Đến Quỳ Hợp bất kỳ thời gian nào trong ngày, bạn đều có thể ghé vào quán ven đường để thưởng thức chén nước chè đâm giản dị, thanh mát.
Từ thành phố Vinh, đi ngược theo đường 48 sẽ đưa bạn đến với huyện miền núi Quỳ Hợp, nơi địa đầu phía tây bắc xứ Nghệ. Theo người dân nơi đây, chè đâm có nguồn gốc từ dân tộc Thái bản địa, là thứ đồ uống quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.
Ngày nay, chè đâm được nhiều người biết đến, trở thành món đồ uống phổ biến không chỉ ở Quỳ Hợp, mà còn xuất hiện trong nhiều quán ăn, nhà hàng ở thành phố Vinh. Đây cũng là đồ uống đặc sản dùng để đãi khách.
Để có được bát nước chè đâm phải mất nhiều thời gian và công đoạn hơn so với pha chè xanh bình thường. Chè xanh chọn lá bánh tẻ, hái về đem rửa sạch, cho vào cối ống tre già giã nhuyễn. Nếu chọn lá già quá, nước chè sẽ bầm đen trông không ngon. Hoặc chè non quá, nước sẽ đắng chát.
Điều đặc biệt là khi hái lá chè cho vào cối, người dân còn ngắt cả cành thành từng đoạn nhỏ và ngắn. Bởi theo quan niệm phải có cả lá và cành, lúc đâm chè mới không bị nát và nước cốt mới giữ được màu xanh và mùi thơm đặc trưng.
Công đoạn giã cũng cần phải lưu ý đều tay để chè không nát quá. Nấu chè phải chọn thứ nước mưa ngọt lành hay nước giếng đá sỏi thì mới dậy lên mùi và vị ngọt đậm đà khó quên. Chè sau khi giã nhỏ sẽ cho nước sôi vừa đun vào làm chín chè, sau đó lọc thêm vài lần với nước sôi để nguội là hoàn thành.
Mùa đông chè đâm được uống nóng, mùa hè cho vào ngăn mát tủ lạnh uống cả ngày, vừa thanh mát, vừa sảng khoái. Chỉ vài nghìn đồng một bát nước chè đâm là có thể tỉnh táo làm việc hiệu quả. Ảnh: Hữu Vi.
|
Thứ chè xanh sóng sánh, thơm dậy mùi, khi uống ban đầu hơi đắng chát, nhưng đọng lại sau cùng là vị ngọt nơi đầu lưỡi. Dư vị đặc trưng của thứ nước đặc sản làm nên nỗi nhớ cho bất kỳ ai từng được một lần thưởng thức.
Lê Thương
Bánh đúc hến của người dân xứ Nghệ
Từng miếng bánh đúc hòa quyện trong nước canh hến tạo nên món quà ăn chơi mang hương vị mộc mạc, chân chất như chính đồng quê Bắc Bộ.
Bánh đúc hến là một trong những món quen thuộc ở vùng nông thôn. Ngày nay nó len lỏi vào chốn thành thị và trở thành một món quà chiều hấp dẫn. Một chén bánh đúc sánh mịn hòa cùng nước hến nóng hổi, thêm vài cọng rau mùi tàu thái nhỏ dễ khiến thực khách ấm lòng.
Người dân xứ Nghệ thường nấu bánh đúc bằng loại gạo nguyên hạt được vo đãi kỹ. Để có bánh đúc ngon khi nấu phải lấy đũa cả quấy liên tục cho đến lúc hạt gạo tan nhuyễn thành một thứ bột quánh đặc trong nồi.
Bột được đổ ra một cái rổ tre lót lá chuối tươi, chờ đến khi nguội hoàn toàn mới cắt thành từng khối hình chữ nhật, tương đương hai đốt ngón tay.
Tuy nhiên, phần tinh túy nhất của món bánh đúc hến dân dã lại chính là thứ nước canh màu trắng đục, béo ngậy từ hến. Hến được đãi sạch, luộc lấy nước để chan với bánh đúc sau này. Ruột hến chia làm hai phần, nửa để lại trong nước chan, nửa còn lại đem xào thơm cùng hành tỏi.
Bánh đúc mềm mịn, ăn vào như tan nhẹ trong miệng và khiến bạn muốn ăn thêm nữa. Ảnh: FB Nghệ An
|
Ăn kèm với bánh đúc hến không thể thiếu các loại rau như mùi tàu, ngổ, kinh giới, tía tô… Nếu ăn được cay thực khách có thể cho thêm một chút ớt bột hay vài lát ớt tươi.
Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được từng miếng bánh đúc mềm mịn hòa quyện với vị thơm ngậy, bùi bùi của nước canh và từng con hến, ngọt mát của giá chần và tươi ngon của các loại rau sống. Tất cả tạo thành hương vị nhẹ nhàng mà cuốn hút, làm say lòng những ai từng nếm thử.
Lan Thoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét