Làng chài An Lương (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được bao bọc bởi biển cả. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, giàu có về tài nguyên biển, nguồn nhân lực dồi dào, nên mấy năm trở lại đây, nghề kinh doanh cá hấp, cá khô phát triển mạnh. Và một số hộ dân đã “đổi đời” nhờ nghề này.
Nếu mười năm về trước, làng chài An Lương là một bãi đất cát trắng, với những con người lam lũ, nghèo khó. Với những đứa trẻ không có điều kiện cắp sách đến trường, bởi đây là vùng quê nghèo bốn bề sông nước, đàn ông chủ yếu sống nhờ vào nghề biển, đàn bà ở nhà đan lưới và còn có nhiệm vụ thiêng liêng hơn là ....đẻ!
Cái nghèo, cái khó cứ quẩn quanh cuộc đời họ như một điệp khúc. Bây giờ, cuộc sống của làng chài An Lương đã có nhiều thay đổi, bởi cầu Cửa Đại kiêu hãnh vắt ngang qua biển nối liền vùng quê nghèo An Lương với Hội An, Duy Xuyên...hứa hẹn một tương lai tốt đẹp đến với vùng đất này. Hàng ngày, những chiếc xe tải nối đuôi nhau tìm về mua cá hấp, cá khô, nụ cười của các em nhỏ trong màu áo áo trắng đến lớp như vẽ nên một bức tranh đẹp về những phận người ven biển thật đẹp!
Một ngày cuối tháng về làng cá An Lương, mới vào đến đầu làng đã nghe mùi cá hấp tỏa ra thơm lừng. Những vỉ cá, liếp cá trải mình dưới nắng gắt. Bóng dáng của những người phụ nữ lom khom, quần quật bên từng nồi cá hấp, để chuẩn bị đợi cá chín cân cho thương lái. Những người đàn ông biển lực lưỡng, bàn tay rám nắng đang bê hàng chục chiếc vỉ cá vừa chín tới cho ra khỏi lò. Sự lao động khẩn trương, nhanh nhẹn của những người đàn bà biển trong xưởng cá, như tấu lên một bản tình ca lao động trên mảnh đất ven biển này.
Sau một đêm vất vả trên biển khơi, gần sáng các tàu thuyền cập bến, mang về đầy ắp những khoang cá tươi ngon. Các chủ lò hấp cá ở trong làng chờ sẵn trên bờ, để tranh thủ chọn những loại tươi ngon nhất, mang về thẳng lò hấp, để có cá vận chuyển đi các vùng khác ngày hôm sau cho mối lái.
Nghề hấp cá nhộn nhịp nhất là vào mùa cá, tức từ tháng hai đến tháng tám âm lịch. Bởi đây là thời điểm “vàng” của các loại cá như cá cơm, cá chuồn, cá nục, cá ngừ…
Một trong những chủ lò hấp cá ở làng An Lương, đó là chị Tạ Thị Liên (43 tuổi, trú tại làng An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Trước kia cuộc sống của tôi rất bấp bênh, bữa đói bữa no vì phải nuôi 4 đứa con ăn học.
Chồng đi biển, còn tôi phải làm thuê nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Cuộc sống của chúng tôi đã có lúc rơi vào bế tắc. Nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, vợ chồng tôi nhìn thấy những điều kiện có sẵn ở ngay trên mảnh đất của mình, như nguồn nhân công rẻ, cá tôm lại nhiều. Nên quyết định mở lò hấp này. Tính đến nay đã được 7 năm. Mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đứa con gái lớn của tôi, đang học đại học năm cuối ở bách khoa Đà Nẵng”.
Hiện tại, lò cá của chị giải quyết việc làm cho 30 lao động nữ, mỗi năm chị thu nhập từ 90 đến 120 triệu. Trung bình 4 tấn cá tươi tạo ra một tấn cá khô. Và cứ mỗi lao động chị trả từ 120.000 đến 150.000 đồng/ ngày. Chị Phan Thị Ngọ (35 tuổi, trú tại An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Từ khi các xưởng cá hấp trong làng ra đời, chúng tôi có công ăn việc làm để kiếm thêm thu nhập, phụ chồng nuôi con cái ăn học. Nên cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
Theo kinh nghiệm chị Liên, muốn tạo ra được những tấn cá hấp ngon, thu hút được nhiều đơn đặt hàng của nơi khác, thì quan trọng nhất là khâu chế biến, phải giữ được sự uy tín cao. Muốn tạo ra những tấn cá hấp thơm ngon, thì khi chọn cá phải chọn cá thật tươi. Tốt nhất là chọn ngay cá vừa cập bến. Sau đó, mang tất cả đi rửa sạch, ướp muối từ 15 đến 20 phút theo tỷ lệ 10kg cá/ 1 kg muối. Trong quá trình hấp cá phải cho lửa cháy đều, và phải thường xuyên xoay gióng cá để cá chín cùng lúc. Nồi nước để hấp cá được pha với tỷ lệ 20 lít nước với 1kg muối. Và hấp từ 15 đến 20 phút để cá chín.
Sau khi cá được hấp chín, múc nước muối rửa toàn bộ cá cho sạch. Rửa xong, để ráo nước và sắp xếp cần thận để vận chuyển đường xa. Quá trình từ cá tươi tạo ra cá hấp đều phải trải qua nhiều công đoạn, nhưng điều quan trọng là phải chịu khó.
Làng cá An Lương đã có thương hiệu trên thị trường, mỗi ngày hàng chục tấn cá hấp, cá khô được vận chuyển lên các vùng núi trong tỉnh như Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc và xuất khẩu sang Lào, Campuchia…để tiêu thụ. Nghề cá hấp đã mang lại cuộc sống sung túc cho những hộ dân nơi đây. Hơn nữa, cầu Cửa Đại đã hợp long các vùng miền giáp ranh, giao thông không còn cách trở đò ngang như trước đây nữa. Nên quá trình vận chuyển hàng hóa, giao thương các vùng khác đã khoác lên một màu áo mới cho vùng quê nghèo.
Ngày tàn. Xa xa, những con tàu đã bắt đầu lên đèn, nhà nhà đã lên khói, tiếng học bài ê a của các em nhỏ như khép lại một ngày vất vả trên vùng quê yên tĩnh.
•
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét