Depplus.vn -
Phở gà Châm siêu đắt vẫn đông hay phở Hưng Bền khơi dậy cả một con phố vốn vắng vẻ, yên bình đều là những quán ăn "huyền thoại".
1. Phở gà Yên Ninh - đắt vẫn đông: Dù không có thâm niên vài chục năm để góp phần làm nên văn hóa ẩm thực Hà thành, phở gà Châm phố Yên Ninh vẫn lọt danh sách những tiệm phở có tiếng. Sức mạnh của quán không hoàn toàn nhờ chất lượng thơm ngon mà nằm ở mức giá đắt đỏ hiếm có - 60.000 đồng/bát phở gà thịt trắng thông thường và 100.000-150.000 đồng/bát phở đặc biệt hơn với thịt đùi, cánh, trứng, tim … Điều đáng nói là mô hình quán nhỏ bình dân, giờ cao điểm khách vẫn phải chen chúc ngồi ngoài vỉa hè, không gian trong nhà cũng chẳng được đầu tư đẹp đẽ… tóm lại là chưa cân xứng với mức giá trên trời kia. Ảnh: Diệp Sa.
Về chất lượng, một tô phở vẫn từng đó nguyên liệu - phở, nước canh, thịt gà, hành mùi, đầy đặn vừa tới, hương vị ngon nhưng chưa đến mức ăn một lần nhớ mãi. Bởi vậy, nhiều khách lần đầu tới đây bị "chém" cả trăm nghìn đồng/ tô phở sẽ không tránh khỏi cảm giác ấm ức. Song phở Châm vẫn buôn may bán đắt, thậm chí khách còn xếp hàng, chầu chực.
Tất nhiên, khách ruột của quán phải là người có tiền, chịu chi. Phần đông họ chung quan điểm “đắt xắt ra miếng” hoặc “ăn ngon quen miệng”. Ngoài ra, một số người cho rằng đây là một trong những tiệm bình dân phố cổ có thái độ phục vụ tế nhị hiếm có. Ảnh: Diệp Sa.
2. Phở gánh Hàng Trống - quán "ăn bưng, gù lưng" nổi tiếng: Nằm ngay số 1 Hàng Trống, quán phở này chỉ mở từ khoảng 16h cho tới tầm 20h-20h30 tối là hết hàng. Quán phở nổi tiếng, nhiều người biết đến qua biệt hiệu lừng lẫy: "phở bưng".
Đến đây, bạn đừng mong một chiếc bàn hay cái ghế cao cao để đặt bát phở lên, rồi đủng đỉnh dùng thìa với đũa nhẩn nha thưởng thức. Trái lại, tô phở có nóng bỏng tay thì khách vẫn phải bưng. Một tay lót giấy bưng bát, một tay cầm đũa, khỏi cần thìa, nước canh thì húp xì xụp. Đó chính xác là phong cách "phở bưng" đúng điệu Hà thành, vất vả nhưng vẫn ngon miệng lạ kỳ.
Nhiều người bảo ăn phở bưng khổ, nhưng bõ công. Nước phở ở đây trong veo song vẫn đậm đà, thịt bò chín thái mỏng, mềm, bỏ thêm nhiều hành hoa vào khiến bát phở càng dậy mùi thơm hấp dẫn. Đó là chưa kể bên cạnh quán có ngay tiệm trà đá bán kèm quẩy cực ngon: vàng ươm, giòn tan. Kiểu quẩy mới ra lò này cặp kè với "phở bưng" quả là số 1. Những ưu điểm ấy hẳn làm người Hà Nội quên đi nỗi vất vả ăn bưng, gù lưng, mỏi gối.
3. Phở Bát Đàn - quán phở gia truyền xếp hàng nổi tiếng: Có tuổi đời hơn nửa thế kỳ, tiệm phở gia truyền ở 49 Bát Đàn được coi là một trong những quán ăn không thể không đến khi ghé thăm thủ đô.
Thâm niên chỉ là một phần lý do, điều làm nên thương hiệu quán chính là hình ảnh ăn phở xếp hàng như thời bao cấp diễn ra mỗi ngày như một nét văn hóa ẩm thực độc đáo, thú vị. Ảnh: Lê Hiếu.
Ở đây vào giờ cao điểm không có người phục vụ bưng bê tận nơi, ai đến lượt thì được gọi đồ trả tiền và tự nhận lấy "phần thưởng" là tô phở bò đậm chất truyền thống với nước dùng trong veo, thơm phức, miếng thịt bò tươi hồng, mềm mịn. Thực tế ở Hà Nội, tìm được hương vị như vậy không quá hiếm, nhưng cái "lộc" xếp hàng vẫn duy trì bao nhiêu năm chắc chỉ phở Bát Đàn mới có. Ảnh: Lê Hiếu.
4. Phở cuốn Hưng Bền - tiệm phở khơi dậy cả một con phố: Giờ nhắc đến phở cuốn, người Hà Nội nghĩ ngay đến Ngũ Xã - con phố nhỏ quanh co, nằm khuất sau Hồ Trúc Bạch. Ở đây, các cửa hàng, quán ăn mọc lên san sát, vào buổi trưa với chiều tối phố luôn đông vui, nhộn nhịp. Nhìn không khí ăn uống sầm sập nơi này, chắc ít người biết rằng hơn chục năm trước, phố Ngũ Xã vô cùng thanh vắng, yên bình, và chỉ nhờ món phở cuốn của một quán vỉa hè có cái tên giản dị - Hưng Bền mà lột xác.
Hồi ấy, tiệm phở Hưng Bền giản dị bé xíu nằm ở ngã tư Nguyễn Khắc Hiếu với Ngũ Xã. Buổi tối, quán khá đông khách nhưng thường chỉ người dân quanh đó và một số “ma xó” mới biết đến. Nhưng món lạ, lại chế biến khéo léo vừa miệng thực khách nên phở cuốn với phở chiên phồng của quán như một lẽ tất yếu ngày càng đông khách.
Đôi ba năm sau, quán mở rộng hơn, xung quanh cũng bắt đầu mọc lên những tiệm ăn theo cạnh tranh. Thời gian sau nữa thì phố Ngũ Xã thực sự trở thành con phố ẩm thực với món chủ đạo là phở cuốn - phở chiên phồng. Tất nhiên lúc này, quán Hưng Bền cũng đã có một bước phát triển dài.
5. Phở Thìn Lò Đúc - tiệm phở lâu đời, béo ngậy nhất Hà Thành: Nhắc đến phở mà không nói đến phở Thìn quả thiếu sót. Với tuổi đời hơn 30 năm, phở Thìn khẳng định tên tuổi bằng món duy nhất - phở bò tái lăn. Nếu như đa số các tiệm phở truyền thống đều cố chế biến được món phở có nước canh trong trẻo nhưng vẫn đậm đà thì phở Thìn lại đi theo lối hoàn toàn khác. Nước dùng ở đây thực sự béo ngậy bởi kết hợp thịt bò xào tái, vừa ngọt vừa thơm mùi gừng, tỏi. Cách làm này tất nhiên khiến phở nhanh ngán hơn nên ít tiệm "mạo hiểm" làm theo, chỉ riêng phở Thìn bao năm nay vẫn tự tin vào bí quyết riêng để gây nghiện cho khách. Ảnh: Ẩm thực 365.
Tất nhiên, không phải ai cũng khoái món phở “mỡ màng” này song thực tế, tuổi thọ và lượng khách đông đảo mỗi ngày đã đủ chứng minh về đẳng cấp, chất lượng của tiệm phở nổi tiếng nhất nhì Hà Nội này. Ảnh: Nguoivietblog.
Thạch găng
Thạch găng là quà vặt thường mang nhiều kỷ niệm ấu thơ đối với những người con đất cảng. Ưu điểm là giá cả phải chăng, hương vị ngon ngọt, thơm mát, giúp giải khát ngày hè. Từ khi đến Hà Nội, món này chiếm được cảm tình của nhiều bạn trẻ thủ đô.
Nhắc đến cây găng, chắc hẳn nhiều người sẽ biết đến đó là một loại cây được bà con ở nhiều vùng quê trồng làm hàng rào tự nhiên. Nhưng từ những chiếc lá găng này lại có thể chế biến thành những miếng thạch mềm mượt.
Thạch găng mà một món ăn đặc sản đến từ đất cảng Hải Phòng
Ở nhiều nơi, người ta gọi thạch găng là thạch xanh vì nó có màu xanh của lá găng. Cây lá găng là loài cây thân gỗ, nhiều gai nhỏ, lá hơi tròn mọc thành bụi, thường ở các vùng trung du phía Bắc. Nhiều nơi ở vùng quê hay trồng thành hàng rào tự nhiên. Cây lá găng có nhiều loại nhưng để chế biến thạch, người làm phải chọn những cành găng gai, lá hơi thuôn, nhọn, tù ở đầu.
Theo kiểu truyền thống, lá găng rừng được đem phơi khô, bỏ hết gai sau đó rửa sạch. Lưu ý quan trọng là phải chọn lá găng khô, khi vò thạch mới ngon và không có mùi hôi. Những nguyên liệu này tiếp tục được tráng qua nước lọc, để ráo, chuyển vào rá, vò nát và đổ nước sôi, vắt kiệt đến khi hết chất trong lá. Nhiều người thường bỏ thêm chút vôi cho thạch cứng hơn.
Thạch găng có hương vị ngon ngọt, thơm mát, giúp giải khát ngày hè
Công đoạn vò lá cũng phải rất nhanh tay, chỉ chừng 10 - 15 phút. Quá thời gian này, thạch sẽ bị đông mà chưa kịp lọc. Sau khi lọc xong, chờ trong vòng một tiếng để chúng lắng xuống là có thể thưởng thức. Thạch găng có màu xanh rêu lóng lánh, mềm mịn, trơn tuột khi chạm vào lưỡi. Hương vị đặc trưng hơi chát nhưng thường được ăn kèm nước đường ngọt dịu, tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Ở Hà Nội, nhiều quán thường cho thêm trân châu hay thạch đen để làm phong phú món ăn. Một số nơi còn ăn cùng nha đam cắt khúc hoặc rót thêm giọt dầu chuối.
Loan Nguyễn (T/h)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét