ cay cay ngòn ngọt được chế biến rất lạ, ăn chơi cũng thấy ngon.

Quán bánh mì bên góc vỉa hè trở nên rất đỗi quen thuộc với đời sống ẩm thực người dân Quy Nhơn
Sành ăn hay không, ai cũng sẽ gật gù thừa nhận bánh mì chấm là một món ăn có thể thỏa mãn khẩu vị của rất nhiều người. Sự tổng hòa hương vị của một món ăn miền Trung, lại là xứ biển, nơi miền đất hội tụ những người con từ mọi miền đất nước đến an cư lạc nghiệp. Không khó hiểu khi ta nhận thấy trong món bánh mì này những dư vị đa dạng của ẩm thực vùng miền. Món ăn miền Trung thường cay nóng, nhưng món ăn xứ Nẫu lại chịu ảnh hưởng ít nhiều từ ẩm thực miền Bắc, do người gốc Bắc di cư vào, vì thế, hương vị của bánh mì chấm nói riêng và ẩm thực nơi đây có phần thanh hơn, cân bằng vừa phải giữa những vị ngọt, cay, mặn.

Bánh mì Quy Nhơn có vỏ mỏng, giòn, ruột không đặc quá mà trắng nhẹ như bông…
Sự kì công và tâm sức nhiều khi được cô bán hàng kể lại nhân lúc vui chuyện với khách, nhất là khi nhìn thấy sự thỏa mãn của người ăn. Một bữa sáng đơn giản cho các cô cậu học sinh trước khi đến lớp học, một bữa trưa vội cho người lao động, hay một bữa khuya cho những tâm hồn ăn uống… bất cứ lúc nào cũng là thời điểm hoàn hảo để thưởng thức bánh mì chấm. Như để chia sẻ những kì công ân cần của người bán hàng, dường như người dân nơi đây cũng dành nhiều tâm huyết và thời gian để thưởng thức món bánh mì hơn hẳn. Người xứ Bắc Nam đã quen thuộc với những ổ bánh mì gói ghém mang đi, để tranh thủ ăn mọi lúc mọi nơi, có lẽ sẽ ngạc nhiên với gu thưởng thức bánh mì nơi đây, nào bánh mì sốt vang, bánh mì ốp la, và bánh mì chấm là điển hình. Rồi cứ thế nếp ăn chậm rãi, thưởng thức ấy, đã trở thành những phút thư thái hiếm hoi trong ngày của người Quy Nhơn. Thảng hoặc ta bắt gặp những quầy bán bánh mì còn phục vụ cả café đá kèm với bánh mì. Thời gian nhẩn nha với từng miếng bánh mì xé, từng ngụm café lịm mát dường như kéo dài đến bất tận, đủ đầy và trọn vẹn cho một buổi sáng xứ biển.

Những buổi sáng không hề “vội vàng” của người dân xứ biển khi thưởng thức món bánh mì chấm
Bánh mì đối với người dân Quy Nhơn đã không còn là món ăn sang trọng kiểu cách như thập niên 50 của thế kỉ trước. Những biến tấu vô biên trong nền ẩm thực xứ Nẫu đã góp phần tô điểm thêm cho sự phong phú của ẩm thực Việt. Nếu có dịp đến thăm thành phố Quy Nhơn, du khách nên thưởng thức món bánh mì chấm và ngồi lắng nghe những câu chuyện “bếp núc” của cô bán hàng xứ biển, đủ để tạo ấn tượng khó quên của một ngày miền Trung

Vân Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét